Nỗi lo thoái trào?

12/07/2015 14:09

(Baonghean) - Nhiều năm nay, ở các giải đấu trẻ, nếu có SLNA tham dự thì họ luôn là ứng viên của chức vô địch.

Các đội bóng đều ngán ngại khi phải đụng đầu với các cầu thủ đến từ “lò” đào tạo SLNA. Nhưng hiện nay với sự trỗi dậy của các trung tâm đào tạo trẻ như Viettel, VPF, HAGL, Hà Nội T&T... SLNA vấp phải sự canh tranh quyết liệt từ công tác tuyển chọn cầu thủ ngay từ đầu vào. Biết được xứ Nghệ là cái nôi sản sinh ra nhiều tài năng bóng đá, các lò đào tạo trẻ đã tìm về để tuyển quân dưới nhiều hình thức. Thông qua các giải đấu cấp huyện, thành, hay qua các Trung tâm TDTT các huyện, qua các trại hè bóng đá, hay bằng việc mở các đợt tuyển chọn trực tiếp, các trung tâm đào tạo trẻ ở ngoài tỉnh đã tuyển chọn được khá nhiều tài năng bóng đá trẻ Nghệ An. Điều đó khiến cho SLNA không còn cái thế “một mình một chợ” trong việc tuyển chọn tài năng trẻ như trước đây nữa. Nói về chuyện này, ông Nguyễn Hồng Thanh, Chủ tịch CLB bóng đá SLNA cho biết: “Trong thời buổi hiện nay, đó là điều không tránh khỏi, khi ngày càng xuất hiện nhiều trung tâm đào tạo bóng đá trẻ có chế độ đãi ngộ cho các VĐV rất tốt. Các trung tâm này được đầu tư tài chính mạnh nên họ có chương trình tuyển quân khắp cả nước. Với cơ chế thông thoáng, các trung tâm này tìm mọi cách để tiếp cận và thu hút các tài năng trẻ”.

Cầu thủ U17 SLNA (trái) trong 1 pha bóng ở trận bán kết VCK U17 QG. Ảnh: bongdaplus
Cầu thủ U17 SLNA (trái) trong 1 pha bóng ở trận bán kết VCK U17 QG. Ảnh: bongdaplus

Bên cạnh đó, trong khi các lò đào tạo khác đều được đầu tư bài bản, thậm chí liên kết với các trung tâm đào tạo trẻ ở nước ngoài để có chương trình đào tạo một cách khoa học, hiện đại nhất thì SLNA vẫn đang còn theo nếp cũ “anh truyền kinh nghiệm cho em”. Điều đó đã dẫn đến SLNA ngày càng đánh mất đi vị thế của mình trong công tác đào tạo trẻ. Minh chứng rõ nhất là tại các giải trẻ, từ chỗ một thời “làm mưa làm gió”, năm nay U19 và U15 quốc gia và đều “rớt đài” từ vòng bảng. Tại giải U17 quốc gia - nơi SLNA đã 7 lần lên ngôi thì năm nay chúng ta cũng phải dừng chân ở bán kết...

Nhiều người đã đặt câu hỏi rằng: “Phải chăng công tác đào tạo trẻ của SLNA đang ở chu kỳ thoái trào?”. Điều này có phần đúng, nếu như nhìn vào một số giải trẻ gần đây cũng như sự đầu tư cho công tác đào tạo trẻ của SLNA, nhưng nếu như nhìn vào đội 1 đang thi đấu ở V.League thì SLNA vẫn là đội bóng giàu bản sắc nhất và gặt hái được nhiều “quả ngọt” từ công tác đào tạo trẻ khi các cầu thủ SLNA chủ yếu là “cây nhà lá vườn”.

Với xu thế đầu tư của các trung tâm đào tạo trẻ cả nước và sự trỗi dậy của họ trong những giải đấu gần đây, nếu SLNA không có những cải tiến, đầu tư trong công tác đào tạo trẻ, không sớm thì muộn, “đặc sản” bóng đá - “niềm tự hào xứ Nghệ” sẽ đánh mất vị thế của mình trên bản đồ bóng đá Việt Nam.

Đức Dũng