Điểm nhấn mới trong bức tranh công nghiệp miền Tây

17/06/2015 18:45

(Baonghean) - Dự án Nhà máy chế biến gỗ Nghệ An đang trong thời kỳ về đích theo đúng tiến độ. Những sản phẩm chạy thử đầu tiên đã ra đời. Những khách hàng khó tính đã có mặt tại nhà máy để tìm hiểu thị trường và đặt hàng mẫu. Chỉ trong thời gian ngắn nữa thôi, bức tranh công nghiệp miền Tây Nghệ An sẽ có một điểm nhấn mới, hàng vạn hộ dân vùng miền Tây đang có cơ hội thoát nghèo và làm giàu bền vững từ trồng rừng.

Những ngày này, không khí trên công trường Dự án Nhà máy chế biến gỗ Nghệ An thuộc Công ty cổ phần Lâm Nghiệp Tháng Năm sôi động, khẩn trương. Bất chấp thời tiết nắng nóng, tất cả các cán bộ, kỹ sư và người lao động đang dồn sức để đưa dự án về đích giai đoạn 1 theo đúng cam kết. Trên công trường của nhà máy hiện đang có 80 kỹ sư, chuyên gia và nhà thầu nước ngoài làm việc với khí thế khẩn trương ở 3 khu vực gồm hệ thống nhà năng lượng, khu ép và khu lọc bụi. Theo dự kiến, toàn bộ dây chuyền Sawmill sẽ vận hành thử trong tháng 7, dây chuyền MDF chạy thử trong tháng 12 năm 2015. Đến nay, phần lắp đặt các hạng mục phục vụ cho dây chuyền Sawmill đã cơ bản hoàn thành. Khu vực sản xuất chính Sawmill đã chạy thử thành công, cho ra những sản phẩm mẫu đầu tiên. Nhiều khách hàng trong và ngoài nước cũng đã đến thăm và đặt hàng mẫu.

Các đồng chí lãnh đạo tỉnh kiểm tra tiến độ dự án.
Các đồng chí lãnh đạo tỉnh kiểm tra tiến độ dự án.

Các hạng mục dây chuyền chính MDF đang được khẩn trương lắp đặt dưới sự chỉ đạo của các chuyên gia Đức. Các kỹ sư, chuyên gia nước ngoài cũng đang nhanh chóng hoàn thành lắp đặt những công trình phụ trợ cho toàn dây chuyền MDF như Nhà Energy Plant, Debarking & Chiping Line, Air grading... Bên cạnh đó, hệ thống hạ tầng ngoài dự án như đường giao thông nối nhà máy ra Cảng Đông Hồi, đường Hồ Chí Minh đang được UBND tỉnh Nghệ An chỉ đạo thi công quyết liệt. Các nhà thầu huy động tối đa nguồn nhân lực, máy móc để hoàn thành hệ thống đường giao thông trong tháng 7 để tạo thuận lợi cho dự án khi đi vào vận hành chính thức.

Theo đánh giá của Ban quản lý dự án và các chuyên gia nước ngoài, toàn bộ các công trình xây dựng, hạ tầng kỹ thuật đều theo đúng kế hoạch và đáp ứng yêu cầu mặt bằng lắp máy của công nghệ. Trong quá trình thi công, dự án luôn nhận được sự sự quan tâm, chỉ đạo kịp thời của lãnh đạo Tập đoàn TH, chủ đầu tư và cơ quan, ban, ngành các cấp và chắc chắn, dự án sẽ về đích theo đúng tiến độ.

Kiểm tra sản phẩm thô trước khi đưa vào hoàn thiện.
Kiểm tra sản phẩm thô trước khi đưa vào hoàn thiện.

Dự án Nhà máy chế biến gỗ Nghệ An của Công ty cổ phần Lâm Nghiệp Tháng Năm được khởi công từ tháng 2/2013 có tổng mức đầu tư 300 triệu USD (chưa bao gồm vốn đầu tư cho vùng phát triển nguyên liệu bền vững). Đây là dự án MDF lớn nhất, hiện đại nhất Đông Nam Á, được chia làm 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 với tổng mức đầu tư hơn 100 triệu USD, gồm hai dây chuyền, dây chuyền chế biến gỗ thanh với công suất 12.000m3/năm hoạt động quý III năm 2015; dây chuyền chế biến ván sợi MDF với công suất: 130.000m3/năm sẽ đi vào hoạt động cuối năm 2015. Giai đoạn 2 sẽ nâng tổng công suất của nhà máy gỗ thanh lên 40.000m3/năm và nhà máy gỗ MDF: 400.000m3/năm với tổng mức đầu tư 200 triệu USD, dự kiến sẽ hoạt động vào năm 2018.

Dự án sử dụng công nghệ hiện đại và thiết bị tốt nhất thế giới hiện nay như thiết bị tạo hình, nén liên hồi của nhà cung cấp thiết bị gỗ ván ép hàng đầu thế giới Dieffenbacher (CHLB Đức); thiết bị công nghệ sản xuất ván sợi gỗ của Công ty Metso (Thụy Điển); công nghệ băm dăm, làm sạch và kho chứa băm dăm của Công ty Hombak/CMC(CHLB Đức); công nghệ chà nhám sản phẩm của Công ty Steinemann (CHLB Đức); công nghệ cắt sản phẩm theo kích thước cuối cùng của Công ty Anthon (CHLB Đức)... Sau khi đi vào vận hành, các sản phẩm của nhà máy đủ sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế với những nước trọng điểm như Mỹ, Nhật, EU. Tất cả các công đoạn chế biến gỗ đều được tự động hoàn toàn trên dây chuyền hiện đại và khép kín. Đặc biệt, ưu thế của nhà máy là sử dụng công nghệ cao, tận dụng toàn bộ phần thân, vỏ, cành và rễ để chế biến gỗ, đồng thời giảm thiểu tối đa ô nhiễm môi trường khi những phụ phẩm như mùn cưa sẽ được tận dụng làm chất đốt.

Dây chuyền sản xuất được gấp rút hoàn thành.
Dây chuyền sản xuất được gấp rút hoàn thành.

Sau khi dự án đi vào hoạt động, sẽ trực tiếp giải quyết việc làm cho 400 lao động trực tiếp làm việc tại nhà máy và hàng nghìn việc làm khác cho người dân quanh nhà máy và vùng nguyên liệu. Đồng thời, nhà máy sẽ trực tiếp góp phần phát triển bền vững kinh tế rừng của khu vực miền Tây Nghệ An.

Để đảm bảo sự phát triển của nhà máy, tỉnh Nghệ An đã phê duyệt quy hoạch vùng nguyên liệu cho dự án với diện tích hơn 50.000 ha nằm trên 6 huyện miền Tây của tỉnh. Trong đó dự kiến diện tích nhà máy sẽ thuê là 12.589 ha và diện tích đất liên doanh - liên kết là 38.422 ha. Tất cả diện tích vùng nguyên liệu này được quy hoạch một cách hợp lý, đường giao thông thuận lợi để phục vụ việc chuyên chở nguyên liệu đến nhà máy. Trong số diện tích đất thuê, nhà máy đã quy hoạch để trồng 11.000 ha rừng mới nhằm đảm bảo tính chủ động trong việc cung ứng nguyên liệu liên tục cho nhà máy hoạt động.

Xác định nguồn nguyên liệu là yếu tố đảm bảo cho nhà máy phát triển bền vững, hiện nay, Công ty CP Lâm Nghiệp Tháng Năm đang chỉ đạo 2 công ty con là Công ty CP phát triển nguyên liệu Đông Bắc và Công ty CP phát triển nguyên liệu Phủ Quỳ hoàn thiện các bước khảo sát để liên doanh, liên kết với các đơn vị và các hộ trồng rừng, ký kết hợp đồng với các hộ dân trong vùng quy hoạch nguyên liệu để đảm bảo diện tích, chất lượng rừng nguyên liệu. Bên cạnh đó, công ty cũng đang phát triển mạng lưới đại lý thu mua, vận chuyển gỗ một cách khoa học, hiệu quả và nâng cao tính chủ động trong cung ứng nguyên liệu cho nhà máy hoạt động.

Một trong những nhiệm vụ quan trọng của công ty là phát triển bền vững diện tích rừng nguyên liệu bằng việc chủ động trồng rừng trên diện tích được quy hoạch. Để làm tốt điều này, công ty đã xây dựng trung tâm nghiên cứu, ứng dụng và phát triển giống cây rừng. Đưa những công nghệ sản xuất cây giống hiện đại như nuôi cấy mô vào ứng dụng trong thực tiễn để cung cấp giống cây một cách chất lượng, góp phần từng bước giảm thiểu các chi phí không cần thiết, đồng thời nâng cao chất lượng, năng suất rừng trồng của nhà máy cũng như của người dân...

Dự án Nhà máy chế biến gỗ Nghệ An thuộc Công ty cổ phần Lâm Nghiệp Tháng Năm đang từng bước về đích theo đúng lộ trình. Điều này thể hiện sự quyết tâm, tin tưởng của nhà đầu tư đối với một dự án trọng điểm cũng như thể hiện sự cam kết của chính quyền địa phương tỉnh Nghệ An trong việc tạo điều kiện tốt nhất cho dự án hoàn thành.

Một điểm nhấn mới trong bức tranh công nghiệp miền Tây đang hoàn thiện. Chắc chắn, trong thời gian tới, khu vực nhà máy đứng chân cũng như các vùng nguyên liệu lân cận sẽ có những bước đột phá trên nhiều mặt. Đây cũng là cơ hội cho người dân các huyện thuộc khu vực quy hoạch vùng nguyên liệu của đại dự án này vươn lên làm giàu từ trồng rừng nguyên liệu.

Thùy Linh