Nắm đằng chuôi...
(Baonghean) - “Khảo nghiệm giống lúa - mạnh ai nấy làm?” là bài viết được bình chọn với số phiếu cao thứ hai trong tuần qua. Khi đọc bài này, tôi cứ mường tượng rằng việc khảo nghiệm giống lúa cũng như giao dịch kinh doanh giữa doanh nghiệp và nông dân “hai bên cũng có lợi”. Và thiết nghĩ trong giao dịch này, người nông dân cần “nắm đằng chuôi”...
TIN LIÊN QUAN
Ở tỉnh ta, việc khảo nghiệm giống lúa từ lâu đã được các cấp ngành quan tâm, coi trọng. Nhiều địa phương, đơn vị nhờ chú trọng công tác khảo nghiệm giống lúa mà đã làm chủ được nguồn giống cung cấp cho chính nông dân địa phương mình, vươn lên “làm chủ bộ giống lúa”. Đó là huyện Hưng Nguyên với các giống lúa thuần chất lượng cao như XT28, X33, Nàng xuân. Huyện yên Thành có bộ giống lúa AC5, VTNA2, D423, Gia lộc 2,... Nhờ những bộ giống ưu việt và phù hợp với đồng đất Yên Thành mà địa phương này từ lâu đã là vựa lúa của cả tỉnh. Ngoài ra còn có Anh Sơn với 5 - 7 giống lúa mới... Theo thống kê của tác giả, hàng năm tỉnh ta đưa vào thử nghiệm từ 30 - 40 giống cây trồng các loại, trong đó có 8 - 12 giống lúa lai năng suất cao; rồi còn có các giống lúa thuần chất lượng cao với hàng chục nghìn héc-ta...
Có thể thấy, nhờ khảo nghiệm nên đã tạo được nguồn giống dồi dào cung ứng cho nông dân. Các bộ giống lúa mới không chỉ cho năng suất cao, chất lượng gạo thơm ngon mà còn ngày càng có nhiều ưu việt trong chống chịu sâu bệnh và thích nghi với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng-những yếu tố vốn thường xuyên thay đổi. Điều đó đã góp phần giảm thiệt hại cho người nông dân, nâng cao giá trị nông sản. Vì thế mới thấy khi việc khảo nghiệm giống lúa được chú trọng và đem lại hiệu quả sẽ đem lại nhiều lợi ích cho nhiều bên liên quan, như cơ quan chủ quản, đơn vị đầu tư và nhất là bà con nông dân.
Ưu việt là vậy, nhưng vẫn có không ít địa phương, đơn vị còn hời hợt và thiếu trách nhiệm trong công tác này. Đó là sự lộn xộn trong khảo nghiệm giống lúa. Theo quy định, việc khảo nghiệm giống lúa phải tuân theo các quy trình, thủ tục nhất định để đảm bảo hài hoà lợi ích cho bên đầu tư là các doanh nghiệp, cá nhân và bên thực nghiệm là người nông dân. Tuy nhiên, vì lỏng lẻo trong quản lý và dễ dãi trong tiếp nhận, hợp tác sản xuất đã dẫn đến nhiều bất cập, trong đó người thua thiệt nhiều nhất vẫn là nông dân. Thực tế đó đã xảy ra ở một số xã của huyện Yên Thành, Anh Sơn, Diễn Châu... Các doanh nghiệp đầu tư khảo nghiệm không đăng ký với ngành Nông nghiệp và chính quyền địa phương, bà con nông dân nhận trồng khảo nghiệm cũng không có hợp đồng thảo thuận cụ thể, vì thế khi giống đưa vào khảo nghiệm chất lượng kém, hoặc hướng dẫn kỹ thuật không đến nơi đến chốn dẫn đến mất mùa đã không được đền bù. Lúc đó nông dân có kêu cứu đến các ban ngành cũng không làm gì được. Làm ăn kinh tế mà theo kiểu “các công ty xuống làm việc với người dân, cho vài ki-lô-gam giống rồi nhờ sản xuất thử nhưng không có hợp đồng, không báo cáo với chính quyền...” ắt hẳn khi mất mùa thất bát thì người “đứt tay” chính là nông dân.
Vì thế, như tác giả đã kết luận, để giúp người nông dân “nắm đằng chuôi” thì: “Công tác khảo nghiệm giống cần được quản lý chặt chẽ hơn từ ngành Nông nghiệp và các địa phương. Đối với các giống chưa được công nhận nên hạn chế cho tiến hành khảo nghiệm và phải thực hiện đúng quy trình, có hợp đồng cam kết với người dân. Việc đánh giá, lựa chọn để công nhận, đưa vào cơ cấu giống nhằm sản xuất trên diện rộng cần được làm chặt chẽ, khách quan và phải luôn đặt quyền lợi của nông dân lên hàng đầu”.
Người xây dựng