Những giải pháp đồng bộ
(Baonghean) - Nhiệm kỳ tới, Đảng bộ và nhân dân Thị xã Thái Hòa xác định phát triển những lĩnh vực, ngành, sản phẩm có tiềm năng, lợi thế; đồng thời từng bước hướng đến phát triển ngành, sản phẩm sử dụng khoa học, công nghệ có giá trị cao, thân thiện với môi trường; huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực; nâng cao chất lượng tăng trưởng; đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng phát triển nhanh, mạnh về thương mại - dịch vụ, công nghiệp - xây dựng, khoa học công nghệ; đưa Thị xã phát triển xứng tầm là trung tâm của vùng Tây Bắc Nghệ An; phấn đấu xây dựng Thái Hòa trở thành đô thị loại III vào năm 2020.
Để khai thác, phát huy những tiềm năng, lợi thế của địa phương, trong nhiệm kỳ tới (2015 - 2020), Thị xã Thái Hòa ưu tiên phát triển lĩnh vực dịch vụ để tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội, phấn đấu tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất dịch vụ bình quân hàng năm đạt 14,5%; tổng mức lưu chuyển hàng hóa trên địa bàn đạt 2,8 - 3 nghìn tỷ đồng vào năm 2020. Chú trọng phát triển ngành thương mại, tín dụng ngân hàng, giáo dục, đào tạo, y tế, bưu chính viễn thông, công nghệ thông tin, vận tải, văn hóa, thể thao, du lịch và khoa học công nghệ. Dựa trên kết cấu hạ tầng đã và đang được xây dựng, thị xã bố trí các công trình thương mại, dịch vụ dọc Quốc lộ 48, đường N6, đường trục chính, tâm điểm là khu vực Ngã 5 phường Hoà Hiếu và phường Long Sơn như: khách sạn, nhà hàng, trung tâm mua sắm, siêu thị,...; nâng cấp, cải tạo chợ Hiếu chuyển dần thành phố chuyên doanh. Cải tạo, nâng cấp xây dựng chợ Nghĩa Thuận đạt tiêu chuẩn chợ loại 1. Xây dựng khu thương mại - dịch vụ, tài chính - ngân hàng, dịch vụ tổng hợp và dịch vụ văn phòng cho thuê tại khu vực Đồng Lầy - Gốc Gạo. Tập trung xây dựng 2 khu phức hợp dịch vụ, thương mại tại vị trí Nhà máy dầu thực vật (xã Tây Hiếu) và vị trí quy hoạch tại phường Long Sơn.
Mô hình nuôi bồ câu Pháp cho hiệu quả cao tại xã Nghĩa Thuận. Ảnh: H.N |
Bên cạnh đó, thị xã tập trung thu hút các ngân hàng, tổ chức tín dụng mở chi nhánh, trụ sở giao dịch trên địa bàn; duy trì và phát triển các quỹ tín dụng nhân dân để đến năm 2020, thị xã có khoảng 15 - 20 tổ chức tín dụng, ngân hàng và các công ty tài chính hoạt động; tổng vốn huy động khoảng 3.500 - 4.000 tỷ đồng. Mặt khác, đẩy mạnh công tác bảo tồn các giá trị văn hóa, lịch sử để phát triển du lịch. Trọng tâm là xây dựng Khu Di chỉ khảo cổ Làng Vạc, Khu tưởng niệm Bác Hồ về thăm Đông Hiếu, hoàn thành giai đoạn 1 hạ tầng Khu Lâm viên Bàu Sen. Hình thành các tuyến giao thông liên kết với các di tích trên địa bàn và vùng Phủ Quỳ. Từ đó phát triển các khu du lịch về văn hóa tín ngưỡng, truyền thống, sinh thái nghỉ dưỡng và các địa điểm du lịch gắn với các trung tâm dịch vụ, thương mại. Phát triển các cơ sở lưu trú, dịch vụ ăn uống có chất lượng cao như khách sạn, nhà nghỉ, nhà hàng,... Đồng thời để đáp ứng cho nhu cầu phát triển, Thái Hòa đẩy mạnh khuyến khích phát triển các loại hình vận tải và dịch vụ bưu chính, viễn thông và công nghệ thông tin.
Cùng với dịch vụ, phát triển công nghiệp tập trung theo hướng hình thành các cụm liên kết công nghiệp quy mô vùng. Thị xã vẫn giữ nguyên quy hoạch Khu công nghiệp Phủ Quỳ (250 ha); đồng thời hoàn thiện quy hoạch, đầu tư xây dựng hạ tầng cơ sở 2 cụm công nghiệp (Nghĩa Thuận, Tây Hiếu). Điều chỉnh quy hoạch và tiếp tục hoàn thiện hạ tầng cụm công nghiệp Nghĩa Mỹ và đẩy mạnh xúc tiến đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp. Trong đó, ưu tiên thu hút phát triển công nghiệp chế biến (cà phê, cao su, dầu thực vật, thức ăn gia súc), công nghiệp chế tạo công cụ và sản xuất phân bón phục vụ nông nghiệp, công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng mới, may mặc xuất khẩu. Trên lĩnh vực tiểu thủ công nghiệp, Thái Hòa duy trì và phát triển 2 làng nghề mộc mỹ nghệ và phát triển thêm các làng có nghề. Từ đó, phấn đấu tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp bình quân hàng năm 13,4%. Lĩnh vực nông, lâm, thủy sản mặc dù thu hẹp về tỷ trọng trong cơ cấu kinh tế nhưng thị xã sẽ tập trung đầu tư nhằm tăng hiệu quả sản xuất nội ngành theo hướng phát triển vùng nông nghiệp công nghệ cao và đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn trên cơ sở đầu tư các loại cây, con có hiệu quả kinh tế cao; tiếp tục tăng tỷ trọng chăn nuôi trong cơ cấu ngành. Trên địa bàn cũng chia thành các vùng sản xuất cụ thể gồm: vùng trồng cây công nghiệp, cây ăn quả (Tây Hiếu, Đông Hiếu, Nghĩa Tiến, Nghĩa Hòa); vùng trồng rau, củ, quả sạch (Nghĩa Hòa, Nghĩa Tiến, Nghĩa Thuận); vùng trồng lúa (Nghĩa Thuận, Nghĩa Mỹ); vùng chăn nuôi đại gia súc (Đông Hiếu, Tây Hiếu, Nghĩa Hòa, Nghĩa Tiến, Nghĩa Mỹ).
Đặc biệt, để hiện thực hóa mục tiêu trở thành đô thị loại III vào năm 2020, Thái Hòa tập trung phát triển đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng, trong đó chú trọng phát triển hệ thống hạ tầng giao thông và hạ tầng đô thị, đảm bảo tính kết nối liên vùng, liên tỉnh, mở rộng không gian, tạo điểm nhấn đô thị của thị xã; thành lập thêm 1 - 2 phường mới. Điểm nhấn là tập trung thực hiện một số dự án quan trọng như: Xây dựng tuyến đường tránh Quốc lộ 48 qua Thị xã Thái Hoà về phía Nam, kết nối với tuyến Hoàng Mai - Thái Hòa (dài 11 km); hoàn thiện tuyến đường trục chính và xây dựng Cầu Hiếu 2 để phát triển đô thị và dịch vụ về phía Tây sông Hiếu...; đồng thời đầu tư, mở rộng hệ thống cấp nước Thị xã Thái Hòa lên công suất 16.000m3/ngày đêm; triển khai các khu đô thị mới và Khu trung tâm chính trị - hành chính tập trung. Cùng với đó, thị xã quyết tâm nâng cao chất lượng phát triển giáo dục, đào tạo ở các cấp học và dạy nghề đáp ứng được yêu cầu trong giai đoạn phát triển mới. Nhất là, hoàn thành việc xây dựng cơ sở mới và nâng cấp Trường Trung cấp nghề kinh tế - kỹ thuật miền Tây thành trường cao đẳng nghề. Đồng thời, tăng cường cơ sở vật chất, nhân lực cho ngành Y tế; đầu tư xây dựng Trung tâm Y tế Thị xã đảm bảo 2 chức năng với quy mô 50 - 80 giường bệnh. Khu trung tâm y tế được xác định tại xã Tây Hiếu với hạt nhân là Bệnh viện Đa khoa khu vực Tây Bắc Nghệ An.
Để nâng cao hiệu quả thực hiện các định hướng đã vạch ra, thị xã đã xây dựng các giải pháp chủ yếu. Trong đó, đẩy mạnh tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, đổi mới tư duy, phát huy dân chủ, đoàn kết, đồng thuận, tạo sức mạnh tổng hợp, động lực mạnh mẽ cho phát triển. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành của chính quyền; đẩy mạnh cải cách hành chính; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Đồng thời, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh; huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực trên địa bàn; tăng cường thu hút đầu tư và liên kết, hợp tác nhằm tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội. Phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; quan tâm ứng dụng khoa học công nghệ vào các hoạt động sản xuất, đời sống và quản lý xã hội. Nâng cao chất lượng quản lý đô thị, từng bước xây dựng đô thị văn minh và tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện.
Những định hướng phát triển trên là kết quả tập trung tinh hoa, trí tuệ của toàn Đảng bộ và nhân dân Thị xã Thái Hòa dựa trên những tiềm năng của địa phương và đặt trong tổng thể phát triển chung của tỉnh. Vì vậy, với tinh thần, trách nhiệm cao, Thái Hòa quyết tâm thực hiện thắng lợi mục tiêu, chỉ tiêu mà Đại hội Đảng bộ thị xã lần thứ II, nhiệm kỳ 2015 - 2020 sẽ quyết nghị.
Lê Phúc Ân
(Phó Bí thư Thị ủy, Chủ tịch UBND Thị xã Thái Hòa)