Động lực phát triển từ nghiên cứu, ứng dụng, thu hút công nghệ cao

17/06/2015 17:55

(Baonghean) - Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2010 -2015 xác định, việc ứng dụng khoa học công nghệ (KHCN) là một trong những giải pháp tạo động lực phát triển kinh tế các vùng miền. BCH Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 07 năm 2012 về ứng dụng và phát triển công nghệ cao giai đoạn 2011- 2020, từ đó, có những chuyển biến sôi động trong nghiên cứu, ứng dụng các đề tài khoa học vào cuộc sống; thu hút các dự án công nghệ cao, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Chuyển động trong nghiên cứu, ứng dụng

Hàng năm, nhà máy gạch granite Trung Đô sử dụng một lượng than nguyên liệu rất lớn để làm chất đốt. Tuy nhiên, do đặc thù công nghệ nên loại than được sử dụng là loại than kíp lê 4B có giá thành cao, nhà cung cấp không ổn định, hao hụt khi đưa vào sử dụng lên đến gần 10%; trong khi đó, trên thị trường than cám lại dễ mua, giá thành thấp và ít hao hụt hơn. Xuất phát từ yêu cầu thực tiễn, từ năm 2009, đội ngũ cán bộ kỹ thuật của nhà máy do kỹ sư Nguyễn Quang Tiệp, Quản đốc phân xưởng số 1 đứng đầu, bắt tay thực hiện đề tài: “Nghiên cứu, thiết kế dây chuyền công nghệ sản xuất than quả bàng từ nguyên liệu than cám 3C thay thế than kíp lê 4B trong quy trình sản xuất gạch ngói”.

Qua nhiều lần nghiên cứu, thử nghiệm, vào cuối năm 2012, nhóm của anh Tiệp đã thành công trong việc tìm ra công thức để sau khi ép, sấy khô than cám vón cục hình quả bàng đạt độ cứng cần thiết và không bị vỡ khi đưa vào lò đốt. Với thành công này, nhóm của kỹ sư Tiệp đã làm lợi cho công ty rất lớn. Ông Lê Xuân Đạt, Giám đốc Nhà máy granite Trung Đô cho biết: “Mỗi tháng nhà máy sử dụng hàng ngàn tấn than làm chất đốt. Với thành công của đề tài, chúng tôi giảm được chi phí đầu vào ở khâu nhiên liệu, giảm chi phí sản xuất. Đề tài đã đạt giải Nhất tại cuộc thi: Sáng tạo khoa học và công nghệ Nghệ An năm 2014”.

Ươm giống chanh leo ở Công ty CP Đầu tư phát triển nông nghiệp NAPAGA. Ảnh: Trần hải
Ươm giống chanh leo ở Công ty CP Đầu tư phát triển nông nghiệp NAPAGA. Ảnh: Trần Hải

Nghiên cứu, ứng dụng KHCN cũng thể hiện rõ nét trong lĩnh vực nông nghiệp. Gần đây, việc triển khai thử nghiệm ứng dụng chế phẩm sinh học xây dựng mô hình sử dụng đệm lót sinh học trong chăn nuôi lợn, gà nhằm góp phần hạn chế ô nhiễm môi trường trên địa bàn tỉnh Nghệ An do Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KHCN, Sở KHCN triển khai đã mang lại nhiều lợi ích thiết thực. Từ các nguồn phế thải như mùn cưa, vỏ trấu phối hợp với chế phẩm sinh học Balasa N01 tạo nên đệm lót sinh học sử dụng cho chăn nuôi lợn, gà.

Ông Hồ Sỹ Dụ, xóm 15, xã Thượng Sơn, Đô Lương là một trong những hộ được thụ hưởng dự án cho biết: Sau hơn một năm sử dụng đệm lót sinh học trên diện tích 250m2 chuồng nuôi, môi trường chuồng trại được đảm bảo, không có mùi, các loài côn trùng. Đàn lợn phát triển tốt hơn, hệ số hấp thụ thức ăn tăng lên, không có dịch bệnh; nước tưới làm vệ sinh chuồng trại cũng giảm đi. Đặc biệt, vào mùa đông, nhờ đệm lót nên lợn được giữ ấm tốt hơn”. Những ưu điểm của đệm lót sinh học có ý nghĩa rất lớn, góp phần nâng cao hiệu quả chăn nuôi vừa đảm bảo môi trường.

Bởi, theo số liệu báo cáo kết quả điều tra Đề án: “Đánh giá hiện trạng ô nhiễm của ngành chăn nuôi tập trung tỉnh Nghệ An“ của Trung tâm Môi trường và Phát triển Nghệ An cho thấy, nguồn chất thải từ chăn nuôi được các cơ sở chăn nuôi xử lý bằng các biện pháp ủ phân xanh làm phân bón chiếm 29% , dùng hầm biogas chiếm 47%, số còn lại không qua xử lý. Bà Nguyễn Thị Hồng Nhàn, Chủ nhiệm dự án cho biết: “Kết quả dự án cho thấy, hiệu quả xử lý môi trường cao, nền chuồng nuôi và khu vực lân cận không còn mùi hôi thối, được người dân và chính quyền các địa phương ủng hộ cao”.

Lĩnh vực y tế cũng đạt được nhiều thành tựu trong nghiên cứu, ứng dụng các thành tựu khoa học trong khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. Nổi bật nhất chính là việc, Bệnh viện Ung bướu Nghệ An đã điều trị thành công cho bệnh nhân ung thư vú bằng bằng phương pháp ghép tế bào gốc tạo máu tự thân, mở ra cơ hội điều trị cho nhiều người bệnh không may mắc phải căn bệnh hiểm nghèo. Hoạt động nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao KHCN diễn ra rất sôi động. Điều này thể hiện qua con số thống kê, bình quân hàng năm có 23 - 28 đề tài nghiên cứu, ứng dụng KHCN do Sở KH&CN quản lý, ngoài ra còn có các công trình do các đơn vị, doanh nghiệp thực hiện.

Khởi sắc từ thu hút dự án công nghệ cao

Chúng tôi có nhiều dịp lên mảnh đất Phủ Quỳ trù phú ở Tây Bắc Nghệ An và được chứng kiến sự thay đổi của mảnh đất này khi các dự án đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp được triển khai. Nổi bật nhất là dự án trang trại chăn nuôi bò sữa tập trung, ứng dụng công nghệ cao có quy mô lớn nhất châu Á của Tập đoàn TH tại huyện Nghĩa Đàn. Dự án có tổng mức đầu tư lên đến 1,2 tỷ USD với quy trình khép kín từ chăn nuôi, chế biến và phân phối sản phẩm bằng những công nghệ tiên tiến hàng đầu thế giới.

Cũng tại miền Tây, vùng rẻo cao Quế Phong triển khai thành công mô hình trồng chanh leo tại xã Tri Lễ, mở ra hướng đi mới trong xóa đói, giảm nghèo cho nhân dân địa phương. Công ty CP Đầu tư phát triển nông nghiệp NAPAGA, thuộc Công ty Nafoods tiến hành xây dựng trung tâm nghiên cứu và sản xuất giống chanh leo lớn nhất khu vực Đông Nam Á ở đây. Với sự đồng hành của nhà khoa học, nguồn giống được chủ động để phát triển vùng nguyên liệu chanh leo lên đến 800 ha trên địa bàn huyện.

Còn tại huyện Tương Dương, Tổng công ty CP Vật tư Nông nghiệp Nghệ An đang thực hiện các bước nhằm triển khai dự án “Trung tâm Ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất giống cây dược liệu, giống cây trồng sản xuất chế biến gừng và chuối” tại xã Lưu Kiền với tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 110 tỷ đồng. Công trình dự kiến ứng dụng công nghệ mới, quy trình canh tác hữu cơ và phương pháp bảo quản hiện đại trong trồng thảo dược, chế biến và sản xuất các sản phẩm nông nghiệp có năng suất cao và chất lượng đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu. Dự án kỳ vọng giúp nông dân các huyện Tương Dương, Kỳ Sơn trong việc nâng cao giá trị sản xuất, tạo đầu ra ổn định cho các sản phẩm nông nghiệp có thế mạnh như: gừng, chuối… vốn lâu nay tiêu thụ rất bấp bênh.

Cùng đó ở nhiều lĩnh vực khác, tỉnh đã và đang thu hút nhiều dự án công nghệ cao đầu tư trên nhiều lĩnh vực. Có thể thấy, những dự án đầu tư công nghệ cao trên địa bàn tỉnh bước đầu đã mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội cao, khai thác được tiềm năng tự nhiên, nguồn nhân lực của tỉnh, từ đó nâng cao sức cạnh tranh của các sản phẩm hàng hóa, tạo thành các chuỗi giá trị được xây dựng nên từ thế mạnh, tiềm năng của tỉnh.

Phát huy thành tựu

Nhìn lại những kết quả khởi sắc trong nghiên cứu, ứng dụng, thu hút công nghệ cao trên địa bàn tỉnh để thấy rằng, tính kịp thời, phù hợp của Nghị quyết số 07 năm 2012 của BCH Đảng bộ tỉnh về ứng dụng và phát triển công nghệ cao giai đoạn 2011 - 2020 trên địa bàn tỉnh đã phát huy hiệu quả tích cực. Để đưa nghị quyết vào cuộc sống, trước hết, ngành KH&CN có những bước chuyển phù hợp với định hướng mới; khuyến khích nghiên cứu khoa học theo đặt hàng; đồng thời kêu gọi các tổ chức, cá nhân, đơn vị đưa ra những giải pháp sản xuất gắn với ứng dụng các tiến bộ KHCN. Bên cạnh đó, Nghệ An là tỉnh đầu tiên ban hành chính sách hỗ trợ dự án ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất; đồng thời, hàng năm tỉnh đánh giá, trao giải thưởng: Sáng tạo KHCN, tạo động lực và sự khuyến khích rất lớn để đội ngũ làm khoa học, người lao động đầu tư nghiên cứu những công trình có giá trị ứng dụng cao. Cùng với đó là sự thay đổi mạnh mẽ trong môi trường thu hút đầu tư, trên tinh thần đồng hành cùng doanh nghiệp, đặc biệt khuyến khích các dựa án đầu tư công nghệ cao.

Những thành tựu về nghiên cứu và ứng dụng KHCN càng có ý nghĩa quan trọng khi đặt trong bối cảnh xây dựng Nghệ An trở thành trung tâm của khu vực Bắc Trung bộ theo Nghị quyết 26 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2020. Xác định rõ vai trò, vị trí của KHCN vừa là nền tảng, vừa là động lực của phát triển; đồng thời là một trong những nội dung ưu tiên đầu tư trước một bước trong hoạt động của các ngành, các cấp trong thời gian tiếp theo. Trao đổi về vấn đề này, ông Trần Quốc Thành, Giám đốc Sở KH&CN cho biết: “Trong giai đoạn tiếp theo, tỉnh xác định 6 chương trình KHCN trọng điểm cấp tỉnh để đầu tư lựa chọn các đề xuất nhiệm vụ KHCN phục vụ phát triển kinh tế xã hội. Trong đó, có các chương trình KHCN phục vụ phát triển nông nghiệp; y dược; khoa học xã hội và nhân văn; ứng dụng và phát triển công nghệ cao như: công nghệ thông tin, công nghệ sinh học…”.v

Nhật Lệ