Phấn đấu trở thành địa phương có tốc độ phát triển nhanh, bền vững
(Baonghean) - ...Nhiệm kỳ qua, tuy vẫn còn nhiều khó khăn, nhưng Đảng bộ huyện Hưng Nguyên đã đoàn kết, đồng thuận, phát huy nội lực; nỗ lực phấn đấu và đã đạt được những kết quả quan trọng trên tất cả các lĩnh vực.
(Trích phát biểu tại Đại hội của đồng chí Nguyễn Xuân Đường, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh tại đại hội Đảng bộ huyện Hưng Nguyên nhiệm kỳ 2015-2020)
Nhiều chỉ tiêu của Đại hội đã hoàn thành và hoàn thành vượt mức. Kinh tế tiếp tục tăng trưởng khá (đạt 9,48%). Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng (tăng tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ). Tổng số vốn đầu tư cho phát triển, tăng 1,67 lần so với nhiệm kỳ trước. Giá trị tăng thêm bình quân đầu người tăng 2,06 lần so với đầu nhiệm kỳ. Nông nghiệp có bước phát triển khá, đã hình thành trên 40 cánh đồng thu nhập cao; có trên 320 trang trại, gia trại kinh doanh tổng hợp (tăng 2 lần so với năm 2010); phong trào xây dựng nông thôn mới được chỉ đạo một cách quyết liệt; năm 2014 có 2 xã đã được công nhận; năm 2015 phấn đấu thêm 7 xã nữa. Kết cấu hạ tầng được đầu tư xây dựng và phát huy hiệu quả; công tác giải phóng mặt bằng cho các dự án được chú trọng. Thu ngân sách hàng năm luôn vượt chỉ tiêu đề ra (bình quân hàng năm tăng 4,3%). Văn hóa - xã hội có nhiều chuyển biến tích cực, an sinh xã hội đảm bảo, đời sống nhân dân từng bước được nâng cao. Quốc phòng - an ninh, trật tự an toàn xã hội được giữ vững; giải quyết kịp thời các vấn đề an ninh nông thôn và an ninh tôn giáo. Công tác vận động quần chúng được quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo. Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị đạt nhiều kết quả tích cực. Phương thức lãnh đạo của Đảng tiếp tục được đổi mới, đảm bảo sự lãnh đạo toàn diện của Đảng bộ trên tất cả các lĩnh vực. Nội bộ Ban Chấp hành Đảng bộ, Ban Thường vụ và Thường trực Huyện ủy đoàn kết, cộng sự cao; lòng dân đồng thuận. Đảng bộ huyện được Ban Chấp hành Tỉnh ủy xếp loại vững mạnh liên tục... Đó là những kết quả nổi bật và rất đáng trân trọng.
Đồng chí Nguyễn Xuân Đường trao đổi với các đại biểu bên lề đại hội. Ảnh: Sỹ Minh |
...Nhìn lại 5 năm qua, bên cạnh những kết quả và thành tựu đạt được, cũng phải nghiêm túc, thẳng thắn nhìn nhận, đến nay Hưng Nguyên vẫn là huyện nghèo. Sự phát triển vừa qua chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế của huyện. Tốc độ tăng trưởng kinh tế chưa bền vững, chuyển dịch cơ cấu kinh tế còn chậm, một số chỉ tiêu mà Nghị quyết Đại hội nhiệm kỳ qua đề ra chưa đạt. Thu nhập bình quân đầu người còn thấp, mới chỉ đạt 24,3 triệu đồng/người (thấp hơn bình quân chung của cả tỉnh (bao gồm cả miền núi và các huyện nghèo) là 29 triệu đồng). Việc ứng dụng khoa học, kỹ thuật để nâng cao giá trị sản xuất trong nông nghiệp còn hạn chế. Tiểu thủ công nghiệp, làng nghề, thương mại - dịch vụ, du lịch phát triển còn chậm, chưa phát huy tốt lợi thế của một huyện phụ cận Thành phố Vinh. Một số lĩnh vực về văn hoá - xã hội chuyển biến chưa tương xứng; tỷ lệ sinh con thứ 3 còn cao, đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn chưa nhiều. Việc xây dựng các mô hình, các gương tiên tiến điển hình còn ít. Công tác phát triển đảng viên ở khối nông thôn, vùng đặc thù chưa được nhiều, thậm chí có nhiều nơi còn khó khăn.
...Với vị trí thuận lợi là một huyện phụ cận Thành phố Vinh, Hưng Nguyên là vùng đất lịch sử, văn hóa và cách mạng; người dân của Hưng Nguyên cần cù, chịu khó và có ý chí, luôn phấn đấu để vươn lên, Ban Thường vụ Tỉnh ủy mong muốn trong nhiệm kỳ tới, huyện Hưng Nguyên phải đạt được 3 mục tiêu cơ bản nhất:
Một là, trở thành huyện khá của tỉnh; có thu nhập bình quân đầu người đứng vào tốp cao của cả tỉnh;
Hai là, huyện đạt chuẩn nông thôn mới vào trước năm 2020 (tức là có trên 75% số xã đạt chuẩn NTM);
Ba là, tiếp tục giữ vững danh hiệu Đảng bộ huyện liên tục vững mạnh và phấn đấu để đạt danh hiệu vững mạnh xuất sắc tiêu biểu.
Để đạt được các mục tiêu trên, Hưng Nguyên cần đề ra các giải pháp có hiệu quả trên một số nội dung sau:
Thứ nhất: Tập trung làm tốt công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch và quản lý đất đai. Trên cơ sở các khu, cụm công nghiệp đã được phê duyệt, huyện phải nỗ lực và phối hợp với các ngành của tỉnh tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng. Đẩy mạnh thu hút đầu tư, nhất là thu hút thành công Khu công nghiệp VSIP 6 về trên địa bàn huyện. Khuyến khích các doanh nghiệp, các dự án lớn tiếp tục đầu tư trên địa bàn, nhất là vào các khu vực nông nghiệp, nông thôn. Để làm được điều đó, phải tạo lập được một môi trường đầu tư hấp dẫn, trên cơ sở thực hiện tốt công tác cải cách hành chính, nhất là thủ tục hành chính và công tác giải phóng mặt bằng, để tạo thuận lợi và thu hút sự chú ý của các nhà đầu tư.
Thứ hai: Ứng dụng các tiến bộ khoa học - công nghệ vào sản xuất nông nghiệp sạch; trong đó, tập trung các vùng hoa màu, rau đậu các loại ở vùng ven sông Lam; các vùng trồng lúa chất lượng cao ở các xã vùng trong, vùng giữa; phát triển các trang trại chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản ở các xã vùng trũng.... Tất cả đều phải sản xuất theo hướng hàng hóa, xây dựng thương hiệu sản phẩm, đem lại giá trị sản xuất cao cho người dân.
Thứ ba: Khai thác, phát triển các ngành dịch vụ, thương mại, du lịch; nhất là du lịch sinh thái, du lịch văn hóa tâm linh gắn với bảo tồn, phát huy các di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn như: Khu lưu niệm Tổng Bí thư Lê Hồng Phong, Di tích lịch sử Xô viết Nghệ Tĩnh 12/9, đền ông Hoàng Mười; liên kết với huyện Nam Đàn và Thị xã Cửa Lò để chế tác các loại sản phẩm du lịch; quảng bá Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh... Đồng thời, mở rộng liên kết phát triển kinh tế - văn hóa sang khu vực phía Tây Nam (vùng 5 Nam của huyện Nam Đàn) và vùng Đức Thọ, Hương Sơn, Hương Khê của tỉnh Hà Tĩnh; nhất là sau khi cầu đường bộ Yên Xuân 2 và cầu vượt sông Lam của đường bộ cao tốc Bắc - Nam được xây dựng mới, tạo thành tuyến xa lộ giao lưu về phía Tây Nam, Đông Nam của tỉnh (hay còn gọi là Vùng kinh tế Nam Nghệ - Bắc Hà).
Thứ tư: Phải gắn tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa, xã hội. Chăm lo công tác giáo dục - đào tạo, y tế, giảm tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên, chính sách người có công và đảm bảo an sinh xã hội. Quan tâm đào tạo nguồn nhân lực, nhất là đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho lao động nông thôn. Huy động mọi nguồn lực để thực hiện tốt công tác giảm nghèo, hướng dẫn nhân dân các kiến thức về sản xuất, kinh doanh, cải thiện cuộc sống, vươn lên thoát nghèo bền vững. Đưa độ đồng đều về cuộc sống vật chất và tinh thần giữa nhân dân các xã vùng trong và vùng ngoài; giữa đồng bào có đạo và không có đạo.
Thứ năm: Tăng cường quốc phòng - an ninh; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, phòng chống tệ nạn ma túy và tội phạm của vùng ven Thành phố Vinh; dự báo, bám sát và nắm chắc tình hình để giải quyết kịp thời các vấn đề ngay từ cơ sở. Làm tốt công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân. Chủ động phòng ngừa và ngăn chặn kịp thời âm mưu “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch, nhất là trên lĩnh vực an ninh nông thôn, an ninh tôn giáo.
Thứ sáu: Chăm lo công tác xây dựng Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân, nhất là hệ thống chính trị ở cơ sở. Tăng cường phát triển đảng viên, xây dựng tổ chức đảng ở nông thôn, vùng đặc thù. Nâng cao chất lượng công tác chính trị, tư tưởng; chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật của Đảng; Tiếp tục thực hiện tốt Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, thực hiện tốt Nghị quyết TW 4 của Bộ Chính trị. Phấn đấu xây dựng Đảng bộ huyện liên tục đạt trong sạch, vững mạnh.
Thứ bảy: Sau Đại hội, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện phải xây dựng và ban hành các chương trình hành động để thực hiện Nghị quyết Đại hội một cách cụ thể, đặc biệt là phải có kế hoạch huy động nguồn lực và đề ra lộ trình thực hiện một cách chi tiết, đảm bảo sự phát triển bền vững, chất lượng và hiệu quả các nội dung mà Đại hội đã đề ra.
Ban Thường vụ Tỉnh ủy tin tưởng rằng, với bề dày truyền thống cách mạng, với sự đoàn kết, quyết tâm cao của toàn Đảng bộ; chính quyền và nhân dân huyện nhà, trong nhiệm kỳ tới Hưng Nguyên sẽ trở thành địa phương có tốc độ phát triển nhanh, bền vững. Xứng đáng là huyện Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân trong thời kỳ đổi mới; góp phần cùng tỉnh nhà hoàn thành xuất sắc Nghị quyết 26 của Bộ Chính trị đã đề ra.
Phó Bí thư, Chủ tịch UBND tỉnh: Nguyễn Xuân Đường
__________
(*) Đầu đề do Báo Nghệ An đặt.