Vị đại sứ và câu chuyện về nước mắm!

22/06/2015 16:05

(Baonghean) - Đại sứ Palestine Saadi M.H. Salama là người có thâm niên công tác tại Việt Nam khá lâu, có vốn hiểu biết về Việt Nam và khả năng sử dụng tiếng Việt khá sành sỏi. Tại phiên thảo luận về “Bảo tồn giá trị văn hoá trong mối quan hệ với phát triển du lịch bền vững” (Hội nghị Gặp gỡ Địa phương – Ngoại giao đoàn vùng Bắc Trung bộ 2015, diễn ra tại TP. Vinh), nội dung ý kiến phát biểu của ông Salama có đoạn rất bất ngờ, dí dỏm: “Với tư cách là một tiếng nói trung gian, tôi mời các nhà ngoại giao hãy thử nước mắm Việt Nam, thật tuyệt!”.

Đại sứ đặc mệnh toán quyền Nhà nước Palestine tại Việt Nam, ông Saadi M.H.Salama trong lễ ký kết Hiệp định tránh đánh thuế hai lần. Nguồn: FinancePlus.vn
Đại sứ đặc mệnh toán quyền Nhà nước Palestine tại Việt Nam, ông Saadi M.H.Salama trong lễ ký kết Hiệp định tránh đánh thuế hai lần. Nguồn: FinancePlus.vn

Ông Salama nói thời gian đầu mới sang sinh sống ở Việt Nam, khi được mời dùng nước mắm quả thực là rất khó quen. Vì nước mắm có mùi hôi khá nặng. Thậm chí có vẻ như đó là mùi xác của hải sản, và mùi đó lại lưu khá lâu. Cảm giác ban đầu có thể nói là không dể chấp nhận chút nào. Nhưng thấy mọi người và mọi miền ở Việt Nam đều có thể dùng nước mắm, và dùng tất cả các bữa ăn trong ngày, nên ông cũng kiên trì sử dụng. Rồi đến một ngày, ông thấy quen miệng, thấy ngon, và đến nay thì bữa ăn của ông sẽ rất “nhạt”, rất thiếu thú vị nếu không có nước mắm. Làm nhiệm vụ ngoại giao được đi nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ, ông Salama cho rằng nước mắm Việt Nam là món ăn, món ẩm thực rất đặc trưng, khó có thể trộn lẫn. Và khi đã quen với nước mắm Việt Nam thì tất cả mọi thứ nước chấm trên đời này đều trở nên rất “nhạt”. Điều đó có nghĩa là nước mắm Việt Nam rất đáng yêu, rất đáng tự hào. Ông Salama yêu Việt Nam và trong tình yêu đó dĩ nhiên có cả mùi vị của thứ nước chấm rất đặc trưng này.

Tuy nhiên, ông Salama cũng cho rằng việc giới thiệu và quảng bá về nước mắm Việt Nam còn rất hạn hẹp. Thế giới biết về nước mắm Việt Nam chưa nhiều và đó là điều thiệt thòi cho cả thế giới và Việt Nam vì món ngon đó chưa trở thành nguồn lợi về kinh tế, chưa có tên trên bản đồ du lịch ẩm thực.

Theo ngài Salama, thậm chí khi du khách ngoại quốc đã đến thăm Việt Nam thì không phải ai cũng đã được biết hay nếm thử món nước mắm Việt Nam. Ngay cả với các đại sứ, các nhà hoạt động ngoại giao khi đến làm việc và sinh sống tại Việt Nam vẫn có không ít người giữ thói quen mang theo thức ăn, nước chấm từ quê hương. Điều đó có thể cắt nghĩa vì nhiều người còn chưa vượt qua được cảm giác ban đầu, cùng với đó là vấn đề giới thiệu, quảng bá về nước mắm còn hạn chế, thậm chí ông có cảm giác hình như bản thân người Việt Nam còn “mặc cảm” với nước mắm nên không đem ra giới thiệu (?).

Ở Việt Nam, bên cạnh nước mắm còn có những món, thức khác rất ngon, và mỗi vùng miền đều mùa nào thức ấy, rất nhiều điều thú vị để khám phá. Cũng như thế, không chỉ ẩm thực, mà cả danh lam thắng cảnh, phong cảnh tự nhiên, có vô vàn những di sản thiên nhiên và di tích lịch sử văn hóa mà chỉ khi đến rồi du khách mới thực sự trầm trồ vì vẻ đẹp và sự giàu có của nó.

Từ đó có thể thấy tiềm năng du lịch của Việt Nam rất nhiều, và cần thúc đẩy nhanh để các tiềm năng này đến với thế giới một cách mạnh mẽ hơn, nhanh chóng hơn. Bởi khi đã trở thành của chung, đã phát huy được giá trị, thì điều đó cũng đồng nghĩa với việc đã góp phần vào việc bảo tồn một cách thiết thực. Bởi khi đã trở thành sản phẩm du lịch, khi đã được mọi người biết đến thì chúng ta sẽ không lo sợ nó bị mai một, bị biến dạng hoặc biến mất nữa.

Ngô Kiên