Vai trò huyết mạch, đi trước mở đường
(Baonghean) - Kế thừa và phát huy truyền thống “Dũng cảm kiên cường trong chiến tranh, thông minh, sáng tạo trong sự nghiệp đổi mới, hội nhập của quê hương, đất nước”, suốt 70 năm qua, lớp lớp thế hệ những người làm công tác giao thông vận tải trên quê hương Xô viết anh hùng đã có những thành tích vẻ vang, góp phần quan trọng vào sự phát triển chung...
Ngày 28/8/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Quyết định thành lập Bộ Giao thông công chính; ở Nghệ An, Ty Giao thông được thành lập. Trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, nhiệm vụ của ngành GTVT được xác định là đảm bảo yêu cầu của chiến trường, yêu cầu của sản xuất, tu sửa các công trình giao thông bị địch đánh phá. Trong hai cuộc kháng chiến thần kỳ ấy của dân tộc, hàng vạn cán bộ, chiến sỹ lực lượng thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến, công nhân giao thông ngành GTVT Nghệ An với tinh thần “xe chưa qua nhà không tiếc”, “địch phá, ta sửa ta đi”, “sống bám cầu bám đường, chết kiên cường dũng cảm” đã làm nên những chiến công lớn gắn với những địa danh nổi tiếng như: Bến Thuỷ, cầu Cấm, cầu Bùng, Hoàng Mai, Truông Bồn, Kênh nhà Lê, Quốc lộ 1, Quốc lộ 7… Truyền thống đó đã trở thành nền tảng tinh thần quý giá cho các thế hệ nối tiếp hôm nay và mai sau của ngành GTVT Nghệ An viết tiếp những trang sử hào hùng.
Công trình cầu vượt QL 46 (TP. Vinh). Ảnh: Thanh Lê |
Sau Đại thắng mùa Xuân năm 1975, hòa bình lập lại trên cả nước, Nghệ An là một trong những địa phương chịu nhiều tổn thất về cơ sở hạ tầng giao thông. Nhiệm vụ của ngành GTVT lúc này là tập trung phục vụ cho xây dựng và bảo vệ Tổ quốc theo từng giai đoạn mới của đất nước. Từ năm 1976 đến năm 1991, Nghệ An sáp nhập với Hà Tĩnh thành tỉnh Nghệ Tĩnh. Nhiệm vụ của ngành GTVT lúc này là tập trung phục vụ cho xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ở giai đoạn cách mạng mới. Trong những năm 1976 - 2000 là thời kỳ ngành tiến hành củng cố, ổn định tổ chức, khắc phục tình trạng lạc hậu, áp dụng khoa học kỹ thuật phát triển hệ thống GTVT phục vụ CNH - HĐH đất nước.
Bước vào thế kỷ XXI, xác định “GTVT là khâu thiết yếu quan trọng trong kết cấu hạ tầng, phải đi trước một bước để đáp ứng yêu cầu phát triển của ngành kinh tế quốc dân”, ngành GTVT Nghệ An đã nỗ lực vươn mình để hội nhập và phát triển với nhiều thành tựu đáng ghi nhận. Trong xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông, hàng loạt các công trình được khởi công và hoàn thành như tuyến đường Hồ Chí Minh qua tỉnh Nghệ An, cầu Bến Thủy 2, các cầu vượt đường sắt, QL1A qua Nghệ An,… các công trình hoàn thành đưa vào sử dụng đã kết nối các vùng kinh tế, tạo động lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà nói riêng, cả nước nói chung.
Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Nghệ An lần thứ XVII (nhiệm kỳ 2011 - 2015), ngành GTVT Nghệ An đã có những bước tiến mới, vững chắc, chủ động, sáng tạo làm nền tảng, cơ sở cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà. Trong giai đoạn 5 năm (từ 2011 - 2015), ngành đã tổ chức xây dựng, hoàn thành, đưa vào khai thác, sử dụng nhiều công trình trọng điểm, quan trọng, với tổng kinh phí thực hiện đạt khoảng 19.500 tỷ đồng, trong đó các công trình do sở làm chủ đầu tư đạt 6.620 tỷ đồng. Nhiều dự án quan trọng đạt và vượt tiến độ đề ra như: Dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1A; triển khai thi công một số đoạn trên tuyến Quốc lộ 7; hoàn thành việc đầu tư, xây dựng QL46 đoạn tránh TP.Vinh; nâng cấp, mở rộng mặt đường một số đoạn thuộc QL46B; nâng cấp, cải tạo nhiều đoạn trên QL48 và tích cực thu hút nguồn vốn để triển khai đầu tư xây dựng QL48B, tuyến Tây Nghệ An, Đại lộ Vinh - Cửa Lò, các cầu vượt hiện đại... Những công trình giao thông quan trọng ấy đang hàng ngày, hàng giờ góp phần làm khởi sắc quê hương Xô viết anh hùng. Cùng đó, giao thông nông thôn được ngành Giao thông phối hợp chặt chẽ với địa phương nâng cấp, tạo nên hệ thống hạ tầng vững chắc cho phát triển kinh tế - xã hội; sau 4 năm thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, trên toàn tỉnh có hơn 4.500 km đường giao thông nông thôn được trải bê tông xi măng, nhựa.
Bên cạnh hệ thống giao thông đường bộ tiếp tục được củng cố, ngành GTVT Nghệ An cũng quan tâm, đầu tư vào giao thông đường hàng không. Đặc biệt, năm 2014, Sân bay Vinh được điều chỉnh Quy hoạch trở thành sân bay quốc tế, với lượng hành khách ngày càng tăng (đạt hơn 1 triệu lượt khách/năm). Điều đó không chỉ tạo ra vị thế mới về chính trị, ngoại giao cho Nghệ An mà còn tạo điều kiện cho ngành Du lịch tỉnh nhà phát triển. Cùng với hoàn thiện mạng lưới giao thông đường bộ, đường hàng không, Nghệ An tiến hành nâng cấp Cảng biển Cửa Lò, đón tàu có trọng tải 2 vạn tấn ra vào thuận lợi. Năng lực vận tải được nâng cao với vị thế của nhiều loại hình doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực vận tải, đáp ứng nhu cầu giao lưu, trao đổi hàng hóa của địa phương. Công tác đảm bảo giao thông được chú trọng trên tất cả các mặt: duy tu, sửa chữa, phân luồng, giải tỏa lấn chiếm, quy hoạch các điểm dân cư, xóa các điểm đen...
Công tác quản lý nhà nước không ngừng được hoàn thiện và hoạt động có hiệu quả. Ngành đã nghiên cứu, tham mưu cho UBND tỉnh quy hoạch GTVT đến năm 2020. Thực hiện chủ trương đổi mới hoạt động doanh nghiệp nhà nước, ngành ban hành nhiều văn bản hướng dẫn cổ phần hóa các đơn vị trực thuộc, sắp xếp tinh giản các phòng, ban; nâng cao trình độ chuyên môn, năng lực điều hành của đội ngũ cán bộ, công chức, đáp ứng yêu nhiệm vụ trong tình hình mới. Sở GTVT Nghệ An được Bộ GTVT đánh giá là “điểm sáng” về cải cách hành chính của toàn ngành.
Cùng với đó, công tác đền ơn đáp nghĩa, uống nước nhớ nguồn được quan tâm. Cùng nhiều hoạt động an sinh xã hội, ngành đã tiến hành xây dựng, tôn tạo nhiều công trình tiêu biểu như: Nghĩa trang liệt sỹ ngành GTVT tại Truông Kè, Đài tưởng niệm Kênh nhà Lê, đặc biệt là Khu di tích lịch sử Truông Bồn,…để tưởng nhớ, tri ân các anh hùng liệt sỹ trong ngành GTVT.
Có được những thành tích trên, trước hết là nhờ sự quan tâm, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước; sự giúp đỡ của Bộ Giao thông - Vận tải, các bộ, ngành Trung ương, sự chỉ đạo sâu sát, kịp thời của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Nghệ An, các sở, ban, ngành cấp tỉnh, sự phối hợp tích cực của chính quyền địa phương các cấp và truyền thống “anh dũng, thông minh, sáng tạo”, cùng những bài học kinh nghiệm của các thế hệ cha anh.
Phát huy truyền thống của ngành GTVT Nghệ An trong suốt 70 năm qua, thời gian tới, ngành tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ sau:
Thứ nhất, tập trung quyết liệt triển khai có hiệu quả các chương trình, đề án theo tinh thần Nghị quyết 26 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2020 trong lĩnh vực giao thông vận tải. Thực hiện công tác rà soát, điều chỉnh, bổ sung, xây dựng các quy hoạch, kế hoạch, đề án, cơ chế, chính sách về phát triển GTVT phù hợp với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Tập trung chỉ đạo, triển khai thực hiện quyết liệt và đạt kết quả tốt các quy hoạch, kế hoạch, cơ chế, chính sách đã được UBND tỉnh phê duyệt.
Lãnh đạo Sở GTVT Nghệ An khảo sát thi công tuyến đường Tây của tỉnh. Ảnh: TL |
Thứ hai, huy động tối đa mọi nguồn lực, thu hút nguồn vốn để đầu tư xây dựng, hoàn thành đưa vào sử dụng các công trình trọng điểm. Thực hiện tốt công tác xã hội hóa đầu tư, khuyến khích mạnh mẽ các thành phần kinh tế tham gia góp vốn đầu tư trong lĩnh vực kết cấu hạ tầng giao thông; đào tạo, sát hạch lái xe; đăng kiểm phương tiện cơ giới đường bộ,... Phát triển giao thông nông thôn, phối hợp lồng ghép các chương trình, dự án, Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng Nông thôn mới để từng bước làm đường đến các thôn bản vùng núi cao.
Thứ ba, tiếp tục tạo những bước phát triển vượt bậc trong lĩnh vực vận tải, đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân và phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Tập trung công tác kiểm tra, chấn chỉnh hoạt động vận tải. Nâng cao chất lượng đào tạo, sát hạch cấp, đổi giấy phép lái xe, chất lượng phương tiện thông qua đăng kiểm, đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của xã hội, tạo thuận lợi cho người dân.
Thứ tư, tăng cường chỉ đạo công tác ATGT. Quản lý tốt hệ thống hạ tầng giao thông, tăng cường công tác duy tu, sửa chữa, làm tốt công tác phòng, chống bão lụt, đảm bảo giao thông thông suốt, thuận lợi, quản lý tốt hành lang giao thông, tạo chuyển biến trong công tác quản lý, duy tu, sửa chữa ở các huyện.
Thứ năm, tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, tập trung vào các lĩnh vực liên quan đến tổ chức, cá nhân, thủ tục đơn giản, rõ ràng, nhanh chóng, kịp thời, tạo sự chuyển biến mạnh về cải cách hành chính. Tiếp tục nâng cao năng lực, trình độ của đội ngũ cán bộ, công chức đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Thực hiện tốt công tác phòng, chống tham nhũng, tránh lãng phí, thực hành tiết kiệm. Tích cực tham gia các hoạt động an sinh xã hội.
Đạt được những mục tiêu đó thực sự là một thách thức không nhỏ đối với toàn ngành GTVT Nghệ An. Với bề dày truyền thống 70 năm xây dựng, trưởng thành và phát triển, cùng với sự quan tâm, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước; sự phối hợp, giúp đỡ của các bộ, ngành Trung ương và địa phương, toàn thể cán bộ, công nhân viên và người lao động ngành GTVT Nghệ An sẽ đoàn kết, hăng hái thi đua, chung sức xây dựng ngành phát triển bền vững, đóng góp ngày càng hiệu quả hơn cho sự nghiệp CNH- HĐH đất nước.
NGUYỄN HỒNG KỲ
Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Giám đốc Sở GT-VT
Ghi nhận đóng góp của các thế hệ cán bộ, công nhân viên chức và người lao động, Ngành GTVT Nghệ An đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng những danh hiệu cao quý: 2.911 Huân, huy chương các loại; 36 Cờ Thi đua của Chủ tịch nước, Chính phủ và Bộ GTVT; Phong tặng 3 danh hiệu anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho 3 tập thể; 3 danh hiệu anh hùng lao động cho 1 tập thể và 2 cá nhân; được Chính phủ, Bộ GTVT, Tỉnh ủy, UBND tỉnh tặng 334 Bằng khen; Năm 2005, được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Ba; Năm 2014, được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Nhì. |