Chris Henkey "Gừng càng già càng cay"!
(Baonghean) - 157 hành khách và 13 thành viên phi hành đoàn đã thoát khỏi lưỡi hái tử thần trong gang tấc chỉ với những quyết định hết sức sáng suốt của cơ trưởng 63 tuổi. Trong bối cảnh hàng không thế giới xảy ra không ít tai nạn hãi hùng, trong đó có những tai nạn ngớ ngẩn đến từ chính người lái, thì hành động của cơ trưởng chuyến bay 2276 của hãng Britsh Airways - ông Chris Henkey có ý nghĩa lấy lại hình ảnh rất lớn đối với không chỉ Britsh Airways, mà tất cả các hãng hàng không trên thế giới.
Cơ trưởng Chris Henkey. Ảnh internet |
Làm xong việc lớn là... về hưu
Cơ trưởng Chris Henkey, năm nay 63 tuổi, trong đó có 42 năm tuổi nghề phi công. Tốt nghiệp Trường Đào tạo hàng không (College of Air Training) từ năm 21 tuổi và từ đó đến nay gắn bó với ngành Hàng không. Khaongr 16 giờ ngày 8/9 vừa qua (theo giờ địa phương), chiếc Boeing 777-200 đang chuẩn bị cất cánh từ nhà ga quốc tế Mc Caran, Las Vegas về London thì cháy động cơ, khói đen từ bụng máy bay bốc lên dữ dội. Lửa bắt đầu bén làm cửa sổ máy bay tan chảy và khói tràn vào khoang hành khách.
Trong lúc hành khách đang hết sức hoảng loạn trước nguy cơ cả máy bay nổ tung, Cơ trưởng Chris Henkey đã tỏ rõ phẩm chất cần có hàng đầu của một phi công khi xảy ra sự cố. Henkey đã tuần tự thực hiện ngay việc phát tín hiệu báo nguy, cho máy bay dừng, yêu cầu sơ tán 157 hành khách và 13 thành viên phi hành đoàn. Các mệnh lệnh khẩn cấp của cơ trưởng đưa ra được cho là chuỗi phản ứng sự cố đạt đến tính bài bản, chuẩn mực “như sách hướng dẫn”. Nhờ đó, khi cửa sau máy bay bung các máng trượt ra, lần lượt từng thành viên có mặt trên chuyến bay đã “trở về từ cõi chết”.
Sau sự việc này sân bay nơi xảy ra sự cố thông báo chỉ có 2 người bị thương nhẹ. Một chuyến thoát hiểm ngoạn mục như chỉ có trong phim ảnh. Đến nỗi, Jim McAuslan - Tổng Thư ký của Hiệp hội các phi công của Hàng không Anh đã cho rằng “tất cả các phi công đều muốn tìm hiểu cách thức chuyên nghiệp mà các phi công và phi hành đoàn ứng phó với trường hợp khẩn cấp này”.
Điều thú vị là khi mọi sự chú ý đổ dồn về Cơ trưởng Chris Henkey, và không tiếc lời ca ngợi ông là “người hùng”, “người anh hùng”, thì Cơ trưởng Chris Henkey miễn bình luận về sự kiện nói trên. Với ông, đó là chuyện thường ngày có thể xảy ra với phi công, và ngày 8/9 cũng chỉ là “một ngày như mọi ngày”. Càng thú vị hơn khi biết người từng có quyết định hết sức tỉnh táo, bình tĩnh, sáng suốt, với “bản lĩnh thép”, “thần kinh thép”, lại từng là chủ một quán rượu Hatch Gate Inn ở Burghfield. Ông sống một cuộc sống bình dị với bạn đời Lenka Nevolna ở Reading, Berkshire (Anh), và vẫn thường xuyên ủng hộ tích cực cho tổ chức từ thiện bóng bầu dục dành cho trẻ em Wooden Spoon.
Sau chuyến bay đó, cái tên Chris Henkey đang trở nên cực “hot” trên báo chí và các trang mạng xã hội, thì Chris Henkey đưa ra quyết định hết sức lạnh lùng: Sẽ nghỉ hưu vào tuần tới. Điều đó có thể lý giải phù hợp với tính cách của Chris Henkey, ông tự cho mình là một người bình thường và muốn có cuộc sống giản dị theo sự thường hàng ngày, tránh xa những ồn ào. Nhưng không vì thế mà tình cảm của những hành khách may mắn thoát chết, và những cư dân cộng đồng mạng, “giảm nhiệt” đối với cái tên của ông.
Thời thế cần anh hùng!
Hành động của “người hùng” Chris Henkey có ý nghĩa rất quan trọng trong việc lấy lại hình ảnh tốt đẹp của nhân viên các hãng hàng không trong mắt du khách. Thậm chí chuyến bay 2276 của Hãng British Airways từ Sân bay quốc tế McCarran, Las Vegas về London, xứng đáng là đề tài “ăn khách” của Holywoot. Chuyến bay 2276 của British Airways cũng làm người ta nhớ đến chiếc máy bay chở khách của Hãng US Airways gặp nạn trên bầu trời Thành phố New York ngày 15/1/2009, ngay sau khi cất cánh rời Sân bay La Guardina, một đàn chim lao vào máy bay khiến cả 2 động cơ bị cháy, Cơ trưởng Chesley Sullenberger Sullenberger – người có 40 năm tuổi nghề phi công, nhanh trí đáp xuống mặt sông Hudson, cứu sống 155 người trên máy bay.
Nhưng những hành động như Cơ trưởng Chesley Sullenberger hay Chris Henkey là không nhiều. Thậm chí, thời gian vừa qua, hình ảnh của ngành Hàng không thế giới bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi những tai nạn, những hình ảnh đôi khi rất ngớ ngẩn. Trong đó có cả những thảm họa đến từ chính sai lầm theo mong muốn của chính phi công.
Một thảm họa nhức nhối đối với ngành Hàng không xảy ra vào ngày 24/3/2015 là viên phi công phụ Andreas Lubitz nhân lúc cơ trưởng phi hành đoàn ra ngoài đã khóa trái cửa buồng lái, không cho phi công chính và phi hành đoàn bên ngoài vào, sau đó hắn đã tắt động cơ để chiếc Airbus A320 rơi từ độ cao 9.500 mét xuống dãy núi Alps, khiến ít nhất 150 người thiệt mạng. Sự việc này được coi như là một “vết chàm” trong ngành Hàng không quốc tế.
Mới đây, ngày 23/6/2015, một cơ trưởng của hãng Hàng không United Airlines (Mỹ) cầm lái chiếc máy bay đi từ TP. Houston (Mỹ) tới TP Munich (Đức) đã có hành động ném 10 viên đạn vào thùng rác khi đang điều khiển máy bay, sau đó “phi tang” chúng trong nhà vệ sinh. May mắn là một nữ tiếp viên trong lúc tìm chiếc nhẫn thất lạc cho hành khách đã phát hiện 10 viên đạn trong thùng rác và vụ việc được phát giác.
Đầu tháng 9 này, Chad Tillman, một luật sư, đang trên chuyến bay từ Thành phố Charlotte (bang Bắc Carolina, Mỹ) đến Thành phố Tampa (bang Florida) thì bắt gặp một phi công đang sử dụng chiếc iPhone của mình để gửi tin nhắn, sau đó còn truy cập Twitter và các trang web khác, ngay trong lúc may bay vừa mới cất cánh. Luật sư này đã sử dụng điện thoại để quay lại hành động đặc biệt này và gửi video của mình kèm theo một mail đến Doug Parker, CEO của hãng Hàng không American Airlines để bày tỏ sự lo ngại của mình. Tilman viết: “Tôi chắc rằng anh ấy là một phi công giỏi, nhưng ngay cả một sai sót nhỏ trong nghề nghiệp của mình có thể giết chết người khác, và điều này khiến tôi lo ngại rằng anh ấy đã tình cờ bỏ qua các quy định của Cục Hàng không Liên bang (FAA) ngay nơi công cộng”.
Trong bối cảnh nói trên, những hành động cần thiết như của Cơ trưởng Chris Henkey không chỉ cứu được tính mạng hàng trăm hành khách và phi hành đoàn, mà còn có giá trị đáng giá hơn ngàn vàng đối với việc củng cố hình ảnh, uy tín của ngành Hàng không. Và lúc này, người ta lại nghĩ đến câu “gừng càng già càng cay”, bởi Chris Henkey bình tĩnh xử lý mọi việc chuẩn xác và chuyên nghiệp “như sách hướng dẫn” khi có 42 năm kinh nghiệm, và với Chesley Sullenberger là 40 năm trong nghề.
Chí Linh Sơn