Niềm tin và trách nhiệm trên vai người lính "quân hàm xanh"

27/07/2015 08:27

(Baonghean) - Nghệ An là tỉnh có diện tích lớn nhất cả nước, với đặc điểm địa hình phức tạp và thành phần dân tộc phong phú, vì vậy, giữ vững trật tự an ninh xã hội, quốc phòng - an ninh là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu đối với công cuộc xây dựng, phát triển. Trong đó, bộ đội biên phòng là lực lượng có những đóng góp to lớn cho đảm bảo trật tự quốc phòng - an ninh nói chung, an ninh biên giới nói riêng.

Với đường biên giới quốc gia trên đất liền dài 419,5 km, tiếp giáp với 3 tỉnh của nước CHDCND Lào, chiều dài biên giới trên địa phận Nghệ An chiếm gần 1/4 chiều dài biên giới Việt - Lào. Đường biên giới giữa Nghệ An với các tỉnh nước bạn được xác định bởi 116 mốc quốc giới và 44 cọc dấu. Đặc biệt, có 1 cửa khẩu quốc tế (Nậm Cắn - Kỳ Sơn); 1 cửa khẩu chính (Thanh Thuỷ - Thanh Chương); 3 cửa khẩu phụ; 3 lối mở biên giới; 12 điểm qua lại biên giới cho phép dân cư 2 khu vực biên giới qua lại thăm thân, trao đổi hàng hoá.

Giữ bình yên biên cương

Trên chiều dài biên giới, hệ thống cửa khẩu, lối mở, điểm qua lại biên giới nằm trải trên địa bàn tương đối rộng (6 huyện, 27 xã, tổng dân số 112.116 khẩu). Tình hình an ninh biên giới diễn biễn phức tạp, vẫn còn tình trạng vi phạm các quy định về xuất, nhập, quá cảnh; xuất, nhập khẩu hàng hoá. Đặc biệt, các loại hoạt động tội phạm như mua bán, vận chuyển trái phép chất cấm, vũ khí, vật liệu nổ,… qua biên giới càng khó kiểm soát trên một địa bàn rộng, với đặc điểm tự nhiên và dân cư phức tạp.

Cán bộ, chiến sỹ Đồn Biên phòng Mỹ Lý (Kỳ Sơn) và dân quân tự vệ xã tuần tra bảo vệ đường biên.Ảnh: Trần Hải
Cán bộ, chiến sỹ Đồn Biên phòng Mỹ Lý (Kỳ Sơn) và dân quân tự vệ xã tuần tra bảo vệ đường biên. Ảnh: Trần Hải

Trước tình hình đó, nhiệm vụ chính đặt ra cho lực lượng bộ đội biên phòng là phải thực hiện tốt công tác quản lý, kiểm tra biên giới, nhất là tại các cửa khẩu biên giới đất liền, các lối mở, điểm qua lại. Do trình độ nhận thức và đặc trưng trong phong tục, lối sống của nhiều đồng bào dân tộc nên một số phần tử xấu kích động, lôi kéo, xúi giục đã tác động tiêu cực đến tư duy, nhận thức của bà con.

Trong nhiều chiến công của BĐBP Nghệ An, có những chuyên án triệt phá các đường dây tội phạm ma tuý, buôn người, buôn vũ khí trái phép… đem lại sự bình yên cho vùng biên và góp phần vào đảm bảo trật tự an ninh của toàn xã hội. Từ năm 2010 đến năm 2015, BĐBP tỉnh đã bắt giữ 2.355 đối tượng/1.501 vụ cùng tang vật là: 52,5 kg heroin; 21 kg cần sa; 2 kg ma tuý đá; 1.156 kg thuốc phiện; 24.253 viên ma tuý tổng hợp; 41 kg cây và quả thuốc phiện; 4 khẩu súng quân dụng; 74 viên đạn;… Đặc biệt, vào tháng 5/2014, Phòng Phòng chống tội phạm ma tuý và Đồn Biên phòng Thông Thụ đã phối hợp với Công an huyện Sầm Tớ (Hủa Phăn, Lào) hoàn thành 2 chuyên án “331LV” và “332LV”, triệt phá 2 đường dây mua bán trái phép ma tuý lớn nhất từ trước đến nay tại Sầm Tớ, Hủa Phăn.

Theo Thượng tá Hoàng Ngọc Mạnh, Phó trưởng phòng Phòng chống tội phạm ma tuý (BĐBP Nghệ An), giải pháp mà BĐBP Nghệ An đưa ra là tăng cường nắm tình hình địa phương, đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động người dân về tác hại của ma tuý tại các làng bản, trường học. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với cấp uỷ, chính quyền địa phương để quản lý, kiểm soát tình hình trên địa bàn; phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng phía nước bạn Lào để triệt phá dứt điểm các đường dây, băng nhóm, tụ điểm sản xuất, tàng trữ, buôn bán xuyên quốc gia.

Một trong những “điểm nóng” của nạn di dịch cư trái phép tại Kỳ Sơn là xã Huồi Tụ. Theo thống kê từ năm 2010 đến nay, xã có 42 hộ, 245 khẩu di cư sang Lào bằng con đường tiểu ngạch hoặc những dịp có phiên chợ biên được tự do qua lại giao thương. Nguyên nhân chủ yếu khiến bà con di cư trái phép sang Lào là do đời sống kinh tế khó khăn, điều kiện khí hậu, địa hình không thuận lợi. Trước đây, với tập tục du canh, du cư, đồng bào miền núi chủ yếu dựa vào tài nguyên đất và rừng tự nhiên. Tuy nhiên, khi được tuyên truyền, vận động định canh, định cư, không đốt rừng làm rẫy, trình độ canh tác hạn chế nên sản lượng thu hoạch kém, hoặc chưa có điều kiện thuận lợi cho bao tiêu, tiêu thụ sản phẩm nên đời sống còn khó khăn. Cụ thể, ở Huồi Tụ, thu nhập bình quân đầu người dưới 400 nghìn đồng/tháng; 11/13 bản chưa được lắp điện sáng; 70% người dân thiếu nước sạch sinh hoạt;… Vì vậy, trước những lời xúi giục của một số phần tử xấu, vẽ ra viễn cảnh cuộc sống bên kia biên giới với đất đai rộng, dễ làm ăn, nhiều gia đình đã bán hết tài sản, vượt biên trái phép sang Lào.

Tuy nhiên, có 3 vấn đề nảy sinh từ tình trạng di dịch cư trái phép: Thứ nhất, tạo tâm lý bất ổn cho người dân vùng biên, ảnh hưởng đến chính sách an ninh biên giới của Đảng và Nhà nước. Thứ hai, bản thân các bộ tộc người Lào và chính phủ Lào không khuyến khích đồng bào dân tộc vùng biên di cư sang địa phận Lào, từ đó dẫn đến mâu thuẫn: tại Việt Nam, đồng bào được thụ hưởng các chính sách hỗ trợ như Chương trình 135, Nghị quyết 30a,… còn tại Lào, không được Chính phủ Lào hỗ trợ, sinh sống trong điều kiện thiếu thốn. Thứ ba, các phần tử xấu có thể lợi dụng tình trạng di dịch cư của bà con để xâm nhập, phá vỡ sự bình yên vùng biên và thậm chí là tiến sâu hơn vào lãnh thổ.

Đối với tình trạng này, lực lượng bộ đội biên phòng tỉnh kết hợp với chính quyền địa phương, nỗ lực thực hiện công tác tuyên truyền, vận động để đồng bào dân tộc có nhận thức đúng đắn, đầy đủ về những quy định của pháp luật đối với việc di chuyển qua biên giới. Đồng thời, phổ biến đến bà con những chính sách hỗ trợ, ưu tiên của Nhà nước đối với các vùng biên giới đặc biệt khó khăn. Ngoài ra, khuyến khích, hỗ trợ bà con làm kinh tế, vươn lên thoát nghèo bền vững trên chính mảnh đất quê hương mình cũng được xác định là hướng đi bền vững, lâu dài để xoá bỏ nạn di dịch cư trái phép, góp phần đảm bảo an ninh trật tự, bình yên trên dọc tuyến biên giới quốc gia.

Giúp dân phát triển kinh tế

Cùng đồng bào làm kinh tế, phát triển đời sống cũng là nhiệm vụ lớn thứ hai của lực lượng BĐBP. Với một bộ phận không nhỏ bà con còn có tư tưởng trông chờ, ỷ lại, không muốn đổi mới, phát triển kinh tế vùng biên là một thách thức lớn, nhất là với điều kiện cơ sở hạ tầng còn hạn chế, khoảng cách đi lại xa xôi, phương tiện thông tin truyền thông chưa thực sự phát triển. Với quyết tâm trở thành điểm tựa cho vùng biên không chỉ về an ninh mà về cả kinh tế - xã hội, cán bộ, chiến sỹ BĐBP lấy phương châm “Đi dân nhớ, ở dân thương”, tạo được sự gắn kết chặt chẽ với địa phương và cộng đồng nơi nhận nhiệm vụ, giành được sự tin yêu của bà con.

Tại xã Môn Sơn, huyện Con Cuông, các chiến sỹ Đồn Biên phòng Môn Sơn đã phối hợp với các cơ quan chức năng mở lớp dạy nghề (dệt thổ cẩm, đan lát, mộc), tập huấn kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt cho bà con. Trong đó có 2 bản tái định cư, đời sống kinh tế đặc biệt khó khăn do bà con chưa quen với cách thức sản xuất tại nơi ở mới. Đồng thời, đầu năm 2015, đồn cũng đóng góp một phần kinh phí, tham gia hỗ trợ bà con mua giống lợn chăn nuôi, xây nhà cho hộ đặc biệt khó khăn. Còn tại Tam Hợp, huyện Tương Dương, không chỉ triển khai xây dựng mô hình chăn nuôi lợn đen, vịt bầu Quỳ Châu cho các hộ dân, Đồn Biên phòng Tam Hợp còn tổ chức cho 22 hộ dân tại bản Phá Lõm trồng 31,1 ha rừng theo Dự án JICA (Nhật Bản). Trên phạm vi toàn tỉnh, BĐBP tỉnh đã phát động Chương trình “Bò giống giúp người nghèo biên giới”, huy động được trên 200 triệu đồng từ nguồn quyên góp, ủng hộ của cán bộ, chiến sỹ, trao tặng 21 con bò giống cho 21 hộ nghèo tại Môn Sơn (Con Cuông), Tam Hợp (Tương Dương) và Bắc Lý (Kỳ Sơn). Đồng thời, phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể hướng dẫn kỹ thuật nuôi, quản lý bò giống cho bà con. Tại những địa phương có bộ máy chính trị còn yếu, các đồng chí tại đồn biên phòng trên địa bàn được điều động bổ sung, tăng cường, trực tiếp tham gia vào định hướng, triển khai phát triển kinh tế, nâng cao đời sống văn hoá - xã hội của địa phương. Nhờ có sự vào cuộc của các chiến sỹ BĐBP, tỷ lệ hộ nghèo tại các vùng biên giới từng bước giảm và quan trọng nhất là ý thức của người dân có chuyển biến rõ rệt theo hướng phát triển chăn nuôi, sản xuất hàng hóa.

Như vậy, có thể nói BĐBP là lực lượng đóng vai trò cầu nối, gắn kết giữa nhân dân, cấp uỷ, chính quyền tại vùng biên và hai bên biên giới. Một mặt, đó là lực lượng “chốt chặn”, bảo vệ cho bình yên vùng biên và cũng là “điểm tựa” cho kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, hạn chế nơi đây. Chính sự gần gũi, sát sao với bà con, với địa bàn cũng như những đóng góp bình dị nhưng hết sức thiết thực đã tạo nên chỗ đứng vững chãi cho BĐBP trong lòng nhân dân vùng biên, từ đó tạo nên sự đồng thuận và tăng sức chiến đấu của BĐBP. Cuối tháng 6 vừa qua, tại Nghệ An đã diễn ra Lễ ký Hiệp định thương mại biên giới giữa hai nước Việt Nam - Lào dưới sự chứng kiến của Phó Thủ tướng Chính phủ hai nước. Khi Hiệp định có hiệu lực chính thức, sẽ có nhiều nét đổi mới trong công tác thông thương, xuất, nhập khẩu giữa hai bên. Cánh cửa này vừa mở ra những hy vọng mới, hứa hẹn nhiều lợi ích to lớn cho sự phát triển chung, nhưng đồng thời cũng có những thách thức đối với việc bảo vệ an ninh, trật tự trị an vùng biên. Điều đó, có một phần không nhỏ đặt lên vai những người chiến sỹ mang “quân hàm xanh”.

Thục Anh