Buồn "đạo làm con"...

04/06/2015 08:40

(Baonghean) - Ở xã Xuân Tường, huyện Thanh Chương, hiện đang có những ồn ã xung quanh việc hỗ trợ xây nhà đại đoàn kết cho hộ bà Nguyễn Thị Vân (78 tuổi, trú tại xóm 10). Người ta chê trách một số thành viên trong gia đình bà Vân thiếu sự đùm bọc lẫn nhau, phê phán chính quyền xã cùng các tổ chức liên quan chưa làm tốt công tác giám sát nên việc hỗ trợ chưa đạt được mục tiêu tốt đẹp đã đề ra...

Thông tin về chuyện hỗ trợ xây dựng nhà đại đoàn kết cho bà Nguyễn Thị Vân do công dân xã Xuân Tường gửi đến Báo Nghệ An giữa tháng 5/2015. Theo đó, vào cuối năm 2014, xã Xuân Tường được cấp trên hỗ trợ 50 triệu đồng xây nhà đại đoàn kết. Xã đã tổ chức bình xét và sau đó quyết nghị cho bà Nguyễn Thị Vân được nhận hỗ trợ vì là hộ nghèo; trong nhà có 3 người khuyết tật đang sống trong gian nhà lụp xụp, rách nát. Tuy nhiên, do thiếu sự kiểm tra giám sát nên kinh phí chuyển về đã không được sử dụng đúng mục đích là xây nhà cho bà Vân mà lại được chuyển sang cho anh Nguyễn Doãn Quỳnh (con trai bà Vân) làm nhà riêng. Hiện nay, nhà anh Nguyễn Doãn Quỳnh đã xây xong, trong khi bà Nguyễn Thị Vân cùng 3 người con khuyết tật vẫn ở trong những căn nhà cũ lụp xụp bên cạnh chuồng trâu bò, cuộc sống vô cùng thiếu thốn...

Ông Phan Xuân Đông - Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ xã Xuân Tường  và ông Đặng Bá Lợi, Bí thư Chi bộ xóm 10 trao đổi với phóng viên.
Ông Phan Xuân Đông - Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ xã Xuân Tường và ông Đặng Bá Lợi, Bí thư Chi bộ xóm 10 trao đổi với phóng viên.

Gia đình bà Nguyễn Thị Vân ở đầu xóm 10, khá sát với Quốc lộ 46. Trên khu vực đất của hộ bà Vân hiện có 3 căn nhà và 1 chuồng nuôi trâu bò (căn nhà lớn, mới được xây sửa là nơi ở của gia đình vợ chồng anh Nguyễn Doãn Quỳnh; căn nhà 2 gian thấp nhỏ cũ kỹ nằm giữa căn nhà lớn và chuồng trại chăn nuôi là nơi ở của bà Vân cùng người con khuyết tật Nguyễn Doãn Dần và người con gái đầu Nguyễn Thị Huyền; phía sau vườn, một căn nhà nhỏ xây táp lô, lợp Proxi măng là nơi ở của người con gái khuyết tật Nguyễn Thị Toại). Khi chúng tôi đến, bà Vân vắng nhà. Con dâu tên là Lê Thị Sen (vợ anh Nguyễn Doãn Quỳnh) khi được hỏi đã trả lời: "Bà ở nhà dưới". Vào thăm nơi bà Vân cùng những người con khuyết tật ở thì quả hết sức khổ cực: Nhà thấp tè, tường lở lói, trần giăng đầy mạng nhện. Trong nhà, đặt 3 chiếc giường gỗ nhỏ; một chuồng gà và những thứ đồ lặt vặt nhem nhuốc, bụi bặm.

Về gia cảnh của bà Nguyễn Thị Vân, hều hết các hộ dân trong xóm đều biết khá tường tận. Theo một cán bộ xã, trú tại xóm 10 cho biết: xét về mặt giấy tờ hộ khẩu thì bà Vân là chủ hộ của một gia đình có 11 nhân khẩu, tuy nhiên, do chi tiêu sinh hoạt riêng biệt (ăn riêng, ở riêng) nên trong gia đình của bà Vân chia thành 3 hộ nhỏ, gồm: gia đình vợ chồng anh Nguyễn Doãn Quỳnh; bà Vân cùng 2 người con khuyết tật là Nguyễn Doãn Dần, Nguyễn Thị Toại; và người con gái đầu Nguyễn Thị Huyền. Vì gia cảnh hết sức khó khăn nên những năm trước đây bà Vân thường xuyên được chính quyền xã, các tổ chức đoàn thể, ban cán sự xóm và nhân dân quan tâm giúp đỡ; hàng năm, nhân dân xóm 10 luôn bình xét để bà Vân được hưởng chế độ hộ nghèo.

Thế nhưng, qua sự việc xây nhà đại đoàn kết, người dân xóm 10 đã không còn đồng ý đưa bà Vân vào diện hộ nghèo nữa... Ông Phan Xuân Đông - Chủ tịch Hội Chữ thập Đỏ xã cho biết, mọi người trong xóm khi nghe tin bà Vân được nhận hỗ trợ xây nhà đại đoàn kết đều phấn khởi, mừng cho bà. Thế nhưng sau đó thấy anh Nguyễn Doãn Quỳnh sửa nhà cho bản thân, trong khi bà Vân vẫn ăn ở như cũ nên rất bất bình. Ông Phan Xuân Đông cho biết: "Về cuộc sống, anh Quỳnh cùng vợ con ăn riêng, ở riêng; bà Vân cùng những người con khuyết tật ăn riêng, ở riêng. Khi có kinh phí hỗ trợ, chúng tôi đề nghị cần xây nhà riêng cho bà Vân cùng các con khuyết tật, để sau này bà có qua đời, những người con khuyết tật có nhà ở. Thế nhưng, không hiểu sao việc xây nhà lại thực hiện như vậy...". Cũng theo ông Lợi, vì không được giao nhiệm vụ giám sát trong xây dựng nên ban cán sự xóm chỉ tư vấn, góp ý mà thôi. "Tôi nghĩ rằng, nếu có sự giám sát chặt chẽ thì kinh phí hỗ trợ sẽ được sử dụng đúng với mục đích yêu cầu..." - ông Đặng Bá Lợi nói.

Tìm hiểu, nguồn kinh phí xây dựng nhà đại đoàn kết cho bà Nguyễn Thị Vân do Ủy ban MTTQ huyện Thanh Chương hỗ trợ. Việc lựa chọn đối tượng để hỗ trợ xây nhà đại đoàn kết là do ban chính sách xã thực hiện; và bà Vân được chọn là đảm bảo đúng đối tượng chính sách có nhu cầu làm nhà ở. Trao đổi về sự "ở" của bà Vân hiện nay, các cán bộ lãnh đạo của xã đánh giá khác nhau. Với bà Nguyễn Thị Liên - Chủ tịch MTTQ xã Xuân Tường thì không có điều gì đáng phải bàn. Vì như bà Liên nói: "Bà Vân là chủ hộ, kinh phí hỗ trợ đã được trao tận tay cho bà. Việc sử dụng như thế nào là do bà chứ không ai quyết định thay được. Khi được hỏi, bà Vân trả lời rằng nhà đã sửa là của bà. Còn việc hiện nay bà vẫn ở với những người con tâm thần là do bà muốn vậy. Tôi cũng ở cạnh nhà bà Vân nên tôi biết. Đừng vội phê phán, có rơi vào hoàn cảnh đó mới thấu hiểu được khó khăn của người ta...". Trong khi ông Hoàng Ngọc Hùng - Chủ tịch UBND xã cho biết: Kinh phí thì đã được trao đúng đối tượng. Tuy nhiên, mục tiêu thay đổi điều kiện nhà ở cho bà Vân thì quả chưa thực hiện được...".

Hiện ở xã Xuân Tường, có tới 10 gia đình cần được hỗ trợ về nhà ở, trong đó hộ bà Vân khốn khó nhất nên đã được ưu tiên xét chọn. Mong muốn của các nhà hảo tâm, của MTTQ huyện Thanh Chương là khoản kinh phí hỗ trợ sẽ góp phần thay đổi điều kiện sống của bà Vân. Từ thực tế cảnh sống của bà Vân cùng những người con khuyết tật, và với những thông tin có được từ các bên liên quan, thấy rằng nguồn tiền xây dựng nhà đại đoàn kết dành cho bà Nguyễn Thị Vân chưa đạt được mục đích đề ra là chính xác. Và phản ánh của công dân tới Báo Nghệ An về chính quyền xã Xuân Tường thiếu sự kiểm tra giám là có cơ sở. Trong việc này, anh Nguyễn Doãn Quỳnh là người đáng trách.

Phận làm con, làm anh, khi mẹ già, các chị em là người khuyết tật thì phải có trách nhiệm chăm lo đùm bọc. Được nhận kinh phí hỗ trợ, phải thấy đó là sự quan tâm ưu ái của xã hội đối với gia đình mình để sử dụng sao cho đúng đạo lý. Anh có thể bàn với bà Vân để xây sửa nhà như hiện tại. Nhưng khi xây xong nhà, cần làm sao để mẹ cùng các chị em được thay đổi điều kiện ở chứ không thể tồn tại cảnh sống khổ cực như hiện nay. Về phía chính quyền và các tổ chức có liên quan của xã Xuân Tường, dù gia cảnh gia đình bà Vân quả hết sức éo le, chẳng dễ gì can thiệp sâu được nhưng cũng cần thấy là chưa hoàn thành đầy đủ trách nhiệm của mình. Trước sự việc này, cần có sự tác động để các thành viên trong gia đình bà Vân nhìn nhận đúng với mục đích của nguồn hỗ trợ, sớm thay đổi điều kiện sống của bà Vân và những người con khuyết tật. Do đó, Chính quyền, các tổ chức có liên quan của xã Xuân Tường cần nghiêm túc rút kinh nghiệm.

Hà Giang