Chiến sự tại Yemen bất chấp "báo động đỏ" khủng hoảng nhân đạo!

13/07/2015 09:59

(Baonghean) - Hơn 80% dân số tức khoảng 21,1 triệu người Yemen đang chờ đợi được cung cấp lương thực, trong đó 13 triệu người chịu cảnh khan hiếm thức ăn cần viện trợ khẩn cấp. Trước tình hình đó, cuộc khủng hoảng nhân đạo tại Yemen đã được Liên hợp quốc nâng lên mức khẩn cấp 3 - mức cao nhất hơn 10 ngày qua. Thế nhưng, hy vọng cuối cùng là lệnh ngừng bắn nhân đạo được Liên hợp quốc đề xuất cũng đã bị phá vỡ chỉ vài giờ sau khi chính thức có hiệu lực đêm 10/7. Dường như nỗi thống khổ của người dân nơi đây vẫn chưa thể khiến các bên dừng lại, một khi lợi ích chiến lược vẫn chưa đạt được.

Lệnh ngừng bắn có cũng như không

Một lệnh ngừng bắn được Liên hợp quốc đứng ra làm trung gian quyết định bắt đầu có hiệu lực từ 23h59 giờ địa phương đêm 10/7 tới khi kết thúc tháng lễ Ramadan vào ngày 17/7. Đây là giải pháp khẩn cấp, cũng là hy vọng cuối cùng mà Liên hợp quốc đưa ra nhằm đáp ứng nhu cầu cấp bách về lương thực của 13 triệu dân Yemen đang trong cảnh khủng hoảng tồi tệ nhất từ khi chiến sự nổ ra. Xung đột, nội chiến kéo dài đã khiến hơn 80% dân số Yemen cần viện trợ nhân đạo. Liên hợp quốc cũng đã có kế hoạch hỗ trợ khoảng 1,6 tỷ USD đến cuối năm nay nhằm cung cấp lương thực, nước uống, chỗ ở cho khoảng 11,7 triệu người dân chịu ảnh hưởng nặng nề nhất vì xung đột tại nước này. Thế nhưng, hàng chục chuyến hàng viện trợ hiện vẫn đang ùn ứ ở các đường biên giới và không thể tiếp cận người dân do giao tranh và không kích vẫn tiếp diễn. Lệnh ngừng bắn mới đây cũng không thể khả quan hơn. Chỉ 2 giờ sau khi lệnh ngừng bắn nhân đạo chính thức có hiệu lực, liên quân do Saudi Arabia chỉ huy đã tiếp tục thực hiện các vụ không kích nhằm vào các mục tiêu tại thành phố Taiz lớn thứ 3 ở phía Tây Yemen. Các cuộc tấn công diễn ra sau khi giao tranh trên bộ giữa phiến quân Houthi với phe đối lập nổ ra dữ dội cũng tại thành phố này.

Khoảng 13 triệu người dân Yemen đang chịu cảnh khan hiếm thức ăn cần viện trợ khẩn cấp.Nguồn: BBC
Khoảng 13 triệu người dân Yemen đang chịu cảnh khan hiếm thức ăn cần viện trợ khẩn cấp. Nguồn: BBC

Như thường lệ, cả hai phe ngay sau đó đã đổ lỗi cho nhau vi phạm lệnh ngừng bắn. Trong khi phía Houthi cáo buộc các tay súng đối lập cố đẩy lực lượng này ra khỏi các vị trí đang chiếm giữ, thì phe còn lại khẳng định rằng, phiến quân Houthi lợi dụng lệnh ngừng bắn để mở rộng đánh chiếm. Thực tế, chỉ 30 phút trước khi lệnh ngừng bắn có hiệu lực, các máy bay của liên quân do Saudi Arabia đứng đầu vẫn tiếp tục không kích thành phố Taiz. Thủ lĩnh phiến quân Houthi Abdulmalik al-Houthi nhận định thỏa thuận ngừng bắn này sẽ khó thành công. Về phần mình, một quan chức Saudi Arabia cũng cho rằng, thỏa thuận ngừng bắn lần này là “vô ích”, đồng thời cho biết liên quân chưa nhận được “bất cứ bằng chứng nào về cam kết của bên kia”. Cũng dễ hiểu cho những diễn biến đôi co, “giằng đi kéo lại” này, bởi ngay từ đầu Yemen vốn đã trở thành sàn đấu của cuộc đua tranh giành ảnh hưởng giữa liên quân Arab do Saudi Arabia đứng đầu, còn bên kia là Iran chống lưng cho lực lượng phiến quân Houthi. Sâu xa hơn đó là mối căng thẳng và bất hòa giữa dòng Hồi giáo Sunni và Shiite tại khu vực Trung Đông - Bắc Phi đầy bất ổn.

Thế giới Arab lo sợ Mỹ bắt tay Iran

Giới quan sát còn nhận định rằng, Yemen đang trở thành một trang chiến sự quan trọng nhằm phục hồi cán cân ảnh hưởng chiến lược giữa thế giới Arab và Iran. Và chiến dịch không kích mà Liên minh Arab do Saudi Arabia đứng đầu thể hiện sự thất vọng và phẫn nộ của thế giới Arab trước việc Iran đang dần mở rộng vai trò và ảnh hưởng trong khu vực. Không giấu diếm thái độ bực bội, Ngoại trưởng Các tiểu Vương quốc Arab thống nhất (UAE) Abdullah bin Zayed trong một tuyên bố đã khẳng định, Iran đang can thiệp vào cuộc xung đột ở Yemen và các khu vực khác trong khu vực với hy vọng thiết lập các mối quan hệ bình thường với Tehran. Chưa dừng lại, bực bội còn đi kèm bất an khi hiện nay, vòng đàm phán hạt nhân giữa Iran và nhóm P5+1 gồm Anh, Pháp, Mỹ, Nga, Trung Quốc và Đức, đang bước những bước cuối cùng. Lẽ dĩ nhiên, cảm giác lo sợ là dễ hiểu đối với các nước Arab, khi đồng minh Mỹ lại đang có xu hướng xích lại gần với kẻ thù chung là Iran. Ai Cập hay chính Saudi Arabia cũng từng chứng kiến “sự quay lưng” lạnh nhạt của Chính quyền Mỹ mà họ không ngờ tới trong quá khứ. Vì thế, các bước tiến triển trong quan hệ với Iran của Mỹ lại đang là cái cớ để các nước Arab xích lại gần nhau hơn, trước một “mối đe dọa chung” là cuộc đàm phán hạt nhân Mỹ - Iran.

Dù đã được đồng minh Mỹ trấn an nhiều lần nhưng chắc chắn các nước Arab đặc biệt là Saudi Arabia đang đặt câu hỏi rằng, liệu Mỹ sẽ vì một chiến lược lớn hơn mà bắt tay Iran rồi quay lưng với họ? Chẳng có gì là không thể, thậm chí cả chiến lược của toàn Trung Đông cũng có thể thay đổi. Vì thế, các cuộc không kích tại Yemen của liên quân Arab thời gian qua nói là nhằm vào phiến quân Houthi, nhưng thật ra đó lại đang là những “đòn hờn dỗi” muốn nhằm vào Mỹ, bên cạnh lời cảnh báo đối với Iran. Bỏ qua những khác biệt trước đây, Liên quân Arab hiện còn hướng tới một liên minh quân sự chung, một tiếng nói chung gửi đến Mỹ rằng, chúng tôi đoàn kết, chúng tôi có sức mạnh có thể tự lãnh đạo và xoay chuyển tình hình chứ không cần chờ Mỹ ra tay can thiệp. Chính vì thế, chiến sự tại Yemen cho đến nay vẫn chưa thể dừng lại. Và nếu cuộc đàm phán hạt nhân Iran vẫn còn tiếp diễn theo hướng thuận lợi, tình hình chiến sự có lẽ sẽ càng tồi tệ hơn.

Mỹ giữa ngã ba đường - Yemen tiếp diễn khủng hoảng

Trong lúc đó, phía Mỹ dù tuyên bố đang đẩy nhanh cung cấp vũ khí và tăng cường chia sẻ thông tin tình báo, tiếp nhiên liệu cho liên quân chống Houthi, thế nhưng, việc can thiệp sâu hơn vào cuộc khủng hoảng Yemen có lẽ không nằm trong tính toán của Washington. Bởi một thỏa thuận hạt nhân lịch sử với Iran đang là điều mà Tổng thống Obama muốn thúc đẩy trong nhiệm kỳ sắp hết của mình. Mỹ cũng không còn đủ tiềm lực kinh tế - quốc phòng để rải khắp các cuộc chiến trên toàn cầu, và Trung Đông cũng không còn là tâm điểm ngoại giao của Mỹ trong thời gian này nữa, nếu đặt cạnh châu Á - Thái Bình Dương, Ukraine hay chống khủng bố. Bởi vậy, nếu các nước Arab vẫn muốn dùng Yemen làm sàn đấu thể hiện sự bức bối của mình với Mỹ và Iran thì có lẽ sẽ không mang lại nhiều sức nặng.

Còn về phía Iran, nước này dường như đang có nhiều hơn 1 sự lựa chọn để tăng cường ảnh hưởng và vị thế của mình tại Trung Đông. Nhưng một khi Saudi Arabia vẫn làm căng ở Yemen thì Iran chắc hẳn cũng chưa chịu dừng. Vì thế vào lúc này, khi cuộc đua tranh giành ảnh hưởng của các bên vẫn chưa ngã ngũ, cuộc khủng hoảng nhân đạo tại Yemen cũng chưa thể có hồi kết. Cuối cùng, người dân vẫn là những đối tượng khốn cùng nhất.Và dù tiếng còi báo động đỏ nhân đạo có vang lên bao nhiêu lần, thì nghe thấy hay không còn tùy thuộc vào thái độ và thiện chí của tất cả các bên.

Phương Hoa

TIN LIÊN QUAN