Nhạc sỹ Lê Minh Sơn: Phải gọi là "Ôi quê choa" mới phải!

20/07/2015 08:59

(Baonghean) - Trong tư cách Giám đốc âm nhạc của chương trình truyền hình thực tế “Du ca Việt” (dự kiến lên sóng VTV1 vào ngày 25/7 tới và sẽ đi qua 63 tỉnh thành trong cả nước), nhạc sỹ Lê Minh Sơn cùng ekip vừa có chuyến khảo sát Nghệ An cùng kho tàng ví, giặm. Suốt dọc hành trình “đường vô xứ Nghệ”, “gã nhà quê” tranh thủ “nói xấu” gái Nghệ cùng nhiều món “đặc sản vùng” khác…

Nhạc sỹ Lê Minh Sơn. Ảnh: Hải Bá
Nhạc sỹ Lê Minh Sơn. Ảnh: Hải Bá

Tôi mà vào Vinh sớm có khi... không lấy vợ nổi

Tính đến thời điểm hiện tại, “Du ca Việt” đã đi được 7/63 tỉnh thành, chủ yếu là các tỉnh miền núi phía Bắc, vì sao anh lại cho “đảo” Nghệ An lên trước mà không phải là các tỉnh khác theo trình tự bản đồ?

- Có gì đó vẫy gọi mà tôi cũng không biết nữa, khiến tôi nghĩ mình cần phải về đây sớm hơn, ngay và luôn. Có thể là vì lời mời gọi chưa bao giờ cũ, với bất kỳ ai: “Đường vô xứ Nghệ quanh quanh/ Non xanh nước biếc như tranh họa đồ”. Có thể là vì những câu ca đến là “khiêu khích”, chỉ có thể là gái Nghệ: “Giận thì giận mà thương thì thương…”. Mà “thủ phạm”, cũng có thể là… những cô gái thành Vinh mà tôi từng được gặp, từng điêu đứng và hình như có “ca” tôi từng trót phải lòng (cười)…

Tệ thật, gái Vinh mà để anh… “mang nhục” sao?

- Nếu như tôi nhớ không nhầm thì từng có câu thơ: “Mắt gái Vinh như có lửa”. Lúc đọc nó, tôi đã từng nghĩ: Chắc là “ả” đang yêu. Nhưng vào đến Vinh tôi mới biết, các cô này kể cả không yêu cũng vẫn… có lửa như thường, thế mới chết!

Với “Ôi quê tôi”, tôi có một kỷ niệm khá là vui với người Nghệ. Ấy là khi tôi ngồi ghế giám khảo một game show hát, thì có thí sinh dõng dạc giới thiệu tiết mục tham dự của mình có tên là: “Ôi quê... choa”, và giải thích: “Ôi quê tôi là từ của anh Lê Minh Sơn, nhưng dân Nghệ nhà em thì phải nói là Ôi quê choa mới chuẩn!”.

Có nguy hiểm bằng vụ “ánh mắt như dao cau liếc vào mỏm đá” không, tác giả “Ôi quê tôi”?

- “Dao cau” đã là gì! “Dao kim cương” mới gọi là cắt được đá. Tôi mà vào Vinh sớm có khi “mỏm đá” kia không “thọ” được với… mắt gái Vinh! Tôi mà vào Vinh sớm, có khi... không lấy vợ nổi! (cười).

Gái Sơn Tây từng… “đắt chồng” vì bài thơ “Đôi mắt người Sơn Tây” của Quang Dũng. Hy vọng là tới đây, Lê Minh Sơn cũng có thể giúp gái Vinh “chạy sô mệt nghỉ”?

- “Vừng trán em vương trời quê hương/ Mắt em dìu dịu buồn Tây Phương” - Nghe thương nhỉ, “đắt chồng” là phải! Đấy, thấy chưa, xứ người ta, đàn bà con gái họ dịu dàng thế đấy! Có đâu mà lúc nào cũng chực “gây hỏa hoạn” như gái Vinh các cô đâu! (cười)

Là nói vui thế, chứ gái Vinh mà một khi “buồn dìu dịu”, là cũng đủ để trôi sông trôi biển đấy! Bạn đã từng nghe Hoàng Quyên hát bài “Cửa thơm mùi nắng” của tôi chưa (cũng là tên album đầu tay của cô ấy): “Cửa thơm mùi nắng/ Khe cửa nhỏ, em lách nhìn/ Ngày không anh, hoa đầu hè, hoa chớm đỏ/ Ngày buồn thế đấy/ Không có anh, trong lành lắm/ Con chim nhỏ bé, hót bên cửa em, cửa thơm mùi nắng/ Nắng vàng như trái cam mùa hè/ Nắng vàng như ánh trăng ngày rằm/ Nắng thơm/ Nắng anh…”.

Bạn biết “nàng thơ” của “Cửa thơm mùi nắng” ấy là ai không? Chính xác đó là một “gái Nghệ thứ thiệt”! Chỉ là, có hôm cô ấy tình cờ kể cho tôi nghe là sáng ra, mở cửa ban công, thì tự dưng có mấy con se sẻ bay vào ríu rít, đuổi mấy cũng không đi, lại thêm mấy bông hoa vừa nở… Có thế thôi mà cô ấy bảo, tự dưng, chẳng muốn đi làm nữa, chỉ muốn ở nhà nằm phơi nắng như một con mèo lười. Nói chung tôi rất thích mấy cô gái… lười, nên hôm đó, ngay trên xe, những ca từ đầu tiên của “Cửa thơm mùi nắng” đã mau chóng thành hình. Sang hôm sau, tôi lao xe đến cổng cơ quan cô ấy để khoe, thì nghe xong, cô ấy phán một câu điếng người: “Nắng thơm đâu mà thơm! Điêu nó vừa vừa!”.

À, phải thế mới là gái Vinh anh nhé! Đàn ông các anh, là cứ phải mắng mới ngoan được!

- Mà tôi thì lại dễ bảo chứ, mới chết! (cười). Vâng, tôi biết các cô rồi: “Đã yêu thì yêu cho chắc/ Đã trục trặc thì trục trặc cho luôn/ Đừng như con thỏ đứng đầu truông/ Khi vui thì giỡn bóng, khi buồn thì giỡn trăng...”. Thảo nào, tôi “giỡn” lần nào là y như rằng bị cho “ăn đòn” lần ấy. Giờ thì... chừa rồi!

Viết “Ôi quê tôi” cứ như thể... “nịnh” người Nghệ

Có thế chứ! Vậy chứ, chừ anh vô đây mần chi?

- Vì “Du ca Việt” - chặng hành trình du ca qua những miền văn hóa Việt. Và với Nghệ An, đương nhiên là ví giặm. Nhưng thứ ví giặm mà tôi tìm, có thể không phải là những tiết mục vẫn quen được trình diễn trên sân khấu, mà phải là ẩn sâu trong mỗi căn làng nghèo, và được cất lên bởi những nghệ nhân già nhưng chưa từng héo hắt, chưa từng cằn cỗi vì cái nghèo hay bởi thời gian. Cũng có thể là những làn ví được vang lên từ những thân phận đặc biệt, từng đứng trước lằn ranh sống - chết và về lại với cuộc đời bằng chính những lời ví như giục, như chờ... Mà thôi, tôi không nói nữa đâu, “lộ hết hàng”! Hãy chờ khi “Du ca Việt - Qua miền ví giặm” lên sóng, bạn sẽ thấy tôi yêu câu ví, giặm quê bạn đến nhường nào...

Tôi biết là “Ôi quê tôi” không phải viết về Nghệ An, dĩ nhiên tôi biết. Nó là một làng quê riêng có của Lê Minh Sơn, mà cũng là không của riêng ai. Nhưng không hiểu sao, khi những ca từ, giai điệu đó cất lên, tôi lại luôn có cảm giác như đang nói về đất Nghệ, người Nghệ vậy: cái nghèo khó, “liêu xiêu” một thời của nó; cái hào sảng, ăn sóng nói gió của nó, ẩn đằng sau những “cánh diều no gió”, những “thình thình trống hội ngoài đình”, hay là những điệu múa câu ca “song tình” mẹ hát; và đặc biệt là “ánh mắt - sóng rượu”, “dao cau” - có thể nào lại không phải là gái Nghệ... Là tôi cứ ưa “nhận vơ” như thế, anh có thấy phiền không?

- Bạn nói đúng. Chính tôi cũng có lúc phải ngạc nhiên rằng, sao tôi lại có thể nói đúng như thế về... đất và người xứ Nghệ, ngay cả khi tôi chưa gặp, và cũng không định. Phải là khi “chết chìm” trong mắt gái Vinh rồi, tôi mới ân hận là mình đã... nịnh cô ấy hơi sớm! (cười).

Với “Ôi quê tôi”, tôi có một kỷ niệm khá là vui với người Nghệ. Ấy là khi tôi ngồi ghế giám khảo một game show hát, thì ở vòng sơ loại, một thí sinh nam rất tự tin bước vào và dõng dạc giới thiệu tiết mục tham dự của mình có tên là: “Ôi quê... choa”. Hết thảy các vị giám khảo đều ngỡ ngàng hỏi: “Ôi quê choa” là sáng tác của ai mà... nghe quen quen, có liên quan gì đến... anh Lê Minh Sơn đang ngồi đây không?”, thì em ấy từ tốn “giải trình”: “Ôi quê tôi là từ của anh Sơn, nhưng dân Nghệ nhà em thì phải nói là Ôi quê choa mới chuẩn!”. Tôi sướng quá, cho vào luôn, dù bị nữ giám khảo xinh đẹp ngồi ngay cạnh mắng lấy mắng để: “Ơ cái nhà anh này, đang tuyển người thi hát chứ có phải... tấu hài đâu!”. Nhưng tôi vẫn ngoan cố: “Muốn hát hay trước hết phải thông minh đã! Cậu này được, cho vào!”...

Nguyên Lê

(Thực hiện)