Sẻ chia với những mảnh đời bất hạnh
(Baonghean) - Trong tuần này, trên các trang mạng xã hội xuất hiện những hình ảnh có phần phản cảm về cuộc sống của những bệnh nhân tâm thần ở Trung tâm bảo trợ xã hội Nghệ An, thu hút sự quan tâm của cộng đồng. Tuy vậy, ít ai biết đằng sau đó là những khó khăn, vất vả của các cán bộ, nhân viên Trung tâm này…
Đứng chân trên địa bàn xóm 1, xã Giang Sơn Đông (Đô Lương), Trung tâm Bảo trợ xã hội Nghệ An được thành lập theo Quyết định số 1962/QĐ-UB ngày 23/11/1995 của UBND tỉnh, trên cơ sở tiền thân là Trại an dưỡng xã hội 202 do UBND tỉnh Nghệ Tĩnh thành lập theo Quyết định số 61/UB/XDCB ngày 7/1/1977. Chức năng, nhiệm vụ ban đầu của Trung tâm là quản lý, nuôi dưỡng, chăm sóc những người già cả, người khuyết tật và trẻ em mồ côi khuyết tật không nơi nương tựa. Ngày 11/3/2003, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 828/QĐ - UBVX về việc thành lập khu nuôi dưỡng người bệnh tâm thần kinh đặt trong Trung tâm Bảo trợ xã hội và bắt đầu tiếp nhận bệnh nhân tâm thần từ năm 2004. Hiện Trung tâm đang quản lý, chăm sóc, nuôi dưỡng 140 đối tượng, trong đó có 122 đối tượng tâm thần, còn lại là người già cả cô đơn không nơi nương tựa.
Các nhân viên của Trung tâm chăm sóc cho bệnh nhân. |
Giám đốc Trung tâm, ông Nguyễn Xuân Phú cho biết: “Khối lượng công việc bộn bề nhưng số cán bộ, nhân viên của Trung tâm lại rất mỏng so với yêu cầu. Nghị định số 68/2008/NĐ - CP của Chính phủ quy định điều kiện, thủ tục thành lập, tổ chức, hoạt động và giải thể cơ sở bảo trợ xã hội, tại điểm d, Điều 13 “Định mức cán bộ, nhân viên”, quy định rõ: Người tâm thần nặng (kích động, sa sút giai đoạn cuối): 1 nhân viên chăm sóc 2 đối tượng; người tâm thần đã thuyên giảm: 1 nhân viên chăm sóc 3 đến 4 đối tượng; người tâm thần đã phục hồi: 1 nhân viên chăm sóc 8 đến 10 đối tượng. Còn tại mục 2 của điều này quy định: Cán bộ, nhân viên làm công tác dinh dưỡng bao gồm tiếp phẩm, nấu ăn: 1 nhân viên phục vụ 20 đối tượng... Thế nhưng, tính đến thời điểm hiện nay tổng số cán bộ, viên chức và lao động hợp đồng của Trung tâm mới chỉ có 27 người, trong đó số cán bộ, nhân viên thường xuyên tiếp xúc với bệnh nhân là 17 người, gồm 10 cán bộ, nhân viên y tế, 4 nhân viên chăm sóc dinh dưỡng và 3 bảo vệ. Ngoài ra, khuôn viên của Trung tâm rất rộng, 6 ha, có 3 khu nhà (hành chính, khu nuôi dưỡng người già và khu nuôi dưỡng tâm thần) nằm rải rác nên việc di chuyển, làm vệ sinh, giám sát… cũng khá vất vả”.
Dù khó khăn luôn thường trực, nhưng các cán bộ, nhân viên ở đây đã nỗ lực vượt qua để làm tốt nhiệm vụ của mình. Trong số 27 cán bộ, nhân viên của Trung tâm thì có 12 phụ nữ làm việc ở các bộ phận y tế và chăm sóc dinh dưỡng, đa phần trong số đó có con nhỏ. Là người có nhiều năm công tác, chăm sóc các bệnh nhân tâm thần, chị Hồ Thị Ái (SN 1962), quê ở huyện Nam Đàn, tâm sự: “Năm 1983, tôi về công tác tại Trung tâm, trước đây, công việc tuy có vất vả nhưng không căng thẳng như bây giờ. Từ năm 2004, khi Trung tâm tiếp nhận người bệnh tâm thần nặng, chúng tôi phải đối mặt với nhiều nỗi sợ hãi. Tôi và một số đồng nghiệp đã từng bị bệnh nhân hành hung, thậm chí xé quần, xé áo nhiều lần. Hầu hết các chị em vào đây công tác đều phải cắt tóc ngắn để không bị đối tượng túm tóc giật mỗi lần kích động. Thế nhưng, cứ nghĩ đến những người hoàn cảnh thiếu may mắn và vì công việc, chúng tôi lại tự động viên mình vượt qua tất cả để hoàn thành nhiệm vụ”.
Với chị Nguyễn Thị Hằng (SN 1985), nhân viên phòng chăm sóc dinh dưỡng, có hoàn cảnh gia đình rất khó khăn. Vào làm việc tại Trung tâm từ năm 2008, chồng làm công nhân ở Thanh Hóa, một mình vừa công tác vừa nuôi 2 con nhỏ, cháu lớn 5 tuổi, cháu thứ 2 chưa đầy 2 tuổi, trong khi đó, mẹ chồng bị tai biến mạch máu não nằm một chỗ. Chị Hằng tâm sự: “Mặc dù hoàn cảnh gia đình như vậy nhưng tôi nghĩ mình vẫn còn may mắn hơn rất nhiều người, vì mình còn khỏe mạnh, còn có chồng, con, gia đình đầm ấm. Còn hầu hết số bệnh nhân đang điều trị tại trung tâm gần như bị bỏ rơi, không mấy khi được người thân quan tâm. Nhiều lúc lên cơn, họ khùng khùng, thậm chí đánh chúng tôi, nhưng bình thường họ rất hiền, có khi còn nhút nhát, đáng thương lắm”.
Y sỹ Nguyễn Văn Ba, Trưởng phòng Y tế của Trung tâm cho biết thêm: “Những người bị khuyết tật thần kinh ở đây đều là những trường hợp gia đình hay địa phương bất lực trong việc quản lý, nuôi dưỡng, nhiều trường hợp bị xếp vào diện có thể gây nguy hiểm cho xã hội. Với họ, ranh giới giữa cái thiện và cái ác rất mong manh. Họ có thể lên cơn bất cứ lúc nào. Ngay cả tôi cũng nhiều lần bị bệnh nhân hành hung, gây thương tích. Chính vì vậy, cán bộ, nhân viên ở Trung tâm luôn quán triệt tư tưởng, khi tiếp xúc với người bệnh, phải gần gũi, thân thiện tránh tạo ra kích động, nhưng phải luôn cảnh giác để phòng tránh. Khi trực ca đêm, khi đi kiểm tra phòng bệnh nhân phải đi từ 2 - 3 người để bảo vệ cho nhau”. Vậy mà, đã có nhiều trường hợp bị thương tích, thậm chí là thương tích nặng, do bị bệnh nhân hành hung. Năm 2014, anh Nguyễn Trọng Hùng, bảo vệ của Trung tâm bị 3 - 4 bệnh nhân hành hung, phải nhập viện trong tình trạng đa chấn thương. Còn các chị em vẫn xót xa khi nhắc đến trường hợp chị Ng. T. Ch, nhân viên phòng chăm sóc dinh dưỡng, 3 lần bị sẩy thai do công việc quá áp lực… Vất vả, nguy hiểm là vậy nhưng nhiều nhân viên ở đây có mức thu nhập thấp, như trường hợp anh Bùi Hữu Tài, chị Nguyễn Thị Nhung, dù đã vào làm ở Trung tâm được 4 - 5 năm, nhưng mức tổng thu nhập và phụ cấp chỉ ở mức hệ số 2.06, tức là hơn 2,3 triệu đồng.
Trao đổi về những hình ảnh các đối tượng không mặc quần áo, ăn bốc.. .trên các trang mạng xã hội vừa qua, anh Nguyễn Văn Ba cho biết: “Với những bệnh nhân tâm thần ở mức độ đặc biệt nặng, không chỉ không làm chủ được hành vi của mình, họ còn gần như không có cảm giác với nhiệt độ ngoài trời. Mùa hè nóng đã đành, mùa đông, ngay cả khi trời rét cắt da cắt thịt, nhiều bệnh nhân cũng tự cởi bỏ hoặc xé quần áo. Còn về chuyện các đối tượng ăn bốc, trước đây Trung tâm cũng có thìa, đũa, nhưng các đối tượng lại dùng những vật dụng đó làm hung khí đánh nhau và đã có trường hợp bị chọc hỏng mắt nên chúng tôi phải cho bệnh nhân ăn bốc. Còn tô ăn cơm của các bệnh nhân là loại tô nhựa mỏng, dai chứ không thể dùng loại bằng sứ hay nhôm. Chuyện tô nhựa bị đập bẹp, thậm chí làm rách, làm thủng xảy ra như cơm bữa. Thậm chí, một số bệnh nhân chúng tôi phải cho khẩu phần ăn vào túi ny lông chứ không dám cho vào tô nhựa bởi họ có thể xé rách tô rồi cào lên mặt mình...”.
Giám đốc Nguyễn Xuân Phú cho biết: “Hiện tại, hầu hết các đối tượng nuôi dưỡng tại Trung tâm được hưởng mức trợ cấp 360.000 đồng/tháng đối với người cao tuổi cô đơn không nơi nương tựa; 450.000 đồng/tháng đối với người tâm thần. Mỗi đối tượng được ăn đủ 3 bữa: sáng, trưa và tối. Về khẩu phần mỗi đối tượng, bữa sáng thông thường là 1 chiếc bánh chưng hoặc 1 bát mỳ tôm; bữa trưa và bữa tối chủ yếu có cơm, thịt lợn (hoặc cá), rau và canh. Những đối tượng bị ốm được thay thế bằng cháo hoặc sữa tươi. Với tiêu chuẩn 6.000 đồng/suất ăn, Trung tâm đã cố gắng đảm bảo cho đối tượng đủ ăn. Việc thực hiện chế độ cho đối tượng tại Trung tâm đều có kế hoạch, tính toán một cách chi tiết cụ thể, đúng nguyên tắc”. Để giúp đỡ những cán bộ có hoàn cảnh gia đình khó khăn, mỗi năm, cán bộ, công nhân viên trung tâm đã trích 1 ngày lương… Với sự nỗ lực đó, cùng với sự quan tâm, giúp đỡ của chính quyền, các cơ quan, ban, ngành ở địa phương, Trung tâm đã hoàn thành tốt nhiệm vụ.
"Tuy vậy, nhiệm vụ của Trung tâm ngày càng nặng nề bởi hàng năm số đối tượng tâm thần vào Trung tâm ngày càng tăng, trong khi hiện nay đội ngũ cán bộ, nhân viên, lao động hợp đồng của Trung tâm đều làm việc quá tải. Chính vì vậy, chúng tôi mong các cơ quan chức năng quan tâm bổ sung đủ biên chế cho Trung tâm hoặc cho ký hợp đồng có quỹ lương. Ngoài ra, Trung tâm hiện chưa có bác sỹ và thiếu các thiết bị y tế chuyên khoa tâm thần, do đó để chăm sóc bệnh nhân tâm thần được tốt hơn, cần có cơ chế thu hút bác sỹ về Trung tâm, bổ sung các thiết bị y tế cần thiết. …”. Đó là những mong mỏi của Giám đốc Nguyễn Xuân Phú và cán bộ, nhân viên Trung tâm Bảo trợ xã hội khi tâm sự cùng chúng tôi.
Bài, ảnh: Minh Quân