"Made in China 2025" - giai đoạn trỗi dậy kinh tế kế tiếp của Trung Quốc?

04/06/2015 13:20

(Baonghean.vn) - Dựa vào một kế hoạch liên quan đến “sản xuất thông minh” và “công nghiệp 4.0” thay cho sản xuất sử dụng nhiều nhân công, Trung Quốc nhắm tới trở thành cường quốc công nghiệp hàng đầu trước năm 2049. Điều này có nghĩa là gì đối với các quốc gia công nghiệp hóa khác?

Ủy ban Nhà nước, nội các do Thủ tướng Lý Khắc Cường đứng đầu, mới đây đã công bố chiến lược “Made in China 2025” (Sản xuất tại Trung Quốc năm 2025), một chiến lược mang quy mô quốc gia nhằm nâng cao tính cạnh tranh trong khu vực thông qua tự động hóa và cải thiện toàn diện về công nghệ. Đây là một phần trong tầm nhìn của Trung Quốc về một nền kinh tế ít chịu ảnh hưởng bởi xuất khẩu và đầu tư mà chịu ảnh hưởng nhiều hơn bởi dịch vụ và sản xuất công nghiệp thông minh.

Bản chiến lược 10 năm này được hy vọng sẽ góp phần đưa nền kinh tế Trung Quốc thoát ra khỏi sản xuất đòi hỏi nhiều nhân công với giá trị kinh tế thấp, hướng tới sản xuất có giá trị gia tăng cao hơn. Trong đó bao gồm các kế hoạch cải cách, hợp nhất công nghệ và công nghiệp, củng cố cơ sở công nghiệp, khuyến khích các thương hiệu của Trung Quốc và thực hiện sản xuất xanh.

Chiến lược này cũng được đưa ra nhằm thúc đẩy các đột phá trong 10 ngành công nghiệp chủ chốt mà Trung Quốc muốn trở thành nước lãnh đạo trong tương lai, có thể kể đến: công nghệ thông tin; khoa học người máy; hàng không vũ trụ; đường sắt và các phương tiện chạy bằng điện. Để đạt được điều này, Bắc Kinh lên kế hoạch tiếp tục đổi mới theo định hướng của nhà nước, đề xuất thiết lập 15 trung tâm đổi mới sản xuất trước năm 2020 và mở rộng lên 40 vào năm 2025.

Trung Quốc đặt mục tiêu thúc đẩy sản lượng sản xuất trước năm 2025. Ảnh: Tân Hoa Xã.
Trung Quốc đặt mục tiêu thúc đẩy sản lượng sản xuất trước năm 2025. Ảnh: Tân Hoa Xã.

Tầm nhìn mới mẻ này cho thấy lãnh đạo Trung Quốc nhận ra rằng đã đến lúc cần biến đổi nền công nghiệp sản xuất truyền thống để bắt kịp hoặc đi trước nền công nghiệp sản xuất của các nước khác. Rajiv Biswas, một nhà kinh tế học hàng đầu về châu Á-Thái Bình Dương tại công ty phân tích toàn cầu IHS nhận định: “Các biện pháp mới phản ánh sức ép cạnh tranh gia tăng mà sản xuất của Trung Quốc đang phải đối mặt. Các thị trường châu Á khác đang nổi lên trong khi chi phí sản xuất lại tăng tại Trung Quốc”.

Được truyền cảm hứng từ nước Đức

Nguồn cảm hứng chính cho chiến lược lớn này là khái niệm “Công nghiệp 4.0” của Đức - một kế hoạch được ban hành năm ngoái nhằm thúc đẩy khả năng cạnh tranh thông qua các chuỗi và nhà máy sản xuất có liên hệ với nhau trên toàn cầu.

Jost Wübbeke, thành viên nghiên cứu thuộc Viện nghiên cứu Trung Quốc Mercator (MERICS) có trụ sở tại Đức nói: “Kế hoạch ‘Công nghiệp 4.0’ của Đức đang định hình cuộc tranh luận nội bộ tại Trung Quốc về hiện đại hóa công nghiệp và khả năng cạnh tranh”. Bắc Kinh và Berlin cho đến nay cũng đã thiết lập quan hệ song phương vững chắc. Trung Quốc là một trong những đối tác thương mại lớn nhất của Đức và Đức là một trong những nguồn công nghệ và phương pháp quan trọng nhất của Trung Quốc.

Trên thực tế, Michael Clauss, đại sứ Đức tại Bắc Kinh đã phát biểu trong một tuyên bố mới đây rằng chính phủ Trung Quốc và Đức thống nhất 2015 sẽ là năm đổi mới, “với sự thúc đẩy công nghiệp 4.0 là cốt lõi của chương trình nghị sự chung”.

Cục diện kinh tế thế giới sẽ thay đổi?

Nhưng Trung Quốc sẽ phải vượt qua nhiều thách thức, bao gồm cải thiện an ninh dữ liệu và an ninh mạng, cung cấp Internet tốc độ cao hơn để bắt kịp với dòng chảy dữ liệu đang gia tăng nhanh chóng. Theo phân tích của các chuyên gia, quá trình biến đổi khu vực sản xuất của Trung Quốc hướng tới giá trị gia tăng cao hơn sẽ chỉ được hoàn thiện một phần trong vòng 10 năm tới.

Tuy nhiên Bắc Kinh dường như đã cân nhắc điều này và hiện đang lên kế hoạch cho 2 giai đoạn tiếp theo nhằm biến Trung Quốc thành “siêu cường công nghiệp” hàng đầu thế giới - một mục tiêu mà chuyên gia phân tích Wübbeke xem là thực tế.

Chuyên gia đến từ MERICS cho biết: “Mặc dù có một lỗ hổng lớn về công nghệ so với các quốc gia công nghiệp, sự phát triển vô cùng năng động tại Trung Quốc sẽ hết sức thúc đẩy đổi mới công nghiệp. Trung Quốc sẽ có khả năng đổi mới vượt trội trong tương lai và tạo ra công nghệ có khả năng cạnh tranh ngang ngửa với các nhà cung cấp công nghệ hàng đầu”.

Vậy điều này có ý nghĩa như thế nào đối với thế giới? Một mặt, có vẻ như người tiêu dùng trên khắp thế giới sẽ được hưởng lợi từ các sản phẩm tốt hơn và rẻ hơn sản sinh từ một mô hình phát triển xanh bền vững. Tuy nhiên, một hệ quả quan trọng là gia tăng cạnh tranh - nghĩa là chiến lược mới này có thể là mối đe doạ đối với các quốc gia công nghiệp hóa hiện có lợi thế trong các khu vực sản xuất tiên tiến.

Theo Biswas, mức độ cạnh tranh gia tăng hiện đã rõ rệt trong một số phân khúc sản xuất tiên tiến, chẳng hạn như đường sắt cao tốc - lĩnh vực mà Trung Quốc đang cạnh tranh đơn hàng với EU và Nhật Bản về tại các nước đang phát triển.

Thu Giang

(Theo Deutsche Welle)