Thế giới 6 tháng đầu năm: "Gam xám" lấn át!
(Baonghean) - Tiếp nối gam màu không mấy sáng sủa của thế giới năm 2014, nhều nhà phân tích đã nhận định rất khó có sự đột phá trong năm 2015. Và quả đúng như dự báo, 6 tháng đầu năm nay, thế giới vẫn tiếp tục bao trùm bởi một màu sắc u ám. báo nghệ An xin giới thiệu một số sự kiện nổi bật xảy ra trong 6 tháng đầu năm 2015.
Khủng bố tòa soạn báo Charlie Hebdo
Ngay những ngày đầu năm mới, cả thế giới rúng động bởi vụ xả súng tại Tòa soạn báo Charlie Hebdo. Vào ngày 7/11/2015, lúc 11h30 (giờ Paris), một chiếc ô tô bất ngờ dừng bên ngoài Văn phòng tòa soạn Tạp chí Charlie Hebdo, thuộc Quận 11 ở Paris (Pháp). Hai kẻ khủng bố mang theo súng kalachnikov và súng phóng rocket xông vào tòa soạn nổ súng trước khi tẩu thoát. Tổng cộng 12 người thiệt mạng và 4 người bị thương. Trong số các nạn nhân, có 4 họa sỹ vẽ tranh châm biếm nổi tiếng của tờ Charlie Hebdo. Thời điểm tấn công các tay súng tự xưng là thành viên của nhóm khủng bố Al-Qaeda và lý do tấn công là để trả thù việc tòa soạn này đăng tranh biếm họa về nhà tiên tri Mohammed. Đây là lần đầu tiên xảy ra một vụ tấn công đẫm máu vào tòa soạn một tờ báo ở Pháp và là vụ tấn công đẫm máu nhất tại Pháp từ ít nhất 40 năm qua.
Tưởng niệm các nhà báo bị sát hại tại khu vực gần trụ sở Tòa soạn Charlie Hebdo. |
Charlie Hebdo là tuần báo trào phúng của Pháp, thường đăng các biếm họa, bản tin, bút chiến và truyện cười. Tuần báo thể hiện quan điểm chống phân biệt chủng tộc và theo cánh tả, do đó các đề tài châm biếm hướng đến phe cực hữu, tôn giáo (Công giáo, Hồi giáo, Do Thái), chính trị, văn hóa... Do đó đã nhiều lần tuần báo này là nguyên nhân của những vụ kiện tụng, đe dọa tấn công và tấn công của những kẻ sùng đạo cực đoan.
Dù phải hứng chịu không ít rắc rối, đỉnh điểm là vụ tấn công khủng bố ngày 7/1, nhưng Charlie Hebdo vẫn không từ bỏ chiến lược xuất bản của mình. Sau vụ khủng bố đẫm máu này, phương Tây và nhiều nước bài đạo Hồi đã bày tỏ quan điểm đoàn kết chống khủng bố; hay “đồng hành cùng Charlie Hebdo”…
Nhưng điều này đã gây nên những tranh cãi đáng phải lưu ý, đó là ranh giới của tự do thông tin và giới hạn của sự tự do thể hiện các vấn đề liên quan tôn giáo; và nên hay không nên lấy đức tin của một tôn giáo, mà cụ thể ở đây là nhà tiên tri Mohammed - một người được thế giới Hồi giáo nhất mực tôn kính ra làm “trò cười” bằng cách vẽ tranh biếm họa. Bởi điều này chỉ gây thêm sự khác biệt ngày càng lớn giữa văn minh phương Tây và thế giới đạo Hồi, dẫn đến những mâu thuẫn chỉ có thể giải quyết bằng bạo lực, tấn công khủng bố hay thậm chí là chiến tranh…
Nepal hoang tàn sau động đất
Theo thống kê, trận động đất ngày 25/4 đã khiến khoảng 160.786 ngôi nhà bị phá hủy, 143.673 ngôi nhà bị hư hại, 16.000 trường học bị tàn phá. Hầu hết các ngôi làng khu vực miền núi bị tàn phá nặng nề. Khoảng 8,1 triệu người bị ảnh hưởng, khoảng 3,0 triệu người cần hỗ trợ lương thực khẩn cấp. Theo tin tức từ quỹ UNICEF, khoảng 1,7 triệu trẻ em bị ảnh hưởng nặng nề bởi thảm họa này. Còn trong một bản báo cáo đánh giá ban đầu từ cơ quan khảo cổ Nepal cho thấy, khoảng 60 ngôi chùa trên khắp đất nước đã bị phá hủy. Các báo cáo từ Cục khảo cổ học thuộc Bộ Văn hóa, Du lịch và Hàng không dân dụng cho biết hơn 200 di tích đã bị hư hỏng…
Một người đàn ông may mắn được cứu trong đống đổ nát sau thảm họa động đất ở Nepal ngày 25/4/2015 |
Những con số thống kê cho thấy mức độ tàn phá kinh hoàng của trận động đất 7,8 độ Richter xảy ra vào lúc 11h56’ ngày 25/4 tại Nepal, tuy nhiên, theo dự báo, ngay cả đến bây giờ, khi trận động đất xảy ra được gần 2 tháng thì con số thiệt hại vẫn chưa dừng lại. Và đây cũng chỉ là những thống kê ban đầu, còn thực tế sau thảm họa động đất sẽ kéo theo vô số vấn đề khác. Và theo tính toán của các chuyên gia kinh tế, đất nước này ước tính cần 10 tỷ USD để tái thiết lại sau động đất. Cho dù sau thảm họa động đất, nỗ lực cứu trợ từ cộng đồng quốc tế vẫn liên tục đổ về Nepal, nhưng để khôi phục tái thiết lại đất nước nghèo nhất khu vực thì quả là điều không hề đơn giản, chưa nói đến những giá trị chẳng bao giờ lấy lại được…
Khủng hoảng di cư
6 tháng đầu năm nay, thế giới liên tiếp phải chứng kiến những thảm họa nhân đạo do người dân sống ở các vùng nghèo đói, bạo lực, chiến tranh… từ châu Phi, Trung Đông và châu Á rời bỏ quê hương đến châu Âu với hy vọng tìm kiếm một cuộc sống tốt đẹp hơn. Nhưng điều đáng nói “Giấc mơ châu Âu” mãnh liệt đến nỗi những người vượt biên này bất chấp việc có thể trả giá bằng tính mạng của chính mình. Theo thống kê, trong 15 năm qua, đã có hơn 20.000 người chết do vượt biển sang châu Âu. Năm 2014, số người chết khi vượt biển Địa Trung Hải là 3.500 người. Còn trong năm 2015, chỉ tính đến ngày 20/4, con số đã trên 1.500 người.
Những người nhập cư được giải cứu khi chiếc thuyền gỗ chở người đi vào bãi đá ngầm Rhodes (Hy Lạp) ngày 20/4/2015. |
Vậy nguyên nhân vì đâu mà chỉ trong 6 tháng đầu năm 2015 này, tình trạng di cư trái phép lại diễn ra liên tục, bất chấp việc phải đánh đổi bằng tính mạng như vậy? Để trả lời câu hỏi này, xin dẫn chứng về một quốc gia có nhiều người di cư bằng đường biển nằm bên kia bờ biển Địa Trung Hải đến Italia, đó là đất nước Libya. Từ khi xảy ra chính biến “Mùa Xuân Arab” do phương Tây đạo diễn dẫn đến sự sụp đổ của một loạt nhà nước ở châu Phi, trong đó có Libya, sau chính biến là sự hỗn loạn, mất kiểm soát của các chính phủ mới được dựng lên. Bạo lực tràn lan khiến cuộc sống của người dân giống như địa ngục, tạo môi trường thuận lợi cho bọn “cò mồi” tổ chức đưa người vượt biển trái phép ngang nhiên kiếm ăn. Những người vượt biển không thành, bị bắt đưa trở lại đất liền và bị giam giữ trong các trại tập trung ven bờ biển Địa Trung Hải của Libya. Họ nói rằng, thà chết trên biển còn hơn quay trở về quê, vì trở về cũng coi như chết. Điều này lý giải tại sao liên tiếp trên các phương tiện truyền thông đưa tin số người bỏ mạng ngày càng gia tăng nhưng tình trạng nhập cư lại không hề giảm.
Chưa tới mức nghiêm trọng như châu Âu về quy mô cũng như số người thiệt mạng, nhưng ở Đông Nam Á vừa qua cũng đã xảy ra một thảm họa nhân đạo khi hàng nghìn người di cư mắc kẹt trên biển. Những người di cư chủ yếu đến từ cộng đồng thiểu số Rohingya chưa được công nhận ở Myanmar và công dân Bangladesh, họ tìm cách nhập cư ra nước ngoài tị nạn để tìm kiếm một cuộc sống mới đỡ khó khăn, ngột ngạt hơn.
Nhưng sự thật thì sau khi kiên quyết không tiếp nhận dòng người nhập cư này từ chính phủ các nước Thái Lan, Indonesia, Malaysia, những người nhập cư đã phải lênh đênh trên biển trong điều kiện thiếu thốn về lương thực, thuốc men và nước ngọt. Rất may là trước nguy cơ xảy ra một thảm họa nhân đạo, chính phủ các nước trên và cộng đồng quốc tế đã chung tay giúp đỡ.
Biển Đông lại dậy sóng
Một năm sau khi Trung Quốc tự ý đưa giàn khoan Hải Dương 981, tàu hải giám, tàu hộ vệ tên lửa, “xua” ngư dân vào sâu thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam với mục đích tung hỏa mù, hướng sự quan tâm của dư luận trong nước và quốc tế nhằm che đậy những hành vi nham hiểm độc chiếm Biển Đông thông qua hiện thực hóa “đường lưỡi bò 9 đoạn”, Trung Quốc ráo riết chở nguyên, vật liệu để tôn tạo và xây dựng các công trình hạ tầng trên các đảo thuộc Hoàng Sa và Trường Sa.
Hình ảnh chụp từ vệ tinh cho thấy Trung Quốc đang đẩy mạnh xây dựng trái phép đảo nhân tạo trên Biển Đông. |
Như vậy, kể từ năm 2009, khi trình lên Liên Hợp quốc yêu sách phi lý đường lưỡi bò 9 đoạn “liếm” trên 80% diện tích Biển Đông, Trung Quốc ngày càng quyết liệt thực hiện nhiều biện pháp để biến Biển Đông thành “ao làng”. Cụ thể, nước này ngang nhiên thành lập Thành phố Tam Sa, bao gồm hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Hành động này của Trung Quốc đã vi phạm các quy định của luật pháp quốc tế và Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông mà Trung Quốc đã ký với ASEAN năm 2002 (DOC); cản trở quá trình xây dựng Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC); tiếp tục có nhiều hành động gây mất ổn định, đe dọa an ninh và hòa bình trên Biển Đông.
Song song với việc xây dựng trái phép trên các đảo để hiện thực hóa mưu đồ đen tối, thì những tuyên bố của các nhà lãnh đạo cao cấp như Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị cũng không hề che đậy, thậm chí là quyết liệt giữ lập trường “cướp” Biển Đông. Ông Vương từng khẳng định, Bắc Kinh “sẽ không lay chuyển” trong vấn đề “bảo vệ chủ quyền ở Trường Sa” trong một cuộc gặp với người đồng cấp Mỹ Jonh Kerry ngày 16/5; hay như trong một tuyên bố được đưa ra ngày 9/4, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh ngang ngược quả quyết nước này “có chủ quyền không tranh cãi” đối với quần đảo Trường Sa và các vùng biển xung quanh; hoạt động xây dựng của Trung Quốc tại đây là “hoàn toàn hợp lý và đúng pháp luật” và “không chỉ nhằm mục đích dân sự mà còn tăng cường khả năng quốc phòng”.
Đáng chú ý trong năm 2015 này, những tuyên bố chính thức từ Chính phủ Trung Quốc về các hoạt động tôn tạo và xây cất trên Biển Đông là nhằm mục đích quân sự, điều này khác hẳn với những tuyên bố trước đây là hoạt động xây dựng của Trung Quốc trên các hòn đảo “chỉ nhằm mục đích thương mại, dân sự”.
Việc dùng sức mạnh kinh tế, quốc phòng để tranh giành chủ quyền phi pháp trên Biển Đông; áp dụng các quan hệ kiểu nước lớn để chèn ép các quốc gia nhỏ hơn sẽ càng hạ thấp uy tín của một cường quốc. Nhiều nước coi Trung Quốc là kẻ thù đầy cuồng vọng, nham hiểm…
Như vậy, dù chỉ mới bước qua 6 tháng của năm 2015, thế giới đã liên tiếp xảy ra những sự kiện “đen tối”, đó là khủng bố hoành hành khắp nơi; bất ổn ở Trung Đông, Bắc Phi ngày càng căng thẳng; các thảm họa thiên nhiên, thảm họa nhân đạo do làn sóng di cư trái phép tại châu Âu, Đông Nam Á… Song bên cạnh đó vẫn có những “tia sáng hiếm hoi” để hy vọng, đó là sự kiện Iran và nhóm P5+1 đạt được những thỏa thuận khung nhằm tiến tới việc ký kết một thỏa thuận hạt nhân mang tính lịch sử và việc Mỹ dỡ bỏ cấm vận, tiến tới bình thường hóa với Cu Ba. Tổng quan nhìn nhận, khoảng thời gian này hay có thể là cả năm 2015 vẫn chứa đựng gam màu xám chủ đạo. Bởi khả năng để giải quyết những mâu thuẫn, những cuộc khủng hoảng dai dẳng và căng thẳng trong 6 tháng còn lại khó có sự đột phá nào đáng kể.v
Cảnh Nam
TIN LIÊN QUAN