Cải thiện đời sống từ những công trình thiết thực

13/07/2015 10:16

(Baonghean) - Chương trình tín dụng nước sạch - vệ sinh môi trường nông thôn của Ngân hàng CSXH tỉnh đã tạo điều kiện cho hàng chục nghìn hộ nông dân được vay vốn đầu tư, xây dựng công trình nước sạch và công trình vệ sinh. Tuy mức vay chưa cao nhưng nguồn vốn ưu đãi của Nhà nước đã giúp người dân cải thiện cuộc đời từ những công trình thiết thực.

Trước đây, gia đình chị Đậu Thị Lan ở xóm Đông Thượng, xã Đồng Văn (Thanh Chương) có một cái giếng đào nhưng nước đục vàng có váng không sử dụng được. Hàng ngày chị phải ra giếng làng chở nước về ăn uống và sinh hoạt, nhiều hôm giếng cạn phải chắt từng gàu nước rất vất vả. Vào mùa hè nguồn nước lại càng khan hiếm, mỗi ngày chị Lan phải dậy từ 4 giờ sáng để đi chở nước. Dù giếng làng nằm sát chân ruộng, nguồn nước sản xuất nông nghiệp ngấm vào, nước đục, không sạch nhưng nhiều hộ dân ở xóm Đông Thượng vẫn phải sử dụng phục vụ ăn uống, sinh hoạt hàng ngày.

1
Từ nguồn vốn vay, gia đình chị Đậu Thị Lan (xã Đồng Văn, Thanh Chương) đã làm được công trình nước sạch

Năm 2014, gia đình chị Lan được Ngân hàng CSXH huyện Thanh Chương cho vay 12 triệu đồng để xây dựng công trình nước sạch, chị đã đầu tư thêm 20 triệu đồng khoan giếng, đúc 4 thùng lọc nước bằng bê tông, xây một bể chứa nước mưa và công trình vệ sinh. Những công trình đó đã góp phần cải thiện cuộc sống của gia đình, những ngày hạn hán vừa qua, nguồn nước sạch không chỉ phục vụ sinh hoạt trong gia đình mà còn cung cấp nước cho nhiều hộ trong xóm. Chị Lan chia sẻ: "Bây giờ mới có điều kiện được dùng nguồn nước sạch đảm bảo qua 4 bể lọc nước trong veo, giặt quần áo không bị ố vàng như trước nữa, còn phục vụ ăn uống thì đã có bể nước mưa. Mọi thành viên trong gia đình đều yên tâm, phấn khởi".

Người dân lấy nước sinh hoạt ở giếng làng Đông Thượng (xã Đồng Văn, Thanh Chương).
Người dân lấy nước sinh hoạt không đảm bảo vệ sinh ở giếng làng Đông Thượng (xã Đồng Văn, Thanh Chương).

Gia đình anh Nguyễn Hữu Hải ở xóm Ngọc Minh, xã Thanh Ngọc (Thanh Chương) cũng vừa được Ngân hàng CSXH huyện cho vay 12 triệu đồng để khoan giếng nước sạch và xây dựng công trình vệ sinh tự hoại. Anh Hải cho biết: "Từ trước đến nay nguồn nước phục vụ sinh hoạt, ăn uống hàng ngày của gia đình tôi đều lấy từ giếng đào trước sân nhà, nhưng giếng cạn, nguồn nước không sạch do nước ngấm từ ruộng vào. Năm trước có đoàn khảo sát về địa phương kiểm tra nguồn nước giếng đào, kết quả cho thấy hầu hết nước giếng ở vùng này đều bị nhiễm bẩn từ chăn nuôi gia súc và lá cây rụng xuống. Gia đình tôi quyết định vay thêm vốn Ngân hàng CSXH để đầu tư đồng bộ công trình vệ sinh tự hoại và khoan giếng sâu 35m, mua bồn chứa nước nhằm có nguồn nước sạch, đảm bảo sức khỏe cho cả nhà"

Chị Trần Thị Mai Hạnh, Phó Giám đốc Ngân hàng CSXH huyện Thanh Chương cho biết: Đa số người dân nông thôn trên địa bàn huyện đều có nhu cầu vay vốn để làm công trình nước sạch, bởi đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn. Trước thực tế đó, với những hộ chưa có công trình nước sạch, hoặc công trình chưa đảm bảo, Ngân hàng CSXH huyện đã tạo điều kiện cho mỗi hộ được vay tối đa 2 công trình gồm 12 triệu đồng/hộ. Đến hết tháng 5/2015, dư nợ của chương trình cho vay nước sạch vệ sinh môi trường nông thôn đạt hơn 22 tỷ đồng, với 2.296 hộ đang vay. Với nguồn vốn cho vay trên, nhân dân trên địa bàn huyện đã đầu tư làm 4.592 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường. Chất lượng tín dụng tốt, người dân trả nợ đầy đủ, đúng hạn, đến thời điểm hiện nay chỉ còn 6,5 triệu đồng nợ quá hạn.

Tại huyện miền núi Quỳ Hợp có nhiều xã như Minh Hợp, Tam Hợp, Nghĩa Xuân, Châu Đình, Văn Lợi... rất khó khăn về nguồn nước, người dân phải khoan giếng sâu từ 40 - 60m mới có nước dùng. Ông Nguyễn Văn Ba, Giám đốc Ngân hàng CSXH huyện cho biết: Chương trình cho vay nước sạch vệ sinh môi trường nông thôn hết sức cần thiết đối với nhân dân huyện nhà. Bởi trên địa bàn huyện có nhiều đơn vị khai thác quặng, khoáng sản, quá trình đào đãi khiến nguồn nước đục ngầu, ô nhiễm. Do đó người dân rất cần vốn để làm giếng khoan đảm bảo nguồn nước sinh hoạt. Tính đến hết tháng 5/2015, dư nợ cho vay chương trình nước sạch vệ sinh môi trường nông thôn trên địa bàn Quỳ Hợp đạt trên 21,1 tỷ đồng, với 2.507 hộ vay vốn đã làm được 3.524 công trình. Tuy vậy nguồn vốn cho vay mới đáp ứng được 65% nhu cầu. Mặc dù mức cho vay đã được điều chỉnh tăng từ 4 triệu đồng lên 6 triệu đồng/công trình nhưng vẫn còn thấp so với nhu cầu đầu tư của nhân dân. Do đó bà con nhân dân mong Chính phủ nâng mức cho vay để nhân dân đỡ vất vả hơn.

Theo số liệu của Ngân hàng CSXH tỉnh Nghệ An, đến hết tháng 5/2015, dư nợ của chương trình nước sạch vệ sinh môi trường nông thôn toàn tỉnh 430 tỷ đồng, tăng 50 tỷ đồng so với năm 2014, với 48.800 hộ còn dư nợ. Doanh số cho vay từ năm 2004 đến nay gồm 741 tỷ đồng cho tất cả các xã trên địa bàn toàn tỉnh được vay vốn. Ông Hoàng Sơn Lam, Trưởng phòng kế hoạch nghiệp vụ tín dụng Ngân hàng CSXH tỉnh nhận định: Đây là chương trình có tỷ lệ nợ quá hạn thấp nhất trong 12 chương trình tín dụng chính sách triển khai trên địa bàn tỉnh. Đến nay, tổng số nợ quá hạn chương trình này trên toàn tỉnh chỉ 457 triệu đồng, chiếm 0,106%.

Tuy vậy, mức vốn được cho vay đối với các hộ còn thấp, để làm được đồng bộ cả công trình nước sạch và vệ sinh, người dân phải đầu tư thêm gấp đôi, gấp ba nguồn vốn được vay. Trong khi đời sống của nhân dân vùng nông thôn, đặc biệt miền núi còn nhiều khó khăn, thiếu thốn, tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo cao, do đó người dân vẫn gặp khó trong việc đầu tư thêm vốn (ngoài mức được vay) để xây dựng đồng bộ công trình nước sạch và công trình vệ sinh.

Bài, ảnh: Quỳnh Lan