Để hiện thực hóa dòng tiền tiềm năng từ nhà đầu tư nước ngoài
(Baonghean) - Tại hội nghị xúc tiến đầu tư tài chính Việt Nam - Hoa Kỳ vừa kết thúc ngày 6/7, trả lời phỏng vấn của nhà đầu tư về thị trường chứng khoán (TTCK), Chủ tịch Ủy ban chứng khoán nhà nước (UBCKNN) Vũ Bằng khẳng định, bên cạnh việc nới room, một trong những yêu cầu để một thị trường như Việt Nam nâng hạng trở thành một thị trường mới nổi rất cần chính là sự thuận tiện trong việc tiếp cận thị trường của các nhà đầu tư nước ngoài (ĐTNN). Báo Nghệ An giới thiệu với bạn đọc nội dung của phiên trao đổi này.
Bộ Trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng (thứ 2) và Chủ tịch UBCKNN Vũ Bằng (thứ 3 từ phải sang trái) tại Sàn giao dịch chứng khoán NYSE (Mỹ). |
*Nhà ĐTNN: Thưa ông Vũ Bằng, Chủ tịch UBCKNN, một trong những câu hỏi mà nhà đầu tư quan tâm nhất hiện nay là nới room cho nhà ĐTNN. Theo ông, Chính phủ sẽ có những điều chỉnh quan trọng nào để thúc đẩy việc nới room này?
* Chủ tịch UBCKNN Vũ Bằng: Ngày 26/6/2015 vừa qua, Chính phủ ban hành Nghị định 60/2015/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 58/2012/NĐ-CP ngày 20/07/2012 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Chứng khoán và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán. Một trong những nội dung quan trọng của Nghị định 60 quy định tỷ lệ sở hữu nước ngoài trên TTCK Việt Nam. Theo đó, chúng tôi quy định về tỷ lệ sở hữu nước ngoài tại công ty đại chúng, tại DNNN thực hiện cổ phần hóa (CPH) theo hình thức chào bán chứng khoán ra công chúng; về đầu tư vào trái phiếu của nhà ĐTNN... Nghị định 60 có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/09/2015 và bãi bỏ Quyết định số 55/2009/QĐ-TTg ngày 15/04/2009 của Thủ tướng Chính phủ về tỷ lệ tham gia của nhà ĐTNN trên TTCK Việt Nam.
*Nhà ĐTNN: Vậy đâu là những sửa đổi trọng yếu của Nghị định 58 đã được nêu trong Nghị định 60, thưa ông? Ông có nghĩ rằng việc nới room cho nhà ĐTNN sẽ hỗ trợ cho chương trình CPH các DNNN?
* Chủ tịch UBCKNN Vũ Bằng: Đó chính là việc theo quy định mới, ngoại trừ những cam kết quốc tế của Việt Nam và của luật pháp chuyên ngành hoặc của quy định trong những ngành kinh doanh có điều kiện thì tất cả các doanh nghiệp đều không bị giới hạn tỷ lệ sở hữu của nhà ĐTNN trong DN (ngoại trừ điều lệ của công ty có quy định khác). Bên cạnh đó, các tổ chức kinh doanh chứng khoán được phép thành lập, kinh doanh và góp vốn 100% của nhà ĐTNN. Ngoài ra, còn việc nâng cao chất lượng phát hành chứng khoán và phát hành riêng lẻ, pháp luật hóa Quyết định 51 của Chính phủ về CPH: sau một năm CPH, bắt buộc DN phải lên niêm yết và giao dịch trên TTCK.
Trong nhiều năm qua, Chính phủ Việt Nam luôn xác định việc thu hút nguồn vốn ĐTNN là nhiệm vụ trọng tâm, có ý nghĩa quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Thời gian qua, cơ chế về CPH luôn được Chính phủ Việt Nam quan tâm và hoàn thiện theo hướng tạo điều kiện cho các nhà ĐTNN tham gia đầu tư, mua cổ phần. Bên cạnh đó việc thực hiện CPH phải bảo đảm công khai, minh bạch, các nhà đầu tư khi tham gia mua cổ phần phải được tiếp cận thông tin đầy đủ về tình hình DN…
Đối với hoạt động đầu tư tài chính thông thường của nhà ĐTNN, Chính phủ Việt Nam luôn tạo điều kiện cho các nhà đầu tư tham gia, hạn chế các thủ tục không cần thiết. Hàng năm, chúng tôi thường xuyên tiếp xúc với các nhà ĐTNN tại Việt Nam trực tiếp cũng như thông qua các diễn đàn như Vietnam Business forum, Eucharm, Eucharm, Auscharm, Cancharm để tập hợp ý kiến nhằm cải thiện chính sách, hỗ trợ tốt hơn cho các nhà ĐTNN vào Việt Nam.
TS. Vũ Bằng, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước |
* Nhà ĐTNN: Liệu việc nới room là cú hích thúc đẩy đáng kể chương trình CPH với triển vọng dòng tiền tiềm năng từ nhà đầu tư nước ngoài chảy vào để mua các công ty sau CPH hay không, thưa ông?
*Chủ tịch UBCKNN Vũ Bằng: Bên cạnh các giải pháp nêu trên, Chính phủ Việt Nam cũng đã nâng tỷ lệ nhà ĐTNN tham gia mua cổ phần tại các DN của Việt Nam. Điều quan trọng là để thu hút sự tham gia của các nhà ĐTNN, một vấn đề đã được chúng tôi nhận thức đầy đủ từ cấp cao nhất của Chính phủ chính là vai trò của sự minh bạch hóa và quản trị công ty tốt. Đến thời điểm hiện tại, chúng tôi đã có những tiến bộ tích cực trong việc tạo lập một khuôn khổ pháp lý nhằm bảo đảm cho việc tăng cường tính minh bạch và việc áp dụng quản trị công ty tốt tại Việt Nam. Các DNNN hiện nay đang dần áp dụng cơ chế công bố thông tin tương tự như các DN niêm yết. Quốc hội Việt Nam năm 2014 cũng đã ban hành Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư mới với cơ chế thông thoáng nhằm bảo đảm sự công bằng giữa các loại hình DN, áp dụng, thể chế hóa nhiều thông lệ về quản trị công ty tốt được chấp nhận chung toàn cầu.
Hiện nay, chúng tôi đang nhanh chóng đưa các DN CPH ra thị trường niêm yết, đáp ứng mong muốn của nhà đầu tư khi đầu tư vào các DN CPH nhìn thấy các khoản đầu tư của mình được giao dịch tại một thị trường minh bạch và năng động. Theo đánh giá kết quả sản xuất kinh doanh năm 2014 của các công ty niêm yết tại hai sở giao dịch, số lượng DN hoạt động có lãi chiếm trên 90% tổng số DN. Tính trên toàn thị trường, doanh thu tăng 13% so với năm 2014, lợi nhuận tăng tương ứng 13,4%. Các chỉ số ROA, ROE là 2,26% và 13,3% và đều tăng đáng kể so với năm 2013. Các chỉ số như chi phí lãi vay, chi phí tài chính và hàng tồn kho đều có biến động rất tích cực so với năm 2013. Đây là những minh chứng cho thấy các DN niêm yết trên các Sở giao dịch của Việt Nam đã tái cấu trúc thành công, thoát khỏi khủng hoảng và bắt đầu chu kỳ tăng trưởng mới.
*Nhà ĐTNN: Thưa Chủ tịch UBCKNN, bên cạnh việc nới room, một trong những yêu cầu để một thị trường như Việt Nam nâng hạng trở thành một thị trường mới nổi cần là sự thuận tiện trong việc tiếp cận thị trường của các nhà ĐTNN. Từ góc độ quản lý nhà nước về TTCK, ông vui lòng nêu một số điểm chính nhằm để giúp các nhà đầu tư tiếp cận thị trường dễ dàng hơn… như thủ tục mở tài khoản giao dịch, thiết lập các công cụ phái sinh…?
*Chủ tịch UBCKNN Vũ Bằng: Bên cạnh hướng đi nới room cho nhà đầu tư nước ngoài, UBCKNN cũng đưa ra những giải pháp khác tạo điều kiện thuận lợi hơn cho nhà ĐTNN. Hiện nay, Thông tư sửa đổi Thông tư 213/2012/TT-BTC hướng dẫn hoạt động của nhà ĐTNN trên TTCK đang được hoàn thiện. Theo đó, có nhiều thủ tục hành chính được cắt giảm, như: cấp mã số giao dịch online cho nhà ĐTNN, theo đó số ngày cấp sẽ giảm từ 5 ngày xuống còn 1 ngày. Bỏ thủ tục hợp pháp hóa lãnh sự và thủ tục xác thực chữ ký của người có thẩm quyền đối với trường hợp tổ chức có con dấu riêng, giúp nhà ĐTNN tiết kiệm được thời gian và chi phí khi thực hiện các thủ tục liên quan. Nghiên cứu xem xét cho phép hồ sơ đăng ký mã số giao dịch của nhà ĐTNN có thể được xác thực bởi ngân hàng giám sát.
Cùng với đó, UBCK hiện đang nghiên cứu sửa đổi Thông tư 74/2012/TT-BTC hướng dẫn tháo gỡ một số vướng mắc cho nhà ĐTNN khi tham gia trên TTCK hướng tới cho phép nhà ĐTNN mua và bán cùng 1 loại chứng khoán trong cùng 1 ngày giao dịch. Ngoài ra, Bộ Tài chính, UBCKNN đã nghiên cứu rà soát lại các chính sách thuế, phí, lệ phí nhằm khuyến khích thu hút nhà đầu tư trong và ngoài nước. Riêng đối với các sản phẩm quỹ hưu trí thì cơ chế ưu đãi, khuyến khích cũng đã được đưa vào quy định tại Luật Thuế thu nhập cá nhân số 26/2012/QH13 ngày 3/12/2012 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế TNCN và Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp số 32/2013/QH13 ngày 19/6/2013 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế TNDN. Hiện chúng tôi đang tổ chức lại các thị trường giao dịch cổ phiếu công ty lớn, thị trường giao dịch cổ phiếu công ty vừa và nhỏ và nâng cấp thị trường Upcom dành cho công ty đại chúng chưa niêm yết.
Sông Hồng
(Email từ New York - Hoa Kỳ)