Những nét văn hóa của cộng đồng người khơ mú: Bài cuối: Khi người về rừng thiêng
(Baonghean) - Người Khơ mú khi sinh ra đã gắn với những lễ nghi từ đặt tên, đám cưới, cúng rẫy, cúng bản… đều có những nét riêng khó tìm thấy ở những cộng đồng khác. Ngay cả khi một người lìa trần thì đám tang của của họ cũng có những nghi lễ rất đặc biệt.
Những khu rừng ma
Cũng như người Thái, người Khơ mú cư trú trong những nếp bản men theo đồi núi, có thể trên đỉnh hoặc lưng chừng núi. Nhà ở của người Khơ mú có gầm sàn thấp hơn nhà người Thái. Cả 2 cộng đồng này đều có những khu rừng ma (pá đông – tiếng Thái), là nơi chôn người chết. Linh hồn người chết cũng cư trú ở đó. Chính vì thế mà người ta chỉ vào khu rừng ma chỉ để chôn cất người chết, thường ngày chẳng ai dám bén mảng đến dù là để hái củi hay khi phải tìm trâu bò đi lạc người ta cũng rất ngại vào khu rừng nghĩa địa.
Trong đám tang của người Khơ mú, con lợn cúng tế có thể nặng hàng tạ. |
Chính vì điều này mà những khu rừng nghĩa địa được bảo tồn rất tốt và thắng cảnh rừng Săng Lẻ ở Tam Đình (Tương Dương) cũng từng là một khu nghĩa địa như thế. Vì quan niệm đó mà vô tình rừng nghĩa địa trở thành rừng thiêng. Những khu rừng ma bao bọc bản làng khiến chính các khu dân cư vùng cao cũng trở nên huyền bí khác thường.
Trong những lần đến với lòng hồ Thủy điện Bản Vẽ (huyện Tương Dương) tôi hiếm khi bỏ qua ngôi nhà của ông Lô Văn Tấn ở bản Xốp Cháo, xã Lượng Mình. Ông Tấn là “mo” của cộng đồng Khơ mú giữa mênh mông hồ nước này và là một người kể chuyện có lớp lang trước sau đều hấp dẫn. Ông Tấn bảo rằng khi người ta nằm xuống không phải đã chết đi mà do đã xong nhiệm vụ ở mường người, các Then gọi về mường Trời. Xác và một phần của linh hồn con người ra ở khu rừng ma. Đó là thế giới dành riêng cho những người đã khuất mà không ai được phạm vào.
Tang lễ phức tạp, tốn kém
Với người Khơ mú, khi một người vừa lìa trần là bắt đầu một cuộc lễ dày đặc những nghi thức độc đáo và có phần lạ lẫm như nhiều lễ hội khác mà chúng tôi có dịp tìm hiểu. Khi một ai đó vừa nằm xuống người ta trải một chiếc chiếu ra gian ngoài ngôi nhà. Nếu người vừa mất là trụ cột gia đình, người trực tiếp thờ phụng tổ tiên thì cho chân hướng vào trong về phía căn bếp thiêng. Về sau, đây sẽ là người được gia đình thờ phụng. Còn người mất là vợ hoặc con cháu của gia chủ thì cho đầu hướng vào trong, chân hướng ra ngoài. Đây sẽ là người phải tiễn về trời cùng với tổ tiên, Về sau, khi nhà có lễ cúng mới được gọi về dự bữa. Người này cũng là ma nhà nhưng không được mời ăn cơm trong các bữa ăn hàng ngày theo phong tục của cộng đồng Khơ mú.
Ông Cụt Văn Đào, một người kể chuyện trầm tĩnh sống trong ngôi nhà sàn bên bờ suối ở bản Ca Da (Bảo Thắng – Kỳ Sơn) thì kể với tôi rằng: Khi một người nằm xuống có nhiều nghi lễ lắm. Tùy vào điều kiện của gia đình mà đám tang có thể chỉ mổ một vài con lợn hoặc 2, 3 con bò, có dòng họ thì mổ trâu. Nhưng trước hết người đã mất được “cho ăn” bữa đầu tiên gồm một quả trứng luộc và kèm với vắt xôi. Người nhà cúng khấn rằng: Bây giờ người sắp về trời, hãy ăn cho khỏi đói. Trước khi cho nhập quan thức ăn được chấm vào môi người chết. Bây giờ người ta đã biết dùng hòm chứ ngày trước người ta chỉ bó xác chết bằng một vài lớp chiếu, lại còn để trong nhà mấy ngày liền mới khiêng đi chôn.
Trước đây khi chưa có phong tục cho người chết vào quan tài, mỗi lần mổ bò, hoặc lợn, người ta đều buộc một sợi chỉ vào chân trước phía bên trái của con vật cúng lễ, một đầu buộc vào tay người chết với hàm ý là để cho hồn ma đưa về trời. Sau đó chiếc chân được cắt ra để cạnh thi hài.. Trước khi cắt lấy cái chân con vật cúng tế cho người quá cố mang về trời, người ta còn giả vờ dùng gậy đánh vào con vật vài cái. Một ngọn nến sáp cũng được thắp lên để “hướng dẫn” người chết lấy lễ vật chuẩn bị về trời. Ngày nay, sáp ong đã trở nên khan hiếm, người ta dùng hương thắp thay cho nến sáp.
Trong suốt thời gian thi hài còn quàn tại nhà, mỗi ngày người ta phải 3 lần mổ lợn hoặc trâu, bò cho người chết “ăn cơm” vào các bữa sáng, trưa và tối. Cứ vậy cho đến khi tất cả anh em họ hàng thân thích gần xa đều đã đến viếng người chết mới được đưa vào khu rừng nghĩa địa chôn cất. Chính vì phong tục này mà đám tang thường kéo dài đến 3 ngày. Nhiều khi thi thể người chết đã bốc mùi khó chịu. Ngày nay hầu như những cộng đồng Khơ mú xa xôi như bản Ca Da tục ma chay cũng đã được cải tiến nhiều. Người ta để lâu nhất cũng chỉ một ngày đêm. Còn nếu chọn được giờ đẹp người chết có thể được chôn cất ngay trong ngày.
Mỗi người có 3 phần hồn vía
Khi đem người chết ra rừng chôn cất người ta còn mang theo chiếc đầu của một trong những con vật đã cúng tế để người chết đưa về trời. Chiếc đầu được đốt cháy phần thịt ngoài chỉ còn trơ xương. Lễ chôn cất thường diễn ra nhanh chóng, vì trước đó đã có một đội đi đào sẵn huyệt. Sau khi chôn cất ai nấy đều nhanh chóng trở về nhà, không dám ngoảnh mặt lại vì sợ ma theo về. Trên đường trở về không ai quên ngắt lấy một nắm lá rừng để gọi vía của những người thành viên còn sống trong gia đình không được đi lạc. Số lá cây tùy thuộc vào số người trong nhà mỗi người tham gia chôn cất người quá cố.
Trở về nhà có tang lễ, những người tham gia chôn cất được làm lễ gọi vía và cầu an. Thầy mo cắt mỏ 1 con gà để lấy tiết và gọi từng người đứng vào nơi làm lễ bôi tiết gà lên đầu gối theo hướng từ trên xuống dưới rồi khấn rằng: Từ nay mọi điều không may hãy xuôi theo dòng máu chảy này nhé. Sau đó thầy mo lại cắt mỏ con gà thứ 2 lấy tiết bôi vào đầu gối của từng người theo hướng từ dưới lên, lại khấn rừng niềm vui và sức khỏe hãy chảy về theo dòng máu này.
Sau đám tang 3 ngày, một nghi lễ nữa được tổ chức. Một con chó được mổ thịt. Tiết chó lại được dùng để cầu an cho những thành viên trong gia đình. Những thành viên là vợ, hoặc chồng, con cái trong nhà của người quá cố được thầy mo bôi tiết lên đầu gối với ý nghĩa gọi những niềm vui, no ấm về với từng người. Cái đầu chó được cắm vào đầu một chiếc cọc gỗ đem dựng trên lối vào bãi tha ma. Người ta làm sao cho răng hàm con chó nhe ra với ý nghĩa đe nẹt những ma xấu bụng chớ có mà về quấy quả cuộc sống con người.
Ông Đào cho hay, người Khơ mú quan niệm rằng mỗi người khi chết đi đều có 3 hồn vía. Một phần đi lên trời sống trong những bản mường của các Then. Một phần hồn ở lại trong khu rừng nơi có ngôi mộ của người đã khuất. Một phần nữa trở về nhà để bảo vệ cuộc sống của người đang còn sống.
Người ta cũng tin rằng những ai khi đang ở nhân gian thường làm điều xấu như trộm cắp thường không về được mường trời. Họ phải bơ vơ trong không trung như những cô hồn. Những ai khi đang sống hay làm điều thiện sẽ được các Then mở cổng cho vào ở mường trời.
Bài, ảnh: HỮU VI – ĐÀO THỌ