Hỗ trợ lao động nữ nuôi con nhỏ
(Baonghean) - “Lao động nữ với việc nuôi con bằng sữa mẹ - Hãy tạo ra môi trường làm việc thân thiện để hỗ trợ lao động nữ được tiếp tục nuôi con bằng sữa mẹ” là khẩu hiệu hành động của Tuần lễ “Thế giới nuôi con bằng sữa mẹ” năm 2015. Bên cạnh sự nỗ lực tạo điều kiện của các đơn vị, doanh nghiệp, vấn đề quan trọng nhất vẫn là nâng cao ý thức của chính các bà mẹ...
Chị Phan Thị Huyền Thanh, phường Quán Bàu (TP.Vinh) là nhân viên kinh doanh của một công ty tư nhân, mặc dù làm việc theo giờ hành chính nhưng từ khi con được 6 tháng tuổi, chị chủ yếu cho con uống sữa thay thế. Theo chị Thanh thì “cơ địa tôi vốn ít sữa nên em bé chỉ bú đủ trong khoảng 4 tháng đầu, sau đó sữa ít và loãng hơn. Tôi nghĩ sữa mẹ cũng chỉ có một thời gian nhất định sẽ nhạt và ít chất nên tôi chuyển dần sang sữa bột cho cháu. Hiện có nhiều loại sữa dành cho trẻ em bổ sung rất nhiều thành phần hỗ trợ trí thông minh và thể chất khỏe mạnh nên tôi khá yên tâm khi lựa chọn”. Suy nghĩ của chị Thanh cũng là suy nghĩ của rất nhiều bà mẹ hiện nay khi mà đời sống ngày càng nâng cao đã lý giải vì sao nhiều bà mẹ trẻ có điều kiện khá lại lựa chọn cách nuôi con bằng sữa bột thay thế sữa mẹ. Còn với những nữ công nhân, cuộc sống vẫn còn nhiều khó khăn, đa số họ vẫn không thể đảm bảo nuôi con bằng sữa mẹ vì nhiều nguyên nhân khác.
Nữ công nhân có con nhỏ ở Công ty Haivina Kim Liên vắt, trữ sữa để dành cho con bú đủ bữa tại cabin của Công ty. |
Do đặc thù công việc, những bà mẹ trẻ là công nhân Khu công nghiệp Bắc Vinh phải xa con nhỏ khi con chưa đầy tuổi. Vì bận rộn với công việc, không có người trông con nên chị Nguyễn Thị Thuý, công nhân Công ty Matrix đã phải gửi con gái mới gần 1 tuổi về ông bà nội ở Nghĩa Phúc (Tân Kỳ) trông giúp. Chị chia sẻ: “Khi cháu được trên 6 tháng tuổi, mình đi làm, mặc dù được nghỉ về sớm từ lúc 3 giờ chiều nhưng vì bận rộn, ít có thời gian nghỉ ngơi nên sữa cũng ít dần. Chỉ còn khoảng 1 tháng nữa là cháu lên 1 tuổi, lúc đó mẹ sẽ phải tăng ca, có khi đến tận tối muộn mới về nên con cũng chỉ có thể bú buổi tối. Nghĩ vậy nên mình quyết định cai sữa cho cháu, gửi về quê, để bà đỡ phải xuống ở cùng”.
Vì mưu sinh mà nhiều lao động nữ chấp nhận cai sữa sớm cho con. Một số trẻ nhỏ không được bú mẹ trong 2 năm đầu đời còn do nguyên nhân vì chất lượng bữa ăn của công nhân không đảm bảo nên lượng sữa ngày càng ít. Nhưng ái ngại hơn là vẫn còn có những lao động nữ chưa ý thức một cách đầy đủ về lợi ích của việc nuôi con bằng sữa mẹ, để duy trì nguồn sữa và chăm từng bữa sữa cho con mình. Ví như ở Công ty Havina Kim Liên, từ cuối năm 2014, công ty phối hợp với Liên đoàn Lao động tỉnh đã lắp đặt cabin để vắt, trữ sữa tại nơi làm việc, nhằm tạo điều kiện cho công nhân nữ vắt và để dành sữa cho con dùng dần. Mặc dù kinh phí đầu tư cho phòng vắt sữa này lên tới gần 100 triệu đồng, bao gồm máy vắt sữa, tủ lạnh bảo quản, máy điều hoà… nhưng đến nay mỗi tháng chỉ có khoảng 7 lượt người sử dụng. Trong khi đó, hiện công ty có khoảng 50% lao động nữ có con nhỏ trong tổng số trên 2,9 nghìn lao động nữ đang làm việc tại đây. Số nữ công nhân có con nhỏ dưới 12 tháng có trên 300 người. Theo ông Lê Văn Sơn, Chủ tịch Công đoàn Công ty Havina Kim Liên, thời gian đầu mới lắp đặt cabin vắt, trữ sữa, có khá đông chị em có con nhỏ đăng ký sử dụng. Nhưng đến nay thì ngày càng ít dần, mặc dù công đoàn công ty thường xuyên tuyên truyền, phổ biến những kiến thức cần thiết cho lao động nữ về lợi ích của việc nuôi con bằng sữa mẹ và hết sức tạo điều kiện cho chị em vắt và trữ sữa tại chỗ.
Tìm hiểu từ phía các nữ công nhân, đa số của các bà mẹ trẻ vẫn còn ít quan tâm đến việc cho trẻ bú đủ
bữa và kéo dài trong 2 năm đầu đời. Chị Đoàn Thị Hoài, công nhân Công ty Havina Kim Liên cho biết: Hiện con chị đã được 9 tháng tuổi, từ lúc con chị được 6 tháng đến nay mỗi ngày cháu chỉ được bú từ 4h chiều lúc chị đi làm về đến tối. Còn ban ngày cháu uống sữa bột và ăn dặm thêm. Giờ trẻ uống sữa bột cũng giàu dinh dưỡng nên cũng không ngại thiếu chất…”.
Nhiều nữ công nhân đưa ra các lý do để biện hộ cho việc không nuôi con bằng sữa mẹ như: do điều kiện công việc, ít thời gian, sữa mẹ không đầy đủ chất dinh dưỡng bằng sữa bột và các loại thực phẩm khác, trẻ trên 1 tuổi đã cứng cáp hơn, có thể cai sữa… Nhận thức về tầm quan trọng của việc nuôi con bằng sữa mẹ vẫn là những trở ngại lớn nhất khiến tỷ lệ lao động nữ nuôi con bằng sữa mẹ vẫn còn ở mức thấp. Năm 2012, Luật Lao động đã nâng thời gian nghỉ thai sản từ 4 tháng lên 6 tháng đã tạo điều kiện để phụ nữ sau khi sinh được ở nhà nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu đời. Để nâng cao nhận thức cho các lao động nữ về nuôi con bằng sữa mẹ, thời gian qua các cấp công đoàn đã tăng cường các hoạt động truyền thông gián tiếp và trực tiếp trong các đơn vị, doanh nghiệp. Truyền thông lồng ghép với nội dung chăm sóc SKSS, bà mẹ nuôi con nhỏ, mỗi năm khoảng 30 cuộc tại các doanh nghiệp có đông nữ công nhân lao động. Hàng năm, công đoàn còn phối hợp với Chi cục Dân số tỉnh tổ chức các buổi tuyên truyền việc CSSKSS và nuôi con nhỏ, tư vấn trực tiếp cho các công nhân lao động. Để duy trì cho trẻ bú mẹ đến 24 tháng tuổi, từ cuối năm 2014 đến nay, Liên đoàn Lao động tỉnh đã phối hợp với 2 doanh nghiệp là Công ty may Minh Anh Kim Liên và Công ty Haivina Kim Liên lắp đặt cabin hỗ trợ nữ công nhân có con nhỏ giúp vắt và trữ sữa tại chỗ, thế nhưng hiệu quả sử dụng chưa cao.
Những nỗ lực đó đã phần nào làm chuyển biến nhận thức cho công nhân lao động nữ trong việc nuôi con bằng sữa mẹ. Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Thị Thu Nhi – Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh, bên cạnh ý thức còn hạn chế thì vấn đề khó khăn mà các nữ công nhân còn gặp phải trước hết là đời sống còn thiếu thốn nên ít có điều kiện quan tâm đến duy trì nguồn sữa, nhiều công nhân cai sữa sớm để tiện bề công việc …. Thời gian tới, công đoàn sẽ thường xuyên kiểm tra, theo dõi và tiếp tục chỉ đạo công đoàn cơ sở tăng cường công tác tuyên truyền tới các nữ lao động hiểu rõ lợi ích của việc nuôi con bằng sữa mẹ và tác dụng của phòng vắt, trữ sữa. Song song với đó là vận động các doanh nghiệp có chế độ hỗ trợ hợp lý đối với những đối tượng lao động nữ nuôi con nhỏ. Đồng thời, chúng tôi dự kiến sẽ tiếp tục khảo sát nhu cầu và lắp đặt 2 cabin vắt, trữ sữa hai đơn vị trong năm 2015 để lao động nữ có điều kiện quan tâm hơn đến việc chăm sóc con trong thời gian làm việc. Song thiết nghĩ, bên cạnh nỗ lực của các đơn vị, doanh nghiệp thì quan trọng hơn hết là nữ lao động cần tự ý thức lợi ích của sữa mẹ để tự xây dựng “văn hoá” nuôi con bằng sữa mẹ.
Bác sỹ Quế Thị Trâm Anh, Trưởng khoa Chăm sóc sức khoẻ trẻ em và phòng chống suy dinh dưỡng - Trung tâm chăm sóc sức khoẻ sinh sản tỉnh lưu ý: “Sữa mẹ là thức ăn tốt nhất đối với trẻ, đặc biệt là trẻ sơ sinh, vì trong sữa mẹ có đủ năng lượng và chất dinh dưỡng cần thiết như đạm, đường, vitamin và muối khoáng thích hợp cho sự hấp thu và phát triển của trẻ. Sữa mẹ chữa nhiều kháng khuẩn, tăng cường sức đề kháng cho trẻ, chống lại một số bệnh mà không có loại sữa hay thức ăn nào khác có thể thay thế được. Để có đủ sữa cho con, các bà mẹ cần đảm bảo chế độ dinh dưỡng từ lúc có thai; sau khi sinh con cũng cần ăn đủ chất, uống nhiều nước, sữa, rau quả, cho con bú thường xuyên... Trong điều kiện người mẹ phải chia sẻ thời gian cho công việc, cần cố gắng duy trì ít nhất 3 lần bú/ngày cho bé. Việc nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ trong 6 tháng đầu và tiếp tục tới 2 tuổi là một lợi ích tuyệt vời; trẻ sẽ ít mắc bệnh, lớn nhanh, phát triển toàn diện và phòng, chống được suy dinh dưỡng”.
Đinh Nguyệt