Phát huy tổ hợp tác, tạo sức mạnh mới trong sản xuất

10/07/2015 11:09

(Baonghean) - Những năm gần đây, các tổ hợp tác được thành lập mới ngày càng nhiều (toàn tỉnh hiện có 2.890 tổ), đã liên kết phát triển kinh tế hộ cá thể, từng bước chuyển từ sản xuất nhỏ lẻ, manh mún đi lên sản xuất hàng hóa tập trung với quy mô lớn; tận dụng và tập trung được sức lao động để đẩy nhanh, bắt kịp tiến độ sản xuất.

Hợp tác khai thác thủy sản

Những năm gần đây, ngư dân ở các địa phương trong tỉnh đã thành lập các tổ hợp tác khai thác trên biển hỗ trợ nhau rất hiệu quả. Tổ hợp tác khai thác thủy, hải sản do anh Hà Đức Ngọc ở xã Tiến Thủy (Quỳnh Lưu) làm tổ trưởng gồm 7 chủ tàu với khoảng 90 lao động, thành lập 2 năm nay. Có tổ hợp tác, mỗi chuyến ra khơi ngư dân vững vàng và tự tin hơn; thường các thành viên trong tổ là người anh em, bạn bè trong thôn, trong xã nên tính liên kết giúp đỡ nhau làm ăn càng cao. Anh Ngọc chia sẻ: "Biển cả bao la, nếu mình khai thác riêng lẻ khó tìm được nguồn cá, khi phối hợp với nhau theo tổ hợp tác hầu như chuyến biển nào về cũng có sản lượng khá trở lên, thu nhập của anh em trong tổ khai thác cũng tăng lên 30 - 50% so với trước. Không chỉ hỗ trợ nhau trong khai thác, quá trình trên biển dài ngày giữa các tàu trong tổ thường xuyên hỗ trợ nhau lương thực, thực phẩm, đá lạnh, dầu để cùng tồn tại phát triển, gắn kết làm ăn bền vững...". Nói chung các tổ hợp tác khai thác trên biển đều hỗ trợ nhau về mọi mặt, việc đi đánh cá xa bờ dài ngày để lâu hải sản không tươi nên trong tổ có tàu nào về trước thì tàu kia gửi vận chuyển hải sản vào bờ cho vợ con ở nhà bán. Như vậy vừa tiết kiệm được chi phí vận chuyển vừa đảm bảo được hải sản tươi ngon bán được giá, nâng giá trị thu nhập cho mỗi thành viên trong tổ.

Lực lượng hậu cần của ngư dân xã Tiến Thủy (Quỳnh Lưu) đón cá về.
Lực lượng hậu cần của ngư dân xã Tiến Thủy (Quỳnh Lưu) đón cá về.

Không chỉ các tổ liên kết khai thác trên biển, mà mối quan hệ giữa ngư dân đi biển và các chủ ốt dầu trên bờ rất bền chặt, tạo điều kiện hỗ trợ lẫn nhau. Ông Hồ Khắc Trung ở xóm Đức Xuân, xã Tiến Thủy (Quỳnh Lưu) là người đầu tiên mở ốt kinh doanh xăng dầu tại cảng cá Lạch Quèn (từ năm 1991), và thường xuyên cho ngư dân nợ tiền dầu mỗi chuyến ra khơi. Ông Trung chia sẻ: "Các khách hàng của tôi đều được tạo điều kiện cho nợ tiền dầu, giúp đỡ cho họ yên tâm đi biển, khi các tàu trở về bán được cá mới có tiền trả nợ. Có những con tàu đi không được cá thì tiếp tục cho nợ tiền dầu dài ngày. Từ trước đến nay, ngư dân chưa bao giờ đưa tiền mặt đến mua dầu, mà được chúng tôi cho mua nợ, mỗi tàu luôn nợ 50 triệu đồng tiền dầu trên tàu, ngoài ra có những chiếc còn cho nợ thêm 1.000 - 2.000 lít dầu. Thậm chí có những chủ tàu thiếu tiền, được chúng tôi cho vay hàng trăm triệu đồng để trang trải ngư cụ và chi phí trên tàu, nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất để các chủ tàu tự tin vươn khơi bám biển khai thác được nhiều hải sản". Đến nay, toàn xã Tiến Thủy có 27 tổ hợp tác khai thác thủy sản trên biển, mỗi tổ gồm 5 - 7 tàu cá. Thực tế từ khi thành lập các tổ hợp đã giảm thiểu rủi ro khai thác trên biển.

Tại phường Nghi Thuỷ (TX. Cửa Lò) có gần 1.000 hộ làm nghề khai thác biển, chiếm gần 2/3 số hộ của toàn phường. Tổng phương tiện khai thác hơn 170 tàu cá. Tại đây, mỗi chi hội nông dân thành lập một tổ liên kết gồm các tàu thuyền khai thác ở các tuyến khơi, lộng, gần bờ, thường xuyên liên hệ để hỗ trợ nhau trong khai thác, trong hoạn nạn khó khăn, hay ngư trường đánh bắt. Những ngày biển lặng, khai thác được nhiều cá, các tàu khai thác ở vùng lộng làm công tác trung chuyển hải sản vào bờ bán và tiếp tế nguyên liệu để giúp cho những tàu xa bờ yên tâm bám biển dài ngày, nâng hiệu quả khai thác.

Anh Võ Văn Phúc (khối 7, phường Nghi Thuỷ) là một thành viên đánh cá giỏi trong tổ liên kết, cho biết: Trong tổ gồm 7 - 8 đôi tàu thường xuyên hỗ trợ thông tin với nhau, khi một tàu không may gặp rủi ro, thì tất cả các tàu đều tập trung lại hỗ trợ, hạn chế tối đa thiệt hại. Mỗi chuyến biển thường kéo dài từ 2 - 7 ngày, chuyến nào may mắn trúng được luồng cá thì trở vào bờ sớm hơn. Nghề đi biển thường xuyên lênh đênh trên ngọn sóng, đối mặt với nhiều hiểm nguy tiềm ẩn, nên việc thành lập các tổ liên kết khai thác trên biển rất có ý nghĩa, không chỉ hỗ trợ nhau về mặt tinh thần, tạo động lực để cùng nhau vượt qua thách thức trên biển cả, tổ liên kết còn hỗ trợ nhau để có kết quả thu hoạch tốt hơn cho mỗi chuyến biển về ăm ắp cá tôm.

Tổ cày, tổ cấy

Là địa phương chuyên sản xuất nông nghiệp, nhưng xã Hưng Yên Bắc (Hưng Nguyên) vẫn chưa có HTX. Năm 2008, sau khi Nhà nước có chính sách miễn thủy lợi phí, từ những đòi hỏi từ yêu cầu thực tế, tổ hợp tác về thủy lợi được thành lập gồm 3 người, chủ yếu thực hiện nhiệm vụ điều tiết nước sản xuất trong nông nghiệp. Ở Hưng Nguyên còn có các tổ thủy nông như thế ở xã Hưng Yên Nam và Hưng Trung. Bà Bá Thị Dung, Phó phòng Nông nghiệp huyện cho biết: Nhìn chung, các tổ hợp tác này hoạt động khá hiệu quả, ngoài giúp cho việc điều tiết nước sản xuất hợp lý và thuận lợi hơn cho người dân, các tổ này còn đứng ra tu sửa công trình thủy lợi kênh mương từ nguồn thu hoạt động của tổ.

Bên cạnh đó, từ nhiều năm nay, ở Hưng Nguyên còn phát triển rất mạnh hình thức các tổ, nhóm dân cư liên kết trong sản xuất nông nghiệp. Từ chính sách hỗ trợ của tỉnh, Hưng Nguyên trích ngân sách hỗ trợ thêm 50% giá trị máy cấy, nhờ đó đến nay trên địa bàn huyện đã có 3 máy cấy. Đầu tư mua mới máy cấy, từ vụ xuân năm nay, gia đình anh Hoàng Xuân Trung ở Thị trấn Hưng Nguyên đã liên kết với một số hộ dân xung quanh tổ chức sản xuất trên 500 khay mạ, đi cấy thuê cho người dân các xã trong vùng, đem lại hiệu quả kinh tế lớn, đồng thời giải quyết việc làm cho nhiều lao động. Trên địa bàn một huyện có nhiều xã vừa cấy lúa, vừa làm màu (ngô, lạc) như Hưng Nguyên, nhiều thời vụ thu hoạch lúa xuân cũng gần sát vụ thu hoạch ngô, lạc. Bởi vậy, việc tập trung lại giúp nhau đẩy nhanh tiến độ thu hoạch, làm đất kịp gieo trồng vụ sau là cực kỳ cần thiết. Hiện nay ở hầu khắp các huyện đã hình thành tổ gặt, tổ cấy, tổ cày, tổ phun thuốc trừ sâu… nhờ vậy đã hỗ trợ cho nhau thuận lợi và hiệu quả. Đặc biệt là các tổ cấy, gặt bằng máy. Một số HTX còn đứng ra đảm nhiệm các khâu sản xuất cho nông dân. Vào mùa cấy, về các địa phương râm ran tiếng gọi nhau đi cấy, người cấy, người cày, nhanh tay nên đảm bảo tiến độ mùa vụ.

Đến nay toàn tỉnh có 2.890 tổ hợp tác hoạt động đa dạng trên các lĩnh vực: tiểu thủ công nghiệp, thương mại dịch vụ, dịch vụ nông nghiệp, dịch vụ nghề cá và thủy sản với 31.086 thành viên lao động có mức thu nhập từ 2,5 - 3 triệu đồng/người/tháng. Trong bối cảnh nền kinh tế suy yếu hiện nay, hoạt động sản xuất, kinh doanh gặp nhiều khó khăn, mỗi thành viên kinh tế hộ liên kết trong làm ăn trên nhiều lĩnh vực đã tạo ra sức mạnh tập thể và đem lại hiệu quả rõ rệt. Có thể nói, hoạt động của các tổ hợp tác hay thậm chí chỉ là sự liên kết, giúp đỡ nhau trong sản xuất nông nghiệp của người dân là xuất phát từ chính nhu cầu thực tế và tạo nên những hiệu quả không nhỏ trong phát triển kinh tế hộ, vừa là tiền đề cho sự hình thành và phát triển của các HTX.

Sự liên kết tự nguyện giữa các hộ dân, tạo thành các tổ, nhóm giúp nhau trong sản xuất, kinh doanh hay khai thác trên biển đã phần nào tạo được sức mạnh tập thể, tận dụng và tập trung được sức lao động để đẩy nhanh, bắt kịp tiến độ sản xuất, đặc biệt ở những thời điểm gấp rút như thu hoạch, làm đất, gieo trồng vụ mới. Đồng thời, tạo khí thế hăng say trong lao động, tình cảm xóm giềng được củng cố. Qua đó, bà con cũng có cơ hội trao đổi kinh nghiệm sản xuất, cùng nhau ứng dụng các tiến bộ KHKT mới nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất trên các lĩnh vực.

Quỳnh Lan - Phú Hương