Gìn giữ mạch nguồn văn hóa
(Baonghean) - Quỳ Hợp - mảnh đất miền non cao phía Tây Bắc Nghệ An. Trong hơi thở mới, xen giữa từng nhịp đập sôi động của một phố núi đang trên đà phát triển là những thanh âm đằm thắm, nhẹ nhàng của nét văn hóa truyền thống. Đất và người nơi đây đang tự tin đi lên một phần bởi mạch nguồn văn hóa dày dặn ấy.
Mỗi lần lên Quỳ Hợp, tôi đều được nghe những câu chuyện thú vị của cộng đồng các dân tộc Kinh, Thái, Thổ sinh sống trên địa bàn. Mỗi dân tộc đều có một nét văn hóa, truyền thống riêng có. Nhưng dường như, khi đã là người Quỳ Hợp, họ đều có tinh thần, thái độ tiếp nhận và sẵn sàng sẻ chia những giá trị chung, định hình cho văn hóa quê hương. Câu chuyện chung tay phục dựng đền Choọng ở xã Châu Lý là một minh chứng sinh động cho điều này.
Các thế hệ người dân Quỳ Hợp vẫn kể cho nhau nghe câu chuyện về Nang Phốm Hóm, người con gái trung kiên, hào kiệt đã hết sức, hết lòng gom góp lương thực nuôi quân trong khởi nghĩa Lam Sơn chống giặc Minh của dân tộc ta. Đền Choọng trên núi Pu Đên được lập nên để thờ nàng Nang Phốm Hóm, một biểu tượng cao đẹp về công - dung - ngôn - hạnh của người con gái Thái, cũng như tình đoàn kết anh em giữa hai dân tộc Thái và Kinh. Thời gian cứ lặng lẽ trôi, mặc dù đền Choọng chỉ còn một vài dấu tích trên nền đất cũ nhưng nàng Nang Phốm Hóm vẫn sống mãi trong tâm thức của mỗi người con Quỳ Hợp.
Hẳn vì thế, khi chủ trương phục hồi, tôn tạo đền Choọng được thông qua, mỗi người dân đều hướng tấm lòng thành kính, mong đóng góp công sức cho công trình biểu tượng ấy. Chỉ trong hơn 3 năm, ngôi đền trên nền đất cũ ở đỉnh Pu Đên đã được xây dựng với số tiền gần cả chục tỷ đồng. “Điều đáng trân trọng là toàn bộ số tiền phục dụng đền Choọng đều được huy động từ nguồn xã hội hóa”, đồng chí Cao Duy Thái, Bí thư Đảng ủy xã Châu Lý, cũng là một người rất tâm huyết và dành nhiều thời gian, công sức vận động phục dựng đền tự hào chia sẻ. Niềm vui với người dân Quỳ Hợp còn nhân lên gấp bội, khi vừa qua đền Choọng được công nhận Di tích Lịch sử cấp tỉnh.
Nhân dân Quỳ Hợp vui đón Bằng công nhận Di tích lịch sử cấp tỉnh đền Choọng. Ảnh: Cao Duy Thái |
Thấm nhuần sâu sắc văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực phát triển kinh tế - xã hội, huyện Quỳ Hợp đã có những giải pháp, bước đi phù hợp nhằm bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa địa phương. Đặc biệt, trong 10 năm thực hiện Đề án “Xây dựng huyện điểm văn hóa miền núi và dân tộc thiểu số huyện Quỳ Hợp, giai đoạn 2001 - 2011”, nhiều xã đã thành lập được các CLB Văn hóa dân gian và tổ chức hoạt động có hiệu quả. Huyện đã xây dựng được 5 bản văn hóa thuần dân tộc, 11 đội văn nghệ thông tin tiêu biểu, 3 mô hình cưới, tang theo nếp sống văn hóa và nhiều câu lạc bộ dân gian. Câu lạc bộ văn học, nghệ thuật của huyện hoạt động có hiệu quả, đã phát hành được 23 tập san gần 12.900 cuốn tạp chí phục vụ nhân dân, giới thiệu quảng bá về quê hương, con người Quỳ Hợp. Xây dựng và phát huy hiệu quả hoạt động của bản thuần dân tộc Thái ở bản Vi, xã Bắc Sơn, xóm thuần Thổ ở xóm Mó, xã Nghĩa Xuân, xóm văn hóa đa dân tộc ở xóm Hoa Thành, xã Châu Quang. CLB dạy học chữ Thái ở xã Châu Cường đã tổ chức được 8 lớp với trên 300 học viên tham gia học chữ Thái. Các hoạt động như liên hoan văn nghệ quần chúng, thi ẩm thực, thi trang phục, thi văn hóa rượu cần, thi các môn thể thao truyền thống như khắc luống, kéo co, nhảy sạp, ném còn, đẩy gậy, bắn nỏ, đi cà kheo… được tổ chức sôi nổi từ huyện đến cơ sở, nhất là vào dịp lễ tết, các ngày lễ lớn. Nhờ xác định đúng mục tiêu, nhiệm vụ của đề án, trong 10 năm qua Quỳ Hợp đã bảo tồn được nhiều nét văn hóa truyền thống đặc sắc của các dân tộc thiểu số như: tiếng nói, chữ viết, trang phục, ẩm thực, nhà ở, các làn điệu dân ca, dân nhạc, dân vũ…
Phát huy những kết quả đạt được, huyện tiếp tục xây dựng kế hoạch thực hiện Đề án “Xây dựng huyện điểm văn hoá miền núi và dân tộc thiểu số Quỳ Hợp, giai đoạn 2012 - 2015”. Theo đó, huyện đặt ra 15 chỉ tiêu cần thực hiện, đặc biệt gắn với việc xây dựng “xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới”, ‘‘Thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị’’. Xóm Hợp Tâm, xã Tam Hợp có 171 hộ với 708 nhân khẩu. Xóm được chia tách từ xóm Dinh từ năm 2007 nên cơ sở vật chất còn nhiều thiếu thốn. Trước thực tế đó, chi bộ xóm đã chủ trương vận động nhân dân đóng góp để xây dựng nhà văn hóa. Với tinh thần gương mẫu, đi đầu của các đồng chí đảng viên, cả xóm đã góp kinh phí mua đất trên 1.000m2 với giá trị 25 triệu đồng và tiếp tục đóng góp để xây dựng nhà văn hóa với giá trị 180 triệu đồng. Sau nhiều nỗ lực và cố gắng, đầu năm 2014, xóm được công nhận Làng Văn hóa. Đồng chí Nguyễn Thái Mận, Bí thư chi bộ kiêm Xóm trưởng vui mừng chia sẻ: “Thiết chế văn hóa, đời sống tinh thần của người dân được nâng lên. Đây không chỉ là nơi tổ chức các cuộc họp mà còn là điểm sinh hoạt văn hóa, thể thao hàng ngày. Tình làng, nghĩa xóm vì thế ngày càng gắn bó bền chặt hơn”. Đến nay, tại xã Tam Hợp, 19/19 xóm có nhà văn hóa khang trang, rộng rãi; 17/19 xóm đạt danh hiệu Làng Văn hóa.
Trong hơn 3 năm qua, huyện Quỳ Hợp đã huy động mọi nguồn lực để thực hiện đề án xây dựng huyện văn hóa. Phần lớn nguồn kinh phí của Trung ương và của tỉnh đã tập trung cho việc đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa đạt chuẩn cấp huyện và cấp xã như: cải tạo công viên hồ Thung Mây, Trung tâm thể thao; Trung tâm Nhà văn hóa - thể thao cấp xã.. Ở cấp xóm, bản, khối, nhân dân đã tích cực tự nguyện đóng góp công, tiền của, phát huy tốt nội lực để xây dựng thiết chế VH-TT-TT. Nhiều xóm, bản, khối ở các xã: Nghĩa Xuân, Đồng Hợp, Châu Quang, Minh Hợp, Tam Hợp và Thị trấn... thực hiện tốt công tác xã hội hóa về VH-TT-TT. Tổng kinh phí đầu tư hỗ trợ xây dựng thiết chế VHTT toàn huyện trong 3 năm là 23,92 tỷ đồng. Trong đó, kinh phí đầu tư từ ngân sách Trung ương là 7,35 tỷ đồng, ngân sách tỉnh là 1,5 tỷ đồng, ngân sách huyện là 4,55 tỷ đồng, ngân sách xã là 1,54 tỷ đồng, nguồn do nhân dân đóng góp và từ xã hội hóa là gần 9 tỷ đồng. Đến nay, huyện Quỳ Hợp có 21/21 xã, thị trấn có hội trường, nhà văn hóa, trong đó có 17/21 xã có nhà văn hóa đa chức năng đạt chuẩn. Toàn huyện có 263/287 xóm, bản, khối có nhà văn hóa; 277/287 xóm, bản, khối có thiết bị phục vụ hoạt động như loa máy, bộ lễ nghi khánh tiết, dụng cụ thể thao... Tất cả chủ yếu huy động từ nhân dân đóng góp và từ nguồn xã hội hóa. Các xóm, bản, khối đều có đội văn nghệ, thể thao và thường xuyên tổ chức được các hoạt động.
Ông Đậu Ngọc Tuân, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin Quỳ Hợp cho biết: “Để có được những kết quả trên, Ban Thường vụ, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện tăng cường trong lãnh đạo cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở thực hiện đề án. Đồng thời, HĐND huyện qua các kỳ họp đã thông qua các nghị quyết có nhiều nội dung liên quan đến đề án xây dựng huyện điểm văn hóa, trong đó có ưu tiên đầu tư ngân sách, kinh phí để thực hiện đề án.
Bên cạnh những dấu ấn trên lĩnh vực phát triển kinh tế, huyện Quỳ Hợp tập trung quan tâm bảo tồn, phát huy và xây dựng đời sống văn hóa trong cộng đồng. Đó là mạch nguồn chảy mãi để hiện thực hóa mục tiêu hoàn thành xây dựng huyện điểm văn hóa.
Nhật Lệ