Nét xưa làng Quỳnh

15/11/2014 14:18

(Baonghean) - Quỳnh Đôi (Quỳnh Lưu) là làng văn hóa cổ, nổi danh về truyền thống hiếu học và khoa bảng. Nơi đây vẫn còn lưu dấu của một miền quê thuần khiết bởi có đền Thần linh thiêng, đình làng cổ kính rêu phong, những ngôi nhà cổ tồn tại hàng trăm năm ẩn dưới rặng tre xanh mát...

(Baonghean) - Quỳnh Đôi (Quỳnh Lưu) là làng văn hóa cổ, nổi danh về truyền thống hiếu học và khoa bảng. Nơi đây vẫn còn lưu dấu của một miền quê thuần khiết bởi có đền Thần linh thiêng, đình làng cổ kính rêu phong, những ngôi nhà cổ tồn tại hàng trăm năm ẩn dưới rặng tre xanh mát...

Quãng này về Quỳnh Đôi, mùi hương trầm của làng nghề đã quẩn quanh khắp làng. Mùi hương trầm ấy đưa chúng tôi đến với di tích họ Hồ đại tộc (thôn 4) - nơi thờ cụ Hồ Kha - người đã có công khai cơ lập làng, cùng nhân dân góp phần xây dựng và bảo vệ quê hương, đất nước, được Vua phong sắc Thần Hoàng Hồ khai cơ, sắc phong ấy được con cháu treo trang trọng ngay gian giữa của di tích. Trên diện tích hơn 6.000m2, di tích đang trở thành điểm đến hấp dẫn không chỉ với du khách trong tỉnh, trong nước mà còn có cả du khách nước ngoài. Di tích không chỉ hấp dẫn bởi nét cổ kính, uy nghi của kiến trúc nhà thờ xưa, mà còn là nơi giáo dục truyền thống hiếu học của con cháu trong dòng họ Hồ nói riêng, của đất học Quỳnh Đôi nói chung với những hàng bia dẫn tích của các nhà Nho, nhà yêu nước nổi tiếng xứ Nghệ: Hồ Xuân Hương, Hồ Phi Tích, Hồ Sỹ Dương, Hồ Tùng Mậu… Xung quanh di tích được bao bọc bởi ao sen, súng, những rặng cây xanh mát quanh năm như hoa đại, phi lau, xà cừ, vạn tuế, lộc vừng…

Khuôn viên di tích nhà thờ họ Hồ Sỹ Dương, xã Quỳnh Đôi (Quỳnh Lưu)
Khuôn viên di tích nhà thờ họ Hồ Sỹ Dương, xã Quỳnh Đôi (Quỳnh Lưu)

Trong câu chuyện về truyền thống hiếu học của dòng họ Hồ, ông Hồ Ngọc Toàn - Trưởng Ban cán sự họ phấn khởi cho biết: Những năm qua, chúng tôi đã làm tốt công tác xã hội hóa để bảo tồn, phát huy giá trị di tích nhà thờ họ, trung bình mỗi năm có khoảng 100 triệu đồng dành cho công tác trùng tu, tôn tạo, sửa chữa và mua sắm những hiện vật cần thiết. Để huy động được nguồn đóng góp của con em xa quê thành đạt, chúng tôi thành lập Ban liên lạc, rà soát lại danh sách, nếu ai ở gần thì đến tận nhà để trao đổi, ai ở xa thì viết thư, gọi điện. Ngoài ra, hàng năm vào dịp tế tổ (ngày 11, 12 tháng Giêng âm lịch), chúng tôi trực tiếp kêu gọi con cháu bằng tấm lòng của mình góp công, góp của xây dựng nhà thờ họ ngày càng khang trang - không chỉ là nơi thờ tự tổ tiên, ông cha, mà còn là nơi để con cháu tìm về những ngày đại lễ, ngày tết, ngày hội làng đầu xuân…

Cùng với di tích nhà thờ họ Hồ, di tích đình làng - nơi gặp gỡ của các sỹ phu yêu nước trong phong trào Văn thân Cần Vương cũng đã được nhân dân góp công, góp của trùng tu, tôn tạo. Đình xây theo kiểu tứ trụ, mái chuông, lợp ngói nam ta, vì kèo được chạm trổ hoa văn. Trước sân dựng 2 bia đá nói về lịch sử xây dựng và trùng tu đình. Trước đây, đình là trung tâm hành chính, văn hoá của làng - là nơi diễn ra mọi sinh hoạt chung của cả làng. Ông Hồ Đức Thắng – cán bộ văn hóa xã Quỳnh Đôi cho biết: Cùng với bảo tồn di tích đình làng, từ năm 2012, Lễ hội Kỳ phúc – một lễ hội truyền thống của làng Quỳnh đã được khôi phục và tổ chức ngay tại ngôi đình này sau hơn 60 năm thất truyền.

Đây là hoạt động góp phần bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa phi vật thể, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hoá tâm linh của nhân dân trong xã và du khách thập phương, hướng tới xây dựng Quỳnh Đôi thành điểm du lịch văn hóa làng xã. Nét đặc sắc của Lễ Kỳ phúc là cầu chúc cho mọi người, cho bách tính được may mắn, hạnh phúc trong năm mới, sâu xa hơn là sự đồng tâm hợp lực, đoàn kết cộng đồng. Những ngày diễn ra lễ hội truyền thống của làng, nhân dân trong xã cũng như con em của quê hương đang học tập, công tác, làm việc khắp mọi miền đất nước và du khách thập phương cùng về hội tụ bày tỏ lòng tri ân, tưởng nhớ tới công lao của các thế hệ cha, ông đã có công khai cơ lập làng. Ngoài Lễ hội Kỳ phúc được tổ chức tại đình làng, hàng năm vào mồng 2 Tết nguyên đán, làng Quỳnh còn tổ chức hội khai bút đầu xuân. Qua đó góp phần giáo dục truyền thống, khơi dậy tinh thần thi đua học tập.

Ông Nguyễn Ngọc Quý - Phó Chủ tịch thường trực Hội Khuyến học xã Quỳnh Đôi cho biết: “Tục khai bút đầu năm trước đây thường được các thầy đồ, nho sinh, sỹ tử, nho gia trong làng Quỳnh Đôi thực hiện vào thời khắc sau giao thừa trước bàn thờ gia tiên để cầu mong cho một năm phát tài về đường học hành, khoa cử. Hiện nay, Lễ khai bút truyền thống này đã được thay đổi về hình thức và chọn ngày mồng hai tháng Giêng hàng năm để mở hội, thu hút hàng trăm con cháu trong làng tham dự. Mỗi dịp tết đến xuân về, con em trong xã lại háo hức chờ mong đến ngày làm lễ khai bút để được nghe các cụ kể về truyền thống khoa bảng của quê hương, cùng nhau viết nên những dòng thơ, câu văn nhằm ca ngợi sự đổi mới trong giai đoạn hiện nay. Có người tự làm một bài thơ, họa một bức tranh, một cành hoa, có người lại viết những dòng cảm xúc của mình theo chủ đề mùa xuân, quê hương, đất nước. Đây chính là nét đẹp truyền thống mà nhiều thế hệ con em làng Quỳnh vẫn giữ gìn, phát huy”.

Đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần của nhân dân gắn với xây dựng nông thôn mới, thời gian qua, bên cạnh bảo tồn, gìn giữ những giá trị văn hóa của cha ông để lại, xã cũng đã quan tâm củng cố, xây dựng, hoàn thiện thiết chế văn hóa thông tin trị giá hàng chục tỷ đồng. Đến nay, 8/8 thôn đều có nhà văn hóa gắn với sân chơi, bãi tập. Mỗi nhà văn hóa có một tủ sách pháp luật. Phong trào cưới theo nếp sống văn hóa mới được nhiều gia đình, cán bộ, đảng viên và nhân dân hưởng ứng và thực hiện tốt. Trong việc tang đã giảm một số hủ tục lạc hậu như không thuê ban nhạc, không rải vàng mã... thể hiện nét văn minh trong hoạt động văn hóa tâm linh. Chất lượng phong trào xây dựng gia đình văn hóa, làng văn hóa ngày càng được nâng lên. Tỷ lệ danh hiệu gia đình văn hóa, làng văn hóa hàng năm đạt từ 82-90%, gia đình thể thao đạt 28%; 8/8 thôn liên tục giữ vững danh hiệu làng văn hóa.

Ông Hồ Quang Tuấn - Phó Chủ tịch UBND xã Quỳnh Đôi khẳng định: Hiện trên địa bàn xã có 12 di tích (trong đó có 7 di tích cấp quốc gia, 2 di tích cấp tỉnh), là một trong những xã có hệ thống di tích cấp quốc gia dày đặc nhất trên địa bàn tỉnh, tiêu biểu như di tích họ Hồ đại tộc, di tích họ Nguyễn Triệu Cơ, di tích họ Hoàng Khánh, di tích Đình làng, di tích đền thờ và mộ Hồ Sỹ Dương, Hồ Tùng Mậu, Hồ Xuân Hương, Hồ Phi Tích… và hệ thống di tích các nhà thờ họ khác trong làng được con cháu trong dòng họ bảo tồn, phát huy. Trong xây dựng nông thôn mới, Quỳnh Đôi xác định phải đi lên từ văn hóa, lấy văn hóa làm khâu đột phá, làm nền tảng để phát triển KT-XH, trong đó gắn kết giữa văn hóa truyền thống và văn hóa hiện đại tạo nên bản sắc riêng của làng văn hóa đầu tiên được UBND tỉnh công nhận. Vì thế trong thời gian tới, xã chọn phát triển văn hóa gắn với du lịch là mũi nhọn trong xây dựng nông thôn mới. Đó cũng chính là lợi thế của Quỳnh Đôi khi địa phương luôn là địa chỉ quen thuộc của du khách khi về với du lịch biển Quỳnh.

Bài, ảnh: Thanh Thủy - Thu Hương