Thông tấn xã Việt Nam đón nhận Huân chương Độc lập hạng Nhất

15/09/2015 17:15

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, TTXVN cần tiếp tục tiên phong trong việc thông tin, tuyên truyền một cách chuẩn xác và sinh động về các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, góp phần đưa nhanh các nghị quyết của Đảng, nghị quyết của Quốc hội, các chương trình, kế hoạch hành động của Chính phủ vào cuộc sống; phản ánh kịp thời những tâm tư nguyện vọng của nhân dân, những vấn đề bức thiết đặt ra từ thực tiễn cuộc sống...

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu tại Lễ kỷ niệm 70 năm TTXVN. Ảnh: VGP/Nhật Bắc.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu tại Lễ kỷ niệm 70 năm TTXVN. Ảnh: VGP/Nhật Bắc.

Sáng nay (15/9), Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã tới dự và phát biểu tại Lễ kỷ niệm 70 năm Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) và đón nhận Huân chương Độc lập hạng Nhất. Tham dự Lễ kỷ niệm có nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh, lãnh đạo một số bộ, ngành Trung ương. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân, Bí thư Thành ủy TP. Hà Nội Phạm Quang Nghị đã gửi lẵng hoa chúc mừng.

Phát biểu tại Lễ kỷ niệm, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định, “Trải qua 7 thập kỷ phấn đấu xây dựng và trưởng thành, TTXVN đã luôn đồng hành cùng sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc ta, luôn xứng đáng là kênh thông tin chính thống quan trọng của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta”.

Theo Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, trải qua 2 cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm, các cán bộ, phóng viên, điện báo viên của TTXVN đã có mặt ở hầu khắp các chiến trường, mặt trận, chiến đấu bằng cả ngòi bút, trái tim và cây súng, vượt qua biết bao gian khổ, hy sinh, chuyển phát thông tin, hình ảnh một cách nhanh chóng, khách quan, sôi động về cuộc chiến đấu anh dũng của quân và dân ta.

Tin tức của TTXVN còn là một kênh thông tin quan trọng giúp cho Trung ương có thêm căn cứ chỉ đạo hoạt động trên chiến trường và tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân cả nước và trên thế giới.

Những thông tin nóng hổi từ các mặt trận đã góp phần khơi dậy ý chí quyết tâm chiến đấu, chiến thắng quân xâm lược, giành lại độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, tạo động lực cho các phong trào thi đua sôi nổi ở cả tiền tuyến và hậu phương. Đã có hơn 260 nhà báo TTXVN anh dũng hy sinh, nằm lại trên các chiến trường trong 2 cuộc kháng chiến, chiếm 2/3 số nhà báo liệt sĩ của cả nước, là hiện thân của sự hy sinh cao cả, đóng góp to lớn của TTXVN cho đất nước, cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc ta.

Trong công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ đất nước với nhiều khó khăn, thách thức, TTXVN đã tiếp tục khẳng định vai trò là cơ quan báo chí chủ lực, nỗ lực phấn đấu, vượt qua nhiều khó khăn, thực hiện tốt chức năng là “ngân hàng thông tin” cung cấp cho hệ thống báo chí, công chúng trong và ngoài nước.

Đồng thời làm tốt vai trò định hướng đúng dư luận, tạo sự đồng thuận xã hội, phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn dân, giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong công tác chỉ đạo, điều hành kinh tế-xã hội của đất nước.

Với hệ thống phóng viên trải rộng trên mọi miền của đất nước và đội ngũ phóng viên đông đảo đang thường xuyên hoạt động tại hơn 30 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, cùng nguồn thông tin trao đổi trực tuyến với 42 hãng thông tấn và tổ chức báo chí quốc tế, TTXVN đã trở thành cơ quan báo chí có mạng lưới thông tin rộng nhất, phong phú nhất so với các cơ quan báo chí trong nước.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trao Huân chương Độc lập hạng Nhất cho TTXVN. Ảnh: VGP/Nhật Bắc.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trao Huân chương Độc lập hạng Nhất cho TTXVN. Ảnh: VGP/Nhật Bắc.

Đây là nền tảng vững chắc giúp TTXVN luôn theo sát các sự kiện “nóng” trong nước và quốc tế, cung cấp hàng nghìn tin bài về các vấn đề chính trị, xã hội, kinh tế, văn hóa, thể thao, khoa học-công nghệ, môi trường.

Trong những ngày đấu tranh nóng bỏng bảo vệ lãnh thổ, chủ quyền biển đảo vừa qua, TTXVN đã tăng cường các tuyến tin; nhiều phóng viên đã dũng cảm có mặt tại khu vực Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa để phản ánh tinh thần quả cảm của các chiến sĩ và ngư dân ta, phản ánh kịp thời, trung thực diễn biến tình hình, truyền thông rộng rãi trong nước và trên thế giới, đã nhận được sự đồng tình của nhân dân cả nước và góp phần tranh thủ sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế đối với lập trường đấu tranh chính nghĩa của Việt Nam.

“Thay mặt các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước, thay mặt Chính phủ, tôi ghi nhận, đánh giá cao và nhiệt liệt biểu dương sự trưởng thành vượt bậc và những đóng góp to lớn của TTXVN trong suốt 70 năm qua”, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, phát huy truyền thống cách mạng 70 năm qua, TTXVN cần phấn đấu vượt qua những tồn tại, hạn chế; tiếp tục tiên phong trong việc thông tin, truyên truyền một cách chuẩn xác và sinh động về các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, góp phần đưa nhanh các nghị quyết của Đảng, nghị quyết của Quốc hội, các chương trình, kế hoạch hành động của Chính phủ vào cuộc sống;

Phản ánh kịp thời những tâm tư nguyện vọng của nhân dân, những vấn đề bức thiết đặt ra từ thực tiễn cuộc sống; kịp thời thông tin đấu tranh có sức thuyết phục cao với những quan điểm sai trái, thù địch; bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức và công dân.

Nhiệm vụ trước mắt hết sức quan trọng của TTXVN là thông tin tuyên truyền về Đại hội Đảng các cấp, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, phản ánh ý kiến góp ý của các tầng lớp nhân dân đối với dự thảo văn kiện và báo cáo trình Đại hội, góp phần hiện thực hóa quyền làm chủ của nhân dân trong quá trình xây dựng các chủ trương đường lối của Đảng và Nhà nước ta.

Đồng thời phát huy ưu thế và vai trò hết sức quan trọng là một cơ quan thông tin chính thức của Đảng và Nhà nước, TTXVN cần tiếp tục phấn đấu để có ngày càng nhiều những tác phẩm báo chí mang đậm hơi thở cuộc sống, những bài chính luận, bình luận sắc sảo, có sức lan tỏa mạnh mẽ và rộng khắp, góp phần định hướng đúng đắn dư luận xã hội.

Ngoài ra, Thủ tướng cũng lưu ý, TTXVN cần chủ động ứng dụng tiến bộ của công nghệ thông tin, phát triển nhiều loại hình báo chí trên nền tảng công nghệ tiên tiến, phấn đấu sớm trở thành tổ hợp truyền thông quốc gia đa phương tiện mạnh như định hướng quy hoạch báo chí toàn quốc đến năm 2025 của Bộ Chính trị.

“Để làm được điều này, mỗi người làm báo của TTXVN cần không ngừng nâng cao bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, mở rộng tầm hiểu biết, có phản xạ nghề nghiệp nhạy bén, sẵn sàng dấn thân và làm chủ khoa học công nghệ tiên tiến”, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh thăm phòng thu hình của Truyền hình TTXVN. Ảnh: VGP/Nhật Bắc.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh thăm phòng thu hình của Truyền hình TTXVN. Ảnh: VGP/Nhật Bắc.

Đồng thời, Thủ tướng tin tưởng: “TTXVN sẽ tiếp tục có nhiều đổi mới về mọi mặt, phát huy hiệu quả hơn nữa các nguồn lực để thực sự trở thành một tổ hợp truyền thông quốc gia đa phương tiện mạnh, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, có tầm ảnh và sức cạnh tranh không chỉ trong nước mà cả trong khu vực và quốc tế; luôn xứng đáng với truyền thống tốt đẹp và vẻ vang của mình, xứng đáng với lòng tin yêu của Đảng, Nhà nước và nhân dân”.

Tại buổi Lễ, thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã trao Huân chương Độc lập hạng Nhất cho TTXVN.

Ngày 15/9/1945, từ Đài phát sóng vô tuyến Bạch Mai (Hà Nội), những bản tin đầu tiên của Việt Nam Thông tấn xã (nay là TTXVN) được phát đi trên toàn thế giới, trong đó có toàn văn bản Tuyên ngôn Độc lập và danh sách các thành viên Chính phủ lâm thời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Đây cũng là bản tin đầu tiên đánh dấu sự ra đời một cơ quan thông tấn quốc gia của Nhà nước Việt Nam mới.

Từ một nhóm nhỏ phóng viên, kỹ thuật viên với thiết bị thô sơ trong những ngày đầu mới thành lập, nay TTXVN đã trở thành một hãng thông tấn với hệ thống trang thiết bị tác nghiệp chuyên nghiệp, hiện đại.

Những năm gần đây, TTXVN đẩy mạnh phát triển các loại hình thông tin: Thông tin văn bản, ảnh, truyền hình, đồ họa, phát thanh… quy tụ hơn 60 sản phẩm thông tin thuộc nhiều loại hình báo chí: Báo in, báo điện tử, truyền hình.

Ngoài trụ sở chính ở Hà Nội, TTXVN có Cơ quan tại khu vực miền Trung và Tây Nguyên (trụ sở tại TP. Đà Nẵng), Cơ quan tại khu vực phía Nam (trụ sở tại TPHCM), cùng hệ thống cơ quan thường trú rộng khắp 63 tỉnh, thành phố trong cả nước và 30 cơ quan thường trú ở nước ngoài tại 28 quốc gia ở 5 châu lục trên thế giới.

TTXVN hiện là thành viên Ban Chấp hành Tổ chức Các hãng thông tấn châu Á-Thái Bình Dương (OANA), là thành viên tích cực của Tổ chức Các hãng thông tấn thế giới. TTXVN hiện có quan hệ hợp tác song phương và đa phương với khoảng 40 hãng thông tấn và các tổ chức báo chí lớn trên thế giới.

Theo Chính phủ.vn