Sáng gam màu Huồi Pốc

30/07/2015 16:46

(Baonghean) - Huồi Pốc xưa là rừng thiêng nước độc, giờ đã là bức tranh ấm no với màu xanh của lúa, với sinh sôi, nảy nở của hàng đàn vật nuôi. Góp mình vào bức tranh vui ngày hôm nay, có đôi bàn tay siêng năng, có khối óc năng động, có lòng kiên trì nhẫn nại của anh Bí thư chi đoàn Lương Văn Kiềng.

Không chịu đói nghèo

“Từ Thị trấn Mường Xén đến bản Noọng Dẻ của xã Nậm Cắn, rẽ tay phải, bám con đường đất nhỏ, đến tận cuối khe Huồi Pốc là trại của em ở đó”- Bí thư Chi đoàn Noọng Dẻ Lương Văn Kiềng chỉ dẫn qua điện thoại với tôi như vậy. Ngồi trên “con ngựa sắt”, đi trên chặng đường rừng dài gần 4 km, thỉnh thoảng hiện ra trước mắt chúng tôi những con dốc dựng đứng, lổn nhổn sỏi đá, có những đoạn phải vững tay lái mới lách qua những tảng đá to bè nổi trên mặt đường. Sau chừng 30 phút, tôi gặp đứa trẻ đứng bên mép đường, dừng xe hỏi trại anh Kiềng, đứa trẻ gật đầu: “Bác đi theo cháu, chú Kiềng nhờ cháu ra đường đón bác”.

Ngược con dốc lên đồi, qua những ô ruộng bậc thang nhỏ nhắn vừa mới kín lúa, trước mắt tôi là căn nhà nhỏ được dựng bên triền đồi. Lương Văn Kiềng đón tôi trong bộ quần áo lao động loang lổ bởi nhựa cây rừng bám dính, miệng cười tươi trên khuôn mặt gầy dóc, đen xạm. Nếu không được Bí thư Huyện đoàn giới thiệu trước, thì không thể biết đây là một “thủ lĩnh” Đoàn, vì nhìn bề ngoài, anh già trước tuổi. Bước lên cầu thang ghép tạm bằng thân cây rừng còn nguyên vỏ, ở góc nhà, một người phụ nữ da ngăm đen, đang ngồi bên khung cửi dệt vải. Kiềng giới thiệu với khách đây là vợ mình- Vi Thị Nang. Qua trò chuyện, được biết, chị Nang là người con gái ở bản Na Loi, xã Na Loi, cách đây mấy chục km, theo Kiềng về đây làm vợ từ năm 2001.

Mái nhà nhỏ của vợ chồng anh Lương Văn Kiềng nơi Huồi Pốc.
Mái nhà nhỏ của vợ chồng anh Lương Văn Kiềng ở Huồi Pốc.

Ngồi bên chái nhà, Kiềng vui vẻ tiếp chuyện. Cha mất sớm, một mình mẹ nuôi 9 người con, Kiềng là con thứ 8. Học hết lớp 11, Kiềng đành phải nghỉ học dở chừng vì hoàn cảnh gia đình quá khó khăn. Năm 19 tuổi, Kiềng lấy vợ, được anh chị giúp đỡ làm cho căn nhà nhỏ trong bản. Ra riêng với tài sản không có gì đáng giá. Cuộc sống vợ chồng tất thảy nhìn vào gần 1 ha nương rẫy mẹ chia cho, nên quanh năm thiếu thốn. Nhiều đêm Kiềng không nhắm được mắt, bắt tay lên trán, trăn trở, là tuổi trẻ nếu mình không chịu bứt phá cuộc sống rồi đây sẽ nghèo mãi, trong khi Kỳ Sơn đất rộng người thưa. Khe Huồi Pốc dù xa nhà, nhưng ở đó đất đai rộng lắm, có thể vào đó khoanh vùng phát triển chăn nuôi lâu dài.

Nghĩ là làm, Kiềng bàn với vợ, gửi nhà cho mẹ, vào trong đó lập nghiệp. Thuận vợ, thuận chồng, đôi trẻ mang theo vật dụng sinh hoạt vào khe Huồi Pốc dựng căn nhà nhỏ để ở. Sau khi quan sát, Kiềng nhận định, ở đây chỉ có chăn nuôi bò, dê, gà là phù hợp nhất, vì đồi núi rộng, thức ăn nhiều. Nghĩ vậy nhưng lấy tiền đâu để mua con giống, trong khi mẹ và các anh chị đều nghèo. Nghe đài, ti vi nói bà con đồng bào được vay tiền ngân hàng chính sách xã hội để làm ăn, vợ chồng đánh đường về Thị trấn Mường Xén, tìm đến Ngân hàng chính sách xã hội huyện để hỏi cách thức vay tiền. Được cán bộ ngân hàng hướng dẫn cách làm hồ sơ vay vốn, ít lâu sau vợ chồng có trong tay 15 triệu đồng làm vốn. Ngần ấy tiền, anh mua 1 con bò cái, 1 con dê sinh sản và 10 con gà giống. Kết hợp với chăn nuôi, vợ chồng tích cực phát nương làm rẫy, trồng lúa, trồng sắn, chủ động lương thực.

Chị Nang bộc bạch: Không đo được diện tích bao nhiêu ha, nhưng mỗi năm vợ chồng gieo 35 kg lúa giống, thu hoạch được 40 bao lúa. Sắn thu hoạch về, chịu khó thái nhỏ, phơi khô, làm thức ăn dự trữ cho gà. Mặc dù gà được thả đồi, nhưng mình phải dự trữ thức ăn cho chúng, khi trời mưa to không thả được, vãi cho chúng ăn. Sau hơn 10 năm bám khe Huồi Pốc, nay vợ chồng đã có bò đàn, dê bầy, lợn, gà đông đúc. Vợ chồng thổ lộ, năm nào cũng bán 1 – 2 con bò, vài ba con dê, lợn nái đẻ bao nhiêu con đều để nuôi lợn thịt, bán lấy tiền trang trải cuộc sống, trả tiền vay ngân hàng. Vợ đảm đang, lo toan mọi việc nhà cửa, con cái, tạo điều kiện cho chồng tham gia hoạt động công tác xã hội, hiện anh Kiềng là Phó Bí thư chi bộ, Bí thư Chi đoàn Noọng Dẻ. Nơi “sơn cùng thủy tận” này, mặc dù thiếu thốn về tinh thần, nhưng đôi vợ chồng trẻ vẫn động viên nhau lao động, sản xuất, ổn định cuộc sống, xứng đáng là thủ lĩnh đoàn gương mẫu cho nhiều đoàn viên, thanh niên làm theo.

Chị Vi Thị Nang (vợ anh Kiềng) chăm sóc đàn gà.
Chị Vi Thị Nang (vợ anh Kiềng) chăm sóc đàn gà.

Làm theo anh Kiềng

Cũng như bao thôn bản khác nơi vùng miền núi cao, đời sống của người dân Noọng Dẻ còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo còn cao. Nguyên nhân, phần lớn do bà con không biết cách làm ăn, thậm chí nhiều người lười lao động. Nhiều lần, anh Kiềng bàn với cán bộ bản, vận động người dân phát triển kinh tế bằng chăn nuôi lợn, gà. Ý tưởng đó được cán bộ bản đồng ý, nhưng để cho bà con chăn nuôi cho hiệu quả là vấn đề không phải dễ, vì từ trước đến nay bà con đã nuôi lợn, nhưng hiệu quả thấp. Nhiều lần đọc báo, nghe đài, xem ti vi, biết được nhiều nơi người ta giúp nhau để chăn nuôi lợn theo nhóm rất hiệu quả, qua nhiều lần họp bản, Kiềng đưa ra ý kiến, được cán bộ và bà con trong bản đồng tình ủng hộ.

Nhưng vẫn còn đây đó một số bà con không muốn lao động, ngồi chờ chính sách hỗ trợ của nhà nước. Không chịu bó tay, anh Kiềng đã trực tiếp gặp gỡ, động viên từng người, nói bà con phải tự chủ mới thoát được nghèo. Cuộc sống là của mình, mình cũng có tay chân, đầu óc, chỉ thiếu kiên trì, siêng năng mà thôi. Nói ít, rồi nói nhiều, dần dần bà con nghe cũng thông suốt. Thế là việc khó nhất cơ bản đã giải quyết được. Anh Kiềng tính, bản có 120 hộ, cần chia thành nhiều nhóm, mỗi nhóm 3 – 4 hộ để hỗ trợ chăn nuôi lợn. Nhóm đầu tiên được bản bố trí lợn giống của dự án hỗ trợ chăn nuôi của nhà nước. Sau khi lợn đẻ, mỗi hộ có trách nhiệm hỗ trợ 2 con lợn nái cho hộ của nhóm khác. Bằng cách làm đó, đến nay bản Noọng Dẻ đã có 4 nhóm chăn nuôi lợn, mang lại lợi ích thiết thực về kinh tế cho mỗi hộ dân, từng bước ổn định cuộc sống.

Ngày mới bước chân vào dựng nhà lập nghiệp ở Huồi Pốc, cả khu vực rừng núi này vắng vẻ, ít ai qua lại. Vậy mà nay đã có 6 nóc nhà, đều là vợ chồng trẻ tuổi. Anh Lương May Thiện, 1 trong 6 hộ theo anh Kiềng vào đây lập nghiệp đã 4 năm nay bộc bạch: Theo cách làm ăn của vợ chồng Kiềng, mình vào đây dựng nhà, chịu khó khai hoang được 8 vạt lúa bậc thang quanh nhà. Ngoài ra còn chăn nuôi được nhiều bò, dê… cuộc sống gia đình vì thế không còn thiếu ăn, thiếu việc làm như trước. Bây giờ vào Huồi Pốc, không những có bò đàn, dê đàn, gà bầy đông đúc… mà có cả những cánh đồng lúa bậc thang bên triền đồi, hiển hiện một bức tranh no đủ cho những con người không cam chịu đói nghèo này.

Là đảng viên, Bí thư Chi đoàn, Lương Văn Kiềng luôn bám sát nhiệm vụ, thường xuyên về với bản, vận động đoàn viên, thanh niên tích cực tham gia các hoạt động phong trào do Đoàn thanh niên phát động. Việc làm thường xuyên mà Bí thư chi đoàn quan tâm là huy động đoàn viên, thanh niên giúp đỡ những gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn sửa chữa nhà ở, làm đất sản xuất; phát dọn cây cối hai bên đường nội bản, thu dọn vệ sinh công cộng, nạo vét mương máng, quản lý và sửa chữa công trình nước sinh hoạt cộng đồng… Nhờ có sự đóng góp tích cực của Chi đoàn, bản Noọng Dẻ ngày càng sạch, đẹp hơn.

Bí thư Huyện đoàn – chị Xá Thị Xí, cho biết: Hiện Kỳ Sơn có 105 đoàn viên, thanh niên có mô hình làm kinh tế giỏi, thu nhập mỗi năm từ 40 đến 150 triệu đồng. Điều đáng khen của tuổi trẻ Kỳ Sơn, phần lớn các mô hình đều xuất phát từ đồng vốn vay ngân hàng ít ỏi, nhờ siêng năng, chịu khó, biết tận dụng lợi thế của địa phương, họ đã xây dựng được cuộc sống gia đình ổn định về tinh thần và vật chất. Với Bí thư Chi đoàn Lương Văn Kiềng, anh là một trong những điển hình của 105 mô hình phát triển kinh tế tuổi trẻ Kỳ Sơn. Không những biết vươn lên làm chủ cuộc sống mà anh Kiềng còn là một đoàn viên làm công tác dân vận giỏi, được bà con bản Noọng Dẻ và Đoàn xã Nậm Cắn ghi nhận.

Xuân Hoàng