Hoa Kỳ sẽ sớm trở thành thị trường số 1 của Việt Nam

15/07/2015 21:31

Với đà tăng kim ngạch xuất nhập khẩu từ 2,89 tỷ USD năm 2002 lên 35 tỷ USD năm 2014, Hoa Kỳ sẽ sớm trở thành thị trường số 1 của Việt Nam.

Theo Bộ Công Thương, đến nay, Hoa Kỳ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với tỷ trọng 19,7%. Trong hơn 20 mặt hàng thì có tới 7 mặt hàng có giá trị xuất khẩu 1 tỷ USD/năm, cao nhất là dệt may, giày dép, đồ gỗ, thủy sản...

Xuất khẩu tăng vượt bậc

Nếu như năm 2000, xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này chỉ đạt 800 triệu USD thì đến năm 2014, kim ngạch xuất khẩu đã đạt 29,4 tỷ USD, tăng 13 lần.

Việt Nam hiện đứng thứ 10 trong 234 quốc gia, vùng lãnh thổ có quan hệ thương mại với Hoa Kỳ. Hàng hóa của Việt Nam chiếm 22% tổng kim ngạch xuất khẩu của khu vực ASEAN sang thị trường này.

Khi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) được ký kết thì kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Hoa Kỳ sẽ ngày tăng cao. Với dung lượng thị trường khoảng 1.800 tỷ USD, Hoa Kỳ đang được xem là thị trường trọng điểm số 1 của Việt Nam trong thời gian tới.

Ngành dệt may Việt Nam kỳ vọng tăng xuất khẩu sang Mỹ sau khi Hiệp định TPP được ký kết.
Ngành dệt may Việt Nam kỳ vọng tăng xuất khẩu sang Mỹ sau khi Hiệp định TPP được ký kết.

Một trong những mặt hàng được hưởng nhiều ưu đãi từ hiệp định này là dệt may. Kim ngạch xuất khẩu dệt may vào thị trường Hoa Kỳ có thể đạt tới 22 tỷ USD vào năm 2020 và có khả năng tăng gần 46% vào 5 năm kế tiếp.

Trong đó, xuất khẩu của Việt Nam vào Hoa Kỳ tăng trưởng liên tục trong suốt 15 năm qua. Từ tỷ lệ khiêm tốn là 1% tổng giá trị xuất khẩu của ASEAN vào Mỹ năm 2000, kết thúc năm 2014, Việt Nam đạt 22% tổng giá trị xuất khẩu của khu vực vào thị trường này (tăng gần 36 lần). Đây cũng là lần đầu tiên Việt Nam vượt qua các đối thủ trong khu vực để trở thành quốc gia xuất khẩu lớn nhất khu vực vào thị trường Hoa Kỳ.

Theo các chuyên gia kinh tế, xuất khẩu của Việt Nam vào Hoa Kỳ sẽ còn tăng mạnh trong những năm tiếp theo. Đến năm 2020, xuất khẩu của Việt Nam vào Hoa Kỳ dự kiến đạt xấp xỉ 57 tỷ USD và chiếm 34,1% tổng giá trị xuất khẩu của khu vực ASEAN vào thị trường này.

Bên cạnh quan hệ thương mại, Hoa Kỳ cũng là một trong những đối tác đầu tư lớn của Việt Nam. Tính đến tháng 2 năm nay, Hoa Kỳ có 729 dự án đầu tư vào Việt Nam với tổng vốn khoảng 11 tỷ USD, đứng thứ 7 trong 101 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư trực tiếp vào Việt Nam.

Các chuyên gia kinh tế dự báo thương mại hai chiều giữa Việt Nam - Hoa Kỳ năm 2015 sẽ vượt xa con số 35 tỷ USD của năm 2014. Lý do là Việt Nam đang ngày càng làm tốt hơn việc cải cách các thủ tục hành chính, cải tiến về kỹ thuật, nâng cao chất lượng hàng hóa xuất khẩu. Ngoài ra, sẽ có một làn sóng đầu tư lớn của các nhà đầu tư từ Hoa Kỳ vào Việt Nam trong thời gian tới. Năm 2015 được coi là thời điểm mang tính đột phá và là cơ hội tốt để thúc đẩy mạnh mẽ quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ, nhất là trong lĩnh vực thương mại và đầu tư.

Động lực thúc đẩy thương mại Việt – Mỹ vươn xa

Trong chuyến thăm và làm việc tại Mỹ vừa qua, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã dự Tọa đàm bàn tròn với một số đại diện các doanh nghiệp lớn của Hoa Kỳ. Tại cuộc tọa đàm này, Tổng Bí thư cam kết tạo điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế, tăng cường hơn nữa hợp tác kinh tế-thương mại-đầu tư giữa Việt Nam và Hoa Kỳ.

Tổng Bí thư khẳng định Việt Nam sẽ tiếp tục nỗ lực đổi mới, đẩy mạnh cải cách hành chính, đặc biệt là cải cách mạnh mẽ một loạt thủ tục thuế, hải quan, bảo hiểm xã hội, khởi sự doanh nghiệp... nhằm tạo một môi trường đầu tư hấp dẫn cho các doanh nghiệp nước ngoài.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dự Tọa đàm với các doanh nghiệp Hoa Kỳ.

Đại diện các tập đoàn Hoa Kỳ đã phát biểu, bày tỏ sự tin tưởng cao vào tiềm năng con người và tài nguyên của Việt Nam cũng như triển vọng quan hệ hợp tác Việt Nam-Hoa Kỳ, đặc biệt là trong lĩnh vực kinh tế-thương mại-đầu tư. Các doanh nghiệp Hoa Kỳ đánh giá cao chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, và cho rằng chuyến thăm sẽ mở ra một mốc mới trong quan hệ giữa hai nước.

Các doanh nghiệp lớn của Hoa Kỳ cũng đánh giá cao Luật Đầu tư mới sửa đổi của Việt Nam vì đã cắt giảm đáng kể các lĩnh vực hạn chế đầu tư nước ngoài, đồng thời cũng nêu một số kiến nghị nhằm cải thiện môi trường đầu tư ở Việt Nam.

Tầm nhìn chung Việt Nam – Hoa Kỳ (US – Vietnam Joint Vision Statement) trong chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vừa qua nêu rõ, hai nước kỳ vọng phát triển quan hệ đối tác lâu dài dựa trên nền tảng quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư, và ưu tiên hợp tác trong các lĩnh vực khoa học công nghệ, giáo dục đào tạo, môi trường, và thực thi luật pháp.

Việt Nam và Hoa Kỳ hiện đang nỗ lực và hợp tác chặt chẽ nhằm kết thúc đàm phán TPP sớm nhất có thể để mang lại lợi ích cho nhân dân 2 nước cũng như các quốc gia khác tham gia Hiệp định này.

Báo cáo của Cơ quan nghiên cứu tư vấn cho Quốc Hội Hoa Kỳ (CRS) cho thấy, trong suốt thập niên vừa qua, thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ tăng nhanh chóng. Sự gia tăng này phần nào do những thay đổi trong quan hệ thương mại chính thức giữa Việt Nam và Hoa Kỳ. Năm 2001, Hoa Kỳ đã đặt lại quan hệ thương mại bình thường với Việt Nam và tăng lên mức bình thường vĩnh viễn vào năm 2006 khi Việt nam gia nhập tổ chức thương mại thế giới WTO.

Quan hệ thương mại của Hoa Kỳ với Việt Nam tăng trưởng cả về xuất khẩu lẫn nhập khẩu, trong đó, nhập khẩu tăng nhanh hơn xuất khẩu. Xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Hoa Kỳ phần lớn là hàng hoá sử dụng lao động phổ thông và hàng may mặc. Nhập khẩu chủ yếu của Việt Nam từ Hoa Kỳ là hàng hoá công nghệ cao, bao gồm cả máy móc và phương tiện giao thông.

Tuy nhiên, CRS nhận định, một trong các vấn về trong quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Hoa Kỳ là việc Hoa Kỳ tiếp tục coi Việt Nam là một nền “kinh tế phi thị trường” và áp đặt các hạn chế đối với ngành thuỷ sản Việt Nam. Việt Nam đã có những bước tiến lớn trong công cuộc tự do hoá nền kinh tế và đã trở thành thành viên của WTO, tuy vậy, Việt Nam vẫn gặp nhiều chỉ trích về các tiêu chuẩn lao động, sở hữu trí tuệ và vấn đề tham nhũng.

CRS cũng cho hay, Việt Nam vẫn nằm trong danh sách các nước bị theo dõi về quyền sở hữu trí tuệ của Hoa Kỳ, một phần do sản phẩm lậu và nhái vẫn được tiêu thụ rộng rãi trên thị trường./.

Theo VOV.VN