Tự hào và tiếc nuối

21/06/2015 15:13

(Baonghean) - Sau nhiều ngày tranh tài sôi nổi, SEA Games 28 đã chính thức khép lại, theo giới truyền thông và những người làm công tác thể thao thì đây là kỳ SEA Games được đánh giá là thành công nhất trong lịch sử. Đã có rất nhiều kỷ lục mới được xác lập, nhiều ngôi sao mới nổi lên như Nguyễn Thị Ánh Viên (Việt Nam/Bơi lội), Joseph Schooling (Singapore/Bơi lội), Suthasini Sawettabut (Thái Lan/Bóng bàn), Chanathip Songkrasin (Thái Lan/Bóng đá)...

Kình ngư Ánh Viên - niềm tự hào của thể thao Việt Nam. Ảnh: Internet
Kình ngư Ánh Viên - niềm tự hào của thể thao Việt Nam. Ảnh: Internet

Có thể nhận thấy tại SEA Games 28, hiện tượng “vùng trũng”, “ao làng” đã phần nào được khắc phục, những nước có nền thể thao hàng đầu khu vực là Thái Lan, Singapore, Việt Nam, Malaysia hay Indonesia… đã và đang có những chiến lược “Olympic hóa” các môn thi đấu. Singapore vẫn cho thấy ưu thế của nước chủ nhà, nhưng nếu nhìn vào những chiếc HCV mà họ giành được thì đó đều là những tấm huy chương hướng tới các môn thể thao Olympic như bơi lội, bóng bàn. Còn Thái Lan, ngoài các môn thế mạnh truyền thống - thống trị khu vực như bóng đá, bóng chuyền, đá cầu, boxing... môn bắn súng mới được đầu tư nhưng cũng kịp đem về cho họ tới 14 HCV.

Với thể thao Việt Nam, điền kinh là môn mang về nhiều HCV nhất cho Việt Nam với tổng cộng 34 huy chương các loại (11 HCV, 15 HCB, 8 HCĐ, phá 7 kỷ lục SEA Games), bơi lội giành 10 HCV (nhiều gấp đôi so với SEA Games 27). So với SEA Games 27 tại Myanmar, kỳ SEA Games 28 đoàn Việt Nam giành ít hơn 1 HCV nhưng vượt trội về chất lượng chuyên môn. Việt Nam giành 64 HCV ở các môn Olympic, đạt tỷ lệ 88%. Đây là con số rất ấn tượng, cao nhất từ trước tới nay của thể thao Việt Nam tại sân chơi khu vực Đông Nam Á. Ngoài việc duy trì được vị trí tốp 3 trong bảng tổng sắp huy chương, thể thao Việt Nam còn để lại dấu ấn đậm nét tại kỳ SEA Games 28 với sự xuất hiện của các kỷ lục gia như kình ngư Nguyễn Thị Ánh Viên, VĐV giành được 8 HCV, 1 HCB, 1 HCĐ, phá 8 kỷ lục SEA Games... hay tuyệt phẩm sút phạt thành bàn trong chiến thắng đậm đà 5-1 của U23 Việt Nam trước U23 Malaysia ở vòng bảng được đánh giá là pha lập công đẹp nhất môn bóng đá nam SEA Games 28.

Bên cạnh sự thành công đó, kỳ SEA Games này vẫn còn những “hạt sạn” không đáng có như việc lãnh đạo đội bóng U23 Đông Timor nhận 15.000 USD để dàn xếp tỷ số trong trận đấu giữa U23 Malaysia và U23 Đông Timor, các cầu thủ Indonesia bị tố bán độ trận tranh HCĐ với U23 Việt Nam, hay việc 30% khán giả có vé nhưng không được vào sân xem lễ bế mạc... Trong một tuyên bố đăng trên Facebook của Singsoc (Ban Tổ chức SEA Games 28) vào chiều 18/6, đã viết: “Có một số bài học rõ ràng cần phải rút kinh nghiệm trong buổi lễ bế mạc SEA Games 28. Lẽ ra chúng tôi cần phải làm tốt vấn đề này hơn. Chúng tôi thành thật xin lỗi”. Nhưng dẫu sao, với màn trình diễn lung linh sắc màu trong lễ bế mạc, chủ nhà Singapore đã viết một lời kết cảm động và đầy ấn tượng cho SEA Games 28 - sân chơi của 11 đoàn thể thao trong khu vực Đông Nam Á trong niềm hân hoan, sự thoải mái và tình hữu nghị. Còn với đoàn thể thao Việt Nam, kỳ SEA Games này cũng ta đã gặt hái rất nhiều thành công nhưng cũng còn đó những tiếc nuối khi môn bóng đá nam chưa đổi màu được huy chương, bóng chuyền nam, nữ vẫn chưa vượt qua được người Thái để đăng quang...

Đức Dũng