Thay đổi để tồn tại!

01/06/2015 15:44

(Baonghean) - Chỉ còn hơn 6 tháng nữa Cộng đồng kinh tế chung ASEAN (AEC) sẽ chính thức có hiệu lực. Khi đó các doanh nghiệp Việt Nam sẽ đứng trước cơ hội mở rộng thị trường nội khối, nhưng thực tế, dường như các doanh nghiệp chưa thật sự chủ động trong việc tìm kiếm, cập nhật thông tin. Điều này thực sự là mối lo không hề nhỏ, bởi khi hội nhập mặt hàng của các nước ASEAN sẽ tràn ngập thị trường. Nếu không chủ động cộng năng lực cạnh tranh thấp, doanh nghiệp Việt sẽ khó có thể tồn tại…

Lộ trình đến cuối năm 2015 này, AEC chính thức được thành lập, tạo ra một thị trường gồm 600 triệu dân có quy mô 2.300 tỷ USD, điều này có nghĩa ASEAN là nền kinh tế đứng thứ 7 toàn cầu. Nhưng theo một số liệu điều tra gần nhất đã chỉ ra rằng doanh nghiệp Việt chưa sẵn sàng cho hội nhập. Đó là có đến 76% doanh nghiệp Việt Nam (DNVN) không biết gì, hoặc tìm hiểu gì về Cộng đồng kinh tế chung ASEAN (AEC). Các số liệu thống kê cũng cho thấy, với các hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đã ký kết, chỉ có khoảng 30% doanh nghiệp đã tận dụng được các ưu đãi thuế quan. Số còn lại cho rằng AEC sẽ chẳng ảnh hưởng gì, hoặc ảnh hưởng nhỏ tới việc kinh doanh của họ.

Hàng tiêu dùng Thái Lan tràn ngập trên kệ các siêu thị.
Hàng tiêu dùng Thái Lan tràn ngập trên kệ các siêu thị.

Trong khi đó doanh nghiệp các nước trong ASEAN đã chuẩn bị chiến lược rất bài bản để tham gia "cuộc chơi" AEC. Điển hình là trong những năm gần đây, các doanh nghiệp Thái Lan rất nỗ lực mở rộng ảnh hưởng của mình và dọn đường cho cuộc chinh phục thị trường Việt Nam trên nhiều lĩnh vực như bán lẻ, nông nghiệp, công nghiệp.

Có thể kể đến một vài ví dụ để thấy sự năng động của người Thái, xuất hiện tại thị trường Việt Nam từ năm 2012, Công ty Berli Jucker (BJC) thuộc Tập đoàn ThaiBev chọn cách nắm cổ phần chi phối tại Công ty Thái An - nhà phân phối, xuất nhập khẩu các sản phẩm tiêu dùng tại miền Nam, rồi đến hãng giấy Cellox, Công ty sản xuất đậu phụ Ichiban và hợp tác với hệ thống bán lẻ Family Mart (sau đó đổi tên thành B’mart - thương hiệu đã rất gần gũi của BJC)…

Một vài con số thống kê để thấy, trong khi các doanh nghiệp nước ngoài hướng nhiều đến thị trường 90 triệu dân của Việt Nam thì các doanh nghiệp trong nước lại tỏ ra "thờ ơ" với hội nhập. Nếu không thay đổi ngay tư duy thì hàng hóa của Việt Nam sợ sẽ không còn chỗ đứng trên "sân nhà" chứ chưa nói là cạnh tranh trên "sân khách"…

Cảnh Nam