Cây cầu đầu tiên nối lại Việt Nam và Mỹ!
Không đâu như trong các cuộc tìm kiếm quân nhân Mỹ mất tích tại Việt Nam, những người từ hai phía từng đối đầu lại cùng ăn, cùng ngủ, cùng nỗ lực vì mục đích chung, tạo nên sự kết nối giữa các cựu thù, đại tá Đào Xuân Kính, người gắn bó với công việc này gần 10 năm chia sẻ.
Đại tá Kính, nguyên chỉ huy trưởng Cơ quan Tìm kiếm Quân nhân Mỹ mất tích trong chiến tranh Việt Nam (MIA), phó giám đốc Cơ quan Việt Nam Tìm kiếm người mất tích (VNOSMP), cho hay từ sau Hiệp định Paris năm 1973, Việt Nam đã cử các nhóm chuyên viên đi tìm kiếm và khai quật hài cốt binh lính Mỹ.
Trong 14 năm sau đó, bất chấp những dư âm căng thẳng của chiến tranh, hơn 300 bộ hài cốt đã được Việt Nam đơn phương trao trả cho Mỹ. Chính tinh thần nhân đạo đó của Việt Nam đã dần xóa nhòa khoảng cách, giúp hai nước từng bước xích lại gần nhau hơn và nâng hoạt động tìm kiếm MIA thành hoạt động chung giữa các lực lượng hai nước.
Năm 1988, thoả thuận hợp tác Việt - Mỹ về MIA được ký kết. Năm 1991, hai bên nhất trí mở văn phòng của chính phủ Mỹ ở Hà Nội để giải quyết các vấn đề về MIA. Từ đó đến nay, quy mô tìm kiếm quân nhân Mỹ ngày càng được mở rộng, tăng cường và đạt hiệu quả cao với sự tham gia của hàng nghìn người từ cả hai nước.
Đại tá Kính (thứ hai từ phải sang) cùng các chuyên viên Mỹ và Việt Nam trong một chuyến khai quật hiện trường. Ảnh: NVCC |
Mỗi năm, các đoàn chuyên viên của Mỹ sang Việt Nam khoảng 4 đợt, mỗi đợt gồm vài trăm người, kéo dài từ một đến hai tháng. Trong thời gian đó, dựa theo thông tin nhân thân và tọa độ mất tích do phía Mỹ cung cấp, đội hỗn hợp do ông Kính dẫn đầu sẽ tổ chức đến hiện trường khảo sát, điều tra, tìm kiếm, khai quật, giám định hài cốt và cuối cùng là trao trả cho phía Mỹ.
"Đã đi chung một đoàn thì người Mỹ cũng như người Việt Nam. Tôi không nhớ đã bao nhiêu lần trèo đèo lội suối, băng rừng, vượt qua những sườn núi dốc với các chuyên gia Mỹ", ông Kính kể. "Có những lần chúng tôi phải leo núi 12-15 tiếng mới lên đến đỉnh rồi dựng lán ngủ qua đêm để sáng mai khảo sát hiện trường rồi lại quay về".
Không chỉ các chuyên viên, ông Kính cũng từng dẫn dắt nhiều đoàn quan chức cấp cao của quốc hội, quân đội Mỹ đến thăm hiện trường. Họ đi chung xe, trò chuyện, ăn uống, nghỉ ngơi với nhau như anh em, bất chấp khác biệt về ngôn ngữ.
Đi đến đâu, ông Kính và các đồng nghiệp người Mỹ cũng nhận được sự ủng hộ và giúp đỡ của bà con địa phương bởi họ hiểu ý nghĩa nhân đạo cao quý của hoạt động này.
Việc khai quật được thực hiện hoàn toàn thủ công, không viện đến sự trợ giúp của máy móc nào. 30-40 nhân công địa phương cùng các chuyên viên Việt, Mỹ hết đào, cuốc lại vận chuyển đất. Sau hàng chục năm, đa số các hài cốt đều đã tiêu hủy tự nhiên. Họ phải miệt mài đãi từng milimet đất để tìm những mẩu xương hay vật dụng của lính Mỹ còn sót lại dưới cái nắng gay gắt.
Không chỉ ở trên đất liền, họ còn đồng hành tìm kiếm dưới biển. Đội hỗn hợp sử dụng tàu thuyền của Việt Nam và thiết bị hỗ trợ của Mỹ để dò tìm những vật thể khả nghi dưới nước, sau đó triển khai thợ lặn xuống khai quật. Do đa phần các quân nhân mất tích trong những vụ rơi máy bay ở ngoài khơi xa nên việc thu hồi hài cốt không hề dễ dàng.
Các chuyên viên Việt, Mỹ và bà con địa phương sàng đất tìm hài cốt lính Mỹ ở Quảng Nam. Ảnh: NVCC |
Có những trường hợp họ phải tìm kiếm suốt nhiều năm mới đạt được kết quả như lần ở Đồng Nai. Một chiếc trực thăng chở lính Australia chiến đấu cho quân đội Mỹ từng bị rơi xuống cánh rừng sâu, nước ngập cao, cây cối rậm rạp. Tuy nhiên, khi cả đoàn đến nơi, hiện trường nay đã trở thành một ruộng ngô.
"Suốt ngày đầu tiên, chúng tôi lần tìm theo tọa độ được cung cấp nhưng không thấy gì. Sang ngày thứ hai, chúng tôi tình cờ phát hiện được một đoạn xương ống chân ở rãnh nước xói", ông Kính kể. "Hôm sau, đội tìm kiếm tìm được đúng thẻ bài có tên và mã số của người lính mất tích bằng thiết bị dò kim loại. Khai quật khu vực xung quanh, chúng tôi phát hiện được một phần hài cốt của người này. Vụ việc tưởng như bế tắc sau nhiều năm lại được xử lý nhanh chóng trong phút chốc".
Cây cầu nối vô hình
Sau 27 năm thực hiện thoả thuận hợp tác Việt-Mỹ về tìm kiếm MIA, hai nước đã thực hiện thành công 119 đợt hoạt động hỗn hợp. Trung bình mỗi năm, nhóm của ông Kính khai quật khoảng 25-35 trường hợp và điều tra thông tin hàng trăm vụ khác.
"Chương trình hợp tác về MIA, cụ thể hơn là các đợt hoạt động của chuyên viên hai nước trong nhiều năm qua, đã gắn kết tình cảm của hàng nghìn người Mỹ với đất nước và con người Việt Nam", ông Kính chia sẻ. "Khi trở về Mỹ, với những tư liệu, thước phim, hình ảnh ghi nhận được từ thực tế hoạt động, họ đã góp phần quảng bá đến người dân Mỹ về tinh thần nhân đạo của Việt Nam".
Một lễ hồi hương di cốt binh sĩ Mỹ diễn ra tại Đà Nẵng năm 2012. Ảnh: BBC |
Năm 2012, ông dẫn đại sứ Mỹ khi đó là David Shear đến thăm một hiện trường khai quật tại Sơn La. Sau nhiều giờ leo núi và làm việc cùng nhau, ông Shear bày tỏ sự khâm phục trước những nỗ lực của các chuyên viên Việt Nam và trân trọng công việc vất vả mà họ đang làm.
"Quả thực qua chuyến đi này, tôi mới thấy hết được sự khó khăn, phức tạp của việc tìm kiếm MIA và hiểu thêm về hoạt động nhân đạo của Việt Nam. Tôi rất cảm ơn các ông", ông Kính thuật lại lời đại sứ.
Sự ghi nhận từ đồng đội và thân nhân các binh lính mất tích luôn là nguồn động lực lớn lao cho ông Kính và các đồng nghiệp tiếp tục những cuộc tìm kiếm. Sau mỗi chuyến đi, ông lại nhận được những lá thư cảm ơn từ các gia đình Mỹ có người mất tích hàng chục năm ở Việt Nam.
"Tôi nhớ mãi một người phụ nữ viết thư cho tôi và nói rằng cha của bà năm nay đã 85 tuổi nhưng khi nghe tin tìm được hài cốt của con trai, ông như trẻ lại", ông Kính kể.
Có những người còn sang tận Việt Nam nhận lại hài cốt của người thân và ôm lấy ông Kính khóc vì xúc động. Nhờ những con người lặng thầm như ông và các đồng nghiệp ở cơ quan MIA mà nỗi đau đớn và thù hằn kéo dài hàng thập kỷ qua trong họ được hóa giải.
Sau 44 năm phục vụ quân đội và gần 10 năm gắn bó với MIA trên cương vị chỉ huy, ông Kính về nghỉ hưu với nhiều trăn trở về những trường hợp chưa có lời giải đáp. Tuy nhiên, ông tự hào rằng hoạt động tìm kiếm quân nhân mất tích ở Việt Nam luôn được Mỹ đánh giá là tích cực và mẫu mực nhất.
Từ năm 1973 đến nay, Việt Nam đã trao trả cho Mỹ hơn 950 hòm hài cốt. Phía Mỹ đã giám định, nhận dạng và kết luận được hơn 700 trường hợp. Hiện còn hơn 1.200 lính Mỹ mất tích chưa tìm thấy hài cốt ở Việt Nam. Mỹ cũng đang tiến hành tìm kiếm MIA ở nhiều nơi nước này từng tham chiến nhưng chưa có nơi nào đạt kết quả cao như ở Việt Nam.
"Vai trò của hoạt động tìm kiếm MIA trong việc bình thường hóa quan hệ giữa hai nước là không thể phủ nhận. Đây chính là cầu nối và cũng là chất keo gắn kết hai nước Việt - Mỹ", ông Kính nói.
"Trên thế giới này khó có mối quan hệ nào như Việt Nam và Mỹ. Từ cựu thù trở thành bạn bè rồi nâng lên đối tác toàn diện. Tôi tin tưởng rằng tương lai hợp tác song phương vẫn còn rất rộng mở trên nhiều lĩnh vực, trong đó có vấn đề MIA", ông nói thêm. "Công tác tìm MIA đã phát triển, tôi mong quan hệ Việt - Mỹ cũng phát triển như thế".
(Theo VNEpress)
TIN LIÊN QUAN |
---|