Du lịch Nam Đàn: Thiếu chiều sâu liên kết

19/07/2015 10:24

(Baonghean) - Mặc dù đang sở hữu rất nhiều tiềm năng về du lịch nhưng ngành công nghiệp không khói của huyện Nam Đàn vẫn chưa phát triển đúng tầm vóc và lợi thế. Các tour du lịch thiếu tính liên kết; sản phẩm du lịch thiếu đa dạng, điểm nhấn đặc trưng; hạ tầng dịch vụ chưa níu được chân du khách...

Với 167 di tích, danh thắng, trong đó có nhiều di tích hết sức đặc biệt, cùng nền văn hóa bản địa đặc sắc, Nam Đàn từ lâu được xem là một trong những điểm nhấn trên bản đồ du lịch Nghệ An. Điều này càng được khẳng định qua con số thống kế của huyện, trong giai đoạn 2010 - 2015, lượng khách du lịch về tham quan Nam Đàn đạt 1,8 - 2 triệu lượt/năm. Ngành Du lịch cũng đạt tốc độ tăng trưởng khá cao, trên 10%/năm. Tuy nhiên, những con số ấy vẫn chưa thể làm hài lòng những nhà quản lý trong ngành Du lịch và cả địa phương.

Trước hết, nếu nhìn vào các tour du lịch đến Nam Đàn, có thể thấy điểm đến của du khách mới chỉ tập trung về thăm quê nội, quê ngoại của Chủ tịch Hồ Chí Minh và mộ Bà Hoàng Thị Loan (thân mẫu Bác Hồ). Và một lượng du khách ít hơn về thăm cụm di tích Vua Mai, nhưng theo Phòng Văn hóa - Thông tin huyện, du khách chủ yếu về thăm vào dịp Tết Nguyên đán và Lễ hội Đền Vua Mai. Ngược lại, các điểm di tích, danh thắng khác lại ở vào cảnh thưa thớt, thậm chí vắng bóng khách tham quan.

Bán hàng lưu niệm tại các điểm du lịch ở Nam Đàn.
Bán hàng lưu niệm tại các điểm du lịch ở Nam Đàn.

Nhà lưu niệm cụ Phan Bội Châu tại Thị trấn Nam Đàn có thể được coi là một ví dụ đầy tiếc nuối về khai thác tiềm năng du lịch. Tại đây, vẫn lưu giữ được không gian làng quê Bắc Trung bộ với những hàng chè mạn hảo dẫn vào sân, trong vườn là các loài cây ăn quả đặc trưng. Đặc biệt, điểm nhấn của điểm tham quan này là ngôi nhà gỗ, lợp tranh lưu giữ các hiện vật phản ánh cuộc sống, nếp sinh hoạt của gia đình và cụ Phan lúc còn ở quê. Bên cạnh đó là Tượng đài Phan Bộ Châu và Nhà trưng bày các hiện vật liên quan đến cuộc đời hoạt động của cụ. Về đây, chúng ta hình dung rõ hơn về thân thế, sự nghiệp của một nhà yêu nước, nhà văn hóa lớn của dân tộc. Điểm di tích này hội tụ đầy đủ các yếu tố để trở thành điểm đến hấp dẫn đối với du khách trong hành trình về với mảnh đất của các vĩ nhân - Nam Đàn.

Tôi có nhiều dịp cùng đi với các đoàn của chính trị gia, doanh nhân, chuyên gia Nhật Bản khi về làm việc ở Nghệ An. Mặc dù lịch làm việc dày đặc nhưng họ vẫn dành thời gian để đến thăm Khu di tích Kim Liên và một điểm không thể thiếu chính là Nhà tưởng niệm cụ Phan Bội Châu với tấm lòng đầy ngưỡng mộ và thành kính là một minh chứng cho sức hấp dẫn của di tích này. Tuy nhiên, qua trao đổi cùng chị Nguyễn Thị Lệ Thu, thuyết minh viên thuộc Ban Quản lý di tích, danh thắng Nghệ An, làm nhiệm vụ thuyết minh làm việc tại đây, được biết, lượng du khách đến thăm Nhà lưu niệm cụ Phan Bội Châu rất ít. Chủ yếu là các em học sinh trong huyện, thi thoảng có đoàn sinh viên đi tham quan, tìm hiểu thực tế và một ít lượt khách nước ngoài mà đa số là khách Nhật Bản. Trong khi đó, có những du khách đến đây cho biết, họ về thăm quê Bác nhiều lần nhưng chưa được giới thiệu về Nhà lưu niệm cụ Phan Bội Châu.

Như vậy, có thể thấy yếu tố quảng bá, liên kết các điểm tham quan cho du khách trong hành trình tham quan Nam Đàn còn yếu. Bên cạnh đó, ngay trong chính các tour đã hút được khách thì vẫn loay hoay với bài toán giữ chân du khách. Thực tế cho thấy việc khai thác các giá trị của các di tích, danh thắng chưa quan tâm đúng mức đến mảng dịch vụ. Trong khi, các điểm tham quan chính không bán vé, khách được vào tham quan tự do thì dịch vụ lưu trú, nghỉ dưỡng, ăn uống, mua sắm mới chính là phần quan trọng để tạo nên giá trị gia tăng lớn cho ngành Du lịch.

Tuy nhiên, tại Nam Đàn, lượng khách mỗi năm lên đến hàng triệu người nhưng hầu như không mấy du khách lưu trú lại, các điểm dịch vụ rất hạn chế, hàng hóa lưu niệm còn đơn điệu, không có nét đặc trưng địa phương. Có lần, tôi dẫn một số người bạn ở Bình Dương về thăm quê Bác. Sau khi thăm quê Nội và quê Ngoại của Người, các bạn đều muốn mua quà lưu niệm mang tính chất đặc trưng về làm quà. Tuy nhiên, các gian hàng chủ yếu chỉ bán mũ, áo quần, các đồ đá mỹ nghệ… những thứ này, du khách có thể mua ở bất kỳ địa điểm du lịch nào; nổi bật nhất chỉ là các sản phẩm từ sen như tâm sen, hạt sen khô, tương Nam Đàn nhưng hình thức chưa đẹp chưa có nhãn mác đảm bảo chất lượng. Từ những hạn chế trên, dẫn đến ngành “công nghiệp không khói” ở Nam Đàn mặc dù là trọng điểm du lịch của tỉnh nhưng vẫn chưa có tác động lớn đến đời sống kinh tế của người dân địa phương. Năm 2015, ngành Dịch vụ, du lịch cũng mới chỉ chiếm tỷ trọng gần 29% trong trong cơ cấu kinh tế của huyện.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Thiện Dũng, Trưởng Phòng Văn hóa – Thông tin huyện Nam Đàn cho biết: “Trong giai đoạn vừa qua, mặc dù huyện Nam Đàn đã tập trung chỉ đạo phát triển ngành Du lịch và đã thu được nhiều kết quả. Tuy nhiên, du lịch Nam Đàn thực sự vẫn còn những hạn chế. Nhiều điểm đến vẫn chưa thu hút được du khách; cơ sở lưu trú còn ít; lượng du khách lưu trú chiếm tỷ lệ nhỏ, sản phẩm lưu niệm còn đơn điệu”. Ông Nguyễn Thiện Dũng cho biết thêm, Nhật Bản đang tư vấn để khảo sát tuyến du lịch trên sông Lam gắn với tham quan các di tích, danh thắng trên địa bàn. Bên cạnh đó, huyện đang thực hiện các bước để xây dựng Khu văn hóa ẩm thực các dân tộc Nghệ An tại Nam Đàn. UBND tỉnh đã có quyết định về việc cho phép khảo sát lựa chọn địa điểm, lập quy hoạch chi tiết xây dựng Khu văn hóa ẩm thực các dân tộc Nghệ An tại huyện Nam Đàn. Theo quy hoạch, điểm du lịch này sẽ được xây dựng thành các phân khu chức năng gồm: Làng các dân tộc Nghệ An; khu dịch vụ nghỉ dưỡng; khu ẩm thực; khu vui chơi, giải trí và khu quản lý, điều hành.

Huyện Nam Đàn có một vị trí đặc biệt trên bản đồ du lịch của tỉnh Nghệ An và của cả nước. Để khắc phục những hạn chế, các cấp, ngành của huyện cần có những bước đi chủ động, mạnh dạn, tạo đột phá cho du lịch địa phương, nhằm tìm ra lời giải cho bài toán “đánh thức tiềm năng”.

Thành Duy