Tập trung chỉ đạo xây dựng huyện nông thôn mới

14/08/2015 14:30

(Baonghean) - Đến thời điểm này, đại hội đảng bộ cấp trên cơ sở ở Nghệ An đã kết thúc thành công. Qua ghi nhận, trong nhiệm kỳ tới, rất nhiều đảng bộ cấp huyện đặt mục tiêu xây dựng thành công huyện nông thôn mới (NTM). Đây là mục tiêu tổng quát, thể hiện quyết tâm chính trị rất lớn của toàn đảng bộ và nhân dân các địa phương.

“Chìa khóa” phát triển nông thôn toàn diện

Xã Nghĩa Long (Nghĩa Đàn) đã đạt chuẩn NTM và tổ chức đón Bằng công nhận của tỉnh vào tháng 6 vừa qua, nhưng những ngày này, về Nghĩa Long, không khí làm đường giao thông nông thôn vẫn diễn ra rất rộn ràng. Xóm Nam Thắng là một trong số đó.

Gần trưa, trời tháng Tám nắng như đổ lửa, nhưng chị Hồ Thị Châu, Xóm trưởng vẫn miệt mài cùng hơn chục người dân trộn, đổ bê tông trên con đường làng đã được san ủi mặt bằng cẩn thận. Nam Thắng có khoảng 100 hộ dân với gần 400 nhân khẩu. Nhân dân chủ yếu làm nghề nông, lâm nghiệp. Thực hiện xây dựng NTM, xóm đã hoàn thành tất cả các tiêu chí, đặc biệt là về giao thông, được đánh giá là tiêu chí khó, nhất là đối với một địa phương trung du, địa hình không bằng phẳng. Với tổng chiều dài nội xóm là 3,3 km, đến thời điểm xã đón nhận Bằng đạt chuẩn NTM, xóm đã làm được 3,1 km đường bê tông theo phương châm Nhà nước hỗ trợ xi măng, nhân dân hiến đất, góp kinh phí mua vật liệu và bỏ ngày công lao động để thi công. Không hài lòng với kết quả đạt được, với chủ trương chung của xã, nhân dân tiếp tục bê tông hóa chiều dài đường còn lại để mỗi người dân, mỗi gia đình đều được hưởng lợi từ thành công trong xây dựng NTM.

Nhân dân xã Nghĩa Long (Nghĩa Đàn) tiếp tục làm giao thông nông thôn để nâng cao chất lượng tiêu chí giao thông, mặc dù xã đã đạt chuẩn nông thôn mới.
Nhân dân xã Nghĩa Long (Nghĩa Đàn) tiếp tục làm giao thông nông thôn để nâng cao chất lượng tiêu chí giao thông, mặc dù xã đã đạt chuẩn nông thôn mới.

Lau vội mồ hôi trên trán, chị Châu chia sẻ: “Lúc đầu triển khai xây dựng NTM, còn nhiều ý kiến hoài nghi. Nhưng giờ nhìn xóm làng thay đổi, nhân dân ai cũng phấn khởi, cảm thấy được những đóng góp của cải, công sức đều rất xứng đáng”.

Ở Nghĩa Đàn, Nghĩa Long được xem là câu chuyện rất thành công, hình mẫu vượt khó để xây dựng NTM thành công. Bởi trở lại với thời kỳ đầu khi bắt đầu xây dựng NTM, Nghĩa Long vẫn là xã nông nghiệp khó khăn. Năm 2010, qua rà soát, xã mới chỉ đạt 3/19 tiêu chí. Vì vậy, xây dựng NTM đặt ra rất nhiều thách thức. Nhưng sau hơn 4 năm thực hiện xây dựng NTM, Nghĩa Long là 1 trong 2 xã đầu tiên của Nghĩa Đàn về đích. Điều đáng nói là chất lượng cuộc sống của người dân được nâng lên rõ rệt, thu nhập bình quân đầu người đạt hơn 25 triệu đồng. Hệ thống giao thông được xây dựng cơ bản (được rải nhựa và bê tông hóa). Đồng chí Nguyễn Ngọc Đức, Bí thư Đảng ủy xã Nghĩa Long chia sẻ kinh nghiệm: “Đảng ủy xã ban hành nhiều nghị quyết để tập trung chỉ đạo xây dựng NTM. Từ đó, xác định những vấn đề cơ bản, trọng tâm, cấp bách cần giải quyết trước, xác định khâu đột phá là mở đường giao thông. Đồng thời, trong quá trình chỉ đạo thực hiện phải thực sự dân chủ; coi trọng công tác vận động, thuyết phục cán bộ, đảng viên và nhân dân để tạo sự đồng thuận; có giải pháp đổi mới phương thức lãnh đạo của cấp ủy, phát huy vai trò của người đứng đầu và các đảng viên hiệu quả”.

Còn tại xã Nhân Thành (Yên Thành), một xã vùng trũng, điều kiện kinh tế thuần nông, quá trình xây dựng NTM, Đảng ủy xã đã xác định rõ những khó khăn. Để tạo ra sự quyết tâm lớn, sự đồng thuận trong toàn Đảng bộ, hệ thống chính trị và nhân dân “một ý chí”, Đảng ủy đã ban hành Nghị quyết chuyên đề về xây dựng NTM, trong đó xác định trách nhiệm, lộ trình để tập trung thực hiện theo từng thời điểm và phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương. Công tác tuyên truyền, vận động, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đẩy mạnh việc thực hiện quy chế dân chủ cơ sở, với phương châm lấy sức dân để phục vụ chính lợi ích của người dân được đặt lên hàng đầu. Với tư tưởng chỉ đạo đó, xã Nhân Thành chọn khâu tập trung hoàn thành công tác dồn điền, đổi thửa, chỉnh trang quy hoạch thuỷ lợi, giao thông đồng ruộng; chuyển đổi cơ cấu cây trồng, cơ cấu giống, nâng cao giá trị thu nhập trên đơn vị diện tích, cải thiện thu nhập của nhân dân. Đồng thời, xã huy động đóng góp sức dân xây dựng giao thông nông thôn với gần 29 km thuộc tuyến đường trục xã, đường xóm đảm bảo quy chuẩn và cứng hoá 42,5 km giao thông nội đồng phục vụ sản xuất. Với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, xã cũng đã đầu tư 20 tỷ đồng xây dựng nhà máy nước sạch có công suất 1.500 m3/ngày, đảm bảo 100% hộ dân được dùng nước sạch; các trường học đều đạt chuẩn, xã được công nhận chuẩn quốc gia về y tế. Đồng chí Phan Văn Thanh, Bí thư Đảng ủy xã Nhân Thành, cho biết: “Kết quả, xã đã huy động hơn 165 tỷ đồng để xây dựng NTM, trong đó nhân dân đóng góp 118 tỷ đồng, chiếm gần 72%. Nhân Thành là 1 trong 5 xã về đích NTM đầu tiên ở huyện Yên Thành. Bộ mặt nông thôn, đời sống nhân dân có nhiều khởi sắc”.

Hay như xã Nam Nghĩa, (Nam Đàn), là xã bán sơn địa với địa bàn rộng, điều kiện kinh tế của nhân dân còn nhiều khó khăn, thu nhập bình quân đầu người năm 2010 mới chỉ đạt 9,2 triệu đồng/năm. Ở thời điểm đầu triển khai thực hiện xây dựng NTM, qua điều tra khảo sát, xã mới chỉ đạt được 4/9 tiêu chí. Trước tình hình thực tế đó, bước vào xây dựng NTM, Đảng ủy, chính quyền và cả hệ thống chính trị từ xã đến xóm đều xác định, xây dựng NTM là nhiệm vụ chính trị trọng tâm và cần phải tạo được sự đồng thuận cùng chung tay thực hiện. Đồng chí Nguyễn Quang Dũng, Chủ tịch UBND xã chia sẻ: Mặc dù không được xác định trong lộ trình về đích NTM sớm, nhưng bằng quyết tâm và sự đồng thuận từ cấp ủy, chính quyền, hệ thống chính trị từ xã đến xóm và các tầng lớp nhân dân, Nam Nghĩa đã có những bước đi nhanh hơn trong xây dựng NTM. Đến cuối năm 2014, Nam Nghĩa đã đạt 14/19 tiêu chí. Đây là cơ sở để xã mạnh dạn đăng ký về đích NTM trong năm 2015. Để hoàn thành mục tiêu đặt ra, ngay đầu năm 2015, xã đã tổ chức lễ phát động xây dựng NTM, phấn đấu về đích trong năm 2015; tổ chức ký kết giao ước thi đua với 11/11 xóm quyết tâm hoàn thành 5 tiêu chí còn lại là giao thông, cơ sở vật chất văn hóa, chợ nông thôn, y tế và hệ thống chính trị. Đến thời điểm này, tiêu chí chợ đã hoàn thành. 6 tháng đầu năm 2015, toàn xã đã làm thêm được 5 km đường bê tông, nâng tỷ lệ đường bê tông toàn hệ thống giao thông đạt 80%, trong đó có 6/11 xóm có đường nhựa và bê tông vào tận ngõ gia đình. Trạm y tế xã cũng được đầu tư 1,5 tỷ đồng để xây dựng và hoàn thiện; 11/11 xóm hoàn chỉnh nhà và các thiết chế văn hóa đồng bộ. Riêng nhà văn hóa xã được đầu tư 3,1 tỷ đồng, hiện đã xây dựng đạt 50% khối lượng công trình, dự kiến đến tháng 10/2015 sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng.

Rõ ràng, quá trình xây dựng NTM, tuy mỗi địa phương có điểm xuất phát khác nhau, nhưng tựu trung đều thể hiện được sự quyết tâm, đồng lòng của cả Đảng bộ và nhân dân để khắc phục khó khăn, vận dụng linh hoạt tiềm năng, thế mạnh của địa phương, không trông chờ, ỷ lại từ hỗ trợ của Nhà nước. Vì thế, mỗi xã đều có cách làm hay, sáng tạo, đột phá trên các lĩnh vực. Từ đó, nông thôn ở 47 xã hoàn thành xây dựng NTM trên toàn tỉnh đã có sự phát triển toàn diện cả về hạ tầng, hiệu quả sản xuất, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.

Lộ trình rõ ràng, triển khai quyết liệt

Trong kỳ Đại hội các Đảng bộ cấp trên cơ sở vừa qua, nhiều đảng bộ đặt mục tiêu xây dựng thành công huyện NTM. Để hiện thực hóa mục tiêu này, các địa phương đã tiến hành các bước cần thiết để đề ra các giải pháp chỉ đạo thực hiện ngay sau đại hội. Tại huyện Quỳnh Lưu, trong nhiệm kỳ 2010 -2015, qua đánh giá, phong trào xây dựng nông thôn mới được triển khai thực hiện rộng rãi, thu hút đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân hưởng ứng tham gia. Hệ thống hạ tầng kỹ thuật phục vụ sản xuất đời sống dân sinh được đầu tư xây dựng, diện mạo nông thôn có nhiều khởi sắc. Tổng nguồn lực huy động xây dựng nông thôn mới đến năm 2014 đạt trên 5.460 tỷ đồng, trong đó vốn đầu tư từ ngân sách 2.075 tỷ đồng; nhân dân đóng góp, tự đầu tư trên 2.850 tỷ đồng; vốn tín dụng, doanh nghiệp đầu tư 535 tỷ đồng. Năm 2014, toàn huyện có 5 xã về đích xây dựng nông thôn mới. Dự kiến hết năm 2015, huyện có 12 xã được công nhận, vượt 6 xã so với chỉ tiêu. Tổng nguồn lực huy động đến năm 2015 ước đạt 6.965 tỷ đồng. Trước những kết quả khởi sắc đó, Quỳnh Lưu đặt mục tiệu đạt huyện NTM vào năm 2020.

Để hiện thực hóa những mục tiêu đó, trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Quỳnh Lưu khóa XXVII, nhiệm kỳ 2015 -2020, Đảng bộ đã thông nhất xây dựng 5 chương trình trọng tâm, trong đó có chương trình 4 là: Tiếp tục phát huy tốt nội lực, tranh thủ ngoại lực xây dựng huyện đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2020. Có 23 - 25 xã đạt chuẩn nông thôn mới, các xã còn lại đạt 14 tiêu chí trở lên. Ngay sau đại hội, Huyện ủy Quỳnh Lưu cũng đã có quyết định thành lập các Ban chỉ đạo thực hiện chương trình trọng tâm Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện khoá XXVII. Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Nguyễn Xuân Dinh, Trưởng phòng Nông nghiệp, Phó Ban Chỉ đạo chương trình 4 cho biết: “Hiện nay, Ban Chỉ đạo đã xây dựng tổ giúp việc và xây dựng kế hoạch thực hiện. Theo đó, trong năm 2015, Quỳnh Lưu tập trung chỉ đạo các xã đăng ký để về đích NTM; đồng thời tổ chức đánh giá 5 năm thực hiện xây dựng NTM trên địa bàn huyện. Từ đó, sang đầu năm 2016, BCH Huyện ủy Quỳnh Lưu sẽ ban hành Nghị quyết về xây dựng NTM cho cả nhiệm kỳ nhằm thực hiện đạt mục tiêu đề ra”.

Còn tại huyện Nghĩa Đàn, địa phương đặt mục tiêu trở thành huyện NTM vào năm 2020. Tính đến tháng 7/2015, Nghĩa Đàn mới chỉ có 3 xã đạt chuẩn NTM. Thời gian ngắn, trong khi khối lượng công việc đặt ra rất lớn nên ngay sau Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2015 -2020, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện xây dựng và ủy quyền cho Ban Thường vụ Huyện ủy phân công cụ thể xây dựng các chương trình và đề án trọng điểm. Trong đó, trên cơ sở Nghị quyết số 07 của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện về triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM huyện Nghĩa Đàn giai đoạn 2011 - 2020, huyện đang xây dựng Đề án “Đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới”.

Đối với Yên Thành, một huyện nông nghiệp, nhiều đơn vị hành chính cấp xã (38 xã), việc đặt ra mục tiêu đạt huyện NTM vào năm 2019, tương đương 75% xã không hề đơn giản. Bởi một lẽ, các xã có điều kiện thuận lợi đã được tập trung giai đoạn của nhiệm kỳ 2010 - 2015, nhiệm kỳ tiếp là những xã có điều kiện khó khăn hơn rất nhiều. Tính đến hết năm 2014, toàn huyện có 7 xã về đích NTM và tính đến hết năm 2015 nếu có thêm 6 – 7 đạt theo lộ trình thì tổng là 13 – 14 xã về đích, chiếm hơn 34 – 38,6% tổng số xã trong toàn huyện. Để đạt đích tiếp theo đến năm 2019 đạt huyện NTM với 75% số xã đạt chuẩn thì cần thêm 14 – 15 xã nữa, để có tổng số 28 – 29 xã đạt NTM. Đồng chí Nguyễn Văn Dương, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện, Chánh Văn phòng điều phối, thành viên Ban Chỉ đạo NTM huyện cho biết: Ngay sau Đại hội Đảng bộ huyện Yên Thành lần thứ XXVI, nhiệm kỳ 2015 – 2020, huyện đã tiến hành rà soát lại thực tiễn ở các địa phương một cách chính xác, từ đó chỉ đạo từng địa phương tập trung thực hiện những nội dung, phần việc cụ thể và đăng ký thời gian, lộ trình phấn đấu hoàn thành 19/19 tiêu chí NTM. Huyện cũng đang giao cho các ngành, lĩnh vực thảo luận xây dựng các đề án nhằm cụ thể hóa các tiêu chí. Đặc biệt, từ kinh nghiệm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện xây dựng NTM trong nhiệm kỳ qua, Yên Thành sẽ tiếp tục duy trì các giải pháp để thực hiện các khâu đột phá như thực hiện giao thông nông thôn, hoàn chỉnh hệ thống cơ sở hạ tầng đồng ruộng đạt yêu cầu đưa cơ giới đến tận thửa và đủ điều kiện áp dụng tưới tiêu khoa học; tổ chức lại sản xuất... Song song với đó là chỉ đạo các xã đã về đích tiếp tục nâng cao và củng cố, hoàn thiện các tiêu chí để đạt chuẩn bền vững.

Đối với huyện Nam Đàn, xác định xây dựng huyện đạt chuẩn nông thôn mới với bước đi nhanh hơn, trong đó phấn đấu đến hết năm 2015 có thêm 6 xã đạt chuẩn NTM, nâng tổng số xã lên 10 và trong 2 năm (2016 và 2017) phấn đấu có tiếp 8 xã, để đến cuối năm 2017, toàn huyện có 18/23 xã đạt chuẩn NTM, trở thành huyện NTM. Để đạt mục tiêu nêu trên, theo đồng chí Nguyễn Phúc Hoàng, chuyên viên Văn phòng Nông thôn mới huyện Nam Đàn, huyện tiếp tục chỉ đạo các xã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân chung tay xây dựng NTM. Cùng với đó nâng cao kỹ năng, kiến thức cho đội ngũ cán bộ làm công tác xây dựng nông thôn mới của xã, xóm. Huyện cũng thành lập các tổ công tác, phân công thành viên cùng cán bộ chỉ đạo các xã để kịp thờ đôn đốc, tháo gỡ khó khăn vướng mắc. Tập trung bằng nhiều giải pháp để huy động nội lực, tranh thủ sự đầu tư từ bên ngoài có điều kiện đóng góp công sức, tiền của để xây dựng hạ tầng kinh tế - xã hội, đặc biệt ưu tiên với sự tập trung cao cho các địa phương đăng ký về đích theo lộ trình ở từng thời gian cụ thể.

Xây dựng NTM là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước nhằm đưa khu vực nông thôn có nền kinh tế phát triển, đời sống vật chất và tinh thần của cư dân được nâng cao. Nông thôn phát triển theo quy hoạch, cơ cấu hạ tầng, kinh tế, xã hội hiện đại, môi trường sinh thái được bảo vệ. Dân trí được nâng cao, bản sắc văn hóa dân tộc được giữ gìn và phát huy. An ninh tốt, quản lý dân chủ. Chất lượng hệ thống chính trị được nâng cao. Tuy nhiên, để thực hiện được đầy đủ các đặc trưng đó, đòi hỏi sự vào cuộc rất quyết liệt, đúng đắn của cả hệ thống chính trị và phát huy được vai trò chủ thể của mỗi người dân trên tinh thần dân chủ, tự giác và tự nguyện. Tuyệt đối không vì chạy theo thành tích mà làm mất dân chủ, để lại những hệ lụy đáng tiếc. Với tinh thần triển khai ngay từ “ngày đầu, tháng đầu” sau đại hội, chúng ta hoàn toàn kỳ vọng, các địa phương đặt mục tiêu xây dựng thành công huyện NTM trong nhiệm kỳ 2015 -2020 sẽ về đích đúng tinh thần nghị quyết Đại hội Đảng bộ. Qua đó, không chỉ xây dựng nông nghiệp, nông dân và nông thôn địa phương phát triển mà còn thể hiện được trách nhiệm của các địa phương có “thế mạnh” góp phần nâng chỉ tiêu chung của tỉnh về xây dựng NTM đến năm 2020 có 50% trên tổng số 431 xã đạt chuẩn NTM.

Nhật Lệ - Minh Chi

Các đảng bộ huyện đặt mục tiêu xây dựng thành công huyện nông thôn mới trong nhiệm kỳ 2015 - 2020 gồm: Quỳnh Lưu, Diễn Châu, Nghĩa Đàn, Yên Thành, Nam Đàn, Hưng Nguyên, Đô Lương.