NSƯT Diễm Hằng: Người "múa trên gai sắc"

12/07/2015 08:21

(Baonghean) - Vinh, một chiều đầy gió. tây nam khô khốc dễ làm người ta rơi vào cảm giác bứt rứt, bực dọc. Tôi gặp Diễm Hằng trong không gian chật chội của một quán ven đường. Có cảm giác rằng, cái nóng không khiến cô mấy bận tâm. “Nóng ư? Thì có gì đâu chứ”. Tôi hiểu rằng, những bài tập rèn luyện đầy khắc nghiệt của một diễn viên múa đã giúp cô chẳng còn thấy đến nhiều nỗi vất vả, khắc nghiệt khác nữa...

Diễm Hằng bén duyên với Đoàn Ca múa nhạc dân tộc Nghệ An năm 1994, khi đó đoàn có tên Đoàn nghệ thuật Hương Sen. Hôm ấy, cũng tiết trời mùa hè, cô bé 14 tuổi với tên khai sinh Phan Thị Thu Hằng rụt rè và ngơ ngác tìm đến Đoàn Hương Sen để thi tuyển. Dường như việc lựa chọn được làm người của ánh đèn sân khấu chỉ là ý thích nhất thời của đứa trẻ vừa bước vào tuổi dậy thì. “Vốn liếng” mang đến thi thố của cô bé Hằng còi cọc lúc ấy là: “hạt nhân” văn nghệ gia đình và “cây” văn nghệ trường. Hằng đã đăng ký thi tuyển thanh nhạc. Mọi việc có vẻ như xuôi chèo mát mái với cô bé có đôi mắt to đến từ phường Cửa Nam, Thành phố Vinh. Ai biết được rằng, chính cái ngày hè cách nay hơn 20 năm đã thay đổi cuộc đời Diễm Hằng, đưa cô bước vào một cuộc dấn thân mà ở đó chỉ có niềm đam mê mới vượt qua được những gian truân, vật vã và cả vô vàn điều thị phi sau tấm màn nhung sân khấu.

NSƯT Diễm Hằng (giữa) biên đạo cho một tiết mục múa.
NSƯT Diễm Hằng (giữa) biên đạo cho một tiết mục múa.

14 tuổi Diễm Hằng chạm tay khung trời nghệ thuật. Nhưng ở đó không chỉ có màu hồng như người đời vẫn nghĩ. Ngay cả cô bé Hằng có nước da ngăm đen, nụ cười e ấp ấy cũng không thể hình dung được điều gì đang đợi mình ở phía trước. Được nhận vào Đoàn nghệ thuật Hương Sen với lĩnh vực thanh nhạc, nhưng suốt hơn 6 tháng ròng rã sau đó, Diễm Hằng chủ yếu đứng sau cánh gà sân khấu để ngắm các cô chú, anh chị diễn viên. Và “vai” mà Hằng được “sắm” chủ yếu khi đó là nấu cơm, đun nước, chẻ củi mỗi khi đoàn lưu diễn. Cô gái thị thành sinh ra trong một gia đình có mẹ là giáo viên, bố kinh doanh chưa một lần biết lo lắng đã phải làm quen với củi lửa, bếp núc, nước nôi ở những vùng heo hút.

Bàn tay của đứa trẻ mới lớn chưa kịp chạm vào mơ ước đã phải run lên trong dòng suối buốt giá với vô vàn việc có tên và không tên khác.Những bản làng trên rẻo cao biên giới như Tương Dương, Kỳ Sơn hay Quế Phong đều in bước chân của cô gái nhỏ sau mỗi chuyến đoàn văn công tỉnh mang tiếng hát đến với đồng bào vùng sâu, vùng xa. Cũng thi thoảng, Diễm Hằng được các cô chú trong đoàn cho lên sân khấu để hát bè. Vậy đã là vui lắm rồi. Cái nghiệp diễn nó mê đắm lắm. Nó có thể biến người diễn viên thành một ngọn gió, một sợi nắng vương vấn, đa mang. Sự khát thèm được đứng dưới ánh đèn sân khấu, được tỏa sáng trên ánh mắt, gương mặt, nụ cười của khán giả là một thứ gì đó ghê gớm, có sức mạnh không thể đo đếm được.

Và rồi như một sự lựa chọn gắt gao của định mệnh, trong thời gian đầu theo học hát tại Đoàn nghệ thuật Hương Sen, Diễm Hằng chuyển sang học múa. Các thầy cô trong đoàn đều nhận thấy cô học trò nhỏ tuổi nhất đoàn thực sự có năng khiếu biểu diễn nghệ thuật hình thể. Từ thanh nhạc Diễm Hằng chuyển sang múa. Với những diễn viên múa chuyên nghiệp họ đến với loại hình nghệ thuật này khi mới 7, 8 tuổi, còn Hằng chen vai vào lĩnh vực đầy thử thách này khi đã bước vào tuổi 15. Đó chính là lý do để Hằng tự nhủ với lòng mình rằng phải nỗ lực gấp 5, gấp 10 người khác mới mong trụ lại với nghiệp diễn và sân khấu. Vậy nhưng tất cả không hề đơn giản, cho dù cô gái nhỏ hằng đêm cắn răng âm thầm tập luyện. Trong đội múa có tới 19 người và họ đều là diễn viên có kinh nghiệm, được đào tạo bài bản, vậy nên để có một suất diễn chính thực sự là cuộc cạnh tranh âm thầm nhưng khốc liệt. Thế rồi cơ hội cũng đã đến với Hằng. Ấy là lần đoàn đi diễn ở Cửa Rào (Tương Dương) đội múa thiếu một diễn viên do người này vắng mặt. Ngay trong lần đầu tiên ra mắt, Hằng đã “ghi điểm”. Cô lên sân khấu với bàn chân túa máu do mảnh thủy tinh cắt đứt trước đó chỉ vài giờ. “Xuân về trên bản Khơ mú” chính là màn múa đầu tiên Hằng tham gia với tư cách một diễn viên chuyên nghiệp, Hằng cũng cho rằng đây cũng là tiết mục mà “tổ nghề” thử thách sức chịu đựng và lòng can đảm của cô gái trẻ chớm yêu nghệ thuật múa.

Năm 2000, khi Diễm Hằng đã là cái tên được nhiều người biết tới, cô được đoàn cử đi học ở trường múa Trung ương. Đây chính là giai đoạn cô nhận diện một cách đầy đủ và tự trọng về cái nghiệp mình theo đuổi. Hào quang chỉ đến sau những mất mát, đớn đau và miệng lưỡi thị phi của người đời. Diễm Hằng nói rằng, nghệ thuật múa vốn đã kén khán giả, múa ở mảnh đất gió nắng này cũng giống như kẻ bước chân trần trên hàng gai sắc. Biết làm sao được khi cái ngôn ngữ hình thể không tìm thấy sự đồng cảm và tiếng nói chung. Phàm cái gì đã ăn vào máu, đi vào tiềm thức người thật khó rũ bỏ. Chính vậy nhiều hôm giữa đêm khuya Diễm Hằng bật dậy, mặc cho tiếng gió thét gào thấu xương, một mình trong căn phòng chật chội cô múa cuồng điên như kẻ nhập đồng. Cánh tay vươn, bàn chân riết róng và bờ môi bật máu. Giữa cuộc sống đầy những khuôn mặt người với vô vàn thanh âm nhưng cô gái mảnh dẻ luôn thấy mình lạc lõng và đơn độc. Cô chỉ thực sự thỏa mãn khát khao của lòng mình với những điệu shoter nhiều nội lực, hay những màn solo đầy ám ảnh giữa đêm khuya.

Cho đến bây giờ Diễm Hằng cũng không biết, nghề múa đã chọn cô hay tự nó là mối tiền duyên từ kiếp trước. Chỉ biết rằng bộ môn nghệ thuật múa đã đưa cô đến ánh hào quang này đến niềm hạnh phúc khác. Liên tục trong các năm 1995, 1996 và 1999 tại các kỳ Hội diễn ca múa nhạc chuyên nghiệp cô và anh chị em đội múa đều giành Huy chương Vàng. Có một tấm Huy chương Vàng hội diễn toàn quốc khiến Diễm Hằng ấn tượng mãi là năm 2002, khi đó phần thưởng cao nhất được trao cho màn múa: “Dệt đẹp tình quê” do tác giả Kiều Lê biên đạo mà Hằng giữ vai trò solo chính. Sau đó, gần như năm nào cô và các đồng nghiệp đều đạt Huy chương Vàng cho các tiết mục múa. Cá nhân Hằng đã giành được 2 Huy chương Vàng, 2 Huy chương Bạc. Còn những giải khu vực, giải tỉnh hay rất nhiều phần thưởng khác cho đến nay cô không thể nhớ hết. Diễm Hằng cười: “Cũng là nhờ vào niềm tin, động lực của các thầy cô, các bậc anh, chị đi trước dạy bảo, hướng dẫn. Nhờ sự dìu dắt của đoàn, nếu không em đã bạt gió xứ nào rồi”.

Năm 2012 Diễm Hằng được phong tặng danh hiệu Nghệ sỹ Ưu tú - là nghệ sỹ múa trẻ nhất của cả nước được phong tặng danh hiệu cao quý này. Đây hẳn là sự kiện “nổi đình nổi đám” trong làng nghệ thuật lúc bấy giờ, nhưng điều khiến mọi người khâm phục hơn là nghệ sỹ được vinh danh đến từ vùng đất mà nghệ thuật múa chưa bao giờ là thế mạnh. Dường như để chứng minh cho sức sống của loại hình nghệ thuật múa đầy khắt khe trên chính mảnh đất bỏng rát của xứ Nghệ, ngay trong năm 2012, sau khi được phong tặng danh hiệu Nghệ sỹ ưu tú, Diễm Hằng lại tiếp tục mang về tấm 1 Huy chương Vàng cá nhân cho tiết mục có tên “Mùa về” lại Hội diễn nghệ thuật ca múa nhạc toàn quốc.

Nghệ thuật múa đã cho Nghệ sỹ Ưu tú Diễm Hằng nhiều thứ, nhưng cũng lấy đi của cô nhiều thứ khác. Có lần Diễm Hằng đã phải ưu tư rằng: là con gái ai chẳng muốn có một bờ vai, một bàn tay chở che, ôm ấp mỗi chiều nắng tắt. Ai chẳng muốn được san niềm vui, chia nỗi buồn sau mỗi đêm tấm màn nhung sân khấu buông xuống. Đã có nhiều người đàn ông đến với Diễm Hằng. Vì mến mộ tài năng, vì họ bị cuốn theo mỗi sải chân, bờ vai của “con thiên nga” xô sóng trên sàn diễn. Cũng có người theo đuổi cô hơn 6 năm trời, để rồi tất cả đều một cách phũ phàng rằng: “bỏ múa đi em!”. Nhưng cái nghiệp cô trót đa mang, dấn thân không gì đánh đổi được. Cũng mãi đến năm ngoái đây cô mới đồng ý kết duyên với người mà cô tin tưởng. “Anh ấy là bộ đội, là người “dám” cùng em đi hết chặng đường này” - là Diễm Hằng nói vui về người bạn đời của mình như vậy.

Bắt đầu từ năm 2006, Diễm Hằng bước sang lĩnh vực biên đạo. Đó là bước chuyển tiếp của người dám đánh cược cuộc đời mình cho nghệ thuật tạo hình trên sàn diễn. Kết thúc khóa học 4 năm tại Trường múa Việt Nam, Diễm Hằng đã có thể ở lại chốn kinh kỳ theo những lời mời nghiêm túc của nhiều đoàn nghệ thuật, nhưng cô vẫn quyết định trở lại mảnh đất nơi đã chắt chiu biết bao gió nắng gửi vào mỗi bước cô đi. Cuộc đời người nghệ sỹ vốn đã ngắn ngủi, cuộc đời của nghệ sỹ múa càng ngắn hơn, vậy nên cô nhường lại ánh hào quang cho những thế hệ kế cận. Với vai trò biên đạo, dựng vở Diễm Hằng đã truyền ngọn lửa đam mê của mình cho không biết bao nhiêu diễn viên trẻ đã thổn thức vì nghề như chính cô trước đây. “Cái gì mình dành hết nhiệt huyết, sống vì nó, chết cũng vì nó thì tổ nghề nào không động lòng” - Diễm Hằng chia sẻ như vậy sau dịp cô giành 1 Huy chương Vàng, 1 Huy chương Bạc tại cuộc thi nghệ thuật Ca múa nhạc chuyên nghiệp toàn quốc tổ chức tại Thành phố Thái Nguyên hồi tháng 5/2015. Đó là thành công đầu tiên của Diễm Hằng với vai trò là tác giả biên đạo.

Tôi nhớ mãi lần gặp Diễm Hằng khi cô đang dựng vở, biên đạo múa cho một nhóm sinh viên Trường Đại học Vinh. Trên khoảng sàn tập bé nhỏ, cô gần như thoát khỏi cái hình ảnh gai góc thường ngày. Chỉ có một nghệ sỹ Diễm Hằng dưới ánh mắt ngỡ ngàng của những cô gái trẻ. “LangBiang gió” là tên của bài hát đồng thời cũng là tác phẩm mà Diễm Hằng giúp nhóm trẻ biên đạo. Tôi không hiểu nhiều về ngôn ngữ hình thể với những lồng ngực căng tràn sức sống, những cơ thể như muốn vút bay lên không trung, vượt qua mọi ngăn cách của không gian và thời gian. Tôi chỉ thấy lòng mình ào ạt gió.

Bài, ảnh: Đào Tuấn