Hội nghị quốc tế chống IS: Đùn đẩy trách nhiệm về thất bại trước IS

03/06/2015 18:56

Phát biểu tại cuộc họp Ngoại trưởng Đức Frank Walter Steinmeir nhấn mạnh, một giải pháp quân sự cần phải kèm theo hòa giải chính trị tại Iraq.

Hội nghị quốc tế chống nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) đã bế mạc tối 2/6 sau một ngày họp tại Paris (Pháp), với cam kết tăng cường hỗ trợ hơn nữa cho Iraq chống IS. Mặc dù có sự nhất trí cao giữa các nước tiếp tục ủng hộ Iraq, nhưng tuyên bố của các bên tại hội nghị cho thấy xuất hiện những rạn nứt mới giữa Iraq và các đồng minh quốc tế về thất bại liên tiếp gần đây trước IS.

Thủ tướng Iraq al-Haydar Abadi và liên minh chống IS trong cuộc họp tại Paris, ngày 2/6/2015 (ảnh: AP)
Thủ tướng Iraq al-Haydar Abadi và liên minh chống IS trong cuộc họp tại Paris, ngày 2/6/2015 (ảnh: AP)

Liên minh chống IS ngày 2/6 cam kết hỗ trợ cho kế hoạch của Iraq tái chiếm thành phố Ramadi từ nhóm Nhà nước Hồi giáo, mà Thủ tướng Iraq Haider al-Abadi gọi là sự "thất bại" của cộng đồng quốc tế. Không chỉ cam kết hỗ trợ tài chính và vũ khí cho Iraq, Ngoại trưởng 20 nước cũng khẳng định, chính phủ do người Shiite kiểm soát tại Iraq cần phải cải thiện mối quan hệ với cộng đồng người Sunni, qua đó đảm bảo hiệu quả trong cuộc chiến chống IS.

Phát biểu tại cuộc họp Ngoại trưởng Đức Frank Walter Steinmeir nhấn mạnh, một giải pháp quân sự cần phải kèm theo hòa giải chính trị tại Iraq. “Chúng tôi không kỳ vọng vào một chiến thắng bằng giải pháp quân sự sẽ đến dễ dàng. Chúng tôi cũng biết rằng, giành lại hòa bình là điều khó khăn. Đó là lí do tại sao tại hội nghị này, chúng tôi không chỉ nói về sự cần thiết của các biện pháp quân sự mà còn cả những gì cần thiết để mang lại ổn định cho những khu vực không nằm dưới sự kiểm soát của IS”, Ngoại trưởng Đức cho biết.

Tuy nhiên bắt đầu xuất hiện những rạn nứt giữa Iraq và các đồng minh trong cuộc chiến IS, khi Thủ tướng al-Abadi ngày 2/6 phản đối các tuyên bố cho rằng, chính phủ chưa nỗ lực hòa giải với cộng đồng người Sunni và chia rẽ bè phái tại Iraq là nguyên nhân gây ra thất bại gần đây trong cuộc chiến chống IS.

Ông al-Abadi cũng cáo buộc liên quân quốc tế chưa thực hiện đủ những cam kết để giúp đỡ Iraq đối phó với IS. Theo Thủ tướng Iraq, quốc tế đang hỗ trợ Iraq, nhưng nước này cần nhiều thông tin tình báo và vũ khí hơn từ liên quân. Iraq hiện nhận được ít hỗ trợ hơn so với những gì quốc tế đã cam kết.

Thủ tướng Iraq cũng khẳng định, cuộc chiến chống IS không phải là nhiệm vụ riêng của Iraq: “Như các bạn đã biết IS không phải bắt nguồn từ Iraq, nó cũng không được phát triển tại Iraq mà ở Syria. IS được hỗ trợ từ những lực lượng bên ngoài Iraq, trong đó có các tay súng nước ngoài. Iraq có thể hi sinh để chống IS nhưng cộng đồng quốc tế , trong đó có liên quân quốc tế cần phải hỗ trợ chúng tôi tiêu diệt IS”.

Mặc dù vậy để đảm bảo tiếp tục nhận được hỗ trợ nhiều hơn trong cuộc chiến chống IS cũng như xoa dịu lo ngại của quốc tế, Thủ tướng Iraq ngày 2/6 khẳng định tiếp tục nỗ lực hòa giải giữa các phe phái và thông báo kế hoạch tái chiếm Ramadi từ tay IS.

Kế hoạch bao gồm tăng cường đào tạo và trang bị cho những nhóm vũ trang người Sunni địa phương, tăng cường tuyển dụng mới cho quân đội Iraq. Nhằm tránh căng thẳng giữa phái Sunni và Shiite tại Iraq, ông al-Abadi yêu cầu tất cả hai nhóm này cần phải hoạt động dưới sự giám sát của chính quyền Baghdad.

Chủ nghĩa bè phái tồn tại đã lâu nay tại Iraq không chỉ là nguyên nhân làm lùi những bước tiến của liên quân trong cuộc chiến chống IS, mà còn đẩy quốc gia Trung Đông này vào xung đột liên miên nhiều năm qua. Điều đáng lo ngại là những cộng đồng người Sunni tại Iraq mặc dù không ủng hộ nhóm Nhà nước Hồi giáo cực đoan, nhưng họ cũng sợ hợp tác với dân quân Shiite sau nhiều năm xung đột.

Trong một dấu hiệu cho thấy sự chia rẽ phe phái kéo dài tại Iraq, có thể làm phức tạp thêm cuộc chiến IS, khi khu vực người Kurd tự trị tại phía Bắc ngày 2/6 lên tiếng chỉ trích chính phủ “ loại trừ” tiếng nói của họ tại hội nghị ở Paris.

Khu vực tự trị người Kurd tại Iraq cũng là một vấn đề làm “ đau đầu” chính quyền Baghdad bấy lâu nay. Lực lượng này luôn sát cánh cùng quân đội Iraq trong cuộc chiến chống IS kể từ khi nhóm vũ trang này mở rộng kiểm soát, nhưng lãnh đạo người Kurd muốn tổ chức trưng cầu ý dân về nền độc lập của khu vực – điều mà chính phủ Iraq luôn phản đối./.

Theo VOV.VN