Iran và P5+1 ký thỏa thuận hạt nhân toàn diện: Tích cực, tiến bộ và phù hợp xu thế!

15/07/2015 08:09

(Baonghean) - Sau quá trình thương thảo khó khăn, căng thẳng và kéo dài, hôm qua (14/7), Iran và nhóm P5+1 đã đi đến thỏa thuận hạt nhân toàn diện. Thỏa thuận lịch sử này sẽ mở ra một chương mới không chỉ đối với Iran, Mỹ, các nước tham gia đàm phán mà cả với hòa bình, ổn định và phát triển ở khu vực. Báo Nghệ An có cuộc phỏng vấn PGS - Tiến sỹ, Thiếu tướng Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện khoa học chiến lược Bộ Công an về thỏa thuận lịch sử này.

Toàn cảnh cuộc đàm phán giữa Iran và P5+1. Nguồn: AFP/TTXVN
Toàn cảnh cuộc đàm phán giữa Iran và P5+1. Nguồn: AFP/TTXVN

P.V: Thưa thiếu tướng, Iran và nhóm P5+1 (5 nước Thường trực Hội đồng bảo an Liên hợp quốc và Đức) vừa ký kết thỏa thuận hạt nhân toàn diện mang tính lịch sử. Vậy Thiếu tướng có thể khái quát về tiến trình đi đến thống nhất của các bên?

Thiếu tướng Lê Văn Cương: Để đi đến thỏa thuận ngày hôm nay là cả một quá trình lâu dài, trải qua các mốc lịch sử như sau:

Tháng 8/2003, nhiều nguồn tin Trung Đông, đặc biệt là Israel và cả Tổ chức Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) đã cung cấp một thông tin cho rằng Iran đang làm giàu uranium với mục đích tiến tới sở hữu vũ khí hạt nhân. Và chính thức chương trình hạt nhân bắt đầu vào các chương trình nghị sự của thế giới nói chung và Hoa Kỳ, Trung Đông nói riêng.

Đến năm 2006 Iran tuyên bố chính thức họ đang làm giàu uranium, nhưng vì mục đích hòa bình, phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế, nghiên cứu khoa học, và nhiệm vụ trong cả phát triển nông nghiệp và y học. Nhưng quốc gia đồng minh của Mỹ mà chủ lực là Israel, Arab Saudi và Qatar... không tin chuyện nước Cộng hòa Hồi giáo Iran làm giàu uranium vì mục đích hòa bình. Họ cho rằng Iran đang theo đuổi một chương trình hạt nhân đầy tham vọng. Và các đồng minh vùng vịnh, đặc biệt là Israel đã thúc giục Mỹ bằng mọi cách phải ngăn chặn việc nước Cộng hòa Hồi giáo Iran sở hữu vũ khí nguy hiểm này. Bởi theo quan điểm của các nước này, nếu Iran sở hữu vũ khí hạt nhân thì sẽ là một thảm họa không chỉ đối với khu vực mà cả thế giới.

Trước tình hình đó, khác với người tiền nhiệm George W. Bush, bắt đầu từ năm 2009, dưới thời Tổng thống Obama, ông đã có một phát biểu nổi tiếng mang tính hòa giải với thế giới Hồi giáo vào tháng 4/2009 tại Trường Đại học Cairo. Theo tôi, sự kiện này đánh dấu một chương mới trong quan hệ của Mỹ với thế Arab. Và sau đó, Tổng thống Obama đã quyết tâm theo đuổi cuộc đàm phán với Iran bắt đầu từ năm 2009.

Mặc dù nhận thức của các bên về một thỏa thuận là cần thiết, tuy nhiên suốt 4 năm (từ 2009-2012), cuộc đàm phán này dẫm chân tại chỗ do nguyên nhân đến từ hai phía, cả Mỹ và Iran. Đến năm 2013, một sự kiện đặc biệt quan trọng, đó là cuộc bầu cử Tổng thống Iran (ngày 14/6). Có lẽ được sự đồng ý của Đại Giáo chủ Ali Khamenei - thủ lĩnh tối cao của nước Cộng hòa Hồi giáo Iran thì đại đa số cử tri của Iran đã lựa chọn ông Hassan Rouhani. Rouhani là một nhân vật ôn hòa trong giới tinh hoa của Tehran. Khác với người tiền nhiệm có tư tưởng chống Mỹ tới cùng, Rouhani lựa chọn con đường đối thoại, hợp tác với Mỹ nhằm mục đích giỡ bỏ lệnh cấm vận. Và chính thức cuộc đối thoại mang tính xây dựng bắc đầu từ thời Rouhani làm Tổng thống Iran.

Như vậy, chỉ từ năm 2013 đến nay, cuộc đối thoại mang tính xây dựng mới đi vào thực chất. Đến tháng 11/2013, P5+1 với Iran đã đạt được thỏa thuận khung để tiến tới thỏa thận chính thức về vấn đề hạt nhân của Tehran. Và từ tháng 11/2013, qua bốn lần lỡ hẹn (tháng 7/2014, 11/2014, đầu tháng 6/2015 và 10/6/2015).

Ngày hôm qua (14/7) đã đi vào lịch sử khi Iran và Nhóm P5+1 (gồm Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc, Mỹ và Đức) đạt được một thỏa thuận hạt nhân toàn diện, qua đó cho phép dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Iran để đổi lấy việc nhà nước Cộng hòa Hồi giáo này hạn chế chương trình hạt nhân gây tranh cãi suốt 12 năm qua.

P.V: Trong P5+1 thì dư luận cho rằng vai trò của Mỹ là chủ yếu. Vậy tại sao chính quyền của Tổng thống Obama lại thể hiện sự quyết tâm để theo đuổi mục đích để đi đến thỏa thuận hạt nhân vừa ký kết?

Thiếu tướng Lê Văn Cương: Dư luận quốc tế cho rằng vai trò của Mỹ là quan trọng nhất là chính xác, tất nhiên không thể phủ nhận vai trò các nước khác như Nga, Trung Quốc... Bởi theo tôi, đây là thỏa thuận giữa Iran và P5+1 nhưng suy cho cùng, đây lại là thỏa thuận giữa Mỹ và Iran.

Còn tại sao Mỹ là thể hiện sự quyết tâm đến như vậy, dưới góc độ là một học giả, tôi cho rằng có lý do quan trọng sau:

Trong tất cả các tuyên bố công khai của Tổng thống Obama, các đời ngoại trưởng cũng như những nhân vật chóp bu là cộng sự thân cận nhất với đương kim tổng thống trong Nhà trắng trong 7 năm vừa rồi, họ luôn tuyên bố bằng mọi cách đạt được thỏa thuận với Iran để ngăn chặn việc Iran tiến tới sở hữu vũ khi hạt nhân. Điều này là phù hợp với đòi hỏi và lợi ích của Israel và các đồng minh thân cận của Mỹ ở Trung Đông.

Nhưng đó chỉ là mục đích công khai của Hòa Kỳ, còn cá nhân tôi, tôi cho rằng mục đích sâu xa của Mỹ mới là quan trọng nhất để họ nỗ lực thúc đẩy một thỏa thuận hạt nhân với Iran. Đó là Iran là trung tâm của một loạt các vấn đề đặt ra của thế giới đương đại. Có thể kể đến cuộc chiến của NATO do Mỹ cầm đầu ở Afghanistan chống lại lực lượng khủng bố Al Qaeda, nếu không có Iran thì sẽ không thể thành công; đó là an ninh và năng lượng ở vùng vịnh (35% nguồn năng lượng đi qua Iran); hay đặc biệt như cuộc cạnh tranh dai dẳng chưa có hồi kết giữa 2 dòng Hồi giáo Shiite và Sunni... tất cả đều liên quan đến Iran.

Đặc biệt một nguyên nhân quan trọng nữa, đó là thông qua theo đuổi thỏa thuận hạt nhân tiến tới bình thường hóa quan hệ với Iran. Và khi đã bình thường hóa quan hệ với Iran, sẽ làm giảm vai trò của Nga và Trung Quốc ở khu vực Nam Á, Trung Đông. Cũng qua Iran, Mỹ sẽ “len chân” và vùng Trung Á - nơi vốn được coi là sân sau của Nga và đây cũng là vùng giáp với Tây Tạng và Tân Cương của Trung Quốc. Và tôi cho rằng việc giảm bớt vai trò của Nga ở khu vực này mới là mục đích sâu xa nhất nhưng không bao giờ Hoa Kỳ đề cập đến.

P.V: Qua trao đổi, Thiếu tướng đã chỉ rõ mục đích của Mỹ, vậy mục đích của Iran là gì và tại sao họ cũng thiết tha để đạt được thỏa thuận đến vậy?

Thiếu tướng Lê Văn Cương: Sau gần 10 năm chịu sự bao vây cấm vận kinh tế, Iran ở trong một trạng thái cực kỳ khó khăn. Gần 10 năm qua, Liên hợp quốc đã thông qua 6 nghị quyết, trong đó có 4 văn bản liên quan đến các lệnh trừng phạt Iran, bên cạch đó là các lệnh trừng phạt của Mỹ. Dưới sức ép các lệnh bao vây cấm vận đó, nền kinh tế, đồng Rial đã mất giá tới 32%; thất nghiệp lên đến 25%; lạm phát khoảng 28%.

Như vậy, mục đích của Iran là tìm thỏa hiệp với Mỹ để gạt bỏ tất cả các lệnh trừng phạt của Liên hợp quốc và của Mỹ “chung tay” áp đặt. Từ đó có thể khôi phục nền kinh tế. Khi nền kinh tế được khôi phục, Iran khôi phục vai trò trung tâm của thế giới hồi giáo dòng Shiite và là cường quốc khu Trung Đông. Đủ sức để đương đầu với thế giới Hồi giáo dòng Sunni do Arab Saudi làm trung tâm, thậm chí là để đối phó với cả Israel - nước vẫn coi Iran là kẻ thù số 1.

P.V: Như vậy, cuối cùng thì sau một quá trình dài và lắm chông gai, các bên tham gia đàm phán cũng đi đến thống nhất vào một thỏa thuận. Vậy Thiếu tướng có thể đánh giá về phản ứng của quốc tế về thỏa thuận này?

Thiếu tướng Lê Văn Cương: Về vấn đề này tôi cho rằng, dòng chảy chính của thỏa thuận hạt nhân toàn diện giữa Iran và nhóm P5+1 là hoàn toàn ủng hộ. Bởi việc đạt được thỏa thuận này mang ý nghĩa là một điểm nóng bỏng nhất ở Trung Đông đã được giải quyết. Và trong bối cảnh thế giới hiện nay, xu thế chủ đạo là thúc đẩy hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển, vậy không có lý do gì để đa phần các nước không ủng hộ.

Nhưng đồng thời bên cạnh dòng ủng hộ thỏa thuận mang tính tích cực như vậy thì vẫn còn có dòng phản đối rất dữ dội, trong đó nước phản đối lớn nhất là Israel. Thậm chí Tel Aviv còn tuyên bố từ lâu rằng “thỏa thuận hạt nhân với Iran là một sai lầm lịch sử” và ngay hôm qua (14/7) khi Iran và P5+1 bắt tay nhau ký vào bản thỏa thuận này, Irael cũng đã ra tuyên bố phản đối rất quyết liệt. Vậy tại sao Irael lại phản đối như vậy? Quan điểm của Irael là họ không tin thỏa thuận này có “trói tay” Iran trong việc phát triển vũ khí hạt nhân. Và thông qua thỏa thuận này, Iran lại càng có điều kiện để làm giàu Uranium ở cấp độ cao tiến tới sản xuất vũ khí hủy diệt hàng loạt.

P.V: Biết rằng, hiện vẫn có rất nhiều luồng ý kiến khác nhau đến từ những đồng minh của Mỹ ở khu vực Trung Đông và ngay trong lòng nước Mỹ cũng như Iran. Thiếu tướng có thể đánh giá về khả năng thực hiện thỏa thuận này?

Thiếu tướng Lê Văn Cương: Như chúng ta đã thấy, tất cả các đồng minh của Mỹ ở khu vực Trung Đông, trong đó có đồng minh thân cận là Israel, Arab Saudi, Qatar... ra sức phản đối thỏa thuận mang tính lịch sử này. Đó là do cách tiếp cận, nhận thức và lợi ích khác nhau nên họ có các quan điểm không giống nhau.

Nhưng với cảm nhận của mình, qua 12 năm bắt đầu cuộc khủng hoảng hạt nhân Iran và qua 7 năm thương thảo, mặc dù đã đi đến một thỏa thuận mang tính lịch sử, nhưng con đường để đi đến hiện thực hóa vần còn không ít chông gai.

Thứ nhất: Khó khăn đầu tiên đó là sự phản đối gay gắt từ ngay trong nội bộ nước Mỹ và nội bộ của Iran. Với Mỹ, lưỡng viện của Hoa Kỳ hiện do Đảng Cộng hòa chi phối. Đã có những nghị sỹ tuyên bố công khai rằng “Tổng thống cứ ký nhưng không chắc đã thông qua được Quốc hội”. Như vậy có thể thấy rằng quyết tâm của chính quyền Obama là rất lớn, nhưng việc cơ quan lập pháp lên tiếng phản đối công khai cản trở như vậy là một khó khăn không hề nhỏ.

Thứ hai: Về phía Cộng hòa Hồi giáo Iran, có thể nói việc ký kết được thỏa thuận này đã có sự đồng ý của Đại giáo chủ Ali Khamenei. Bởi vì nếu không có sự đồng ý của vị lãnh tụ tối cao này sẽ không thể có một thỏa thuận nào được ký kết chứ chưa nói đến thỏa thuận với Mỹ. Nhưng lực lượng bảo thủ chống đối không phải là ít, họ chống lại thỏa thuận này bởi họ luôn coi nước Mỹ là kẻ thù của Iran. Điều này đối với chính quyền của quốc gia này sẽ là một khó khăn không hề nhỏ. Vì vậy để hiện thực hóa thỏa thuận này, bản thân Đại giáo chủ Ali Khamenei và Tổng thống Hassan Rouhani phải giải quyết triệt để các vấn đề trong nước.

Tôi cho rằng, việc hiện thực hóa thỏa thuận này đối với cả Mỹ và Iran sẽ đạt được, vấn đề là họ cần phải giải các luồng ý kiến trái chiều trong nội bộ mỗi quốc gia. Còn việc các nước đồng minh dù có phản đối đến mấy rồi cũng phải đồng ý.

P.V: Cứ cho là thỏa thuận này sẽ đạt được. Vậy với góc nhìn của một học giả nghiên cứu chính trị, thỏa thuận này sẽ có tác động như thế nào đối với cục diện chính trị thế giới nói chung và khu vực Trung Đông nói riêng trong thời gian tới, thưa Thiếu tướng?

Thiếu tướng Lê Văn Cương: Theo tôi, sự tác động của thỏa thuận này đối với cục diện chính trị thế giới ngay bây giờ chúng ta chưa thể đánh giá được. Chỉ có thể đưa ra nhận thức chung rằng thỏa thuận này sẽ góp phần thúc đẩy xu thế hòa bình, hợp tác cùng phát triển. Còn về lâu dài, nó có thể đặt ra những vấn đề khác, đó là thỏa thuận này sẽ tác động đến quan hệ Mỹ - Trung Quốc, Mỹ - Nga. Nhưng dù có tác động thế nào thì theo tôi đây là một thỏa thuận mang tính tích cực, tiến bộ và phù hợp xu thế của thời đại ngày nay.

P.V: Xin cảm ơn Thiếu tướng!

Cảnh Nam

(Thực hiện)