Bệnh bạch hầu nguy hiểm như thế nào?

19/07/2015 20:57

Tính đến nay, Quảng Nam đã có 3 người tử vong do mắc bệnh bạch hầu. Vậy bệnh bạch hầu là bệnh gì?Ai là đối tượng dễ mắc bệnh? Phòng bệnh thế nào?

Cơ chế lây truyền của bệnh bạch hầu

Theo PGS. TS Trần Đắc Phu - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, bệnh bạch hầu là bệnh nhiễm khuẩn, nhiễm độc cấp tính do vi khuẩn bạch hầu gây nên; bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ, tuy nhiên cũng có thể gặp ở người lớn nếu không có miễn dịch. Bệnh lây truyền dễ dàng qua đường hô hấp hoặc qua tiếp xúc trực tiếp với các dịch tiết từ niêm mạc mũi họng của bệnh nhân hoặc người lành mang trùng khi ho, hắt hơi, đặc biệt trong khu vực dân cư đông đúc hoặc nơi có điều kiện vệ sinh không đảm bảo.

Biểu hiện bệnh có thể từ nhẹ đến nặng, thường có giả mạc màu trắng ở tuyến hạnh nhân, hầu họng, thanh quản, mũi, có thể xuất hiện ở da, các màng niêm mạc khác như kết mạc mắt hoặc bộ phận sinh dục, trường hợp nặng có thể gây biến chứng và tử vong.

"Trước đây bệnh lưu hành khá phổ biến ở hầu hết các địa phương trên cả nước; từ khi vắc xin phòng bạch hầu được đưa vào chương trình tiêm chủng mở rộng, bệnh đã được khống chế và chỉ ghi nhận một vài trường hợp lẻ tẻ do không tiêm vắc xin phòng bệnh, thường xảy ra ở các khu vực vùng sâu, vùng xa nơi có tỷ lệ tiêm chủng thấp. Hiện bệnh bạch hầu chưa được loại trừ ở nước ta, do đó người dân vẫn có thể mắc bệnh nếu chưa có miễn dịch do chưa tiêm vắc xin phòng bệnh và tiếp xúc với mầm bệnh", ông Phu cho biết.

Ông Phu cho biết, trong nhiều năm qua, hầu như không ghi nhận ca mắc bạch hầu ở trẻ nhỏ trên cả nước, tuy nhiên hai năm gần đây vẫn ghi nhận rải rác ổ dịch nhỏ (1 ca bệnh/ổ dịch) tại một số địa phương như Nghệ An, Gia Lai. Các ca bệnh là người lớn, thuộc đối tượng chưa tiêm vắc xin.

“Bạch hầu thường tấn công trẻ nhỏ, trong khi đó người lớn có thể mang vi khuẩn nhưng không có biểu hiện bệnh và có thể là nguồn lây nhiễm cho trẻ. Việc các gia đình trì hoãn tiêm vắc xin cho trẻ nhỏ rất diễn khiến bạch hầu trở lại. Do đó, trẻ cần được cần tiêm vắc xin đầy đủ”, ông Phu khuyến cáo.

Biến chứng của bệnh bạch hầu là gì?

Theo ông Phu, bạch hầu nguy hiểm do có thể gây biến chứng tim, phế quản, phổi dẫn đến tử vong nếu không được điều trị sớm.

Còn thạc sĩ Nguyễn Hồng Hà - Phó chủ tịch hội truyền nhiễm Việt Nam cho biết, ngày trước chưa có vắc xin phòng bệnh thì bệnh nhân tử vong từ 15 - 20%.

Có hai thể bạch hầu ác tính gây viêm cơ tim, gây suy tim, suy thận, hoại tử lách trong đó biến chứng hay gặp nhất ở bệnh nhân bạch hầu là viêm cơ tim có thể xuất hiện sớm ở những ngày đầu của bệnh nhưng có thể muộn hơn 3 - 5 tuần dù bệnh đã phục hồi.

Biến chứng viêm dây thần kinh ngoại biên có thể gây liệt các dây thần kinh sọ, gây liệt màn khẩu cái liệt cơ mắt, liệt mềm các chi, liên cơ hoành, cơ liên sườn gây suy hô hấp. Nhiều năm gần đây ở miền Bắc không ghi nhận trường hợp nào nhiễm bạch hầu.

Để điều trị bệnh bạch hầu, nguyên tắc điều trị trung hòa độc tố bạch hầu càng sớm càng tốt, các bác sĩ sẽ truyền huyết thanh kháng vi rút bạch hầu ác tính. Ngày trước chủ yếu sử dụng điều trị bằng kháng huyết thanh ngựa nhưng thời gian gần đây loại huyết thanh này không được sản xuất vì bệnh bạch hầu ít người mắc.

Tiêm vắc xin là cách phòng bệnh tốt nhất?

Tiêm vắc xin- cách tốt nhất để phòng bệnh bạch hầu cho đối tượng dễ mắc bệnh này là trẻ em
Tiêm vắc xin - cách tốt nhất để phòng bệnh bạch hầu cho đối tượng dễ mắc bệnh là trẻ em

Theo các chuyên gia Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, cách hiệu quả nhất để phòng bệnh bạch hầu là duy trì tỷ lệ tiêm chủng cao trong cộng đồng. Ở hầu hết các nước, vắc xin giải độc tố bạch hầu được tiêm cùng với vắc xin ho gà và giải độc tố uốn ván ( vắc xin BH - HG - UV). Gần đây một số nước đã sử dụng vắc xin phối hợp gồm vắc xin bạch hầu, uốn ván, ho gà, viêm gan B và đôi khi cả vắc xin Hib.

Sau mỗi khoảng thời gian 10 năm, cần tiêm nhắc lại vắc xin loại dùng cho người lớn là giải độc tố uốn ván - bạch hầu (Td) để duy trì khả năng miễn dịch.

Theo Suckhoedoisong.vn