Xăng dầu giảm giá, hàng hóa giá vẫn "treo cao"
(Baonghean) - Sau mỗi lần xăng dầu tăng giá, lập tức nhiều mặt hàng tiêu dùng cũng “chạy đua” tăng giá bán gây khó khăn cho người tiêu dùng. Thế nhưng, sau 8 lần giảm giá xăng dầu liên tiếp trong vòng hơn 2 tháng qua, đến nay hàng hóa tiêu thiết yếu và dịch vụ vận tải vẫn không có dấu hiệu giảm…
So với mức giá kỷ lục 25.730 đồng/lít xăng RON 92 tại thời điểm tháng 7/2014, đến nay, sau 8 lần điều chỉnh liên tiếp mặt hàng xăng đã giảm tới 3.300 đồng/lít (mức giảm tương ứng khoảng 13%); dầu diesel cũng giảm tới 13 lần với tổng mức 3.060 đồng/lít... Đây được xem là đợt giảm giá sâu nhất, kéo dài mức kỷ lục khiến người tiêu dùng kỳ vọng giá cả hàng hóa tiêu dùng sẽ giảm theo. Nhưng trên thực tế, xuất phát từ nhiều lý do khác nhau, giá cả hàng hóa trên thị trường vẫn “neo” ở mức cao.
Hàng hóa được vận chuyển về tập kết tại chợ Vinh. |
Tại chợ đầu mối Vinh, khoai tây Đà Lạt giá bán lẻ ở mức 17.000 đồng/kg, khoai lang ruột vàng 15.000 đồng/kg, mức giá hai mặt hàng này được các tiểu thương xác nhận không thay đổi từ nhiều tuần qua. Các mặt hàng trái cây vận chuyển từ các tỉnh khu vực phía Nam về giá bán cũng hầu như không giảm, thậm chí một số loại quả còn có xu hướng tăng với lý do cuối vụ khan hàng; hiện bưởi da xanh có giá 70.000 đồng/kg, thanh long 55.000 - 60.000 đồng/kg, dưa hấu sọc 20.000 đồng/kg, dưa vàng 40.000 đồng/kg… Trong khi đó, đây là các nhóm hàng tăng mạnh nhất khi xăng tăng giá cách đây vài tháng. Theo phân tích của anh Lê Văn Hùng, chủ quầy hàng chuyên kinh doanh rau củ từ Đà Lạt về: “Giá bán rau củ luôn có biến động thất thường bởi phụ thuộc nhiều yếu tố như nguồn hàng, thời tiết, chất lượng sản phẩm, nhưng giá xăng dầu vẫn tác động cơ cấu giá thành sản phẩm. Việc xăng giảm giá mạnh thời gian qua nhưng giá rau củ vẫn đứng yên thì cũng vô lý thật. Nhưng chúng tôi chủ yếu nhập hàng từ các đại lý lớn giao dịch qua điện thoại. Còn giá cả tăng hay giảm tùy thuộc vào cung cầu, chúng tôi phải theo thị trường thôi, một khi đại lý cung ứng chưa thông báo giảm giá thì chúng tôi không thể hạ giá bán được”.
Nếu trước đây, mỗi lần giá xăng dầu tăng, giá cước vận tải nhanh chóng “chạy đua” điều chỉnh tăng giá cước. Cùng đó, hàng hoá thiết yếu từ chợ cóc đến siêu thị cũng tranh thủ “té nước theo mưa”. Và giá xăng dầu thường được nói đến như là nguyên nhân số một trong mọi đợt tăng giá của các tiểu thương. Nhưng khi giá xăng dầu hạ nhiệt như hiện nay, các chủ hàng kinh doanh lại phủ nhận mối quan hệ mật thiệt đó. Ví như mặt hàng trứng gia cầm, cách 4 tháng đã tăng lên từ 2 đến 3 giá. Các tiểu thương đều đưa ra lí do trứng tăng theo giá xăng, do chi phí vận chuyển từ các địa phương về, giá bị đội lên. Nhưng hiện nay giá trứng gia cầm vẫn “nằm im”. Khi được hỏi tại sao không giảm giá thì bà con bán hàng cho biết, đầu nguồn chưa giảm thì người bán đành chịu. Đối với mặt hàng lương thực như gạo tám hải Hậu, tám thơm Điện Biên, gạo Thái… khi xăng tăng cũng đã tranh thủ tăng vài giá, lúc xăng giảm thì vẫn “án binh bất động”. Bà Phạm Thị Hương, chủ cửa hàng bán gạo trên đường Lê Viết Thuật (TP.Vinh) lý giải: “Hiện cước vận tải gạo từ Nam Định, Thái Bình vào Nghệ An vẫn đang “đứng yên” so với thời điểm tháng 7. Một bao gạo 50 kg nhà xe đang tính mức phí khoảng 20.000 - 25.000 đồng. Mà đầu mối giao hàng vẫn báo giá cũ thì chúng tôi giảm giá thành thế nào được”.
Tại hệ thống siêu thị, bên cạnh các chương trình khuyến mãi, tặng quà đính kèm do nhà cung cấp triển khai thì dường như các sản phẩm vẫn giữ nguyên mức giá cũ. Theo bộ phận thu mua hàng của siêu thị Big C, giá các sản phẩm bày bán tại siêu thị khi tăng - giảm đều phải dựa vào bảng thông báo điều chỉnh giá hàng hóa của các nhà cung cấp, trong vòng 10 - 15 ngày mới áp dụng mức giá mới. Thời điểm khi giá xăng tăng liên tục từ đầu năm đến đầu tháng 7/2014 kéo theo các doanh nghiệp vận tải nhanh chóng tăng giá dịch vụ. Nhưng hiện tại, dù xăng giảm giá nhiều song các doanh nghiệp vẫn chưa tính đến phương án giảm giá cước. Trao đổi về điều này, ông Trần Văn Thành, đại diện Công ty Vận tải Phước Thành cho hay: “Hiện một chuyến xe 5 tấn chở hàng thông thường từ Hà Nội vào TP Vinh chi phí vận chuyển khoảng 7 triệu đồng, không thay đổi so với mức giá ở thời điểm đầu năm. Nếu tính toán chi li ra thì xe tải loại này chạy 100km mất hơn 12 lít xăng, mỗi lít giảm được hơn 3.000 đồng, đi từ Hà Nội vào khoảng 300km cũng chỉ bớt được gần 120.000 đồng tiền xăng…Vì vậy cho dù giá xăng dầu đã hạ liên tục nhưng nếu cộng bình quân tổng các lần điều chỉnh giá xăng giảm so với giá vận tải thì khó hạ xuống”. Nhiều ý kiến cho rằng: Nếu từ nay đến cuối năm giá xăng dầu có giảm nữa thì hàng hóa vẫn khó giảm giá, thậm chí còn tăng cao bởi nhiều lý do tác động như: yếu tố mùa vụ, mưa bão, nhu cầu mua sắm cuối năm…
Chị Phan Thuỳ Linh - cán bộ ngân hàng VietcomBank chia sẻ: "Có thời điểm giá cả hàng hoá tăng rất cao, tôi thắc mắc thì người bán bảo giá xăng tăng nên hàng hóa phải tăng. Nhưng khi giá xăng giảm rất sâu mà hàng hoá vẫn giữ nguyên giá đó là thiếu sự cảm thông, chia sẻ của doanh nghiệp, nhà sản xuất với người tiêu dùng”.
Suy cho cùng, trong mỗi đợt tăng giá xăng, người dân luôn là đối tượng cuối cùng phải chịu thiệt bởi giá cả các mặt hàng thiết yếu ngay lập tức bị tác động. Có thể thấy việc biến động giá hàng hóa theo kiểu “tăng nhanh, giảm chậm” ở thị trường tự do - nơi lưu thông hàng hóa chiếm tỷ lệ chủ yếu vẫn đang bị bỏ ngỏ khâu kiểm soát giá. Chị Phan Thu Hà - công nhân công ty Dệt may Hoàng Thị Loan chia sẻ: “Mỗi đợt xăng, dầu tăng giá làm công nhân như chúng tôi đều lo lắng vì các khoản chi phí hàng ngày sẽ tăng lên. Trong khi đó, nguồn thu nhập vẫn như cũ, chúng tôi phải tính toán kỹ lưỡng trong chi tiêu. Thực tế, thị trường biến động không hợp lý và thiếu sòng phẳng…”.
Để đối phó với tình trạng giá hàng hóa đang ở mức cao và có xu hướng tăng vào dịp cuối năm, người tiêu dùng không có cách nào khác là hạn chế chi tiêu. Điều này dẫn đến sức mua của thị trường lại giảm, làm ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất, kinh doanh. Trong khi đó, các Bộ Công thương, Tài chính đều cho rằng, ngoài một số mặt hàng nhiên liệu đầu vào như điện, gas, xăng dầu do Nhà nước điều tiết, giá cả tất cả các loại hàng hoá, dịch vụ đều theo xu thế thị trường nên không thể có mệnh lệnh hành chính yêu cầu giảm giá được. Theo ông Nguyễn Văn Thắng - Phó Chi cục Quản lý thị trường Nghệ An: “Lực lượng quản lý thị trường chỉ có chức năng kiểm tra, giám sát và xử lý các trường hợp vi phạm về niêm yết giá và bán đúng giá niêm yết, gian lận thương mại chứ không có thẩm quyền trong việc xử lý, điều tiết giá cả trên thị trường”…
Xăng dầu được xem là một trong những mặt hàng chủ lực, song hành cùng đời sống hằng ngày của người dân nên sau mỗi lần tăng giá, người tiêu dùng lại hoang mang lo lắng. Còn sau mỗi khi giá xăng dầu giảm, người dân trông chờ giá hàng hóa giảm theo. Song, vấn đề này được xem là khó xảy ra khi giá cả các mặt hàng trên thị trường chủ yếu do tư thương quyết định và chưa có cơ quan chức năng nào đứng ra làm “trọng tài”, quản lý hoạt động này.
Bài, ảnh: Ngọc Anh