Đưa bạo lực ra khỏi mái ấm gia đình

08/07/2015 17:09

(Baonghean) - Chị H. T. H (SN 1995) ở xóm 8, xã Sơn Hải (Quỳnh Lưu) lấy chồng khi mới 17 tuổi, không biết chữ, nhận thức và kinh nghiệm sống hạn chế khiến chị H gặp nhiều khó khăn khi lập gia đình.

Trước lời ra tiếng vào và mâu thuẫn với gia đình chồng, chị không tránh khỏi những xử sự thiếu khôn khéo, đôi khi buông lời lẽ xúc phạm. Chồng chị đi biển, không hiểu sâu xa những mâu thuẫn mẹ chồng nàng dâu, không biết cách cân bằng quan hệ giữa mẹ và vợ, mâu thuẫn xảy ra, chị H thường xuyên bị mẹ chồng và chồng đánh đập, hành hạ. Nhiều lần chị phải đi viện và nhờ đến sự giúp đỡ của pháp luật. Hiện tại, chồng chị đã bỏ nhà đi lao động chui bên Trung Quốc hơn 5 tháng chưa có tin tức. Nhà chồng xa lánh, chị không có việc làm với đứa con gái nhỏ hơn 1 tuổi nên cuộc sống rất khó khăn. "Nhờ pháp luật can thiệp nên gia đình chồng cũng không hành hạ em nữa. Em bây giờ chỉ mong chồng về đoàn tụ, để có trách nhiệm với em, với con và cũng để giải quyết việc nhà cửa, nợ nần...”, chị H. chia sẻ.

Một buổi sinh hoạt CLB “Ngăn ngừa và giảm thiểu tác hại của bạo lực trên cơ sở giới”  ở xã  Sơn Hải.
Một buổi sinh hoạt CLB “Ngăn ngừa và giảm thiểu tác hại của bạo lực trên cơ sở giới” ở xã Sơn Hải.

Theo điều tra, khảo sát của UBND xã Sơn Hải, ở một số xóm được khảo sát thì có từ 20 - 30%, thậm chí có xóm tới 50% chị em được điều tra cho biết, họ từng bị đánh đập, hành hạ, bạo lực về tinh thần, bạo lực tình dục... Trước thực trạng bạo lực gia đình ngày càng gia tăng trên địa bàn huyện nói chung, xã Sơn Hải nói riêng, được sự chỉ đạo, hướng dẫn của Sở LĐ-TB&XH, Phòng LĐ-TB&XH huyện Quỳnh Lưu đã chọn xã Sơn Hải để triển khai xây dựng mô hình “Ngăn ngừa và giảm thiểu tác hại của bạo lực trên cơ sở giới” từ tháng 9/2013. Để mô hình hoạt động hiệu quả, địa phương đã thành lập Ban chỉ đạo gồm 15 thành viên là đại diện các ban, ngành, đoàn thể xã.

Hiện tại xã có 13 xóm thì ở mỗi xóm đều xây dựng được 1 CLB “Ngăn ngừa và giảm thiểu tác hại của bạo lực trên cơ sở giới” và 1 tổ “Phòng chống bạo lực gia đình”. Qua CLB, những thành viên càng hiểu và quý trọng giá trị của việc xây dựng gia đình hạnh phúc, tránh xa bạo lực, những người cao tuổi có vai trò giáo dục, chỉ bảo con cháu sống hòa thuận, vun đắp mối quan hệ mẹ chồng - nàng dâu, anh em trong gia đình, dòng họ. Ngoài ra, các thôn cũng đều xây dựng “địa chỉ tin cậy”, “nhà tạm lánh” công bố trên đài truyền thanh xã và sẵn sàng tiếp nhận, giúp đỡ nạn nhân bị bạo lực tạm lánh trong trường hợp khẩn cấp. Tư vấn, hỗ trợ họ tiếp cận với các dịch vụ phòng, chống bạo lực, dịch vụ y tế, giải trí và phúc lợi xã hội khác để nhanh chóng phục hồi sức khỏe và tâm lý...

Ông Hoàng Sơn, Phó Chủ tịch UBND xã Sơn Hải cho biết: "Nhờ CLB hoạt động có hiệu quả đã tác động tích cực đến ý thức của người dân; bạo lực gia đình giảm hẳn. Đặc biệt, sinh hoạt CLB và các tổ có vai trò rất quan trọng vì chuyện trong gia đình rất tế nhị và “khó nói” nhưng nhờ các CLB, các tổ đã tiếp cận, nắm bắt thông tin kịp thời nên công tác phòng ngừa, giảm thiểu tác hại về các hành vi bạo lực gia đình triển khai khá hiệu quả".

Sau gần 2 năm triển khai thực hiện mô hình, xã Sơn Hải đã tổ chức tập huấn, tuyên truyền về công tác Bình đẳng giới và ngăn ngừa bạo lực gia đình trên cơ sở giới được 20 buổi với hơn 2.000 lượt người tham gia. Nhiều bậc cha mẹ đã thay đổi quan niệm và cách đối xử giữa con trai, con gái, con dâu trong gia đình. Nam giới đã có sự thay đổi trong cách cư xử với vợ con, có trách nhiệm hơn trong chia sẻ việc nhà, giáo dục con cái, phòng tránh thai, kế hoạch hóa gia đình...

Đến nay, ở xã Sơn Hải đã hạn chế được tình trạng chọn giới tính thai nhi, ép con cái tảo hôn, bỏ học quá sớm để đi biển. Đặc biệt, các gia đình, chị em cảnh giác hơn đối với những lời dụ dỗ của kẻ xấu, tránh sa vào đường dây buôn bán người. Cán bộ và người dân nhận thức rõ hơn về tầm quan trọng của giáo dục các giá trị đạo đức, lối sống trong gia đình, mâu thuẫn gia đình, bạo lực trên cơ sở giới giảm hẳn so với những năm trước, tỷ lệ gia đình văn hóa của thôn, xã tăng lên.

Thanh Nhàn

(Đài Quỳnh Lưu)