Không nên bưng bít sự thật!

15/11/2014 08:31

(Baonghean) - “Sống, làm việc theo hiến pháp và pháp luật” - khẩu hiệu đó nhiều người biết, nhiều người thuộc, nhưng không phải khi nào cũng thực hiện được đúng như vậy, ngay cả trong các cơ quan công quyền. Bằng chứng là là trong báo cáo do Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn trình bày tại Hội nghị tổng kết 15 năm thực hiện Luật Báo chí vừa tổ chức tại Hà Nội, đã khẳng định, dù Luật Báo chí đã thực thi được 15 năm, nhưng “một số địa phương, đơn vị, cá nhân vẫn né tránh, tìm cách không cung cấp thông tin cho báo chí”. Như thế là vi phạm, là chưa nghiêm túc làm việc theo pháp luật.

Có một vấn đề rất rõ ràng là Nhà nước ta luôn tạo điều kiện để công dân tham gia quản lý nhà nước và xã hội; công khai, minh bạch trong việc tiếp nhận, phản hồi ý kiến, kiến nghị của công dân. Báo chí chính là một trong những kênh thông tin để thực hiện và giám sát việc thực hiện công khai, minh bạch đó. Thế nhưng, sự phối hợp, hồi đáp từ phía các cơ quan công quyền chưa thật sự đúng quy định của Luật Báo chí. Kết quả giám sát của Quốc hội về lĩnh vực này trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh cho thấy, năm 2013 chỉ có khoảng 30% tổng số đơn thư do Đài Truyền hình TP. Hồ Chí Minh chuyển đi được các cơ quan chức năng xử lý, của báo Thanh Niên là 27,8%, báo Pháp Luật TP. Hồ Chí Minh là 25%, báo Tuổi Trẻ là 22%. Một tỷ lệ rất thấp, rất đáng thất vọng và rất cần được mổ xẻ, làm rõ. Nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ hồi đáp rất thấp đó, theo đánh giá của cơ quan có thẩm quyền, một phần là do cán bộ, công chức, viên chức chưa nắm rõ trách nhiệm và nhất là luật chưa có chế tài xử lý. Nhưng đó chỉ là một phần của nguyên nhân. Vậy phần còn lại là gì? Phải chăng là do nghi ngại, thiếu tin tưởng vào thiện chí của các cơ quan báo chí, hay là do việc xử lý công việc có những sự khuất tất, chưa rõ ràng, minh bạch, thậm chí là có nhiều sai sót nên không muốn “vạch áo cho người xem lưng” và chọn giải pháp im lặng. Nói thẳng ra, trong một số trường hợp im lặng, không hồi đáp là nhằm che giấu, bưng bít sự thật. Chính vì thế mà không chỉ im lặng, một số nơi, một số người còn có những hành vi cản trở báo chí tác nghiệp theo đúng chức trách, nhiệm vụ được giao, như không chịu hợp tác, cung cấp thông tin theo đúng luật định. Có những hành vi xâm hại như thu giữ phương tiện hành nghề của phóng viên, đánh đuổi, giam giữ phóng viên trái pháp luật… Những hành vi ứng xử thiếu sự tôn trọng báo chí, coi thường pháp luật như thế xảy ra không ít trong thời gian qua. Đặc biệt, ở những địa phương, cơ quan, đơn vị và cá nhân có liên quan đến các vụ việc tiêu cực, thì các hành vi vi phạm Luật Báo chí lại càng nghiêm trọng hơn. Về vấn đề này, trong báo cáo tổng kết của Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đã xác nhận “nhiều trường hợp cản trở tác nghiệp báo chí, thu giữ phương tiện làm việc của phóng viên, nhà báo, thậm chí có người quá khích còn hành hung nhà báo. Mặc dù hành vi cản trở tác nghiệp đã bị xử lý nghiêm, nhưng cũng có nhiều trường hợp việc xử lý chưa thỏa đáng nên gây bất bình trong dư luận, nhất là trong giới báo chí”. Vì thế, bên cạnh việc quy định trách nhiệm hồi đáp, cung cấp thông tin cho báo chí, cần có thêm những quy định, chế tài xử lý những tổ chức, cá nhân cố tình không chịu cung cấp thông tin, hay không hồi đáp những yêu cầu, kiến nghị từ phía các cơ quan báo chí. Thật ra, Thủ tướng Chính phủ cũng đã có Quy chế xử lý việc né tránh cung cấp thông tin, nhưng đến nay không có hướng dẫn chi tiết, nên không xử lý được ai.

Nên nhớ, việc cung cấp thông tin, trả lời báo chí chính là việc tăng cường đối thoại Nhà nước - công dân một cách công khai, minh bạch, đúng sự thật và chính là việc thực hiện tự do báo chí như chúng ta tuyên bố. Đương nhiên, cũng có những nhà báo lợi dụng chức trách, quyền hạn, nghề nghiệp của mình để trục lợi, nhưng, như lời Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại hội nghị thì: “Đừng vì một vài hiện tượng (bất cập của báo chí) mà bịt hết cả lại”. Vì lẽ, bưng bít thông tin với báo chí chính là bưng bít sự thật (có thể là tốt hoặc xấu). Mà sự thật thì luôn phải được tôn trọng và thể hiện đầy đủ ra ngoài như vốn có. Được biết, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ “mở cửa rộng rãi” để lắng nghe các ý kiến đóng góp cho Luật Báo chí mới, thậm chí sẵn sàng mời các lãnh đạo cơ quan báo chí, nhà báo tham gia ban soạn thảo để dự thảo có chất lượng cao nhất. Nhưng bàn gì thì bàn, nói gì thì nói, chất lượng cao nhất là phải làm sao để không ai có thể và cũng không ai muốn che giấu, bưng bít thông tin, bưng bít sự thật.

Duy Hương