Cúm gia cầm H5N8 đã "hạ cánh" xuống châu Âu

20/11/2014 07:13

(Baonghean) - Virus cúm gia cầm H5N8 đã xuất hiện lần đầu tiên ở châu Âu. Ủy ban châu Âu đã phải tuyên bố triển khai các biện pháp khẩn cấp để ngăn chặn ổ dịch lây lan rộng ra toàn châu lục.

Một trang trại nuôi vịt tại Nafferton, Anh.
Một trang trại nuôi vịt tại Nafferton, Anh.

TIN LIÊN QUAN

Xuất hiện tại châu Á từ 3 hoặc 4 năm về trước, virus H5N8 đặc biệt nguy hiểm với nguy cơ lây nhiễm sang người. Đầu tháng 11, một trang trại chăn nuôi 30.000 con gà tây ở Đức, sát biên giới Ba Lan đã được phát hiện nhiễm cúm H5N8. Ngay sau đó, các nhà chức trách Hà Lan cũng thông báo một trang trại gia cầm với đàn gà lên đến 150.000 con ở miền Trung Hà Lan nhiễm dịch. Đặc biệt, đây cũng là một trong những vùng có mật độ gia cầm chăn nuôi tập trung cao nhất châu Âu. Mới đây nhất, đến lượt Anh thông báo với Ủy ban châu Âu về trường hợp một trang trại chăn nuôi 6.000 con vịt nhiễm virus cúm H5N8.

Các biện pháp nghiêm ngặt đã được thực hiện ở Anh và Hà Lan nằm trong chủ trương chỉ đạo đối phó với cúm gia cầm nói chung của châu Âu từ năm 2005. Cụ thể: tiêu huỷ toàn bộ gia cầm tại các trại chăn nuôi và điểm giết mổ, tiêu thụ được xác nhận nhiễm virus; thiết lập vùng cách ly, cấm xuất các sản phẩm từ gia cầm như thịt, trứng, nông cụ, chất thải động vật trong phạm vi bán kính tuỳ thuộc vào mật độ gia cầm tại điểm cách ly và khu vực xung quanh. Tại Đức - nơi các biện pháp kể trên được áp dụng từ ngày 6/11, tình hình được thông báo là "đã ổn định trở lại", theo Ủy ban châu Âu.

Hà Lan thậm chí còn thận trọng hơn khi ra lệnh "đóng băng hoàn toàn ngành khai thác gia cầm” tại quốc gia này. Gia cầm và trứng bị cấm lưu chuyển trên cả nước cho đến khi lệnh cấm được dỡ bỏ. Một nguồn tin châu Âu giải thích: "Người Hà Lan muốn tránh lặp lại tấn thảm kịch của dịch cúm gia cầm năm 2003 (cúm H5N7). Lúc đó, người ta đã phải tiêu huỷ 25 triệu con gà và một bác sỹ thú y đã thiệt mạng vì nhiễm dịch". Hiện mẫu virus từ các ổ dịch đầu tiên đang được nghiên cứu tại phòng thí nghiệm châu Âu đặt tại Weybridge, gần London. Thông tin mới nhất của Ủy ban châu Âu cho biết: "Mẫu virus H5 ở Anh giống với mẫu H5N8 được tìm thấy ở Hà Lan và Đức".

Về phương thức lây lan của virus, giả thiết mà Brussels cho là khả thi nhất là thông qua phân của thiên nga hoang dã. Những vật chủ mang virus lành tính này (H5N8 không gây hại đến thiên nga) đang trong thời kỳ di cư từ phía Bắc về phía Nam châu Âu. Ủy ban châu Âu cảnh báo: "Sẽ không có gì là ngạc nhiên nếu phát hiện thêm các ổ dịch ở Bỉ và Pháp, trên lộ trình đi trú đông của các loài chim di cư". Tuy nhiên, người ta cũng cho rằng nguy cơ bùng phát dịch lớn là rất thấp. H5N8 đặc biệt nguy hiểm trên gia cầm và vẫn đang gây bệnh tại Trung Quốc và Hàn Quốc, tuy nhiên chưa có trường hợp nào lây nhiễm sang người. Ông Vincent Enouf, nhà virus học và Phó Chủ nhiệm Trung tâm nghiên cứu virus cúm quốc gia, Viện nghiên cứu Pasteur nhận định:"Các quốc gia châu Âu đã phát hiện ổ dịch đều có đầy đủ phương tiện để xử lý, ngăn chặn dịch lây lan. Tuy nhiên, vẫn phải thận trọng theo dõi tình hình tiến triển của cúm gia cầm H5N8".

Các dịch cúm gia cầm trước đều có tiền lệ biến chủng và lây nhiễm sang người, dẫn đến các biến chứng trầm trọng có thể gây tử vong như viêm phổi, khó thở. Năm 2003, cúm H5N1 xuất hiện và khiến 400 người tử vong ở Đông Nam Á. Từ năm 2013 đến nay, cúm H7N9 đã gây ra hơn 170 ca tử vong. Vincent Enouf cho biết: "Người bị nhiễm bệnh thông qua tiếp xúc với gia cầm, trong những môi trường mà mật độ các phân tử làm vật trung gian truyền virus trong không khí rất cao. Cụ thể như ở Trung Quốc nơi mà người chăn gia cầm sinh hoạt, ngủ nghỉ gần với chuồng trại. Nếu không, chưa có chủng cúm gia cầm nào truyền trực tiếp từ người sang người". Như vậy, ở châu Âu - nơi mà các phương tiện và nhận thức xử lý dịch bệnh nhìn chung khá tốt, nguy cơ lây nhiễm sang người không cao. Ảnh hưởng lớn nhất của cúm gia cầm có khả năng là thị trường tiêu thụ cũng như thói quen của người tiêu dùng các sản phẩm từ gia cầm.

Thục Anh

Theo Le monde