Bài cuối: Đề cao tính thực tiễn và mục tiêu phục vụ du lịch

01/09/2015 08:26

(Baonghean) - Sắp xếp lại hệ thống các làng nghề, đầu tư có chiều sâu, tập trung vào những ngành nghề có đầu ra và thu nhập ổn định là những giải pháp quan trọng nhằm thúc đẩy sự phát triển của các làng nghề trên địa bàn Nghệ An hiện nay. Trong đó, việc phát triển các làng nghề gắn với nhu cầu thực tiễn của địa phương và kết hợp phát triển làng nghề gắn với du lịch là hướng đi có tính bền vững nhất.

Phát triển nghề đáp ứng yêu cầu tại chỗ

Sự phát triển, đi lên hay ngày càng mai một của mỗi làng nghề trong thực tế là bài học cho định hướng phát triển các làng nghề trên địa bàn tỉnh ta hiện nay và nên chăng sau một thời gian chạy đua về số lượng, đã đến lúc Nghệ An cần chú trọng đến chất lượng và hiệu quả hoạt động các ngành nghề.

Thực tế cũng cho thấy, những ngành nghề có sự phát triển ổn định là những ngành nghề gắn với nhu cầu thực tiễn ở địa phương, có đầu ra ổn định và không chịu sự chi phối, ảnh hưởng nhiều của một đơn vị tiêu thụ trung gian. Ở xã Quỳnh Long (Quỳnh Lưu), vài năm trở về trước thực hiện Nghị quyết 06 của Tỉnh uỷ, xã đã tiến hành khôi phục làng nghề truyền thống với mong muốn giải quyết việc làm cho lao động ven biển. Sau một thời gian ngắn đẩy mạnh công tác đào tạo nghề, xã xây dựng được làng nghề mây tre đan xuất khẩu Minh Thành và hình thành thêm một số nghề tại địa phương như chế biến thuỷ sản, thêu móc sợi. Nhưng, các làng nghề ấy chỉ sôi động một thời gian ngắn rồi nhãng dần bởi thu nhập từ làm nghề quá thấp, việc làm không thường xuyên, sản phẩm làm ra khó tiêu thụ...

Nghề đan lưới vàng vây ở xã Quỳnh Long (huyện Quỳnh Lưu).
Nghề đan lưới vàng vây ở xã Quỳnh Long (huyện Quỳnh Lưu).

Dần dà, từ nhận ra một bất cập là trong khi lao động trong xã dôi dư, không có việc làm, thì hàng trăm hộ dân trong làng làm nghề đi biển hàng năm vẫn phải tiêu tốn hàng chục tỷ đồng để mua sắm lưới vàng vây từ các tỉnh phía Bắc về, thế là người dân trong xã đã mạnh dạn vay vốn, thành lập các tổ làm lưới vàng vây trên cơ sở nghề vá lưới truyền thống của người dân trong vùng. Ngành nghề đi vào ổn định đã giúp người dân trong xã có việc làm thường xuyên. Không những thế còn giúp các gia đình làm nghề đánh bắt xa bờ chủ động hơn trong việc đầu tư, nâng cấp lưới đánh cá với mức giá chỉ bằng 2/3 so với trước kia vì tiết kiệm được kinh phí, vận chuyển và nhân công tại chỗ. Nói về nghề này, ông Trần Quang Vệ, Bí thư Đảng ủy xã Quỳnh Long, cho biết: “Trước đây chúng tôi xây dựng nghề nhưng không chủ động được đầu ra nên sản phẩm làm ra không có nơi tiêu thụ. Nay xác định Quỳnh Long là xã ven biển nên ngành nghề cần phải gắn với nghề biển và nghề lưới phải là một trong những nghề chủ lực, song song với nghề đánh bắt hải sản. Hiện toàn xã có gần 200 tàu đánh vây, mỗi tàu phải sử dụng từ 2 đến 3 vành lưới, nên chị em trong xã không bao giờ lo hết việc làm, chưa kể còn cung ứng sản phẩm cho các xã khác trong vùng”.

Làng nghề Do Nha (Hưng Nhân, Hưng Nguyên) sau nhiều năm “vật lộn”, chuyển đổi ngành nghề, sản phẩm nay cũng đã bắt đầu lại với nghề đan dè, cót truyền thống của làng. Đây từng là địa phương được huyện đầu tư để phát triển nghề mây tre đan xuất khẩu và được Trung tâm Khuyến công tỉnh tổ chức lớp đào tạo chắp nứa ghép sơn dầu xuất khẩu. Mặc dù đã thu hút được hàng trăm học viên, nhưng sau khi đào tạo xong, nghề đã tự mai một vì không phù hợp với thực tế của địa phương và sản phẩm không tiêu thụ được. Chị Phạm Thị Hương, xóm 9 Hưng Nhân, nói: “Ngày trước chúng tôi không phát triển được nghề vì không nắm bắt được thị hiếu người tiêu dùng, thiếu linh động trong tiêu thụ sản phẩm. Giờ thì ngoài việc sản xuất các tấm che vật liệu xây dựng, nhiều hộ dân đã tích cực chuyển đổi mẫu mã, tạo ra sản phẩm cót đan hoa văn, chữ nổi để trang trí và làm trần nhà, được nhiều người tiêu dùng lựa chọn”.

Xây dựng sản phẩm phục vụ du lịch

Ở nhiều tỉnh, thành của Việt Nam hiện nay như Hà Nội, Đà Nẵng, Huế, Đà Lạt và nhiều tỉnh miền Tây Nam bộ, loại hình du lịch kết hợp với làng nghề ngày càng phổ biến. Nhưng ở Nghệ An, trong khi các công ty lữ hành du lịch luôn lo lắng tìm cách đa dạng sản phẩm điểm đến cho du khách, thì các làng nghề - nơi được đánh giá là đầy tiềm năng để phát triển du lịch lại đang không có khách tham quan. Ông Nguyễn Mạnh Cường, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch nhận xét: “Các làng nghề của tỉnh chủ yếu sản xuất các mặt hàng truyền thống có thể cạnh tranh trên thị trường như bánh kẹo, sản phẩm thủy sản, mộc dân dụng và mỹ nghệ, hương… Tuy nhiên, việc kết nối giữa các làng nghề với các đơn vị kinh doanh du lịch lữ hành thì hầu như chưa làm được”.

Nghề làm hương ở xã Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu.
Nghề làm hương ở xã Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu.

Có một thực tế là hiện nay sản phẩm làng nghề truyền thống phục vụ cho du lịch đang rất khan hiếm nếu như không muốn nói là chưa có. Và vấn đề này đã được đưa ra thảo luận tại nhiều hội nghị, hội thảo liên quan đến du lịch tỉnh nhà, đó là Nghệ An chưa có sản phẩm truyền thống đặc trưng làm quà tặng cho du khách. Một số sản phẩm làng nghề lâu đời, có tiếng như: tương Nam Đàn, nước mắm Hải Giang, nước mắm Quỳnh Dỵ, rượu Hưng Châu, mộc Quỳnh Hưng… việc để tạo sản phẩm thu hút khách du lịch đến với làng nghề hầu như chưa được nghĩ đến.

Thực trạng trên có một phần trách nhiệm từ phía các cơ quan chức năng. Ông Trần Văn Chương - Phó Chủ tịch Liên minh HTX cho biết: “Năm 2012, có 4 sản phẩm làng nghề từng được Liên minh Hợp tác xã đề nghị Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch xem xét để phát triển thành sản phẩm phục vụ du lịch, đó là thổ cẩm, tranh thêu, một số sản phẩm thủ công mỹ nghệ được chế tác từ những sản phẩm vật liệu sẵn có (vỏ sò biển, mộc, đá). Tuy nhiên, đến thời điểm này, Liên minh Hợp tác xã vẫn chưa nhận được câu trả lời của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch”. Thực tế này, với một tỉnh có hơn 500 làng nghề và làng có nghề của Nghệ An, thì thực là một điều đáng tiếc, nhưng nếu đi sâu vào phân tích thì đây là một sự “tất yếu” khi mà việc định hướng và phát triển sản phẩm làng nghề của Nghệ An vẫn còn nhỏ lẻ, manh mún và thiếu sự đầu tư như hiện nay.

Bà Nguyễn Thị Hương, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến du lịch Nghệ An cũng cho hay rằng: “Chúng ta chưa có tour du lịch làng nghề, công tác quảng bá, xúc tiến du lịch tại các làng nghề cũng hầu như không có. Có chăng chỉ là sự nhanh nhạy thức thời của một vài công ty lữ hành khi đưa thêm vào tour du lịch của mình những chương trình tham quan làng nghề mà thôi. Còn về phía các làng nghề, hiện tất cả những người làm ra mẫu sản phẩm của các làng nghề đều là các nghệ nhân dân gian, chưa được đào tạo qua trường lớp mà chỉ làm theo kinh nghiệm, nên mẫu mã vẫn còn hạn chế, cứ lặp đi lặp lại, không đủ sức hấp dẫn du khách. Mặt khác, hầu hết làng nghề hiện nay đều đang gặp khó khăn về cơ sở hạ tầng, giao thông. Làng nghề chưa được đầu tư chiều sâu cho làm du lịch, người làng nghề chưa nhận thức được giá trị của du lịch đem lại. Do vậy, sự đầu tư của làng nghề cho việc phát triển du lịch cũng chưa có, sản phẩm làng nghề đơn điệu và kém hấp dẫn du khách”.

Tuy vậy, một tín hiệu vui là hiện nay đã có doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh dũng cảm ứng dụng một hướng đi mới có tính thực tế cao đối với việc phát triển làng nghề là lồng ghép vào các hình thức lưu trú. Trở về từ “Hội thảo quốc tế phát triển kinh tế bền vững cho vùng địa phương thông qua phát triển vải thổ cẩm truyền thống” và được nghe chia sẻ về kinh nghiệm phát triển vùng nguyên liệu, thiết kế và trưng bày sản phẩm, bảo tồn và phát triển kỹ thuật thêu truyền thống… bà Hà Thị Phương Vân, Chủ nhiệm Hợp tác xã thổ cẩm Hải Vân đã bắt tay ngay vào dự án phát triển làng nghề thổ cẩm gắn với du lịch cộng đồng ở bản Nưa, xã Yên Khê (Con Cuông). Đây là một địa chỉ nhiều năm đã có tên trên bản đồ du lịch Nghệ An, nhưng trên thực tế, việc phát triển còn rất chậm và chưa tạo ra được điểm nhấn. Tham vọng của bà Hương là không chỉ biến nơi đây thành một vùng trồng dâu nuôi tằm tập trung mà còn mở nhiều xưởng sản xuất thổ cẩm tại chỗ để vừa quảng bá, vừa phục vụ cho khách du lịch đến tham quan, lưu trú ở đây. Đồng thời, làng nghề sẽ không chỉ đơn thuần tạo ra những sản phẩm sử dụng trong gia đình như trước kia mà còn biết tận dụng những kỹ thuật may thêu thường ngày để làm ra các sản phẩm cải tiến như tranh treo tường, vỏ gối, ga trải giường, đệm ghế salon, túi, ví, quả bóng pao để đáp ứng yêu cầu của du khách.

Như đã biết, kinh tế làng nghề có vai trò quan trọng trong cơ cấu kinh tế nông thôn, nhất là trong giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người lao động ở nông thôn, góp phần xóa đói giảm nghèo, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thúc đẩy quá trình hiện đại hóa nông thôn, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc, góp phần hạn chế các vấn đề xã hội tiêu cực khác, tạo cơ hội giao lưu văn hóa thông qua du lịch... Nếu sự kết nối giữa doanh nghiệp lữ hành du lịch với làng nghề thực hiện được, thì sự hỗ trợ, tương tác sẽ giúp cho không chỉ làng nghề phát triển bền vững, mà du lịch cũng sẽ có những khởi sắc hơn. Vì vậy, thiết nghĩ các cơ quan chức năng cần tổ chức một số cuộc điều tra, khảo sát về ý kiến du khách đối với hoạt động du lịch của các làng nghề, và ngược lại sự sẵn sàng của các làng nghề phục vụ, liên kết với du lịch, từ đó chúng ta mới biết nhu cầu thật sự của du khách là gì và khả năng đáp ứng của làng nghề đến đâu.

Cùng với đó, các làng nghề phải liên kết với các đơn vị lữ hành xây dựng sản phẩm, giữ được nghệ nhân, thợ giỏi nghề, có phòng trưng bày hiện vật lịch sử phát triển làng nghề, có phòng trưng bày để khách có thể chọn cho mình sản phẩm làng nghề ứng ý. Để làm được những việc đó, ngoài chủ trương, chính sách và thậm chí sự hỗ trợ một phần vốn, hướng dẫn kỹ thuật của các cấp chính quyền, thì việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân làng nghề để họ hiểu được giá trị của phát triển du lịch gắn với làng nghề mang lại, từ đó đầu tư nhiều hơn vào việc nâng cao mẫu mã, chất lượng sản phẩm, xây dựng thương hiệu, cải thiện cảnh quan, môi trường…

Nhóm P.V

TIN LIÊN QUAN