Mỹ - Nhật – Hàn có đối phó hiệu quả hơn với Triều Tiên?
(Baonghean.vn) - Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản vừa ký thỏa thuận chia sẻ thông tin tình báo đầu tiên giữa 3 nước nhằm chia sẻ những thông tin “nhạy cảm” về các vụ bắn thử tên lửa và chương trình hạt nhân của Cộng hòa Dân chủ nhân dân Triều Tiên. Các chuyên gia hiện đã đặt câu hỏi về tính hiệu quả của thỏa thuận này khi Triều Tiên từ trước đến nay vẫn là một “mục tiêu khó chinh phục” với lực lượng tình báo của cả ba nước – cho dù có liên kết lại, trong khi thỏa thuận lại có thể làm gia tăng căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên.
Dư luận Hàn Quốc phản đối việc gia tăng căng thẳng ở bán đảo Triều Tiên. |
Trong suốt thời gian dài vừa qua, các cơ quan tình báo của cả Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản đều bị đánh giá là đã thất bại trong việc nắm bắt các manh mối về những sự kiện quan trọng diễn ra tại Triều Tiên. Ngoài vụ việc đình đám về cái chết của nhà lãnh đạo Kim Jong-il, hàng loạt những động thái khác của Triều Tiên liên quan đến chương trình hạt nhân của nước này cũng đã “qua mặt” được hệ thống tình báo dày đặc và sừng sỏ của các cơ quan tình báo nước ngoài, trong đó có Mỹ - Nhật – Hàn. Hai vụ việc điển hình nhất là việc Triều Tiên bí mật xây dựng một kế hoạch làm giàu uranium trong khoảng một năm rưỡi mà không bị phát hiện cho tận khi các quan chức Triều Tiên công bố chương trình vào cuối năm 2010; và thứ hai là việc năm ngoái, một nhà khoa học của trường Đại học Stanford đã được phép thăm một cơ sở hạt nhân của Triều Tiên nằm giữa khu phức hợp Yongbyon, nơi mà vệ tinh do thám của Mỹ dò xét thường xuyên – câu chuyện đặt ra vấn đề tại sao vệ tinh của Mỹ lại không thể phát hiện ra một công trình xây dựng lớn như vậy tại khu phức hợp này? Chuỗi thất bại của tình báo liên minh Mỹ - Nhật – Hàn còn tiếp tục kéo dài sau khi ông Kim Jong-un nắm quyền lãnh đạo đất nước khi phần lớn những dự đoán về quyết sách của nhà lãnh đạo này sai lệch hoàn toàn so với thực tế. Theo dự đoán của tình báo Mỹ, ông Kim Jong-un sẽ ưu tiên phát triển kinh tế thay vì đầu tư cho quân sự. Thế nhưng, thực tế đã chứng minh ngược lại bằng hàng loạt vụ thử tên lửa mà Triều Tiên tiến hành trong hai năm qua.
Bên cạnh yêu cầu nâng cao chất lượng thông tin tình báo để phản ứng kịp thời hơn, việc ba nước Mỹ - Nhật – Hàn ký thỏa thuận chia sẻ thông tin tình báo còn được cho là để đối phó với những lo ngại về chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên. Triều Tiên từng nhiều lần đe dọa tấn công hạt nhân Washington và Seoul, gần đây nhất là do liên quan đến một nghị quyết của Liên Hợp Quốc về vấn đề nhân quyền ở Triều Tiên và bộ phim hài giả tưởng có nội dung ám sát nhà lãnh đạo Kim Jong-un do hãng phim Sony Pictures của Mỹ sản xuất. Theo thỏa thuận chia sẻ thông tin tình báo, Hàn Quốc sẽ chuyển những thông tin an ninh cho phía Mỹ - trách nhiệm về mặt pháp lý theo một thỏa thuận thông tin quân sự-an ninh chung được ký trước đó giữa Mỹ và Hàn Quốc. Sau đó, phía Mỹ sẽ chuyển những thông tin nhận được từ Hàn Quốc cho phía Nhật Bản. Ba nước Mỹ - Nhật – Hàn tin rằng, cách thức này sẽ giúp họ phản ứng nhanh hơn với những mối đe dọa từ chương trình tên lửa và hạt nhân của Triều Tiên, từ đó có những hành động ngăn chặn hiệu quả hơn. Trước đó, Mỹ đã có các thỏa thuận chia sẻ tình báo riêng rẽ, song phương với Hàn Quốc và Nhật Bản - hai nước đồng minh cho phép Mỹ đặt căn cứ quân sự. Tuy nhiên, bản thân Hàn Quốc và Nhật Bản đều không có các hiệp định song phương tương tự liên quan đến những tranh chấp lịch sử kéo dài giữa hai nước. Năm 2012, hai nước này đã thảo luận về thỏa thuận chia sẻ tình báo song phương đầu tiên, nhưng việc ký kết đã bị hủy bỏ vào phút chót do Hàn Quốc phản đối.
Mặc dù được kỳ vọng sẽ giúp liên minh Mỹ - Nhật – Hàn phản ứng nhanh hơn trước những diễn biến từ Triều Tiên, tuy nhiên vẫn còn khá nhiều thách thức đặt ra trong hoạt động trao đổi thông tin tình báo giữa ba nước. Theo các chuyên gia, sự thiếu tin tưởng và đồng thuận giữa hai thành viên Nhật Bản và Hàn Quốc là điểm yếu nhất trong sự kết hợp này. Hiện nay, quan hệ giữa Nhật Bản và Hàn Quốc vẫn đang ở mức thấp nhất trong nhiều năm do những bất đồng liên quan đến thời kỳ Nhật đóng quân trên bán đảo Triều Tiên trong giai đoạn 1910-1940. Bên cạnh đó, cùng với Trung Quốc, Hàn Quốc cũng là một nước có tranh chấp chủ quyền với Nhật Bản và cùng thể hiện sự quan ngại sâu sắc khi Nhật Bản muốn sửa đổi lại bản Hiến pháp hòa bình. Ngay trong thỏa thuận chia sẻ thông tin tình báo vừa được ký kết, việc trao đổi thông tin giữa Nhật Bản và Hàn Quốc được thực hiện qua trung gian là Mỹ cũng đã cho thấy vẫn còn khoảng cách rất lớn trong quan hệ song phương, cho dù cả hai nước cùng có mối quan tâm chung là Triều Tiên. Bởi vậy, Mỹ có thể thực hiện tốt vai trò “chất kết dính” để liên minh tình báo 3 nước hoạt động trơn tru hay không vẫn còn là dấu hỏi lớn. Bên cạnh đó, sự phản đối trong nội bộ Hàn Quốc cũng được xem là một rào cản để nước này có “toàn tâm toàn ý” cho nhiệm vụ chung. Theo các tổ chức dân sự ở Hàn Quốc, họ phản đối việc ký kết thỏa thuận chia sẻ thông tin tình báo này bởi mối lo ngại căng thẳng sẽ gia tăng trong khu vực, đồng thời có thể dẫn dắt tới việc Hàn Quốc tham gia vào hệ thống phòng thủ tên lửa do Mỹ dẫn đầu.
Gia tăng căng thẳng trong khu vực – đó không chỉ là mối lo ngại của dư luận Hàn Quốc mà còn là của cộng đồng quốc tế nói chung. Được coi là một bên có vai trò lớn đối với tiến trình hòa bình trên bán đảo Triều Tiên, Trung Quốc cũng đã gián tiếp bày tỏ mối quan hệ trước động thái cảu Mỹ - Nhật – Hàn khi cho rằng các bên liên quan nên “làm những điều có lợi để xây dựng sự tin cậy lẫn nhau cũng như thúc đẩy sự ổn định trên bán đảo Triều Tiên thay vì tiến hành những hành động gây mất lòng tin”. Một điều khá ngạc nhiên là mặc cho dư luận đồn đoán về hiệu quả hoạt động cũng như nguy cơ có thể gây ra của liên minh tình báo Mỹ - Nhật – Hàn, Triều Tiên đến thời điểm này vẫn chưa có phản ứng gì. Liệu đây có phải là cách Triều Tiên thể hiện sự tự tin về khả năng bảo vệ bí mật của mình trước các mạng lưới tình báo nước ngoài? Phá vỡ sự tự tin này có lẽ là thách thức lớn nhất cho giới tình báo Mỹ - Nhật – Hàn sau khi bắt tay nhau.
Thúy Ngọc