Nhật Bản đối mặt với tình thế nan giải về lượng pluton lưu trữ tại Pháp

18/06/2015 22:14

Dù vẫn đang đối phó với việc dọn dẹp trên phạm vi lớn sau cuộc khủng hoảng Fukushima và tranh luận về việc sử dụng năng lượng nguyên tử trong tương lai, Nhật Bản hiện phải đối mặt với một câu hỏi hóc búa khác về hạt nhân – phải làm gì với 16 tấn pluton của nước này đang gửi tại Pháp sau khi được tái xử lý tại đó.

.
Một công nhân nhìn qua cửa sổ kính dày tại bộ phận xử lý rác thải hạt nhân của Nhà máy hạt nhân Areva tại La Hague, gần Cherbourg, phía Tây nước Pháp hôm 22/4. Ảnh: Reuters..

Câu hỏi này sẽ nằm trong số các vấn đề được làm sáng tỏ vào ngày 18 và 19/6 khi các chuyên gia về phổ biến hạt nhân gặp gỡ các nhà lập pháp và các quan chức chính phủ tại Tokyo.

Do các lò phản ứng của nước này đã đóng cửa sau vụ Fukushima, Nhật Bản hiện không thể tạo ra nhiên liệu từ pluton và có thể buộc phải tìm các nước khác để tiêu thụ chúng.

Vấn đề này đã trở nên cấp bách hơn khi Areva, công ty hạt nhân của Pháp sở hữu cơ sở chế biến lại La Hague đang giữ lượng pluton này tại Tây Normandy, đối mặt với các khoản thiệt hại hàng tỷ USD.

Schneider, một nhà tư vấn năng lượng độc lập, nói thêm rằng Nhật Bản sẽ cần phải giải quyết vấn đề này càng sớm càng tốt: “Trong toàn bộ sự hỗn độn (tại Areva), chúng tôi có một lượng lớn pluton của Nhật Bản”.

Một người phát ngôn của Areva nói rằng công ty có các hợp đồng lâu dài với các ngành nghề của Nhật Bản để lấy nhiên liệu hạt nhân tạo ra từ pluton.

Frank von Hippel, một trong những người sáng lập Ủy ban Quốc tế về Các vật liệu có thể tách chiết (IPFM), một nhóm chuyên gia về kiểm soát và phổ biến vũ khí, sẽ thảo luận về kho pluton của Nhật Bản tại Pháp khi ông gặp gỡ các nhà lập pháp của Nhật, theo bản nháp bài trình bày của ông mà Reuters có được.

Nhóm này lập luận kho pluton đang tăng lên của thế giới từ việc sử dụng dân sự là một “mối nguy rõ ràng và hiện hữu” vì nó có thể được sử dụng trong những quả bom phi nghĩa.

Các quan chức chính phủ Nhật Bản đã không phản hồi ngay trước những yêu cầu đòi bình luận.

Schneider, một người đóng góp cho báo cáo sắp sửa công bố của IPFM về sự chia tách pluton trong các chương trình năng lượng hạt nhân, nói rằng phương án thay thế cho việc đem lượng pluton này về nước là trả tiền để các nước khác sử dụng chúng trong các lò phản ứng của họ.

Ông nói rằng Pháp là một lựa chọn, nhưng chi phí đó có thể rất cao, đặc biệt là khi quốc gia này cũng có kho dự trữ cần phải xả hết. Ông không đưa ra mức chi phí cụ thể.

Schneider tuyên bố: “Việc cho pluton và trả tiền cho nó sẽ khiến Nhật Bản phải đối mặt với thực tế rằng pluton là khoản nợ phải trả hơn là tài sản”.

Một tiền lệ cho dạng thỏa thuận này có thể được đưa ra tại Anh, nơi chính phủ đã đề nghị tiếp nhận quyền sở hữu 20 tấn pluton của Nhật Bản được lưu giữ tại nhà máy chế biến Sellafield, theo IPFM.

Tatsujiro Suzuki, cựu phó chủ tịch Ủy ban Năng lượng Nguyên tử Nhật Bản, người tham gia cùng Von Hippel trong cuộc gặp với các nhà lập pháp vào ngày 18/6 cho biết: “Đây là một dạng thỏa thuận cùng thắng. Phía Anh sẽ kiếm được tiền và người Nhật Bản sẽ thiệt hại ít hơn”.

Thu Giang

(Theo Reuters)

TIN LIÊN QUAN