Người "khổng lồ" dễ mến

23/08/2015 10:48

(Baonghean) - Bạn bè, đồng nghiệp và những người quen biết với HLV Vũ Lê Hoàng của bộ môn cử tạ Nghệ An thường gọi anh là Hoàng “cồng kềnh” hay Hoàng “khổng lồ”, xuất phát từ thể hình cao lớn với trọng lượng ngót ngét 100kg của anh. Thế nhưng, bài viết này, tôi muốn kể về một Lê Vũ Hoàng thật khác – một thầy Hoàng giản dị, dễ mến, đa cảm trong mắt của các thế hệ học trò.

“Xuất phát từ điền kinh, về đích ở cử tạ” – HLV Vũ Lê Hoàng hóm hỉnh chia sẻ về hành trình theo đuổi nghiệp thể thao của mình. Sinh ra và lớn lên ở vùng quê Diễn Kỷ (Diễn Châu), từ nhỏ, Vũ Lê Hoàng đã sớm bộc lộ năng khiếu thể thao bởi ưu thế về ngoại hình, thể lực và sự nhanh nhẹn. Năm 2000, anh tốt nghiệp Khoa Điền kinh của Trường Đại học TDTD Từ Sơn (Bắc Ninh) và được nhận vào Trung tâm Đào tạo TDTT tỉnh Nghệ An. “Thời điểm bấy giờ, ở tỉnh ta chưa xây dựng bộ môn cử tạ. Mãi đến năm 2003, trung tâm mới có định hướng hình thành bộ môn này và tôi may mắn là người được lựa chọn để “mở đường”. Sau thời gian chuẩn bị, chính thức vào năm 2004, bộ môn cử tạ mới xuất hiện trên “bản đồ” thể thao xứ Nghệ” – HLV Vũ Lê Hoàng nhớ lại.

HLV Vũ Lê Hoàng hướng dẫn kỹ thuật cho VĐV. Ảnh: Minh Quân
HLV Vũ Lê Hoàng hướng dẫn kỹ thuật cho VĐV. Ảnh: Minh Quân

Là người “mở đường”, lại mở một môn thể thao đặc thù và có nhiều yêu cầu cao về cơ sở vật chất cũng như chất lượng VĐV, HLV Vũ Lê Hoàng gặp phải rất nhiều khó khăn, thử thách. Nan giải nhất là công tác tuyển chọn VĐV, bởi bấy giờ cử tạ là bộ môn mới mẻ, có phần xa lạ đối với người dân tỉnh nhà. “Yêu cầu tuyển chọn VĐV phải bắt đầu từ lứa tuổi 11 – 13, nhưng về gia đình các em thuyết phục, nói đến cử tạ, họ thường nghĩ đến sự nặng nhọc, vất vả… nên không muốn con em mình theo đuổi. Mình phải giải thích và thuyết phục cho bố mẹ các em rất nhiều về giáo trình giảng dạy đi từ thấp đến cao, từ nhẹ đến nặng, từ lý thuyết đại cương đến kỹ thuật, sức bền múi cơ… nhưng không phải lúc nào cũng thành công” – vị HLV “khổng lồ” chia sẻ. Chưa kể đến việc, dẫu đã đưa được các em về đội tuyển, thì việc đào tạo các em phát huy hết tiềm năng sẵn có, bền bỉ niềm đam mê và gắn bó với nghiệp VĐV cũng chẳng dễ dàng gì. Thực tế, nhiều VĐV đã bỏ cuộc giữa đường bởi những hoang mang tâm lý về hướng phát triển sau khi hết thời thi đấu. Những lúc ấy, HLV còn phải đóng vai trò vừa là thầy, là cha mẹ, người bạn của các em để lắng nghe, phân tích thấu đáo cho trò hiểu, tránh những định hướng sai lệch ảnh hưởng đến tương lai sau này.

Cử tạ Nghệ An so với các tỉnh, thành lớn khác trong cả nước chưa phải là đối thủ đáng gờm, nhưng nhìn vào bảng thành tích qua các mùa thi đấu, có thể nhận thấy nỗ lực không nhỏ của thầy và trò. “Đoàn cử tạ Nghệ An vừa tham gia thi đấu tại Giải Vô địch cử tạ quốc gia năm 2015, đạt 2 HCB ở nội dung cử đẩy và tổng cử. Trước đó, năm 2014 đạt 1 HCV, 1 HCB; năm 2013 đạt 3 HCV, 1 HCĐ …” - HLV Vũ Lê Hoàng cho biết.

11 năm gắn bó với bộ môn cử tạ xứ Nghệ là ngần ấy năm những vui – buồn, thuận lợi – khó khăn, thất bại – thành công trải trên đôi vai “người khổng lồ” Vũ Lê Hoàng. Nhưng anh bảo, khó vậy, chứ khó nữa vẫn bền duyên với nghiệp, bởi anh hiểu rằng, khó ấy là khó chung của thể thao tỉnh nhà, trong điều kiện kinh tế còn hạn hẹp. Mặt khác, nghĩ đến những học trò đã một lòng tin tưởng, đồng tâm theo đuổi thể thao cùng mình, anh không nỡ… Nói đến học trò, khuôn mặt cương nghị, tưởng như dữ tợn trong cảm nhận ban đầu ấy bỗng chốc giãn ra, nụ cười tươi sẻ chia những kỷ niệm đầy ấm áp. Nào chuyện em Thắm (VĐV Lê Thị Thắm vừa đạt HCV cử tạ tại Giải vô địch cử tạ Đông Nam Á - PV) đã từng khóc sướt mướt khi lần đầu bước vào phòng tập cử tạ như thế nào; nào chuyện em Sương, em Thu nằng nặc đòi bỏ tập luyện, khiến thầy thương và tiếc VĐV tiềm năng đến rơi nước mắt ra sao; cả chuyện thầy đóng vai chuyên gia tâm lý để “quản” việc yêu đương của học trò ở tuổi “ổi ương” …

Những người đã từng tiếp xúc với HLV Vũ Lê Hoàng ngoài đời, hẳn sẽ nhận ra tình yêu và niềm đam mê của anh dành cho môn cử tạ. Đam mê đến độ, bỏ tiền túi ra mua riêng 1 bộ tạ mấy chục triệu đồng cho học trò tập luyện, rồi hỗ trợ, góp tiền cùng trò mua thuốc thang những khi trò bị chấn thương… Mải mê với nghiệp thể thao, anh lập gia đình khá muộn so với bạn bè đồng lứa. Năm nay 37 tuổi, vẫn long đong thuê nhà gần trung tâm đào tạo để tiện bề đi lại, tập luyện và gần gũi với học trò. Người “khổng lồ” dễ mến ấy cười tươi bảo, đã dấn vào nghiệp thể thao thì niềm đam mê luôn lớn hơn tất thảy…

Phương Chi