XÃ PHÚC THÀNH (YÊN THÀNH): Chuyển đổi ruộng đất để đột phá, sản xuất lớn

21/08/2015 07:50

(Baonghean) - Phúc Thành là xã miền núi của huyện Yên Thành, được biết đến với nhiều di tích lịch sử - văn hóa, trong đó nổi tiếng nhất là Đền Đức Hoàng thờ Võ tướng thời Trần là Sát hải Đại vương Hoàng Tá Thốn. Xã có diên tích tự nhiên 1.594,6 ha, trong đó đất nông nghiệp 1.167,59 ha, chiếm 73,2%; còn lại là diện tích ao hồ, đường sá và đồi núi thấp nên cơ bản là xã thuần nông, sản xuất và đời sống người dân còn nhiều khó khăn. Những năm gần đây, mặc dù xã có bước phát triển khá toàn diện nhưng người dân độc canh cây lúa, ngành nghề phát triển chưa tương xứng với điều kiện, tiềm năng và xu thế phát triển của xã hội...

Nhằm phát triển bứt phá và xây dựng thành công mục tiêu nông thôn mới (NTM), việc đầu tiên là xã rà soát lại hiện trạng NTM trên địa bàn, nhận thấy trong các tiêu chí mà xã cơ bản gần đạt thì có 4 tiêu chí cần nguồn lực lớn là điện - trường - trạm và các công trình văn hoá đã đạt 100%; nhưng các tiêu chí, hạng mục còn lại như giao thông thủy lợi và thiết kế lại đồng ruộng để đi lên sản xuất lớn... cần rất nhiều nguồn lực và sự ủng hộ của người dân, trong khi sự hỗ trợ của nhà nước rất hạn hẹp. Qua nhiều lần thảo luận, góp ý từ các chi bộ cho đến các phiên họp dân, Đảng bộ, chính quyền xã Phúc Thành đi đến thống nhất với phương châm phát huy sức mạnh toàn dân. Từ đó, chọn việc chuyển đổi ruộng đất lần thứ 2 là mục tiêu cơ bản nhất, là động lực thúc đẩy thay đổi bộ mặt nông thôn, mở ra hướng sản xuất hàng hoá lớn, đưa cơ giới hoá vào sản xuất, xây dựng cánh đồng mẫu lớn, mang giá trị sản xuất cao hơn. Khi sản xuất phát triển thì đời sống nông dân được cải thiện, việc huy động nguồn lực nhân dân cho mục tiêu xây dựng NTM sẽ thuận lợi hơn, tiến độ thực hiện sẽ nhanh hơn.

Khảo nghiệm giống lúa mới chất lượng cao tại xã Phúc Thành.
Khảo nghiệm giống lúa mới chất lượng cao tại xã Phúc Thành.

Từ ý tưởng và yêu cầu bức thiết trên, BCH Đảng bộ xã bàn bạc, đưa ra Đảng bộ và đến từng Chi bộ thảo luận, thống nhất ra Nghị quyết để triển khai đến toàn dân. Đồng chí Đinh Văn Dương, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã, cho biết: Lúc mới triển khai, do một bộ phận người dân chưa thông, nên cũng có phản ứng quyết liệt, nhưng sau đó nhờ các giải pháp tuyên truyền vận động, người dân hiểu được lợi ích thiết thực của chuyển đổi đất nên cuối cùng 20/20 xóm đều chấp thuận và đồng tình ủng hộ.

Tuy nhiên, khi triển khai chưa phải thật thuận lợi, vì chuyển đổi ruộng đất lần này là phải khắc phục được 5 tồn tại của chuyển đổi ruộng đất lần trước (năm 2002). Nhờ xác định rõ mục tiêu, nên xã giải quyết đáp ứng được nguyện vọng người dân. Hiệu quả chuyển đổi ruộng đất mang lại rõ rệt, giúp người dân tiết kiệm được chi phí sản xuất. Bình quân số thửa (vùng sản xuất) trước chuyển đổi là 4,8 thửa/hộ, nay sau chuyển đổi là 1,2 thửa/hộ, tạo bước chuyển mới về cách nghĩ, cách làm và phát huy tính tự chủ của hộ nông dân trong đầu tư thâm canh tăng vụ, chuyển đổi cơ cấu cây con theo hướng sản xuất hàng hoá. Mặt khác, xã quy hoạch lại đồng ruộng, hoàn thiện hệ thống giao thông thuỷ lợi nội đồng, mở rộng hệ thống giao thông đường liên thôn, liên xã, nâng cao hiệu quả tưới tiêu; dành một phần quỹ đất quy hoạch khu thương mại dịch vụ, công trình phúc lợi xã hội, hình thành cánh đồng mẫu lớn mang lại giá trị cao cho sản xuất.

Nhờ đồng thuận cao chỉ trong 1 tháng xã chuyển đổi xong ruộng đất lần 2 và huy động được trên 8 tỷ đồng kinh phí để đào đắp 200.000m3 làm bờ vùng, kênh mương; lắp đặt hoàn chỉnh hệ thống cầu cống thoát nước; người dân tự nguyên hiến gần 47 ha đất, tương đương 37 tỷ đồng và đóng góp gần 10 tỷ đồng để làm giao thông thuỷ lợi nội đồng, giao thông nông thôn.

Nhờ thành công từ khâu đột phá trong chuyển đổi ruộng đất, Phúc Thành đã huy động được sức dân vào xây dựng NTM rất lớn. Khởi đầu với không ít khó khăn nhưng chỉ sau gần 3 năm triển khai, bằng nhiều nguồn từ chương trình dự án lồng ghép và nhân dân đóng góp, Phúc Thành đã huy động được trên 80 tỷ đồng, trong đó ngân sách Trung ương 4,005 tỷ đồng; tỉnh 7,48 tỷ đồng, huyện 85 triệu đồng và xã 22 tỷ đồng; người dân đóng góp 45 tỷ đồng và nhân công, hiến đất phục vụ làm đường giao thông và các công trình phúc lợi 159.000m2 đất, đóng góp 24.000 ngày công; xã làm được 9 km giao thông nông thôn với kinh phí gần 9,4 tỷ đồng. Như thế, từ chỉ có 6 tiêu chí ban đầu, trong gần 3 năm, Phúc Thành đã nỗ lực rất lớn để hoàn thành 13 tiêu chí còn lại và cuối năm 2014 được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn NTM.

Chia sẻ những kinh nghiệm thành công của địa phương, đồng chí Đinh Văn Dương, Chủ tịch UBND xã Phúc Thành cho rằng: Bên cạnh xã có tập thể đoàn kết để người đứng đầu có quyết tâm chính trị, tâm huyết, dám nghĩ dám làm, thì sự đồng thuận của người dân là yếu tố quan trọng nhất. Chuyển đổi ruộng đất lần 2 thực sự là cuộc cách mạng đối với địa phương... Bài học riêng của xã Phúc Thành đã làm được và thành công là chuyển đổi ruộng đất lần 2 phải gắn với quy hoạch xây dựng NTM; muốn chuyển đổi ruộng đất thành công, sau khi người dân đồng thuận thì phải biết chọn thời điểm thích hợp để không làm ảnh hưởng đến sản xuất và mùa vụ của người nông dân...

Với những cố gắng, nỗ lực vượt bậc trên, xã Phúc Thành không chỉ thành công trong xây dựng NTM mà còn là mẫu hình để các địa phương học tập khi thực hiện xây dựng NTM gắn liền với nâng cao giá trị sản xuất và cải thiện thực sự đời sống nhân dân...

Bài, ảnh: P. Hà - T. Hương