Nâng cao giá trị hoạt động tình nguyện

22/06/2015 10:18

(Baonghean) - Chỉ còn vài ngày nữa đội quân tình nguyện của các trường đại học lên đường mang theo trí tuệ, nhiệt tình và cả sự đam mê dấn thân của tuổi trẻ trong hoạt động tình nguyện để giúp đỡ nhân dân các địa phương. Hoạt động tình nguyện ngày càng đi vào chiều sâu, để lại nhiều hình ảnh đẹp, ghi dấu đóng góp của tuổi trẻ và góp phần thay đổi hành vi của người dân các địa phương.

Giúp những lĩnh vực người dân cần

Với chủ đề: “Tuổi trẻ xung kích tình nguyện hướng về đại hội đảng các cấp và khẩu hiệu “Thiết thực - sáng tạo - hiệu quả - an toàn”, Trường Đại học Vinh năm nay lên kế hoạch sớm với 4 chương trình tình nguyện vùng và 1 chương trình tình nguyện tại chỗ. Ngay từ đầu tháng 6, BCH Đoàn trường đã nhận được đơn đăng ký tình nguyện của 400 sinh viên và chia làm 19 đội tại 19 xã, chủ yếu là những đơn vị được Tỉnh đoàn yêu cầu chi viện và Đoàn trường khảo sát nhu cầu từ trước. Việc lựa chọn đối tượng tình nguyện năm nay cũng được BCH Đoàn tìm hiểu qua nhiều kênh thông tin để lựa chọn được những sinh viên ưu tú có khả năng và tinh thần cao, với mục đích là để lại những công trình thanh niên có dấu ấn. Anh Nguyễn Anh Chương, Bí thư Đoàn trường Đại học Vinh cho biết: “Hầu như các chương trình tình nguyện cũng không có nhiều thay đổi so với các năm trước, tuy nhiên, năm nay chúng tôi sẽ khảo sát kỹ hơn nhu cầu thực tế của địa phương mà sinh viên sẽ đến, với mục đích là mang đến những giá trị tình nguyện thực sự cho người dân địa phương”.

Sinh viên tình nguyện Đại học Y khoa Vinh chăm sóc bệnh nhân tại Bệnh viện Phong - Da liễu Quỳnh Lập (TX. Hoàng Mai).
Sinh viên tình nguyện Đại học Y khoa Vinh chăm sóc bệnh nhân tại Bệnh viện Phong - Da liễu Quỳnh Lập (TX. Hoàng Mai).

Cũng theo anh Nguyễn Anh Chương sau khi khảo sát thực tế, các đội tình nguyện nhận thấy có một số phần việc phát sinh tại địa phương, từ đó thay đổi chương trình cho phù hợp. Ví dụ sau khi khảo sát có nhiều nơi cần sức người để hoàn thiện công trình đường giao thông nông thôn hay cần có một con đường mòn liên bản hơn là các việc tổ chức sinh hoạt hè, phổ biến, tuyên truyền các kiến thức bảo vệ sức khỏe sinh sản như đã tham mưu thì BCH Đoàn trường sẽ nhất trí phương án thay đổi kế hoạch của đội. Điển hình như đội tình nguyện ở xã Yên Tĩnh, huyện Tương Dương năm ngoái, ban đầu các bạn cũng có bản kế hoạch chỉ giúp đỡ những công việc phần việc “cứng” theo sự hướng dẫn của BCH Đoàn cấp trên, nhưng khi đi khảo sát họ thấy việc dân bản nơi đây cần là tuyên truyền những kiến thức về phòng, chống tệ nạn xã hội và mở con đường liên bản mới để thuận lợi trong giao thương nên đã trình lại kế hoạch phù hợp và đã nhận được sự đồng tình cao của BCH Đoàn trường. Sau chuyến tình nguyện 15 ngày tại bản Cặp Chảng (Yên Tĩnh - Tương Dương), Đội trưởng Phạm Văn Hợi và 15 bạn sinh viên được khen thưởng nhờ thành tích phù hợp thực tế. Anh Hợi cho biết: “Nếu chỉ thu gom vệ sinh, tổ chức sinh hoạt hè, phổ biến tuyên truyền pháp luật thì nhân lực tại chỗ cũng làm được điều này, nên bà con nơi đây cần thêm những công trình có tính định lượng, từ thực tế đó chúng tôi nhận thấy nếu chỉ tình nguyện theo nhu cầu mà ban đầu Đoàn xã yêu cầu thì không đủ”.

Còn đội hình tình nguyện tại huyện Vũ Quang, tỉnh Hà Tĩnh, dù đã lên kế hoạch kỹ khi đi khảo sát tại địa bàn nhưng trong quá trình thực hiện các chương trình cứng theo hướng dẫn, nhóm sinh viên tình nguyện nhận thấy bà con nơi đây cần hoàn thiện hệ thống lưới điện theo chương trình nông thôn mới. Địa phương đã được cấp vốn, nguyên, vật liệu nhưng hiện chưa có đơn vị thi công nhận thầu, vậy là sinh viên Khoa Vật Lý của đội tình nguyện nhà trường đã nhận hoàn thiện hệ thống lưới điện giúp bà con trong 5 ngày. Và phần thưởng mà các bạn nhận được là sự biết ơn, những cái bắt tay bịn rịn, những món quà là sản vật của địa phương được bà con trân trọng gửi về khi chia tay. Điều đó cho thấy, việc khảo sát kỹ nhu cầu của địa phương được xem là chìa khoá thành công của các đội sinh viên tình nguyện Trường Đại học Vinh.

Tham gia vào hoạt động tình nguyện, Đoàn trường Đại học Y Khoa Vinh năm trước đã cử 13 đội tình nguyện chi viện cho 8 đơn vị địa phương với các hoạt động liên quan và gần gũi với chuyên môn và năng lực của sinh viên. Phương châm hoạt động của họ là tự lên kế hoạch theo năng lực của mình và nhu cầu của địa phương cần chi viện. Ngoài việc hỗ trợ chăm sóc bệnh nhân đặc biệt như thương bệnh binh nặng tại Trung tâm thương, bệnh binh tỉnh, bệnh nhân tâm thần kinh tại các trung tâm nhân đạo hay bệnh nhân phong tại Bệnh viện Phong - Da liễu Quỳnh Lập, dạy kỹ năng cho trẻ tự kỷ… Đoàn trường Đại học Y khoa Vinh còn tổ chức các chương trình phát cháo miễn phí cho bệnh nhân nghèo điều trị tại các bệnh viện ung bướu, chấn thương chỉnh hình Nghệ An. Bạn Nguyễn Anh Đức, Đội trưởng đội tình nguyện tại Bệnh viện Phong - Da liễu Quỳnh Lập năm 2014 và là người thay mặt BCH Đoàn trường quản lý 24 đội tình nguyện trong năm nay, cho biết: “ Mỗi một nơi mà chúng em được yêu cầu chi viện thì chúng em đều phải lên kế hoạch kỹ, cho từng ngày, từng khối lượng công việc và nhất thiết phải lấy thước đo là sự hài lòng của bệnh nhân nơi chúng em đến chi viện”. Anh Lê Đông Hiếu, Bí thư đoàn trường Đại học Y khoa Vinh cho biết: “Chiến lược của chúng tôi là mang đến những điều xã hội cần. Thế nên, trong 6.000 sinh viên, chúng tôi chỉ lựa chọn được 600 sinh viên tham gia chiến dịch hè tình nguyện và 20% số sinh viên có chuyên môn giỏi có khả năng tổ chức và quản lý tốt. Hầu hết những đơn vị chúng tôi đã tham gia đều có văn bản yêu cầu chi viện trong năm nay”.

Tạo dấu ấn đậm nét

Sinh viên tình nguyện Đại học Vinh làm đường giao thông tại xã Yên Tĩnh (Tương Dương).
Sinh viên tình nguyện Đại học Vinh làm đường giao thông tại xã Yên Tĩnh (Tương Dương).

Có mặt tại Văn phòng Đoàn trường Đại học Vinh để trình kế hoạch hoạt động tình nguyện, bạn Nguyễn Thị Thúy Hằng, sinh viên khoa Sư phạm Toán, Đội trưởng đội tình nguyện xã Châu Thái, huyện Quỳ Hợp cho biết: “Chúng em chủ yếu học hỏi kinh nghiệm từ các đội tình nguyện trước, nên phải đợi sau khi khảo sát, tiền trạm thì mới lên kế hoạch chi tiết”. Anh Nguyễn Anh Chương, Bí thư Đoàn trường Đại học Vinh cho biết: “Thực tế để đáp ứng được nhu cầu thực sự của bà con thì cần nhất vẫn là những công trình điện, đường, trường, trạm. Nhưng để có được những công trình đó cần kinh phí, mà Đoàn thì lấy đâu ra nhiều tiền thế. Vậy thì ngon - bổ - rẻ vẫn là phương án được lựa chọn hàng đầu”. Anh Phạm Ngọc Cảnh, Phó Bí thư Tỉnh đoàn trao đổi thêm: “Những đội quân tình nguyện không nằm trong đội quân chi viện chuyên sâu mà Tỉnh đoàn chỉ định, tất nhiên sẽ không có được những công trình thanh niên cụ thể, tạo hiệu ứng cao. Tuy nhiên, cái tinh thần mà các bạn sinh viên mang đến cho địa bàn cần chi viện đó là “nhóm lửa” tạo sự lan tỏa cho những thanh, thiếu niên trên địa bàn cùng chung tay giúp ích cộng đồng. Đó mới là điều quan trọng!”. Để có được sự lan tỏa đó cần hơn nữa sự khảo sát kỹ lưỡng cũng như tinh thần và kế hoạch thực hiện của các đội tình nguyện. Bạn Võ Yến Phi, Đội trưởng đội tình nguyện tại xã Yên Tĩnh - Tương Dương năm nay cho biết: “Chúng em được giao sẽ tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật về các giống cây chủ lực trên địa bàn nên đang cố gắng nghiên cứu chi tiết và khảo sát xem mình sẽ truyền đạt những gì ở mức độ nào và sẽ đạt được hiệu quả gì… ”. Vậy việc chuyển giao khoa học kỹ thuật nếu không có những mô hình thí điểm, không có sự hỗ trợ về các điều kiện khoa học kỹ thuật hay không có các công trình thủy lợi đi kèm liệu có đạt được hiệu quả? Đó là vấn đề không có lời giải khi kinh phí là yếu tố quyết định.

Từ 24 đội hình tình nguyện hè năm 2014, năm nay Tỉnh đoàn chỉ có 17 đội sinh viên tình nguyện cấp tỉnh, đó là những đội được lựa chọn và sàng lọc từ các cơ sở, trong đó có 10 đội chuyên sâu được chi viện đến 8 xã trên địa bàn toàn tỉnh. Với phương châm nâng cao giá trị hoạt động tình nguyện theo hướng chuyên sâu, Tỉnh đoàn đã lựa chọn xã Tiền Phong, huyện Quế Phong để khám bệnh cấp phát thuốc miễn phí, xây nhà tình nghĩa, sân chơi cho trẻ em, mắc lại hệ thống điện cho nhân dân… Và đợt ra quân lần này với mục đích là nghiên cứu nhu cầu từ một xã và đáp ứng chi viện đến mức tối đa, nhằm tạo sự khác biệt và dấu ấn rõ nét nhất.

Thanh Nga