Viết nên điều kỳ diệu...
(Baonghean) - Mỗi năm, có hàng trăm trẻ em bất hạnh trên địa bàn tỉnh được các tổ chức trong và ngoài nước chung tay, giúp đỡ, hỗ trợ phẫu thuật các bệnh về mắt, tim bẩm sinh, sứt môi hở hàm ếch. Với sự chung tay đó, hạnh phúc đã mỉm cười với những số phận thiệt thòi...
Một sáng trung tuần tháng 7, chúng tôi đến thăm gia đình cô bé Nguyễn Thị Trung ở xóm Tân Hà, xã Võ Liệt, huyện Thanh Chương. Dáng người mảnh khảnh nhưng khá nhanh nhẹn, Trung chăm chỉ quét dọn nhà cửa, chăm đàn gà, vịt... Nhìn cô bé có gương mặt sáng và lanh lợi ấy, ít ai biết rằng, trước đây em từng bị khuyết tật bẩm sinh. Từ khi mới sinh ra, đôi chân em đã bị co quắp. Đáng thương hơn, khi mới chừng 2 tháng tuổi, mẹ em đã bỏ gia đình mà đi. Mãi đến năm lên 2 tuổi, em mới chập chững những bước đi đầu tiên trên 2 đầu gối.
Người bố dù phải lao động cật lực, cũng chỉ đủ chăm lo cho những sinh hoạt hằng ngày của cả gia đình (với người mẹ già và 2 đứa con nhỏ). Chưa kể biết bao nhiêu lần anh phải chạy vạy thuốc men cho đứa con gái ốm yếu. Chưa một lần anh Nguyễn Văn Long (bố Trung) nghĩ con gái của mình được đi trên đôi chân lành lặn. Hạnh phúc mỉm cười với em khi một lần Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh về Thanh Chương tổ chức khám sàng lọc, Trung đã được khám và chẩn đoán bệnh. May mắn hơn, quỹ còn kết nối được với TS. Bác sỹ Lê Đức Tố, Giám đốc Bệnh viện Ngoại Khoa và Chấn thương chỉnh hình Phương Đông Thành phố Hồ Chí Minh để trực tiếp phẫu thuật cho em.
Đồng cảm với hoàn cảnh éo le của cô bé tật nguyền, Hội thiện nguyện “Góp một bàn tay” đã nhận hỗ trợ 70% chi phí phẫu thuật, phần chi phí còn lại, Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh đã đứng ra vận động những tấm lòng hảo tâm, để cô bé có được cơ hội chữa trị. Hè 2009, lúc ấy, Trung tròn 4 tuổi, em được bố đưa vào TP. Hồ Chí Minh để phẫu thuật khớp gối. Sau đó, em kiên trì “khổ luyện” với các bài tập vật lý trị liệu tại trung tâm điều trị của quỹ. Đến nay em đã có thể tự bước đi, được đến trường cùng bạn bè mỗi ngày. Với gia đình cô bé, đó quả là điều kỳ diệu. “Tôi chưa bao giờ mơ tới ngày con có thể đứng lên và bước đi. Thế mà giờ cháu đã tự chăm sóc bản thân và đỡ đần bố việc nhà và đi học được như các bạn. Giờ đây, các mạnh thường quân vẫn thường hỗ trợ tiền học cho cháu, giúp cháu có cơ hội vươn lên...”, bố em rưng rưng hạnh phúc.
![]() |
Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh phối hợp tổ chức khám sàng lọc cho trẻ khuyết tật. |
Một câu chuyện kỳ diệu khác cũng được viết nên bởi tình yêu thương, đó là hoàn cảnh em Đặng Thuỳ Dương (4 tuổi) ở xóm 7, xã Quỳnh Ngọc (Quỳnh Lưu). Mắc bệnh tim từ khi mới lọt lòng, bố mẹ em phải bán cả đất đai mà ông bà để lại được gần 40 triệu đồng để dồn tiền phẫu thuật tim cho em. Sau đó, hàng tháng, bố mẹ phải đưa em ra tận Hà Nội để khám định kỳ; tiền đi lại, thuốc men... tốn kém mà bệnh tình chỉ đỡ được một thời gian lại tái phát. Căn bệnh tim hở van hai lá, khiến em luôn trong tình trạng phải giành giật sự sống với tử thần. Chỉ trong vòng 3 năm, em phải trải qua 4 lần phẫu thuật. Đồng cảm với hoàn cảnh éo le của gia đình em, các nhà hảo tâm đã luôn đồng hành tận tâm. Mỗi lần phẫu thuật, em đều được các nhà hảo tâm ủng hộ. Chị Trần Thị Duyên, mẹ của Thuỳ Dương, nghẹn ngào khi nhắc đến sự đồng cảm, yêu thương của cộng đồng dành cho gia đình chị: “Gia đình tôi thực sự biết những tấm lòng hảo tâm đã giúp đỡ, cưu mang và cho cháu cơ hội được sống. Bởi nếu không có sự giúp đỡ lớn lao ấy, gia đình tôi cũng đành bất lực...”.
Cũng mắc bệnh tim bẩm sinh nhưng vì gia đình quá khó khăn, không có điều kiện khám sức khoẻ định kỳ nên mãi đến năm 12 tuổi, em Lê Thị Hiền quê ở xóm 4, xã Hưng Trung (Hưng Nguyên) mới phát hiện bệnh qua một đợt khám sàng lọc miễn phí được tổ chức tại trường học. Em là con thứ 8 trong gia đình có hai anh chị bị tật nguyền không có khả năng lao động, bố mẹ làm nông nghiệp nên cuộc sống vô cùng nghèo khó. Từ bé, Hiền đã gầy yếu và còi cọc do bệnh tật, bố mẹ lại không có điều kiện chăm sóc. Lên lớp 6 mà em chỉ nặng hơn 20 kg, bé nhất lớp. Thế nhưng bố mẹ em không hay biết em bị suy tim khá nặng. Phát hiện con bị bệnh nhưng gia đình quá khó khăn, không thể lo nổi cho em nên bố mẹ em đã làm đơn “cầu cứu” sự giúp đỡ.
Thương cảm với hoàn cảnh éo le, Hội tình nguyện “Hiểu về trái tim” đã chung tay với một số nhà hảo tâm khác hỗ trợ gần 30 triệu đồng để em được phẫu thuật. Đầu năm 2015, được sự giúp đỡ của cộng đồng, em Hiền đã được phẫu thuật. Giờ đây cô bé đã khoẻ mạnh hơn, không còn cảm giác bị tức ngực, khó thở mỗi khi vận động hay trái gió trở trời... Gia đình, bố mẹ em đã bớt đi một gánh nặng mà dẫu biết có cố gắng bao nhiêu đi nữa cũng không thể nào lo nổi.
Những tấm lòng thiện nguyện, những trái tim nhân ái đồng hành với những số phận thiệt thòi, bất hạnh, chính là những “ngọn lửa” thắp lên trong các em niềm tin yêu cuộc sống. Trong số những mạnh thường quân đã gắn bó thân thiết nhiều năm nay với những trẻ em khuyết tật Nghệ An, có bác sỹ Lê Đức Tố, Giám đốc Bệnh viện Ngoại Khoa và Chấn thương chỉnh hình Phương Đông Thành phố Hồ Chí Minh. Mặc dù đã ngoại tuổi lục tuần nhưng bác sỹ Tố vẫn miệt mài với công việc thiện nguyện mà ông luôn cho rằng đó là “sứ mệnh” của một lương y. Đã ngót chục năm nay, mỗi năm đều đặn từ 2-3 lần, ông về Nghệ An để tham gia các chương trình khám sàng lọc và phối hợp với một số cơ sở y tế trong tỉnh trực tiếp phẫu thuật cho hàng chục trẻ bị khuyết tật vận động.
Với những trường hợp trẻ mắc các dạng khuyết tật đặc biệt, ông đưa vào Bệnh viện Ngoại Khoa và Chấn thương chỉnh hình Phương Đông Thành phố Hồ Chí Minh nơi ông quản lý, với các trang thiết bị hiện đại để trực tiếp phẫu thuật và điều trị cho các em. Trung bình mỗi năm bệnh viện của ông tiếp nhận hỗ trợ để phẫu thuật cho từ 1-5 trường hợp trẻ bị khuyết tật vận động của tỉnh Nghệ An. Không chỉ trực tiếp phẫu thuật cho từng ca trẻ khuyết tật vận động, bác sỹ giàu lòng nhân ái ấy còn tự mình đứng ra kêu gọi và là cầu nối để Hội thiện nguyện “Góp một bàn tay” (Hội từ thiện của hơn 20 Việt kiều ở nước ngoài) chung tay giúp đỡ những trẻ em kém may mắn. Nhờ đó, Hội thiện nguyện “Góp một bàn tay” đã gắn bó với các chương trình phẫu thuật - chỉnh hình cho trẻ khuyết tật từ năm 2008 đến nay. Mỗi năm hội hỗ trợ kinh phí phẫu thuật cho từ 80 - 100 trường hợp trẻ khuyết tật. Chia sẻ về những việc làm thiết thực đầy ý nghĩa của mình giúp đỡ những trẻ em kém may mắn, bác sỹ Lê Đức Tố tâm sự: “Có niềm hạnh phúc nào hơn khi nhìn các em lành lặn, khoẻ mạnh trở lại, tự tin, vui sống, gia đình và xã hội bớt đi gánh nặng. Điều đó thôi thúc tôi luôn nỗ lực góp sức mình cho các hoạt động thiện nguyện vì trẻ thơ”.
Hiện trên địa bàn tỉnh vẫn còn hơn 12 nghìn trẻ em khuyết tật, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Những mảnh đời nhỏ bé đang cần lắm những bàn tay nhân ái, những tấm lòng hảo tâm, giúp đỡ, hỗ trợ giúp các em có điều kiện hoà nhập với cộng đồng và vươn lên trong cuộc sống. Tin rằng, sẽ có thêm rất nhiều những câu chuyện “cổ tích đời thường” được viết nên bởi tình nhân ái. Không chỉ trao cho các em đôi chân để tự bước đi, những trái tim khoẻ mạnh hay nụ cười lành lặn mà tình yêu thương của cộng đồng còn tiếp thêm niềm tin, nghị lực để các em vươn lên trong cuộc sống. Và, mỗi em nhỏ được thay đổi cuộc đời mình sẽ vô cùng trân quý tình yêu thương cao cả ấy và từ đó các em biết chia sẻ yêu thương và sống nhân ái với mọi người.
Đinh Nguyệt
Ông Phan Sỹ Hiền, Phó Giám đốc Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh cho biết, mỗi năm có hàng trăm đơn vị, doanh nghiệp và cá nhân trong và ngoài tỉnh tài trợ cho các chương trình phẫu thuật cho trẻ khuyết tật. Trong 6 tháng đầu năm 2015, Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh đã huy động được gần 4,7 tỷ đồng, khám sàng lọc cho hơn 3.000 trẻ khuyết tật; hỗ trợ phẫu thuật 25 trẻ bị tim bẩm sinh, 40 trẻ em bị bệnh khuyết tật vận động, 30 trẻ bị các bệnh về mắt; điều trị cho gần 50 lượt bệnh nhân bị bệnh về vận động, bại não... Những năm qua, nhiều công trình dành cho trẻ em được xây dựng từ nguồn tài trợ của các doanh nghiệp, nhà hảo tâm; đó là 65 công trình nước sạch và vệ sinh cho các trường mầm non vùng khó khăn, 833 nhà tình thương cho trẻ em không nơi nương tựa, trẻ em nghèo, 34 điểm vui chơi, tặng 208 bộ thiết bị vui chơi... |