Thế giới tuần qua qua ảnh
(Baonghean.vn). Cùng Báo Nghệ An Điện tử điểm lại những sự kiện nổi bật nhất trong vòng mộttuần qua
1. Châu Âu đạt được thỏa thuận cứu trợ Hy Lạp
Sau 17 giờ đàm phán, Hy Lạp đã đạt thỏa thuận với nhóm chủ nợ về các điều khoản cải tổ cần thiết để bắt đầu đàm phán chính thức về gói cứu trợ thứ 3 trong vòng 5 năm qua. Đích thân Chủ tịch Hội đồng châu Âu - Donald Tusk thông báo lãnh đạo các nước eurozone đã đạt thỏa thuận về điều khoản gói giải cứu cho Hy Lạp thông qua Cơ chế Bình ổn châu Âu (ESM).
Được biết, để đạt được thỏa thuận này, Thủ tướng Tsipras đã cách chức hàng loạt thành viên nội các phản đối cải cách. Ông đã cách chức 10 thành viên nội các, trong đó có các bộ trưởng và thứ trưởng, những người đã bỏ phiếu chống đối với những biện pháp cải cách theo yêu cầu của các chủ nợ của Hy Lạp.
![]() |
Thủ tướng Hy Lạp - Alexis Tsipras (trái), Tổng thống Pháp - Francois Hollande và Thủ tướng Bỉ - Charles Michel trong phiên họp về thỏa thuận giúp đỡ Hy Lạp Nguồn: Reuters |
Gói cứu trợ mới dành cho Hy Lạp có thời hạn 3 năm và có giá trị lên tới 86 tỷ Euro. Sau khi Hy Lạp thống nhất sẽ thực hiện các chính sách thắt lưng buộc bụng để nhận gói cứu trợ, nhiều quốc gia trong khu vực Eurozone đã thực hiện bỏ phiếu để thảo luận về việc sẽ cứu trợ Hy Lạp hay không.. Trong số 19 quốc gia Eurozone, có 8 nước thành viên cần phải được Quốc hội thông qua để có thể tiến hành thỏa hiệp với Hy Lạp. Một trong những thành viên chủ chốt là Đức cũng đã được Quốc hội thông qua thỏa thuận này với Tỷ lệ phiếu ủng hộ khá áp đảo: 439 phiếu thuận, 119 phiếu trống và 40 phiếu trắng.
![]() |
Thủ tướng Đức Angela Merkel và Bộ trưởng Tài chính Đức Wolfgang Schaeubl tại phiên bỏ phiếu của Quốc hội Đức về kế hoạch cứu trợ mới với Hy Lạp. Ngay trước khi Quốc hội Đức bỏ phiếu, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã nhận định rằng đây là cơ hội cuối cùng để ngăn chặn "hỗn loạn" xảy ra tại Hy Lạp. |
Ngoài Đức và Áo, hai quốc gia khác là Pháp và Phần Lan cũng đã bỏ phiếu ủng hộ thỏa thuận cứu trợ này.
2. Phillipines quyết không nhẹ tay với Trung Quốc
Cách đây một tuần, Phillipines đã kiện Trung Quốc về vấn đề Biển Đông ở Tòa án Trọng tài Thường trực Liên Hiệp Quốc. Philippines đã yêu cầu toà PCA của Liên Hợp Quốc ở The Hague, Hà Lan ra phán quyết đối với yêu sách chủ quyền gần như toàn bộ Biển Đông của Trung Quốc. Manila khẳng định Bắc Kinh đang chà đạp lên quyền của các nước khác. Tuy nhiên, Trung Quốc nói toà án không có thẩm quyền và từ chối tham gia.
![]() |
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Doanh hôm qua tái khẳng định lập trường phản đối phiên toà và cho biết nước này "sẽ không bao giờ chấp nhận những cố gắng đơn phương nhằm dựa vào bên thứ ba để giải quyết tranh chấp". Bà Hoa sau đó kêu gọi giải quyết tranh chấp thông qua đàm phán và tham vấn. Nguồn: Presstv |
Bên cạnh đó, bà Hoa Xuân Doanh còn chỉ trích rằng Philippines "đang làm trầm trọng thêm tình hình bằng hoạt động bất hợp pháp" trên tàu BRP Sierra Madre, mắc cạn trên bãi Cỏ Mây, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. à kêu gọi Philippines di dời tàu. "Việc Philippines vi phạm lời hứa của chính mình với cộng đồng quốc tế thể hiện thói đạo đức giả và tráo trở của họ, và là một ví dụ khác cho thấy Philippines là bên gây rắc rối và phá vỡ quy tắc thực sự trong khu vực".
![]() |
Tàu BRP Sierra Madre, tàu chở dầu đổ bộ dài 100 m, được đóng cho hải quân Mỹ trong Thế Chiến II. Hải quân Philippines sau khi tiếp nhận đã cố tình cho tàu mắc cạn trên bãi Cỏ Mây để thể hiện cho sự hiện diện của Manila ở nơi này. Nguồn: Reuters |
Đáp lại những lời kêu gọi của Trung Quốc vẫn là sự cứng rắn thường thấy trong thời gian gần đây của Phillipines. Philippines tuyên bố không từ bỏ vụ kiện về Biển Đông để đàm phán trực tiếp với Trung Quốc theo lời kêu gọi từ phía Bắc Kinh.
![]() |
"Sau khi đã trình bày vụ kiện của mình trước Tòa Trọng tài Thường trực (PCA), chúng tôi chắc chắn phải theo đuổi hành động này đến cùng",Inquirer dẫn lời thư ký báo chí của tổng thống Philippines Herminio Coloma nói hôm 15/7. "Philippines khẳng định việc tuân thủ luật pháp quốc tế và ưu tiên giải quyết các vấn đề về lợi ích hàng hải theo quy định". Nguồn: Inquirer |
Toà án hoạt động theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển cho hay Bắc Kinh có thời hạn đến ngày 17/8 để hồi đáp với toà và họ sẽ đưa ra phán quyết trong năm nay.
Trước những động thái mang tính tích cực của Phillipines, 4 thượng nghị sĩ cấp cao của Mỹ tán dương nỗ lực của Philippines trong việc giải quyết hòa bình các tranh chấp trên Biển Đông và hối thúc chính phủ hỗ trợ các nước Đông Nam Á đối phó với mối đe dọa từ Trung Quốc. Trong đó có thượng nghị sĩ John McCain. 3 người còn lại là ông Jack Reed, Bob Corker và Ben Cardin.
![]() |
"Dù Mỹ không nghiêng về tuyên bố tranh chấp nào, chúng tôi hoan nghênh Tổng thống Philippines Benigno Aquino III và chính phủ của ông vì cam kết theo đuổi hành động pháp lý này", thượng nghị sĩ McCain nói thêm. "Trong khi Trung Quốc đang xây dựng và quân sự hóa các dải đất mới trên Biển Đông, đồng thời có xu hướng gia tăng cưỡng chế để đạt được những mục tiêu của mình, chúng tôi thật cảm kích khi Manila tiếp tục mọi nỗi lực để giải quyết các tranh chấp này một cách hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế và thông qua các cơ chế trọng tài quốc tế". Nguồn: Politico |
3. Iran và nhóm P5+1 đạt thỏa thuận về hạt nhân
Iran và nhóm 6 cường quốc thế giới hôm 14/7 vừa qua đã đạt được thỏa thuận hạt nhân sau hơn một thập kỷ đàm phán, động thái có thể thay đổi khu vực Trung Đông.
Ngoại trưởng Iran và P5+1 nhóm họp tại trung tâm Liên Hợp Quốc ở Vienna vào 8h30 GMT. Sau khi cuộc họp kết thúc, một cuộc họp báo đã được tổ chức. Tổng thống Iran Hassan Rouhani nhận định thỏa thuận hạt nhân sẽ "mở ra chân trời mới" cho nước này.
![]() |
Đại diện Iran và nhóm P5+1 đàm phán tại thành phố Vienna Nguồn: Reuters |
Theo thỏa thuận, các lệnh trừng phạt do Mỹ, EU và Liên Hợp Quốc áp đặt sẽ được dỡ bỏ. Đổi lại, Iran phải đồng ý hạn chế dài hạn chương trình hạt nhân mà phương Tây nghi ngờ nhằm chế tạo bom hạt nhân.
![]() |
Các ngoại trưởng tại cuộc họp báo sau buổi thảo luận Nguồn: Reuters |
Một số lệnh trừng phạt có thể được áp đặt lại trong 65 ngày nếu Iran vi phạm. Lệnh cấm vận vũ khí của Liên Hợp Quốc vẫn tiếp tục duy trì trong 5 năm, lệnh cấm mua công nghệ tên lửa còn hiệu lực trong 8 năm.
Việc đạt được thỏa thuận là chiến thắng lớn về chính sách đối với cả Tổng thống Mỹ Barack Obama và người đồng cấp Iran Hassan Rouhani. Hai nhà lãnh đạo đều đối mặt với sự hoài nghi mạnh mẽ tại nước nhà sau nhiều thập kỷ thù hằn, gọi nhau là "Đại Satan" và một thành viên của "trục ma quỷ".
![]() |
Trong một bài phát biểu của mình, Tổng thống Obama đã gửi lời cảm ơn tới người đồng cấp bên phía Nga là Tổng thống Putin vì sự ủng hộ dành cho thỏa thuận hạt nhân với Iran. Trong cuộc điện đàm, ông Obama và Putin cũng nhất trí giữ liên lạc chặt chẽ khi thỏa thuận mới được thực hiện và sẽ cùng hợp tác để giảm căng thẳng ở Trung Đông, đặc biệt là ở Syria. Nguồn: Reuters |
4. Trùm ma túy nguy hiểm nhất thế giới vượt ngục
J oaquin "El Chapo" Guzman, trùm ma túy nguy hiểm nhất thế giới, hôm thứ hai vừa rồi đã trốn thoát khỏi nhà tù được canh phòng cẩn mật của Mexico thông qua một hệ thống đường hầm tinh vi.
Nhà tù giam giữ hắn là Altiplano, cách thủ đô Mexico City khoảng 80 km. Guzman lần cuối cùng được trông thấy tại khu vực tắm ở buồng giam của hắn cuối ngày 11/7 trước khi biến mất.
Sau khi phát hiện buồng giam Guzman trống rỗng, các nhân viên bảo vệ nhà tù vào kiểm tra và thấy một hố sâu 10 m có thang leo xuống dưới ở khu vực tắm. Guzman đã chui xuống hố này để tới đường hầm cao khoảng 1,7 m, rộng 80 cm và dài 1,5 km, được trang bị hệ thống đèn chiếu sáng, quạt thông gió.
![]() |
Hình ảnh mới nhất của "gã lùn" Guzman trước khi hắn trốn thoát khỏi nhà tù Altiplano. Nguồn: Mexico's Attorney General Office. |
Bên trong đường hầm, nhà chức trách tìm thấy một chiếc xe máy được thiết kế đi trên đường ray. Chiếc xe làm nhiệm vụ chở các dụng cụ và đất. Đường hầm dẫn tới một ngôi nhà chưa hoàn thiện phía ngoài nhà tù.
![]() |
Nhân viên điều tra đang quan sát cửa vào một đường hầm, được cho là nơi Guzman dùng để tẩu thoát Nguồn: Reuters |
![]() |
Thang xuống hố sâu dẫn tới đường hầm Guzma tẩu thoát Nguồn: CNN |
![]() |
Trong đường hầm nối từ nhà tù đến nhà ngôi nhà đang xây dở, có một chiếc motor cải tiến được cho là dùng để chở đất đá trong quá trình đào hầm Nguồn: CNN |
![]() |
Ngôi nhà thông với đường hầm của Guzman, nơi y đã dùng để tẩu thoát. Theo một nông dân sống gần ngôi nhà ở cuối đường hầm, nhóm thợ xây dựng căn nhà vào tháng 12 năm ngoái, sau đó nghỉ vài tháng. Mặt tiền ngôi nhà hoàn thiện vào khoảng tháng hai hoặc tháng ba, tuy nhiên các công nhân vẫn tiếp tục vận chuyển đất đá xung quanh khu vực này suốt nhiều tháng, tới tận hôm 10/7 mới rút đi. Nguồn: Reuters |
Sau khi trốn thoát khỏi nhà tù có an ninh nghiêm ngặt nhất Mexico, "gã lùn" Guzman được trông thấy thưởng thức bia và thư giãn tại buồng lái máy bay trong những bức ảnh có thể do con trai y làm rò rỉ. Guzman lẩn trốn suốt 13 năm sau vụ tẩu thoát năm 2001. Hắn bị bắt và tống giam lại vào năm 2014.
NHẬT MINH