Bảo đảm hội nhập càng nhanh càng tốt
(Baonghean) - LTS: Cho đến thời điểm hiện nay, Việt Nam đã ký kết 10 hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và đa phương, và đang xúc tiến đàm phán và tiến tới ký kết 4 hiệp định song phương và đa phương quan trọng khác. Phóng viên Báo Nghệ An đã có cuộc trao đổi với Phó vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Tài chính) Hà Duy Tùng về nội dung các FTA này và những thách thức của tiến trình hội nhập kinh tế đối với doanh nghiệp (DN) trong nước.
P.V: Thưa đồng chí, cam kết về mở cửa thị trường là một nội dung quan trọng trong hầu hết các FTA mà Việt Nam đã ký với cộng đồng quốc tế. Xin đồng chí nói rõ về mức độ tự do hóa trung bình trong các FTA chúng ta đã tham gia?
Phó vụ trưởng Hà Duy Tùng (phải) trong một cuộc họp báo. |
Phó vụ trưởng Hà Duy Tùng: Trong hầu hết các FTA mà ta đã ký kết thì mức độ tự do hóa trung bình khoảng 90% số dòng thuế, trừ hiệp định ASEAN (ATIGA) là hiệp định nội khối mới có mức cam kết tự do hóa gần 100%. Mức độ tự do hóa cuối cùng trong các FTA khác dự kiến đạt khoảng 90% số dòng thuế với thuế suất cuối cùng về 0% vào các thời điểm khác nhau tùy từng FTA. FTA hoàn thành lộ trình sớm nhất là ATIGA (2018), tiếp đó là ACFTA (2020) và AKFTA (2021). Theo đó, diện mặt hàng mà ta không cam kết xóa bỏ thuế trong hầu hết các hiệp định FTA chiếm khoảng từ 5-7% số dòng thuế bao gồm: thuốc lá, rượu bia, xăng dầu, ô - tô, một số linh kiện và phụ tùng ô - tô, một số mặt hàng sắt thép, các mặt hàng áp dụng hạn ngạch thuế quan (đường, trứng, lá thuốc lá) và các mặt hàng quốc phòng an ninh (vũ khí, thuốc nổ...).
Để triển khai cam kết trong khuôn khổ các FTA nói trên, trong giai đoạn 2015-2018, Bộ Tài chính đã ban hành các thông tư thực hiện lộ trình cắt giảm thuế quan trong các FTA đã ký kết. Hiện chúng ta đang đàm phán hiệp định Việt Nam - EU, hiệp định Việt Nam - 4 nước Bắc Âu (EFTA), hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) và hiệp định đối tác chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP).
P.V: Đồng chí đánh giá như thế nào về cơ hội, thách thức khi chúng ta gia nhập nền kinh tế quốc tế thông qua các FTA?
Phó vụ trưởng Hà Duy Tùng: Chúng ta đều biết yêu cầu và cam kết hội nhập là đòn bẩy để Việt Nam tái cơ cấu nền kinh tế, góp phần tăng trưởng kinh tế. Việc cắt giảm thuế nhập khẩu đối với các mặt hàng làm nguyên, vật liệu đầu vào cho sản xuất khiến chi phí sản xuất của DN trong nước giảm, từ đó giá cả hàng hóa cạnh tranh hơn, thúc đẩy sản xuất để xuất khẩu. Các DN cũng có thể lựa chọn các mặt hàng nhập khẩu có xuất xứ khác nhau, nâng cao năng lực cạnh tranh. Người tiêu dùng được sử dụng hàng hóa nhập khẩu và nội địa với chất lượng tốt hơn và giá cả phải chăng. Quá trình hội nhập sẽ tạo ra cơ hội to lớn trong thu hút vốn đầu tư nước ngoài, chuyển dịch luồng vốn đầu tư vào Việt Nam. Qua đó, nhiều DN được tiếp cận với các khoản vốn ưu đãi đầu tư, từ đó, đẩy nhanh cải cách, tự sắp xếp lại, chủ động chuyển hướng đầu tư, nâng cao trình độ kinh doanh, chuyển giao công nghệ để tăng khả năng cạnh tranh, tạo tư duy làm ăn mới và thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế và nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh.
Không những thế, khi hội nhập, công tác xây dựng chính sách sẽ dần được hoàn thiện, từng bước đưa hệ thống chính sách của Việt Nam tiệm cận với thông lệ quốc tế, giúp nền kinh tế Việt Nam có những bước chuyển biến rõ nét. Rõ ràng là xét về kim ngạch xuất, nhập khẩu, kể cả đối với các thị trường đã ký FTA với Việt Nam như Nhật Bản, Úc, Niu Di Lân thì vẫn còn rất nhiều cơ hội cho hàng xuất khẩu của Việt Nam. Đây là các thị trường mà Việt Nam chủ yếu xuất siêu và chưa đi đến giai đoạn mà cả Việt Nam lẫn đối tác cắt giảm sâu thuế nhập khẩu.
Bên cạnh những cơ hội đã nêu trên, quá trình hội nhập kinh tế sâu rộng cũng là nguyên nhân làm bộc lộ rõ hơn những điểm yếu cố hữu của nền kinh tế nước ta, thể hiện rõ nhất ở chất lượng tăng trưởng giảm sút. Tăng trưởng kinh tế vẫn tiếp tục thiên về chiều rộng, dựa chủ yếu vào gia tăng số lượng vốn đầu tư, khai thác và xuất khẩu tài nguyên. Trong khi đó, hiệu quả sử dụng các nguồn lực như vốn, tài nguyên thiên nhiên, đất đai… và năng suất lao động vẫn ở mức thấp.
Đối với DN trong nước, do năng lực cạnh tranh của DN Việt vẫn ở mức thấp, khu vực tư nhân đã phát triển, song quy mô vẫn còn nhỏ và gặp nhiều hạn chế về năng lực tài chính, công nghệ; chưa kể đến vấn đề các ngành sản xuất trong nước phải đối mặt với sức cạnh tranh về chất lượng và giá cả của hàng nhập khẩu. Ngoài ra, còn những thách thức nội tại khác như thị trường đất đai, lao động, vốn, công nghệ chưa phát triển đồng bộ. Các ngành công nghiệp phụ trợ chưa phát triển, nhập khẩu vẫn bị phụ thuộc nhiều vào một hoặc một vài thị trường. Cho đến nay, một số ngành công nghiệp có thế mạnh của Việt Nam như điện tử, dệt may, da giày, lắp ráp ô tô, xe máy của Việt Nam vẫn chưa có ngành công nghiệp phụ trợ thực sự phát triển. Quy hoạch phát triển ngành chưa hiệu quả kèm với năng lực cạnh tranh yếu kém dẫn đến ngành công nghiệp phụ trợ vẫn yếu kém.
Không chỉ là thách thức với DN mà ngay cả cơ quan quản lý nhà nước cũng gặp phải những thách thức rõ rệt như nhu cầu hoàn thiện và bổ sung cơ chế, các chính sách về phát triển các ngành công nghiệp, chăn nuôi trong nước, trong khi năng lực cạnh tranh vẫn còn yếu kém; Công tác tuyên truyền, phổ biến về hội nhập còn hạn chế, nhiều DN chưa nắm được nội dung các hiệp định, chưa có sự chuẩn bị kỹ cho các bước cắt giảm.
P.V: Đồng chí có thể cho biết dưới góc độ của Bộ Tài chính thì đâu là những giải pháp căn cơ, bài bản cho DN Việt Nam, nền kinh tế Việt Nam phát triển?
Phó vụ trưởng Hà Duy Tùng: Thời gian qua, để hỗ trợ DN tham gia có hiệu quả vào quá trình hội nhập, Bộ Tài chính đã tích cực thực hiện một số giải pháp của ngành Tài chính đề ra. Trước hết, đó là việc tích cực tổ chức các hoạt động tuyên truyền để nâng cao nhận thức của người dân và DN về quá trình hội nhập kinh tế của Việt Nam, giúp các DN nắm bắt để chủ động thích ứng, chủ động thay đổi, tận dụng được các cơ hội cũng như nâng cao sức cạnh tranh, khắc phục các thách thức do các FTA tạo ra. Việc đẩy mạnh cải cách các thủ tục hành chính, đặc biệt là các thủ tục về thuế và hải quan để giảm chi phí và tạo thuận lợi cho DN luôn được chú trọng thực hiện, song song với việc triển khai điều chỉnh một số chính sách thuế nội địa phù hợp để tạo thuận lợi cho DN. Ví dụ như giảm thuế suất thuế thu nhập DN từ 25% xuống 22%, bãi bỏ tỷ lệ khống chế chi cho quảng cáo, khuyến mại, áp dụng các chính sách miễn/ưu đãi thuế đối với các nguyên liệu đầu vào phục vụ sản xuất hàng xuất khẩu... Hay như chính sách miễn/ưu đãi thuế đối với các loại máy móc, thiết bị nhập khẩu tạo tài sản cố định cho các DN gia công, DN sản xuất hàng xuất khẩu và chính sách miễn thuế, ưu đãi thuế theo vùng, miền, lĩnh vực đầu tư và các ưu đãi thuế khác.
Trong thời gian tới, để DN và các cơ quan nhà nước chủ động, tích cực trong việc khai thác hiệu quả của hội nhập, DN cần chủ động, tích cực tìm hiểu thông tin các cam kết về hội nhập, tập trung tìm hiểu các mặt hàng mà DN mình kinh doanh có lộ trình cắt giảm thuế như thế nào để có chiến lược điều chỉnh sản xuất, kinh doanh phù hợp, tận dụng được các cơ hội cũng như sẵn sàng cho cạnh tranh. Cần xác định được lợi thế của mình, từ đó mới có cơ sở vững chắc để đầu tư và nâng cao năng lực cạnh tranh.
Về phía cơ quan nhà nước, bên cạnh nhiệm vụ đẩy mạnh tuyên truyền cho các DN về các cam kết của Việt Nam cũng như cam kết của các đối tác để giúp DN tận dụng được các cơ hội và đối phó vượt qua thử thách thì việc rà soát quy hoạch phát triển ngành, vùng phù hợp với tiến trình hội nhập là rất quan trọng. Việc tăng cường tham vấn cộng đồng DN để hoàn thiện khuôn khổ pháp luật nhằm thực hiện cam kết theo hướng minh bạch, ổn định cũng rất cần được thực hiện song song với quá trình đẩy mạnh cải cách TTHC, từng bước hoàn thiện môi trường kinh doanh để thu hút đầu tư cả trong và ngoài nước.
P.V: Xin cảm ơn đồng chí!
Sông Hồng
(Thực hiện)