Kỳ Sơn: Mong được hỗ trợ thêm giống ngô

15/06/2015 14:19

(Baonghean) - Theo con đường ven núi đi dọc sông Nậm Mộ phân chia biên giới Việt - Lào, chúng tôi vào với xã nghèo Mường Ải. Toàn xã có 6 bản với 393 hộ là đồng bào dân tộc Khơ mú, Mông và Thái cùng sinh sống. Tỷ lệ hộ nghèo của xã hơn 68%. Lâu nay, cuộc sống của bà con phụ thuộc hoàn toàn vào nông nghiệp, chủ yếu là trồng ngô và lúa rẫy, diện tích lúa nước chỉ có gần 58 ha.

Vụ ngô năm nay, nông dân trong xã đã gieo trồng được 2,2 tấn giống ngô lai từ hỗ trợ theo Chương trình 30a và 135/ CP vào cuối tháng 3 và đầu tháng 4 trên diện tích 27 ha. Nhưng đến thời điểm hiện tại, toàn bộ diện tích ngô đều bị khô héo, còi cọc do nắng nóng, hạn hán kéo dài. Nhìn rẫy ngô phơi trong nắng gắt, bà Lữ Mẹ Ky ở bản Xốp Lau chỉ còn biết thở dài. Trên diện tích 0,3 ha, mỗi năm bà trồng ngô lai cũng thu về 6 tạ. Số ngô này vừa để bán lấy tiền, vừa làm thức ăn chăn nuôi. Nhưng năm nay, dù đã xuống giống hơn 2 tháng nhưng cánh đồng ngô phát triển rất chậm, lá đã bắt đầu héo. Bà Ky cho biết: “Do thiếu nước, ngô có trổ cờ cũng không đậu bắp. Vụ này chắc chắn mất mùa”.

Nông dân xã Mường Ải (Kỳ Sơn) tận thu ngô chết, héo vì nắng nóng về làm thức ăn cho gia súc.
Nông dân xã Mường Ải (Kỳ Sơn) tận thu ngô chết, héo vì nắng nóng về làm thức ăn cho gia súc.

Mùa này, rẫy ngô của gia đình anh Cụt Phò Diêm cũng xem như mất trắng. Lúc chúng tôi đến, vợ chồng anh đang nhổ những cây ngô còi cọc, chết, héo về làm thức ăn cho bò. Anh cho biết, vụ ngô năm ngoái gia đình thu hoạch được 7 tấn, bán dùng lấy tiền sinh hoạt và cho con ăn học, một phần làm thức ăn chăn nuôi. Còn năm nay, anh trỉa hơn 10 kg ngô giống cách đây gần 3 tháng và đến thời điểm này có thể khẳng định là mất trắng, không thu hoạch được gì. “Cây ngô là thu nhập chính nhưng giờ mất mùa. Bao nhiêu thứ trông vào đó. Gia đình ta chưa biết phải xoay xở thế nào trong thời gian tới”, anh Diêm lo lắng.

Trao đổi cùng chúng tôi, ông Cụt Phò Đi, Phó Chủ tịch UBND xã Mường Ải cho biết: “Ngô là cây trồng chủ lực của nông dân. Hầu như hộ nào cũng trồng. Nhiều năm nay, canh tác cây ngô lại mang lại thu nhập ổn định cho người dân và có tác động lớn đến công cuộc xóa đói, giảm nghèo ở địa phương. Nhưng năm nay, theo thống kê, toàn bộ diện tích ngô lại bị thiệt hại do nắng nóng, hạn hán kéo dài nên dự báo thời gian tới đời sống nhân dân đã khó khăn sẽ càng thêm khó khăn”.

Tương tự, tại xã Hữu Kiệm, chính quyền và người dân địa phương cũng đang rất lo lắng vì nắng nóng kéo dài. Theo tìm hiểu của chúng tôi, toàn bộ diện tích 78 ha chủ yếu trồng tập trung tại các bản: Bà, Hòm, Na Lượng 1, Na Lượng 2 cũng bị chết cháy, lá trụi dần. Với nông dân các bản này, ngô là cây trồng chủ lực, mang lại thu nhập chính và cũng là cây trồng góp phần xóa đói, giảm nghèo như nông dân nhiều xã khác ở Kỳ Sơn. Thống kê của xã cho thấy, vụ ngô năm 2014, bình quân mỗi hộ trồng ngô có thu nhập 15 triệu đồng, hộ cao nhất có thu nhập đến 90 triệu đồng nhờ bán ngô hàng hóa. Ông Kha Văn Quyên, Chủ tịch UBND xã Hữu Kiệm không giấu nổi lo lắng: “Nếu thời tiết diễn biến bình thường thì đến thời điểm này, toàn bộ diện tích ngô sắp bước vào mùa thu hoạch. Nhưng năm nay thời tiết quá khô hạn, toàn bộ diện tích ngô mất trắng, gây thiệt hại kinh tế lớn. Hiện nay, chúng tôi đang vận động người dân làm đất để chờ mưa xuống có thể gieo trồng lúa mùa nhằm đảm bảo an ninh lương thực. Nhưng, nguyện vọng lớn nhất của xã và nhân dân là được hỗ trợ giống ngô để điều kiện thời tiết thuận lợi sẽ gieo, trỉa lại”.

Theo kế hoạch, vụ ngô năm nay, huyện Kỳ Sơn gieo trồng khoảng 3.200 ha ngô. Và ngay từ cuối tháng 3, đầu tháng 4, huyện đã cấp 55 tấn ngô giống, trong đó theo Chương trình 30a là 33,3 tấn và Chương trình 135 là 21,7 tấn để nông dân xuống giống, đạt 3.000 ha. Ông Lê Công Tâm, Trưởng Trạm Khuyến nông huyện Kỳ Sơn cho biết: Đối với Kỳ Sơn, diện tích canh tác chủ yếu là nương rẫy, do vậy điều kiện tưới tiêu phụ thuộc vào lượng nước mưa. Nhưng năm nay, hạn hán kéo dài nên theo thống kê của huyện, 85% diện tích ngô đã gieo trồng mất trắng. Diện tích còn lại, cây ngô có thể vẫn còn sống nhưng sinh trưởng và phát triển rất kém nên cũng không thể cho thu hoạch”.

Đồng chí Vi Hòe, Bí thư Huyện ủy Kỳ Sơn cho biết: “Ngô là cây trồng chủ lực, mang lại thu nhập ổn định, đóng vai trò rất lớn trong công cuộc xóa đói, giảm nghèo trên địa bàn huyện. Vì vậy, trước tình trạng ngô chết do nắng nóng, hạn hán với diện tích lớn, huyện rất mong muốn tỉnh hỗ trợ giống ngô để chuẩn bị sẵn sàng cấp lại cho bà con nông dân canh tác khi thời tiết chuyển biến thuận lợi”.

Hiện nay, ảnh hưởng tiêu cực do hạn hán, nắng nóng kéo dài tác động rất lớn đến nông dân trong tỉnh nói chung và nông dân Kỳ Sơn nói riêng. Với thực trạng đang diễn ra, nhất là đối với Kỳ Sơn, một trong những địa phương nghèo nhất tỉnh và cả nước, các cấp, các ngành cần sẵn sàng những phương án nhằm hỗ trợ đời sống, sản xuất cho nhân dân, trong đó có phương án hỗ trợ giống ngô… để khi thời tiết có diễn biến thuận lợi sẽ kịp thời cấp phát cho nhân dân canh tác. Từ đó, góp phần ổn định cuộc sống nhân dân nơi mảnh đất phên dậu phía Tây.

Nhật Lệ