Đấu tranh phòng chống tội phạm ma túy: Những chuyện buồn nơi bản vắng

14/08/2015 07:46

(Baonghean) - Một khi “cơn lốc trắng” tràn về một vùng quê nào đó là khiến cho các bản làng, khối xóm xao xác, bất an, đẩy không ít gia đình vào cảnh cùng khổ, bất hạnh. Những mái ấm hạnh phúc thoáng chốc vỡ tan, và người gánh chịu nỗi đau lớn nhất lại là những đứa con thơ, những ông bố, bà mẹ già yếu... Muôn cảnh ngộ, nhưng chung nỗi tận cùng buồn đau!

TIN LIÊN QUAN

Đến xã Lượng Minh (Tương Dương), đứng bên cầu Xốp Mạt, chúng tôi thấy một người đàn ông thân hình tiều tụy, áo quần rách rưới, đi đi lại lại, tay xách chiếc bì cáu bẩn, khuôn mặt ông đờ đẫn, vô hồn. Ông là Lương Văn Quỳnh, trú bản Xốp Mạt. Ông Quỳnh vốn là người đàn ông khỏe mạnh, tỉnh táo, gia đình không giàu có nhưng cũng đủ cái ăn, cuộc sống trôi đi bình yên như bao gia đình khác ở vùng non cao này. Vợ ông là Lô Thị Xuân, ông bà có 4 người con. Bất hạnh giáng xuống đầu ông Quỳnh khi 3 đứa con lần lượt kéo nhau vào con đường nghiện ngập, bỏ bê việc nương rẫy, suốt ngày tụ tập với đám bạn xấu trong bản và những kẻ ở nơi khác đến. Đồ đạc trong nhà lần lượt bị chúng đem bán để lấy tiền hút chích, khi trong nhà không còn thứ gì chúng lại lấy trộm của nhà khác, rồi tham gia vào các đường dây vận chuyển, buôn bán ma túy. Kết quả là một đứa chết vì nhiễm HIV, 2 đứa vào tù vì liên quan đến đường dây buôn bán ma túy. Có lẽ do buồn chán hoặc có người rủ rê nên bà Lô Thị Xuân cũng bị “con ma trắng” dụ dỗ, rồi trở thành một người nghiện. Không chia sẻ nỗi buồn đau và bất hạnh với chồng, suốt ngày bà Xuân đi lang thang, ai thuê gì làm nấy, miễn là có một ít tiền để mua “hàng trắng”, thỏa cơn thèm khát luôn thường trực trong người. Chán ngán vì gia cảnh, sức khỏe ngày một giảm sút và phải suy nghĩ khá nhiều nên tinh thần và đầu óc ông Lương Văn Quỳnh không còn tỉnh táo. Ông rời bỏ căn nhà xập xệ, đi lang thang dọc đường, nhặt nhạnh bất cứ thứ gì người khác vứt lại trên đường; bà con trong bản, trong xã đều thương xót giúp ông bằng cách cho gói mỳ tôm, củ khoai, củ sắn.

Ông Lương Văn Nâm (bản Minh Phương, xã Lượng Minh, huyện Tương Dương) bên những đứa cháu nội ngoại có bố mẹ đang thụ án tù do phạm tội về ma túy.
Ông Lương Văn Nâm (bản Minh Phương, xã Lượng Minh, huyện Tương Dương) bên những đứa cháu nội ngoại có bố mẹ đang thụ án tù do phạm tội về ma túy.

Ở Quế Phong, nhiều người biết chuyện nhà cụ Trần Văn M (nhân vật đề nghị dấu tên) ở xã Quế Sơn. Cụ M quê ở Diễn Châu, lên Quế Sơn lập nghiệp, kinh tế ổn định. Gia đình cũng xây được ngôi nhà khá khang trang, tiện nghi đầy đủ, nhìn vào ai cũng ước ao... Vậy mà, chỉ thoáng chốc, tất cả tan tành. 3 đứa con trai theo nhau nghiện ma túy. Công việc ruộng nương bị bỏ bê, đất đai bị bỏ hoang vì không ai cày cuốc. Tài sản trong nhà cũng lần lượt đội nón ra đi, đến lúc không còn thứ gì có giá trị, 3 đứa con trai sau một thời gian chơi bời rồi lâm bệnh, lần lượt ra đi trong một quãng thời gian ngắn, cụ bà ngã quỵ rồi nằm liệt giường từ đó. Chôn cất 3 đứa con xong, trong nhà không còn thứ gì, vợ lại nằm một chỗ, sức lực không còn, con gái đã lấy chồng, cụ M đành lê tấm thân già yếu đi khắp nơi để mong nhận được tình thương và sự sẻ chia của người đời.

Trong gia đình có người sa vào ma túy, không chỉ các bậc sinh thành- những người “gần đất, xa trời” phải gánh chịu nỗi đau mà con thơ cũng lâm vào cảnh bơ vơ, côi cút. Đến bản Cặp Chạng, xã Yên Tĩnh (Tương Dương), chúng tôi được nghe ông Quang Đại Tình bộc bạch nỗi lòng của mình khi có những đứa con chết vì HIV và tù tội vì liên quan đến ma túy. Ông có 3 người con, 2 trai 1 gái, con gái đã đi lấy chồng và có cuộc sống khá yên ấm. Con trai đầu làng Quang Văn Dương đã chết vì nhiễm HIV bỏ lại vợ và 2 đứa con thơ. Dương mất chưa lâu, vợ đi lấy chồng khác, 2 con nhỏ trở thành bơ vơ, thiếu vắng cả cha lẫn mẹ. Trước tình cảnh ấy, vợ chồng ông Tình phải cưu mang, chăm sóc, cho dù tuổi đã cao, không còn nhiều sức để làm lụng. Rồi con trai thứ 2 của ông Tình là Quang Văn Di cũng vào tù vì vận chuyển heroin. Vợ của Di bỏ đi làm ăn xa, đứa con nhỏ của 2 người cũng phải sống với ông bà ngoại.

Bắt giữ các đối tượng buôn bán ma túy
Bắt giữ các đối tượng buôn bán ma túy

Cách nhà ông Tình không xa là nhà ông Vang Đình Hiệu, gia cảnh ít nhiều khác nhau nhưng 2 ông có một nỗi niềm chung, đó là sự đau xót vì con cái và tấm lòng đối với những đứa cháu nhỏ ngây thơ. Ông Hiệu có 4 người con, 2 người đã chết (người con gái duy nhất chết vì sốt rét lúc mới 17 tuổi), 1 người đang ở tù và vợ chồng ông phải cưu mang những đứa cháu nhỏ. Vang Văn Tình- con trai đầu của ông Hiệu đã chết vì nhiễm HIV, lúc còn sống từng phải ngồi tù vì buôn bán, vận chuyển ma túy. Chồng chết, vợ Tình đi theo người khác, bỏ lại 2 đứa con nhỏ cho bố mẹ chồng chăm nom, phó mặc tương lai các con cho ông bà nội. Con trai thứ 2 của ông Hiệu là Vang Văn Kháy phải vào trại cải tạo vì buôn bán ma túy, vợ Kháy là Vi Thị Tỏi quyết định ly hôn và lấy chồng khác. Hai đứa con nhỏ, Tỏi mang theo một, đứa kia để lại ông bà nội nuôi. Điều đáng nói là vợ chồng ông Hiệu tuổi đã khá cao, đều đã trên 60, nhưng hàng ngày vẫn phải xuống khe Chà Hạ đãi vàng, mặc cho trời nắng như rang hay mưa tầm tã như trút nước, kiếm tiền nuôi cháu, để chúng có cái ăn hàng ngày, rồi tiền mua sách vở, quần áo. Tuổi già, ông bà không may có mệnh hệ gì, không biết những đứa cháu nhỏ vắng bố mẹ sẽ còn nơi nào để bấu víu?

Cũng ở bản Cặp Chạng, có ông Lô Thanh Truyền phải cưu mang một cháu nội, vì bố mẹ của cháu đều đã qua đời. Cháu gái ông Truyền tên là Lô Thị Như Bình, bố cháu là Lô Văn Đê đã chết mấy năm vì mắc phải căn bệnh AIDS. Mẹ của Bình là Lô Thị Pàn bị kẻ ác sát hại trong đêm khuya, khi 2 mẹ con đang ngủ trong căn nhà nhỏ nằm ở đầu bản, cách khá xa những ngôi nhà khác. Bố mẹ lần lượt qua đời, không người chăm sóc, Bình trở nên gầy gò, ốm yếu và có nguy cơ thất học. Không đành để cháu nhỏ phải sống bơ vơ, vợ chồng ông Truyền đưa Bình về chăm sóc, cho dù tuổi đã già, sức đã yếu. Nuôi Bình, ông bà nội phải phát thêm một cái rẫy, lên rừng lấy thêm một bế măng, xuống suối tìm thêm con cá...

Chứng kiến những nỗi bất hạnh ấy, tự hỏi nếu những người đã sa chân vào con đường ma túy, bị chết hoặc tù tội, có cơ hội làm lại cuộc đời liệu họ có gây nên nỗi đau cho những người ruột thịt, cho bố mẹ già và con nhỏ? Và đó cũng là lời cảnh tỉnh đối với những ai đang lạc lối, lầm đường!

(còn nữa)

Nhóm PV